Nhà nước cảnh sát mới của Putin

Nguồn: Andrei Soldatov và Irina Borogan, “Putin’s New Police State,” Foreign Affairs, 27/07/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong bóng tối của chiến tranh, FSB đang áp dụng các phương pháp của Stalin.

Kể từ mùa xuân năm 2022, một thế lực mới đáng sợ đã bắt đầu lan tràn khắp xã hội Nga. Các nhà hoạt động phản đối “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine đang bị vây bắt. Những người phản đối chế độ, và thậm chí cả những công dân bình thường nhưng có quan hệ không được phép với nước ngoài, đang bị tống vào nhà tù Lefortovo ở Moscow, nơi mà dưới thời Stalin, các tù nhân chính trị đã bị tra tấn và hành quyết. Các sĩ quan biên phòng đặc biệt đã thẩm vấn và đe dọa những người Nga đang cố gắng rời đi hoặc quay trở lại. Nhưng ngay cả những người đã trốn thoát cũng không được an toàn. Những người lưu vong dám lên tiếng công khai đang bị điều tra, và người thân của họ ở Nga đang bị chế độ sách nhiễu. Trong khi đó, lực lượng bảo an đang truy quét các công ty Nga thu mua nguyên liệu thô và máy móc nước ngoài, thay vì sử dụng sản phẩm trong nước.

Khi cuộc chiến ở Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin bước sang tháng thứ sáu, bộ máy an ninh của Điện Kremlin đã chứng kiến một sự thay đổi đáng kể, tập trung vào cơ quan thân cận nhất với Putin: Tổng cục An ninh Liên bang Nga, hay còn gọi là FSB. Trong giai đoạn đầu của chiến tranh, Điện Kremlin đã lên kế hoạch sử dụng FSB chủ yếu ở Ukraine, như một lực lượng đặc nhiệm giúp đảm bảo một cuộc chinh phục nhanh chóng của Nga. Theo kế hoạch, các xe tăng Nga lăn bánh vào Ukraine sẽ dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Kyiv, và một ban lãnh đạo mới thân Moscow, được gián điệp của FSB bảo trợ, sẽ lên nắm quyền kiểm soát đất nước. Vào thời điểm đó, nhánh tình báo nước ngoài của FSB – Cục 5 – là những người đảm đương nhiệm vụ này. Đây là cơ quan chính duy nhất, trong số hàng chục cơ quan của FSB, trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc chiến.

Tuy nhiên, khi kế hoạch thất bại, Putin đã tạo ra một sứ mệnh khác, toàn diện hơn cho FSB: tổng cục an ninh sẽ đi đầu trong nỗ lực chiến tranh tổng lực của Nga tại quê nhà, cũng như các hoạt động tình báo của nước này ở Ukraine. Và mọi nhánh của tổ chức đều sẽ phải tham gia. Cơ quan chống khủng bố, cơ quan phản gián, và cơ quan điều tra của FSB hiện đang điều hành các cuộc đàn áp mới ở Nga. Trong khi đó, các lực lượng đặc nhiệm và cơ quan phản gián quân đội đang tiến hành các hoạt động nhắm vào nhân sự Ukraine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và xa hơn nữa, tuyển dụng các đặc vụ Ukraine, và xử lý những người mà FSB muốn đem ra truy tố trong các phiên tòa ‘trình diễn.’ Các đặc vụ FSB giờ đang đóng tại vùng biên giới của Nga và Cơ quan An ninh Kinh tế, vốn thường được coi là bộ phận tham nhũng nhất của FSB, đang thực thi các chính sách kinh tế của Nga một cách mạnh mẽ. Tại trụ sở của FSB nằm ở Quảng trường Lubyanka, Moscow, đội ngũ nhân viên đã được thông báo phải chuẩn bị cho những chuyến công tác kéo dài 3 tháng tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Khi FSB vươn lên dẫn đầu một bộ máy nhà nước quan liêu ngày càng hoang tưởng, và được an ninh hóa, sự thay đổi này có tác động sâu sắc tới bản chất sự cai trị của Putin. Trái ngược với hình ảnh một cơ quan chủ yếu chỉ làm công việc giám sát trong những năm trước đó, FSB nay trở thành cánh tay đắc lực của một nhà nước ngày càng tàn nhẫn. Với việc thọc sâu vào xã hội trong nước, các vấn đề đối ngoại và quân đội, FSB dần dần không còn giống với cơ quan tiền thân của nó thời Xô-viết, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB). Giờ đây, nó mang hình bóng của một tổ chức còn đáng sợ hơn nhiều: Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD), lực lượng cảnh sát mật khét tiếng của Stalin, những kẻ đã tiến hành các cuộc thanh trừng lớn hồi thập niên 1930 và duy trì kỷ luật sắt đối với xã hội Nga trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh.

