Ai sẽ lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc sau Đại hội 20? (P2)

Nguồn: Richard McGregor và Neil Thomas, “The next wolf warriors: China readies new generation of tough diplomats,” Nikkei Asia, 06/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những ứng viên sẽ kế nhiệm Dương Khiết Trì

Cả Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều không có người kế nhiệm rõ ràng, nhưng các quyết định thuyên chuyển nhân sự cấp cao nhất trong những tháng gần đây cho thấy Tập sẽ sử dụng đại hội đảng và việc kết thúc nhiệm kỳ của các quan chức chính phủ để làm sạch bộ máy. Hai ứng viên nặng ký nhất cho những chức vụ ngoại giao hàng đầu hiện đã bị gạt sang bên lề.

Dựa trên thâm niên, cái tên có nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Dương Khiết Trì nhất là Tống Đào, người cho đến đầu tháng 6 vừa qua vẫn giữ chức vụ Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương (ILD), nơi quản lý các thông điệp trao đổi với hơn 500 đảng phái chính trị nước ngoài.

Tập đã củng cố trọng tâm của Bắc Kinh đối với ngoại giao đảng trong khuôn khổ ILD, như một sự bổ sung cho bang giao truyền thống. Ông coi ngoại giao đảng là một cách trực tiếp hơn để tác động đến giới tinh hoa nước ngoài, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc ở nước ngoài.

Tống, 67 tuổi, đủ tiêu chuẩn về độ tuổi để ngồi vào ghế Bộ Chính trị và lại là người có mối quan hệ cá nhân vô giá với Tập, khi từng làm việc dưới quyền ông ở tỉnh Phúc Kiến trong những năm 1980 và 1990.

Tống cũng là một trong số ít các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại ở cấp bộ trưởng, thấp hơn một bậc so với các ủy viên Bộ Chính trị, trong thang thứ bậc hành chính của đảng. Nhưng hồi cuối tháng 6, ông đã được chuyển sang cơ quan tham vấn chính trị của Trung Quốc, một sự thuyên chuyển thường là dấu hiệu của việc sắp nghỉ hưu.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội năm 2010, Dương Khiết Trì nói với các quốc gia Đông Nam Á rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và điều đó đơn giản là sự thật.” © EPA / Jiji

Có lẽ nhà ngoại giao cấp cao nhất còn lại trong cuộc đua giành lấy chiếc ghế của Dương Khiết Trì là Lưu Kết Nhất (Liu Jieyi), Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện – một chức vụ cấp bộ trưởng. Giống như Tống Đào, ông là một trong số 200 thành viên có quyền bỏ phiếu thuộc Ủy ban Trung ương Đảng.

Lưu – người sẽ bước sang tuổi 65 vào tháng 12 – đang nằm trong độ tuổi của các thành viên Bộ Chính trị. Ông cũng có một bản lý lịch ngoại giao vô cùng ấn tượng khi từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Phó Ban ILD, và Trợ lý Ngoại trưởng.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Lưu đã làm việc tại các phái bộ của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York và Geneva, lãnh đạo các vụ của Bộ Ngoại giao chuyên về kiểm soát vũ khí, các tổ chức quốc tế, và Hoa Kỳ. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha.

Việc thăng chức cho Lưu từ cơ quan quản lý vấn đề Đài Loan lên vị trí quan chức ngoại giao hàng đầu sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ, cho thấy Tập tin rằng quan hệ hai bờ eo biển đang xấu đi, và cần phải được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn từ cấp cao nhất. Sự ủng hộ ngày càng tăng của Washington đối với Đài Bắc và sự tự chủ ngày càng lớn của hòn đảo có thể khiến Bắc Kinh sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy mục tiêu thống nhất.

Tống Đào và Lưu Kết Nhất là những ứng viên thích hợp nhất để thay thế Dương Khiết Trì và Vương Nghị. © Reuters

Với kinh nghiệm làm việc trong các thể chế đa phương của Lưu, việc thăng chức cho ông cũng sẽ làm nổi bật sứ mệnh của Tập là vận động các nước đang phát triển bảo vệ Bắc Kinh khỏi sự chỉ trích của phương Tây, cũng như nâng cao ảnh hưởng chuyên chế của Trung Quốc đối với các quy tắc, chuẩn mực, và các tổ chức quốc tế.

