Nguồn: Jim O’Neill, “The UK needs a coherent economic strategy,” Financial Times, 24/07/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các thành viên Đảng Bảo thủ phải chọn ra một nhà lãnh đạo có thể mang đến giải pháp sáng tạo hơn cho vấn đề về năng suất.
Vậy là đã hơn 12 năm kể từ khi Đảng Bảo thủ giành lại quyền lực. Trong lúc các thành viên của đảng này cân nhắc về nhà lãnh đạo thứ tư của mình, đất nước đang khẩn thiết mong đợi sự lựa chọn của họ – thủ tướng tiếp theo – sẽ có tầm nhìn đáng tin cậy trong việc giải quyết những thách thức to lớn.
Hai ứng viên của vòng bỏ phiếu cuối cùng, Liz Truss và Rishi Sunak, phải suy nghĩ về cách họ vạch ra một con đường có tính xây dựng hơn cho Vương quốc Anh so với những gì đã được thực hiện sau sự tàn phá kinh tế của khủng hoảng tài chính năm 2008 – vốn là nền tảng cho chiến thắng bầu cử của Đảng Bảo thủ hai năm sau đó.
Từ đó đến nay, tổng sản phẩm quốc nội của Anh vẫn ở mức đáng thất vọng, dù không đến nỗi tuyệt vọng. Lĩnh vực việc làm chứng kiến tăng trưởng khả quan một cách đáng ngạc nhiên, ngay cả khi phần lớn đều thuộc nhóm công việc được trả lương thấp. Nhưng nó cũng không mang lại năng suất cao – tốc độ tăng trưởng năng suất hàng năm chỉ bằng khoảng một phần ba so với 15 năm trước. Trừ khi chúng ta lặp lại việc mở rộng lực lượng lao động Anh, hoặc năng suất tăng lên đáng kể, tốc độ tăng trưởng của đất nước sẽ nhanh chóng chậm lại.
Một trong những vấn đề là khi chúng ta bỏ phiếu cho Brexit, việc “giành lại quyền kiểm soát” từ tay Brussels cũng đồng nghĩa với việc mất quyền kiểm soát lực lượng lao động. Sự kết thúc của việc tự do di chuyển, vốn càng trầm trọng hơn kể từ thời Covid-19, đã khiến số lượng công việc bị bỏ trống tăng cao. Nếu không có tăng trưởng năng suất, các đòn bẩy của chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Hiện tại, vai trò có tính xây dựng duy nhất của chính sách tiền tệ là điều chỉnh lạm phát, có nghĩa là cố ý làm giảm cầu và theo đó là tăng trưởng kinh tế theo chu kỳ trong ngắn hạn. Nếu không có điều này, thách thức tăng trưởng dài hạn sẽ còn khó khăn hơn nữa.
Chính sách tài khóa có thể đóng một vai trò rộng lớn hơn, nhưng thủ tướng sắp tới cần suy nghĩ cẩn thận về điều nên làm. Việc cắt giảm thuế, chủ đề chính của chiến dịch tranh cử, phải được đánh giá xem liệu nó sẽ thúc đẩy cầu hay cung theo chu kỳ. Trong hoàn cảnh hiện tại, hậu quả gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Vậy đâu là lý do cho những quyết định cắt giảm thuế ngay lập tức, mà hầu hết các ứng viên lãnh đạo ủng hộ? Những quyết định đó sẽ chỉ hợp lý nếu chúng được chứng minh là có thể làm tăng cung hoặc năng suất. Và ngay cả khi đó, vẫn còn một câu hỏi đặt ra: liệu có thể chấp nhận cái giá của chúng trong tình cảnh hiện tại, khi xét đến những thách thức xã hội rộng lớn hơn.
Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy cắt giảm thuế doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đầu tư. Đúng là chúng sẽ làm tăng thu nhập của các công ty, như chúng đã làm trong 15 năm qua, nhưng điều này không dẫn đến khoản đầu tư cao hơn. Thật vậy, một trong những mối quan tâm lớn hơn của tôi trong thời kỳ hậu khủng hoảng là không còn có thể áp dụng nhiều quy tắc của kinh tế học truyền thống nữa. Lợi nhuận doanh nghiệp cao, cùng với lãi suất thấp, là công thức để gia tăng đầu tư, theo sách vở. Nhưng gần đây, chúng lại chuyển hóa thành lợi nhuận cho cổ đông và ban giám đốc điều hành. Câu hỏi hóc búa này chính là trọng tâm trong vấn đề năng suất và mức lương thực tế thấp vẫn đeo bám nền kinh tế Anh bấy lâu nay.
Điều mà chính sách tài khóa nên làm là thúc đẩy năng suất, thay vì thúc đẩy cầu. Việc này có thể được thực hiện bằng cách khuyến khích đầu tư vào các doanh nghiệp thực sự chấp nhận rủi ro (chẳng hạn như quỹ đầu tư mạo hiểm) và khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần thiết. Nó cũng đòi hỏi một cách tiếp cận sáng tạo hơn hơn đối với chi tiêu của chính phủ.
Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính và nhiều khả năng sẽ trở thành lãnh đạo, từng áp dụng chính sách chỉ cho vay để đầu tư trong giai đoạn trước đại dịch, nhưng hiện tại, đất nước cần chính phủ hành động mạnh mẽ hơn. Để đối phó với rủi ro từ bệnh truyền nhiễm, các thách thức giáo dục, sự mất cân bằng khu vực, nhu cầu nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng khổng lồ, một chính phủ đầy tham vọng sẽ cần tăng mức đầu tư theo kế hoạch một cách rất minh bạch – để cho phép thị trường tài chính đánh giá khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Bên cạnh chính sách tiền tệ và tài khóa, chủ nhân mới của số 10 Phố Downing cần thành tâm hơn trong việc biến mục tiêu xây dựng “nước Anh toàn cầu” và nâng tầm quan trọng của chúng ta thành hiện thực. Thứ nhất, nước Anh cần nắm giữ một vai trò đáng tin cậy, độc lập hơn trên thế giới – nếu không chúng ta sẽ ngày càng phụ thuộc vào người Mỹ.
Thứ hai, trừ khi chính phủ chịu tập trung nghiêm túc vào tình hình mất cân bằng khu vực nghiêm trọng ở Anh, họ sẽ chẳng thể nhận được sự tôn trọng từ các khu vực đang bất mãn. Đối đầu nội bộ không được phép xuất hiện trong tên gọi, thương hiệu, việc quảng bá, và quan trọng nhất là việc thực hiện chương trình nghị sự này. Tăng tốc phân quyền (devolution) là một điểm khởi đầu khá tốt.
Thủ tướng tiếp theo sẽ được chọn bởi một nhóm rất nhỏ trong dân số. Nếu không tập trung vào lợi ích lâu dài của quốc gia, người đó sẽ chẳng thể tại vị lâu hơn người tiền nhiệm của mình.
Jim O’Neill từng là giám đốc tại Goldman Sachs, đồng thời từng là Thứ trưởng Tài chính Vương quốc Anh.