Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố viện trợ quân sự gần 3 tỷ đô la cho Ukraine nhân dịp ngày độc lập của nước này, cũng là ngày tròn sáu tháng Nga xâm lược. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước ông đã được “tái sinh” thông qua cuộc kháng chiến chống xâm lược của Nga. Ông cũng tuyên bố sẽ giành lại các khu vực bị Nga chiếm, bao gồm cả Crimea. Trước đó ông Zelensky cảnh báo về “những hành động khiêu khích ghê tởm của Nga” trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh Ukraine.
Trong một diễn biến khác, ông Biden công bố gói giảm nợ sinh viên đáng kể. Kế hoạch này sẽ xóa nợ lên đến 10.000 đô la cho những người kiếm được ít hơn 125.000 đô la một năm, và thậm chí giúp nhiều hơn cho những người có nhận trợ cấp liên bang trong quá trình học đại học. Thông báo được Nhà Trắng đưa ra sau nhiều tháng đấu tranh chính trị; với các thượng nghị sĩ Cộng hòa cáo buộc ông Biden “lấy tiền của tầng lớp lao động Mỹ [để chuyển cho người giàu].”
Thủ tướng Kishida Fumio hôm thứ Tư cho biết Nhật Bản sẽ xem xét xây dựng một thế hệ lò phản ứng năng lượng hạt nhân mới, trong bối cảnh nước này mở lại các nhà máy bị ngừng hoạt động sau thảm họa Fukushima năm 2011. Nguyên nhân là giá năng lượng tăng mạnh trên toàn cầu. Ông Kishida ngụ ý vẫn còn nhiều việc phải làm, trong nỗ lực thuyết phục công chúng rằng quyết định này sẽ giúp Nhật “chuyển đổi xanh.”
California dự kiến cấm bán ô tô chạy xăng, trong một động thái có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện. Ủy ban Tài nguyên Không khí California cho biết 100% ô tô được bán tại bang này, vốn là thị trường ô tô lớn nhất nước Mỹ, phải đạt phát thải bằng không vào năm 2035, tăng so với mức 12% hiện nay. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ký một luật khí hậu mới chi 370 tỷ USD cho các dự án năng lượng xanh.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ của thủ tướng Prayuth Chan-ocha theo đơn kiện của đảng đối lập chính. Đảng Move Forward cho rằng ông Prayuth, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, nên từ chức trong tháng này vì đã quá giới hạn nhiệm kỳ 8 năm của hiến pháp. Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan sẽ làm lãnh đạo lâm thời; với một cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5 năm 2023.
Hôm thứ Ba, một cơ quan của EU lên tiếng cảnh báo châu Âu sẽ đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất 500 năm qua. Đài Quan sát Hạn hán châu Âu cho biết 47% diện tích đất của liên minh thuộc phạm vi của cảnh báo, trong đó 17% có thảm thực vật bị ảnh hưởng. Vận tải đường sông, thủy điện và nông nghiệp đều đang gặp khó khăn. Hạn hán xảy ra đồng thời ở Mỹ, Anh và Trung Quốc đồng nghĩa các nước sẽ không thể trông đợi nhiều từ thị trường quốc tế.
Intel đạt được một thỏa thuận trị giá 30 tỷ đô la với Brookfield, một công ty quản lý tài sản của Canada, để tài trợ kinh phí xây dựng nhà máy ở bang Arizona. Theo thỏa thuận, nhà sản xuất chip của Mỹ chịu 51% chi phí, và hai công ty sẽ chia đôi doanh thu từ nhà máy mới. Intel đang nỗ lực giành lại lợi thế sản xuất từ tay các đối thủ Đài Loan và Hàn Quốc.
Con số trong ngày: 15 tỷ đô la, là giá trị đầu tư trực tiếp bị người nước ngoài rút khỏi Nga trong quý đầu năm 2022, khả năng cao là con số cao nhất trong lịch sử.
TIÊU ĐIỂM
Cơn đau đầu Mar-a-Largo của cựu tổng thống Trump
Donald Trump đã gọi cuộc đột kích của FBI vào biệt thư Mar-a-Lago của ông hôm 8 tháng 8 là một cuộc tấn công chính trị phi lý. Đến nay FBI không tiết lộ nhiều về động cơ của họ. Nhưng nguyên nhân dẫn đến việc thu giữ các hồ sơ mật từ bất động sản Palm Beach của ông Trump có thể sẽ sớm được công bố. Một thẩm phán ở Florida, Bruce Reinhart, sẽ đưa ra phán quyết sớm nhất là vào thứ Năm về câu hỏi có cho phép công bố một biên bản của Bộ Tư pháp cho phép tiến hành cuộc lục soát hay không.
Ông Trump đã yêu cầu công bố toàn bộ tài liệu, nhưng lại không chỉ đạo các luật sư nộp đơn đề nghị lên tòa án. Các quan chức nói công bố biên bản sẽ làm đổ vỡ cuộc điều tra của họ. Tuần trước, ông Reinhart đã cho Bộ Tư pháp bảy ngày để quyết định giữ kín phần nào trên văn bản, cho thấy sẽ có ít nhất một phần của tài liệu được công bố. Nhưng đàm phán giữa tòa án và chính phủ về nội dung được công khai có thể sẽ tiếp tục làm trì hoãn lịch công bố.