Cánh tay dài của Lubyanka

Không khó để tìm ra những dấu hiệu cho thấy chiến lược của FSB đang thay đổi. Một ví dụ là chiến thuật của tổ chức này đối với các nhà báo và các thành viên của phe đối lập chính trị. Trước đây, FSB chỉ đơn giản theo dõi các nhà báo chỉ trích chính phủ và khuyến khích họ rời khỏi đất nước. Ngay cả khi Ivan Safronov, cựu nhà báo chuyên đưa tin mảng quân sự cho nhật báo Kommersant của Nga, bị bắt vì tội phản quốc vào mùa hè năm 2020, hành động đó vẫn được hiểu là một thông điệp gửi đến những người khác: ngừng ngay việc viết về những vấn đề nhạy cảm, còn không thì hãy rời khỏi đất nước. Một năm sau đó, nhiều nhà báo Nga đã bị chính phủ đưa vào danh sách điệp viên nước ngoài nhưng không bị bắt giữ, và nhiều người trong số họ đã quyết định sống lưu vong. Cuộc di cư này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến ở Ukraine, khi hàng trăm nhà báo và nhà hoạt động Nga chạy trốn ra nước ngoài.

Tuy nhiên, kể từ mùa xuân, FSB đã đặt mục tiêu đảo ngược dòng người di cư. Ví dụ, hai tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, cơ quan này đã cho phép chính trị gia đối lập nổi tiếng Vladimir Kara-Murza đến Nga. Trong nhiều năm, Kara-Murza đã di chuyển liên tục giữa Mỹ, châu Âu, và Nga, kêu gọi trừng phạt nhắm vào các tay chân của Putin. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, ông đã lo sợ rằng Điện Kremlin sẽ cấm mình nhập cảnh vào Nga. Nhưng vào tháng 4, Kara-Murza bay đến Moscow và đã được cho vào – chỉ để bị tống vào tù và bị giam giữ cho đến nay, vì tội tung tin giả về chiến tranh. Sang tháng 7, một chính trị gia đối lập khác, Ilya Yashin, cũng bị bắt với cáo buộc tương tự. Sau khi Alexei Navalny bị bắt và bỏ tù – khi ông trở về Nga vào tháng 08/2021 – Yashin là nhân vật đối lập nổi bật nhất; nhưng giờ đây, giống như Navalny và Kara-Murza, ông đã bị bắt nhốt và bị bịt miệng.

Đây hoàn toàn không phải là tình cờ. Kể từ tháng 05/2022, FSB đã liên tục đến gặp các gia đình của những người Nga lưu vong để truyền tải thông điệp rằng chính phủ Nga sẵn sàng chào đón họ trở về. Cũng có nguồn tin cho rằng, các chuyên gia công nghệ thông tin Nga đã rời khỏi đất nước khi chiến tranh nổ ra rồi sau đó trở về hiện đã bị triệu tập đến trụ sở FSB và bị thẩm vấn: cơ quan này đang tìm kiếm thông tin về những người Nga lưu vong ở nước ngoài. Thay vì ép buộc người Nga ra nước ngoài, nơi họ có thể phát động các phong trào đối lập, chế độ đã quyết định rằng tốt hơn hết, nên giữ họ dưới sự giám sát chặt chẽ ở Nga – một cách tiếp cận được Điện Kremlin sử dụng lần gần đây nhất là trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.