Nếu Lưu không kế nhiệm Dương, hoặc nếu vị trí của Dương bị xóa hoàn toàn khỏi Bộ Chính trị, thì ông vẫn là một lựa chọn mạnh mẽ cho vai trò Ủy viên Quốc vụ hoặc trở thành Ngoại trưởng tiếp theo.

Ai sẽ là người kế nhiệm Vương Nghị?

Có một nhóm ứng viên đông hơn, khó đoán hơn, có thể kế nhiệm chức Ngoại trưởng của Vương Nghị. Đầu tiên, Lưu Kết Nhất từng giữ chức vụ mà Vương đã làm trước khi lãnh đạo Bộ Ngoại giao – Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện – nhưng nếu được chọn, ông sẽ trở thành Ngoại trưởng lớn tuổi nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Nhân dân.

Kể từ năm 1982, mọi Ngoại trưởng Trung Quốc đều từng là Thứ trưởng Ngoại giao, làm việc tại Bắc Kinh ngay trước khi được bổ nhiệm, và đều 62 tuổi trở xuống ở thời điểm nhậm chức. Nếu những điều kiện này tiếp tục được áp dụng, hiện đang có ba ứng viên hàng đầu.

Cuộc đua bắt đầu vào tháng 6, khi Bắc Kinh loại bỏ Lạc Ngọc Thành, một chuyên gia về Nga, người là cấp phó đồng thời là người kế nhiệm hàng đầu của Vương, thông qua một quyết định đầy bất ngờ: thuyên chuyển ông về Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia.

Lạc trước đây là một tiếng nói nổi bật ở Bắc Kinh, chuyên thực hiện các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông để chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ, và để lập luận rằng chính sách “ngoại giao chiến lang” là cần thiết cho việc bảo vệ “lợi ích và phẩm giá” của Trung Quốc.

Nếu quyết định bổ nhiệm Lạc Ngọc Thành, một người nói tiếng Nga chứ không phải một người nói tiếng Anh như truyền thống, thì điều này hẳn sẽ giúp củng cố ý định xoay trục của Tập sang Moscow như một đối trọng chiến lược với Mỹ, đối thủ mà Bắc Kinh tin rằng đang cố gắng lôi kéo thế giới chống lại Trung Quốc.

Hiểu biết về Nga đã giúp Lạc có được lợi thế trong giai đoạn hai nước Trung Quốc và Nga, cũng như các nhà lãnh đạo hai bên, đang hợp tác với nhau. Dù không có lý do nào được đưa ra để giải thích quyết định thuyên chuyển, một số nhà bình luận cho rằng Lạc đã bị đổ lỗi cho phản ứng sai lầm của Bắc Kinh trước cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2.

Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu), 58 tuổi, là người có khả năng kế nhiệm Vương Nghị cao nhất, vì ông hiện đã trở thành thứ trưởng ngoại giao cấp cao nhất. Trước đây, Mã đã từng là Đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc ở New York và Geneva, sau khi làm Đại sứ Trung Quốc ở Australia, và giữ nhiều vị trí khác tại Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, và Liên Hiệp Quốc.

Cũng giống như Lưu Kết Nhất, Mã Triêu Húc là một trong những nhà ngoại giao đa phương giàu kinh nghiệm nhất của Bắc Kinh, và việc thăng chức cho ông sẽ củng cố khả năng của Tập để nâng cao sức mạnh của Trung Quốc trong việc định hình các thể chế toàn cầu, và bảo vệ lập trường của họ về các vấn đề như biến đổi khí hậu, các ưu tiên phát triển, và yêu sách lãnh thổ.

Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành (trái); Thứ trưởng Ngoại giao Mã Triêu Húc; Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong Tạ Phong; và Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Đặng Lý. © Reuters.

Dù thường tỏ ra là người điềm đạm, Mã vẫn thể hiện mình cũng có năng khiếu ngoại giao cứng rắn. Sau khi Bắc Kinh bỏ tù người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba vì các hoạt động dân chủ của ông, thì vào năm 2010, Mã đã tuyên bố rằng “không có người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.”

