Cơ hội rộng mở trong việc nâng cấp quan hệ Australia – Việt Nam

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng – Phạm Đỗ Ân

Với chính phủ mới của tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese, triển vọng nâng cấp quan hệ Australia – Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện là rất tích cực.

Trong nhiệm kỳ cựu Thủ tướng Scott Morrison, Australia từng kỳ vọng thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện – cấp độ cao nhất trong thang đo về quan hệ ngoại giao của Hà Nội. Năm 2019, hai nước công bố Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2020-2023, tập trung vào các trụ cột là hợp tác kinh tế, chiến lược và đổi mới. Vào tháng 12/2021, Canberra và Hà Nội tiếp tục cụ thể hoá mục tiêu chung thông qua việc khởi động Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Australia – Việt Nam, trong đó hai bên hướng tới tăng gấp đôi đầu tư song phương và trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau.

Dưới thời tân Thủ tướng Anthony Albanese, chính sách đối ngoại của Australia có thể có một số điều chỉnh quan trọng, như thúc đẩy can dự của Australia vào Đông Nam Á và củng cố lợi ích của Canberra trong trong quan hệ với Trung Quốc. Riêng trường hợp của Việt Nam, động lực phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì. Có thể thấy, Hà Nội nổi lên như một trong những ưu tiên hàng đầu của Canberra sau chuyến công du đầu tiên của tân Ngoại trưởng Australia Penny Wong tới Việt Nam. Như bà Wong khẳng định, “quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam lấy lòng tin làm nền tảng”. Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh kết nối giữa Hà Nội và Canberra “ngày càng sâu sắc”, trong khi tương lai của hai quốc gia “gắn bó chặt chẽ với nhau”. Ở chừng mực nhất định, thông điệp của bà Wong trong việc củng cố quan hệ hai nước dường như tương đồng với cam kết thúc đẩy hợp tác song phương của cựu Thủ tướng Morrison vào năm 2019.

Hiện tại, tiềm năng thúc đẩy quan hệ Australia – Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, với ưu tiên cho thương mại và đầu tư, là khá rõ rệt. Trong chuyến thăm vừa qua, Ngoại trưởng Wong và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm đưa quan hệ hai bên “đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới”. Trên thực tế, hợp tác kinh tế vẫn giữ vai trò chủ chốt giúp duy trì và củng cố quan hệ song phương. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Australia, trong khi Canberra đứng thứ 10 trong số các bạn hàng của Hà Nội. Bất chấp các tác động của đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 50% vào năm 2021. Hai nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong quý I/2022, với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng thêm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối năm 2021, Australia có 550 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng giá trị đạt khoảng 2 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Australia nhiều loại mặt hàng, hầu hết là thiết bị điện tử, giày dép, máy móc, đồ nội thất, nhiên liệu khoáng sản và trái cây. Trong khi đó, hàng hoá Hà Nội nhập khẩu từ Canberra chủ yếu là than đá, quặng sắt, gia súc và lúa mì. Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong thời điểm nhu cầu của thị trường về năng lượng, hàng tiêu dùng, máy móc và các loại hình dịch vụ chuyên nghiệp ngày càng gia tăng, Hà Nội dần trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng xuất khẩu của Australia. Thông qua nỗ lực thúc đẩy thương mại và đầu tư, Hà NộiCanberra đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của hai nước, từ đó góp phần tăng cường khả năng co giãn của nền kinh tế trong bối cảnh đối mặt với các khủng hoảng toàn cầu, nổi bật là đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga – Ukraine.

Gần đây, Australia và Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quan hệ song phương. Trong tháng 3, hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình Thị thực Nông nghiệp Australia. Hoạt động này giúp tạo điều kiện cho khoảng 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Australia mỗi năm. Vào tháng 6, Hà Nội và Canberra ra mắt Trang thông tin điện tử Trung tâm Việt – Australia, hướng tới mục tiêu “nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam” dựa trên kinh nghiệm và thế mạnh của Australia trên một số lĩnh vực đào tạo.

Ngoài ra, Việt Nam và Australia tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế và tăng cường gắn kết khu vực thông qua một số khuôn khổ đa phương quan trọng, trong đó có Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành, CPTPP đã góp phần mở rộng trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Australia. Không chỉ vậy, với việc Hà Nội có khả năng trở thành một trong số những thành viên hưởng lợi chủ yếu từ RCEP, triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam có thể giúp nâng cao vị thế quốc gia trong quan hệ với Australia. Trong bối cảnh Viêt Nam và Australia đều là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng, hai nước có thể tận dụng thêm không gian hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm thúc đẩy thương mại công bằng, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư cơ sở hạ tầng và chống tham nhũng.

Thông qua việc kiên định với chủ nghĩa đa phương trong hoạt động kinh tế, Việt Nam nỗ lực hoàn thành hai mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phát triển quốc gia là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Về phần mình, Australia cam kết “ủng hộ mạnh mẽ” Việt Nam tham gia vào các thể chế đa phương, bao gồm các cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+). Đồng thời, Canberra khẳng định mong muốn đưa nỗ lực hợp tác cùng có lợi trong các diễn đàn nói trên thành “nền tảng” trong quan hệ song phương. Như vậy, chủ nghĩa đa phương tiếp tục đóng vai trò hạt nhân giúp thúc đẩy quan hệ Australia – Việt Nam.

Là hai cường quốc tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Australia và Việt Nam đều sở hữu tầm quan trọng chiến lược trong toan tính của các cường quốc. Việt Nam – với thế mạnh dựa trên thị trường mới nổi – và Australia – nổi bật bởi ngành công nghiệp phát triển tiên tiến – đóng vai trò quan trọng trong định hướng khu vực của cả Mỹ và Trung Quốc. Thực tế đó tạo điều kiện để Hà Nội và Canberra tăng cường vị thế của mình, đồng thời thắt chặt tính gắn kết trong quan hệ giữa hai cường quốc tầm trung. Trong bối cảnh bế tắc ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc, nhất là khi Canberra nỗ lực đa dạng hóa thị trường trước các hành vi cưỡng ép kinh tế của Bắc Kinh, Việt Nam có thể là mảnh ghép phù hợp trong chiến lược của Australia nhằm củng cố vị thế ở khu vực và tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Canberra đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng có thể hỗ trợ quốc gia này “định hình một khu vực rộng mở, an ninh và đảm bảo tính phục hồi”. Có thể thấy, tương lai của Australia ở Đông Nam Á thuận chiều và gắn bó với việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Trên cơ sở sự trưởng thành của quan hệ song phương, Australia và Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi để nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2018, hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược chỉ 5 tháng trước khi cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull rời nhiệm sở. Cột mốc nói trên đạt được thông qua những nỗ lực lâu dài, phản ánh “mối quan hệ song phương đa dạng và trưởng thành giữa Australia và Việt Nam”. Hiện tại, dù hành trình của Thủ tướng Albanese chỉ mới bắt đầu, Canberra đã cho thấy mối quan tâm và nỗ lực can dự tích cực vào Đông Nam Á. Trong đó, bài phát biểu của Ngoại trưởng Wong tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore hôm 6/7 là một chỉ dấu quan trọng. Với quỹ đạo phát triển tích cực và nỗ lực hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, việc đưa quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện” sẽ là bước đi quan trọng thể hiện sự phát triển đúng tầm của mối quan hệ.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.