Đồng thời, FSB cũng trở nên táo bạo hơn trong việc truy đuổi các nhà báo và những người đã sống lưu vong từ rất lâu. Về mảng này, chúng tôi xin chia sẻ trải nghiệm của chính mình: vào tháng 3, bộ phận an ninh nội bộ của FSB đã khởi tố hình sự một người trong chúng tôi, Andrei Soldatov, với tội danh tung tin giả về chiến tranh, một tội danh có khung hình phạt lên đến 10 năm tù. Các tài khoản ngân hàng của Soldatov ở Nga đã bị phong tỏa, và chính phủ Nga đã ban hành một lệnh truy nã quốc tế chính thức để bắt giữ và dẫn độ ông ấy về Nga. Số lượng các nhà báo Nga bị đe dọa với những cáo buộc tương tự đang ngày càng tăng lên. Và vì hầu hết họ đều đã sống lưu vong, cáo trạng hình sự có nghĩa là người thân của họ ở Nga sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực.

Không kém phần gay cấn là cuộc đàn áp ngày càng dữ dội của FSB đối với các nhà khoa học, luật sư, và những người Nga khác tham gia vào các hoạt động mà chế độ cho là đáng nghi. Những nỗ lực của cơ quan này nhằm quấy rối và đe dọa các nhà khoa học Nga cộng tác với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài không phải là mới. Nhưng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, FSB đã trở nên hung hăng hơn rất nhiều. Ngày 30/06, cơ quan này đã có hành động cực đoan chống lại Dmitry Kolker, Giám đốc Phòng thí nghiệm Quang học Lượng tử tại Đại học Nhà nước Novosibirsk, cáo buộc ông phạm tội phản quốc vì đã cố ý chia sẻ bí mật quốc gia với Trung Quốc. (Ông từng tham gia chương trình trao đổi giảng dạy tại Trung Quốc.) Dù Kolker đang nằm trong bệnh viện với căn bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn 4, FSB vẫn đến bắt giữ và đưa ông về nhà tù Lefortovo, nơi nhà khoa học này qua đời ba ngày sau đó. Nhiều người Nga đã bị sốc, nhưng đây không phải là một sự cố cá biệt. Một ngày trước khi Kolker bị bắt, FSB đã bỏ tù Dmitry Talantov, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, người đã bào chữa cho Safronov, nhà báo bị FSB cáo buộc tội phản quốc. Bây giờ chính Talantov đang phải đối mặt với tội tung tin giả về chiến tranh.

Ngay cả các lĩnh vực chính của nền kinh tế Nga cũng phải chịu áp lực từ FSB. Một ví dụ là hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia. Kể từ tháng 6, cùng với FSB, cơ quan giám sát tài chính Nga đã tiến hành điều tra các phòng khám y tế trên toàn quốc về việc kê đơn các loại thuốc của phương Tây thay vì thuốc của Nga. Chiến dịch được giới thiệu trước công chúng là nhằm “triệt hạ âm mưu của các công ty dược phẩm nước ngoài bán thuốc của họ thông qua các bác sĩ Nga.” Điện Kremlin cũng đã yêu cầu FSB điều tra các quan chức không chấp hành việc sử dụng các sản phẩm của Nga, như công nghệ thông tin, thay thế cho sản phẩm nước ngoài.

Các cuộc thanh trừng của FSB cũng đã bắt đầu nhắm đến tầng lớp tinh hoa Nga, bao gồm cả chính các quan chức an ninh cấp cao. Vào tháng 7, ba vị tướng hàng đầu trong Bộ Nội vụ bị bắt vì tội tham ô; hoạt động này được coi là một thông điệp gửi thẳng đến bộ trưởng nội vụ, hãy coi chừng – không một ai hoàn toàn an toàn trong tình trạng an ninh mới này. Đây chỉ là vụ việc mới nhất trong chuỗi hoạt động thanh trừng nhắm vào các nhân vật như Oleg Mitvol, cựu tỉnh trưởng Moscow và là người có quan hệ rộng, hoặc Vladimir Mau, một nhà kinh tế hàng đầu của Nga, người thân cận với nhóm tự do trong chính phủ, đồng thời là người đứng đầu Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân, cơ sở chủ chốt đào tạo quan chức của đất nước. Mitvol bị tống vào tù, còn Mau bị quản thúc tại gia – những sự kiện đã khiến giới tinh hoa tài chính ở Moscow lo lắng.