Năm năm khốn khổ của người Rohingya
Năm năm trước, quân đội Myanmar đã dùng bạo lực để buộc gần 750.000 người Rohingya rời khỏi Myanmar. Nhưng dù Liên Hợp Quốc coi chiến dịch của Myanmar là diệt chủng, không hề có một hình phạt nào được đặt ra. Hầu hết những người Rohingya bị trục xuất giờ đây sống mòn mỏi trong trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh. Ngày thứ Năm này, các nhóm nhân quyền sẽ đánh dấu “Ngày Tưởng niệm Người Rohingya.”
Tuy nhiên khoảng 600.000 người Rohingya vẫn còn ở Myanmar. Nhiều người phải sống trong cái mà Fortify Rights, tổ chức vận động của Mỹ có trụ sở tại Đông Nam Á, gọi là “trại tập trung thời hiện đại.” Các trại này vô cùng ẩm thấp, có cấu trúc không chắc chắn và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế hầu như bằng không. Hoàn cảnh của họ càng trở nên tệ đi kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào năm ngoái. Họ bị từ chối tiếp cận giáo dục và công việc được trả lương. Chính quyền quân sự cũng không cho các cơ quan viện trợ quốc tế đến thăm các trại và làng của người Rohingya. Bất kể người Rohingya có ở phía nào của biên giới, tình trạng của họ cũng vô cùng tồi tệ.
Úc xét xử người gốc Hoa bị nghi can thiệp chính trị
Năm 2018, Úc đã khiến Trung Quốc tức giận khi gấp rút thông qua các đạo luật ngăn chặn nước ngoài can thiệp vào nền dân chủ Úc. Thứ Năm này, người duy nhất cho đến nay bị buộc tội vi phạm các luật như vậy sẽ ra tòa ở Victoria. Vào năm 2020, Di Sanh Duong, một người Úc gốc Hoa 67 tuổi, đã quyên góp 37.000 đô la Úc (25.500 đô la Mỹ) cho một bệnh viện ở Melbourne. Các công tố viên cáo buộc ông làm vậy để có được sự ưu ái của Alan Tudge, một tân bộ trưởng liên bang mà Duong đã mời đến để bàn giao séc, thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Luật sư của ông Duong nói khoản quyên góp này chỉ là nỗ lực cải thiện hình ảnh công chúng của người Hoa ở Úc.
Phiên tòa sẽ phán xét cả ông Duong và các luật mới. Ông Duong bị cáo buộc là người “chuẩn bị” hoặc “lập kế hoạch.” Cơ quan công tố đã dùng bằng chứng về mối liên hệ của ông với chính phủ Trung Quốc để xây dựng vụ án. Nhưng hình sự hóa các liên hệ và ý định, thay vì hành động thực chất, là điều sẽ bị nhiều luật sư phản đối.
Hôm nay khai mạc hội nghị Jackson Hole
Dưới bóng của dãy núi Teton hùng vĩ, 100 nhân vật ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế trên khắp thế giới sẽ tề tựu về một khu nhà nghỉ ở Jackson Hole, Wyoming, vào thứ Năm. Ảnh hưởng của sự kiện này là vô cùng lớn: các tuyên bố miệng của những người tham dự đủ sức làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Năm nay, trọng tâm của hội nghị kéo dài ba ngày sẽ là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vào thứ Sáu.
Sau dữ liệu lạm phát nhẹ nhàng hơn ở Mỹ vào tháng trước, nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ nới lỏng lập trường diều hâu của mình. Họ quay lại tích trữ cổ phiếu, từ đó tạo ra đà tăng giá dài một tháng qua. Ông Powell có cơ hội điều chỉnh lại kỳ vọng với bài phát biểu của mình, trong đó ông có thể chọn báo hiệu chiến dịch chống lạm phát của Fed còn lâu mới kết thúc. Khả năng đó đã làm chao đảo các chỉ số chính trong tuần này.
Pháp muốn cải thiện quan hệ với Algeria
60 năm trước, Algeria giành được độc lập từ Pháp sau một cuộc chiến đẫm máu kéo dài 8 năm. Lịch sử đau thương này khiến mối liên kết giữa hai quốc gia trở nên phức tạp cho đến tận ngày nay. Vì vậy, chuyến thăm ba ngày của Emmanuel Macron tới quốc gia Bắc Phi, bắt đầu vào thứ Năm, đã được coi là cử chỉ “tình bạn.” Tổng thống Pháp mong muốn dùng chuyến thăm Algeria đầu tiên của ông trong 5 năm qua để củng cố liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và giới nghệ sĩ.
Nhưng trước tiên, ông Macron sẽ giúp “xoa dịu ký ức,”sau nhiều thập niên hai bên sống trong hoài nghi và cáo buộc lẫn nhau. Quan hệ hai bên xấu đi từ năm ngoái khi ông Macron được cho là đã nghi ngờ tư cách quốc gia thời tiền thuộc địa của Algeria. Nhưng ông thừa nhận Pháp đã gây ra một số hành động tàn bạo trong lịch sử, và thành lập một ủy ban “ký ức và sự thật” để nghiên cứu vai trò lịch sử của nước ông ở Algeria. Giờ đây giữa hai bên có những câu hỏi mới, bao gồm làm thế nào để bơm thêm khí đốt tự nhiên từ Algeria, và làm thế nào để giảm bớt các quy định cho phép người Algeria xin thị thực Pháp.