Nếu Mã được thăng chức, Trung Quốc sẽ có một bộ trưởng ngoại giao có kinh nghiệm làm việc với phương Tây. Kết hợp với việc giáng chức Lạc Ngọc Thành, điều đó có thể gợi ý rằng Tập đang thận trọng hơn trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh.

Bất chấp tất cả vẻ tự tin bên ngoài của Trung Quốc, Tập biết nước mình cần công nghệ và thị trường của phương Tây, chí ít là vào thời điểm hiện tại.

Hai ứng viên còn lại là Tạ Phong (Xie Feng), 58 tuổi và Đặng Lý (Deng Li), 57 tuổi. Tạ từng làm việc dưới quyền Dương Khiết Trì tại đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ của Bắc Kinh ở Indonesia và Hong Kong. Trong khi đó, Đặng là một chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi, với chức vụ gần nhất là Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Những lựa chọn ngoài ngành ngoại giao

Sự tuân thủ chặt chẽ đáng ngạc nhiên của Tập đối với các quy định nhân sự tại đại hội đảng vừa qua khiến các thứ trưởng ngoại giao hiện tại trở thành lựa chọn khả dĩ cho chức vụ ngoại giao hàng đầu. Tuy nhiên, ông vẫn có thể chọn một quan chức có ít kinh nghiệm đối ngoại hơn, nhưng đã từng làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của ông trong các cơ quan hàng đầu của đảng.

Ứng viên ngoài ngành nặng ký nhất là Lưu Hải Tinh (Liu Haixing), 59 tuổi, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, cơ quan cấp cao mà Tập đã tạo ra để điều phối phản ứng của Bắc Kinh trước các mối đe dọa trong và ngoài nước.

Giống như Tập, Lưu cũng là con trai của một quan chức cấp cao. Cha của ông là Thứ trưởng Ngoại giao vào thập niên 1980, điều này có lẽ đã giúp ích cho sự nghiệp của ông trong bộ, nơi trước đây ông từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng.

Ngựa ô thứ hai là Đặng Hồng Ba (Deng Hongbo), 57 tuổi, một người được Dương Khiết Trì bảo trợ, hiện đang là cấp phó của ông trong văn phòng CFAC. Đặng là một chuyên gia về Mỹ, người đã dành tám năm trong thập niên vừa qua với tư cách là nhân vật số 2 của Trung Quốc tại Washington, sau thời gian làm Đại sứ tại Kenya và Đại diện tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Nairobi.

Thăng chức cho Lưu Hải Tinh, hay Đặng Hồng Ba, lên làm lãnh đạo Bộ Ngoại giao sẽ là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng việc tuân phục Tập và chương trình nghị sự của ông là điều quan trọng duy nhất đối với các nhà ngoại giao của Trung Quốc.

Hoa Xuân Oánh đã nổi lên vào năm 2019 với một bài luận cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc “thiếu tinh thần chiến đấu.” © Reuters

Tập cũng có khả năng sẽ thể hiện chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Trung Quốc bằng cách thăng chức cho các “chiến lang” hàng đầu như Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) và sếp của ông ta là Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), những người đã nổi lên vào năm 2019 với một bài luận cho rằng một số nhà ngoại giao Trung Quốc “thiếu tinh thần chiến đấu.”

Như Peter Martin đã chỉ ra trong cuốn sách của mình, đúng là các nhà ngoại giao Trung Quốc luôn có một cảm giác “chiến lang”, dù trước đây nanh vuốt của họ thường chỉ được trưng ra sau những cánh cửa đóng kín.

Năm 2010, Dương Khiết Trì đã có ‘bài giáo huấn’ các quốc gia Đông Nam Á tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội, nhắc nhở họ rằng “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ, và điều đó đơn giản là sự thật.”