Nhưng thay đổi đáng chú ý nhất về chiến thuật của FSB là ở Ukraine. Trước chiến tranh, vai trò của FSB chủ yếu là tuyển dụng các chính trị gia Ukraine. Giờ đây, cơ quan này đang tiến hành một chiến dịch khổng lồ nhằm bắt giam một lượng lớn người Ukraine ở Nga và trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Ukraine. Nhiệm vụ chính của chiến dịch này không phải để vạch trần những kẻ khủng bố Ukraine, như tuyên bố chính thức của FSB. Thay vào đó, từ một số lượng lớn người Ukraine, FSB sẽ tuyển dụng điệp viên và gửi họ trở lại Ukraine, hoạt động theo lệnh của tổ chức. FSB cũng không bỏ qua cuộc truy đuổi tàn nhẫn các nhân viên tình báo Ukraine, cũng như các đơn vị đã bảo vệ nhà máy thép Azovstal trong cuộc bao vây kéo dài 82 ngày của Nga hồi mùa xuân. Cùng với những người Nga bị buộc tội phản quốc, những nhân vật Ukraine quan trọng này đã bị đưa đến Nhà tù Lefortovo.

Trở về thời Liên Xô

Vai trò mới sâu rộng của FSB đặt ra những câu hỏi lớn hơn về chế độ của Putin. Suốt nhiều năm, ai cũng biết rằng Putin đã xây dựng bộ máy an ninh của mình một phần dựa theo mô hình hoạt động của các cơ quan Liên Xô, bao gồm cả các hoạt động của KGB, nơi tổng thống Nga đã làm việc gần 16 năm. Trong phần lớn thời gian cầm quyền của Putin – và đặc biệt là trong 5 năm qua, khi ông tìm cách củng cố chế độ của mình – mô hình KGB trở nên có lý. Trong những thập niên cuối của thời Xô-viết, mặc dù rất mạnh, nhưng KGB vẫn là một tổ chức tương đối nhỏ và ưa thích cách tiếp cận nhẹ nhàng đối với quyền kiểm soát. Cơ quan này theo dõi và giám sát tất cả mọi người, từ công nhân nhà máy đến các diễn viên múa ba lê, nhưng KGB không tìm cách thực hiện các vụ bắt giữ hoặc thanh trừng quy mô lớn. Thay vào đó, nó dựa vào các hình thức đe dọa tinh vi có thể khiến mọi người phải quy phục mà không cần đàn áp hàng loạt.

Trong các khía cạnh khác, KGB cũng được định hình bởi nền chính trị của thời kỳ hậu Stalin. Thay vì được kiểm soát bởi một nhà lãnh đạo tối cao duy nhất, nó là một bộ máy quan liêu báo cáo cho Đảng Cộng sản. Và dù cơ quan này có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng nó gần như vô hình: các sĩ quan KGB ghét mặc quân phục, thay vào đó, họ chuộng những bộ vest xám. KGB cũng đầu tư mạnh mẽ vào quan hệ công chúng, tài trợ sách và phim quảng bá hình ảnh của cơ quan này như một tổ chức chính phủ trí thức nhất trong cả nước – tổ chức duy nhất có thể chống tham nhũng một cách hiệu quả.

Trong 15 năm cầm quyền đầu tiên, Putin phụ thuộc vào FSB nhưng cố gắng tạo khoảng cách giữa nó với KGB. Ông muốn FSB trở thành lực lượng phản ứng nhanh của mình, nhanh chóng mang đến ông giải pháp cho các vấn đề chính trị, ở cả bên trong và bên ngoài nước Nga. Nhưng sau khi FSB liên tục khiến ông phải thất vọng – không thể đưa ra cảnh báo về các cuộc cách mạng màu, các cuộc biểu tình ở Moscow, và cuối cùng là cách mạng Maidan ở Kyiv năm 2014 – Putin đã thay đổi nguyên tắc của mình. Thay vì để FSB hoạt động như một lực lượng phản ứng nhanh, ông đã sửa đổi nhiệm vụ của tổ chức thành một thứ gì đó gần hơn với KGB. Ông đã biến nó thành một công cụ tạo ra ổn định chính trị bằng cách đe dọa người dân Nga, bao gồm cả giới tinh hoa. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy Putin một lần nữa đang chuyển hướng. Thay vì KGB của thập niên 1970 và 1980, FSB ngày càng giống với cơ quan mật vụ của Stalin, NKVD, nhằm mục đích kiểm soát toàn bộ người dân Nga ở mức độ lớn hơn nhiều.