Dương đã nhiều lần lớn tiếng trong những cuộc gặp riêng tư với người Nhật, vì phía Nhật đã không tỏ ra hối hận về những lần xâm lược Trung Quốc trong quá khứ. Và vào đầu năm ngoái, ở Alaska, khi máy quay đang chĩa vào mình, trong một động thái được hoan nghênh nhiệt liệt ở quê nhà, ông đã ‘thuyết giảng’ cho Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, về những thất bại của nền dân chủ và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Năm 2016 tại Ottawa, Vương Nghị trả lời một nhà báo Canada đã hỏi ông về nhân quyền rằng câu hỏi “vô trách nhiệm” của cô “chứa đầy sự kiêu ngạo” và “thành kiến.” © AP

Vương Nghị cũng có những lần bộc phát. Năm 2016 tại Ottawa, ông đã đùng đùng nổi giận với một nhà báo Canada dám hỏi ông vấn đề nhân quyền, nói rằng câu hỏi “vô trách nhiệm” của cô “chứa đầy sự kiêu ngạo” và “thành kiến.”

Thái độ quyết đoán như vậy giờ đây có thể trở thành tiêu chuẩn, chứ không còn là ngoại lệ trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Thách thức phía trước

Đội ngũ lãnh đạo ngoại giao mới của Trung Quốc có thể sẽ dựa vào mối quan hệ của Trung Quốc với Nga, và việc nước này thúc đẩy vị trí lãnh đạo trong thế giới phi phương Tây, một lập trường chắc chắn sẽ gây ra cạnh tranh chiến lược với Mỹ và các đồng minh.

Họ sẽ tăng cường bảo vệ Bắc Kinh về vấn đề mô hình chính trị và yêu sách lãnh thổ, đồng thời tận dụng ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của đất nước làm công cụ cưỡng chế trong chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, ngay cả những chiến lang hung dữ nhất cũng vẫn phải tuân theo chỉ thị của chủ tịch nước.

Dấu hiệu chân thực nhất về suy nghĩ của Tập sẽ xuất hiện trong bài báo cáo mà ông trình bày vào ngày đầu tiên của đại hội đảng, một thông điệp sẽ được che đậy bằng nhiều lớp thuật ngữ ý thức hệ, nhưng vẫn báo hiệu định hướng chung của chính sách đối ngoại trong vòng 5 năm tới.

Hướng dẫn định hướng chính sách gần đây nhất đã được đưa ra vào tháng 11, khi đảng ban hành một “nghị quyết lịch sử” với thẩm quyền cấp cao, một tài liệu hiếm giúp tăng cường sự lãnh đạo của Tập và thể hiện chủ trương tiếp tục duy trì ngoại giao quyết đoán.

Tại Alaska vào năm 2021, khi máy quay đang chĩa vào mình, Dương Khiết Trì đã ‘dạy bảo’ Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, về những thất bại của nền dân chủ và chính sách đối ngoại của Mỹ, và nhận được sự tán thưởng lớn ở quê nhà. © Reuters

Nghị quyết lưu ý về “những rủi ro bên ngoài chưa từng có tiền lệ,” nhưng nói rằng Trung Quốc “không thể bị đánh lạc hướng hoặc bị đe dọa” bởi kẻ thù nước ngoài, vì “thỏa hiệp để đạt được mục đích của mình sẽ chỉ dẫn đến những hoàn cảnh nhục nhã hơn.”

Tài liệu đặc biệt ca ngợi các hành động của Tập đối với Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương, và Tây Tạng, cũng như ở “vùng lãnh hải,” một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục phớt lờ chỉ trích nước ngoài và thúc đẩy các chính sách gây tranh cãi của mình.

Báo cáo của Tập cũng có thể báo hiệu một sự thay đổi về ý thức hệ rõ ràng hơn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vì nghị quyết nói rằng dưới quyền Tập, đảng đã “tạo ra sự thay đổi lớn, có lợi cho chủ nghĩa xã hội trong quá trình tiến hóa lịch sử trên toàn thế giới” và trong “cuộc cạnh tranh” với chủ nghĩa tư bản.

Tất cả những gợi ý trên đều cho thấy Bắc Kinh sẽ hướng nhiều hơn vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và phương Tây, bên có thể tiến hành đối trọng lại và phân tách xa hơn khỏi Trung Quốc, gây căng thẳng lớn hơn cho nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng dài hạn của nước này.

Trong trường hợp xấu nhất, căng thẳng có thể bùng phát thành chiến tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tập sẽ cần một nhóm các nhà ngoại giao tài năng để giải quyết vấn đề đó.

Richard McGregor là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Lowy ở Sydney.

Neil Thomas là chuyên gia phân tích Trung Quốc của Eurasia Group ở Washington D.C.