Con quái vật của Putin

NKVD của Stalin – với tên chính thức là Bộ Dân ủy Nội vụ – là một con quái vật thực sự. Stalin đã chủ ý thiết kế để bộ này giám sát các cơ quan cực kỳ đa dạng và cực kỳ khác biệt của nhà nước Liên Xô, bao gồm hệ thống đường sắt quốc gia, chương trình hạt nhân của Nga, và việc ám sát kẻ thù của Stalin ở nước ngoài. NKVD chịu trách nhiệm về lực lượng cảnh sát, hoạt động gián điệp, đàn áp chính trị, và Gulag (hệ thống trại lao động cưỡng bức rộng lớn của Liên Xô), cũng như ngành công nghiệp xây dựng, và thậm chí cả các tiện ích công cộng. Để tiến hành đàn áp nội bộ, NKVD đã xây dựng một mạng lưới đại diện trên khắp đất nước: muốn xử lý số lượng công việc lớn như vậy cần phải có một bộ máy quản lý an ninh khổng lồ.

NKVD cũng được quân sự hóa rất nhiều. Các sĩ quan NKVD không chỉ mặc quân phục và mang quân hàm, mà cơ quan này còn có các đơn vị quân đội riêng được trang bị vũ khí hạng nặng như xe tăng và máy bay. Vào cuối những năm 1930, khi chiến tranh gần như chắc chắn sẽ nổ ra ở châu Âu, Stalin đã đặt đất nước vào giai đoạn chuẩn bị cho chiến sự, bắt đầu từ bộ máy quan chức an ninh của ông ta. Một khi cuộc chiến bắt đầu, quân đội NKVD đã dựng trại ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ba Lan và Baltic để tìm ra những kẻ gây rối và tuyển dụng đặc vụ. NKVD cũng được giao phụ trách một chiến dịch đưa những người Nga lưu vong trở về đất Nga khi chiến tranh kết thúc. Đây là những người đã trốn khỏi nước Nga Xô-viết, và nhiều người trong số họ đã bị thuyết phục quay trở lại – chỉ để rồi bị giam giữ trong các trại của Stalin. Theo cách này và nhiều cách khác, NKVD được thiết kế dành riêng cho một chế độ thường xuyên xảy ra chiến tranh: với những kẻ thù chính trị của chính nó, với những ‘đồng chí’ cũ ở trong và ngoài nước, cũng như với phương Tây. Và điều khiến NKVD trở nên vô cùng mạnh mẽ – và đáng sợ – là nó chỉ báo cáo cho một mình Stalin, không phải cho Đảng Cộng sản hay cho chính phủ Liên Xô.

Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, bộ máy an ninh đang thay đổi nhanh chóng của Putin ngày càng giống với cơ quan tiền nhiệm thời Stalin. Việc quân sự hóa FSB, thiết lập các trại tuyển dụng mới, sử dụng các chiến thuật ngày càng công khai và tàn bạo, tất cả đều cho thấy rằng Putin đang xem xét kỹ hơn cách tiếp cận của NKVD – một cơ quan được nhào nặn bởi một nhà nước toàn trị trong thời chiến. Và một cuộc chiến kéo dài là điều mà Điện Kremlin đang chuẩn bị cho nước Nga.

Andrei Soldatov là một nhà báo điều tra, đồng thời là Đồng sáng lập và Tổng Biên tập của Agentura.ru, một trang tin chuyên giám sát các hoạt động của cơ quan mật vụ Nga.

Irina Borogan là một nhà báo điều tra, đồng thời là Đồng sáng lập và Phó Tổng Biên tập của Agentura.ru.

Cả hai là đồng tác giả của cuốn sách “The Compatriots: The Brutal and Chaotic History of Russia’s Exiles, Émigrés, and Agents Abroad.”