Tác giả: Lê Vĩnh Triển
Những thành tựu kinh tế xã hội của Hàn Quốc cho thấy sự cần thiết phải có một nhà nước mạnh bất kể hệ thống thể chế như thế nào.
Trước khi chuyển đổi sang nền dân chủ ổn định như ngày nay, Hàn Quốc là một quốc gia độc tài. Tuy nhiên, nhà nước độc tài này khác biệt với các nhà nước cùng loại ở hiệu quả của chính sách “cai trị hỗn hợp” (mixed governance), tạo điều kiện cho cả tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện xã hội, đặc biệt là giảm nghèo và bất bình đẳng. Điều này đã mở đường cho thành tựu kinh tế và xã hội liên tục trong suốt quá trình dân chủ hóa của Hàn Quốc, và sau đó đưa đất nước này vào hàng ngũ các nền kinh tế phát triển.
Thành tựu nhất quán này cả trước và sau khi dân chủ hóa được coi là kỳ tích của Hàn Quốc và được cho là nhờ hình thức cai trị hỗn hợp của quốc gia này. Cách thức cai trị này cần một nhà nước mạnh mẽ, dù là độc tài hay dân chủ, phối hợp với việc phát triển một mạng lưới các nhóm xã hội dân sự (được kiểm soát, phi chính trị và tự nguyện trong giai đoạn độc tài) và chủ nghĩa doanh nghiệp (corporatism). Theo đánh giá của một nhóm học giả năm 2011, “các đặc tính của chủ nghĩa doanh nghiệp cơ bản trong nền cai trị hỗn hợp của Hàn Quốc đã giúp gắn kết nhà nước và xã hội dân sự, thúc đẩy cả hai bên làm việc cùng nhau”.
Cho dù cách thức cai trị hỗn hợp là một trong những lý do cho câu chuyện thành công của Hàn Quốc, Nó có thể không được các chính phủ độc tài khác ưa chuộng, vì có thể được gắn với quá trình dân chủ hóa. Do đó, cai trị hỗ hợp có thể không được đánh giá đúng như một thông lệ tốt tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh và giải pháp cho nhiều vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vì mục tiêu tồn tại của hệ thống chính trị, việc duy trì tăng trưởng kinh tế, kiềm chế tham nhũng, đồng thời giảm bất bình đẳng và nghèo đói luôn quan trọng đối với bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào. Do đó, hiệu quả của cai trị hỗn hợp được chính phủ Hàn Quốc sử dụng một cách nhất quán trong thúc đẩy tiến bộ kinh tế- xã hội nên được coi là một ví dụ tốt cho các chính phủ độc tài trên toàn thế giới.
Cụ thể, các chính phủ độc tài sẽ có lợi nếu sử dụng cai trị hỗn hợp. Trong trường hợp của Hàn Quốc, bản thân nhà nước độc tài mạnh đã là một lợi thế tạo điều kiện cho mạng lưới an sinh xã hội và chủ nghĩa doanh nghiệp có trách nhiệm, cần thiết với cả tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng – chưa kể đến việc hạn chế nạn tham nhũng. Nếu không được giải quyết, những vấn đề này rõ ràng sẽ đe dọa tính chính danh và thậm chí là sự tồn vong của các chế độ. Trong trường hợp của Việt Nam, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã hơn một lần nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề trên vì sự sống còn của đảng.
Có thể áp dụng phương thức cai trị hỗn hợp?
Bỏ qua việc tranh luận liệu chế độ chuyên chế hay dân chủ sẽ tốt hơn trong việc mang lại tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đói và bất bình đẳng, thành tựu kinh tế – xã hội của Hàn Quốc cho thấy sự cần thiết của một nhà nước mạnh bất kể hệ thống thể chế như thế nào. Tuy nhiên, nếu chỉ nhấn mạnh một nhà nước mạnh, thì người ta có thể không để ý đến một vế khác trong phương trình thành công của Hàn Quốc. Cụ thể, nhà nước cần phải mạnh để có thể sử dụng quyền lực cứng của mình khi cần thiết nhằm duy trì ổn định và trật tự, nhưng cũng phải hợp tác và gắn bó với thị trường và xã hội dân sự để phục vụ người dân nhằm thực hiện các mục tiêu trên. Chính chủ nghĩa chuyên chế linh hoạt đặc trưng của Hàn Quốc – một nhà nước mạnh kết hợp với trách nhiệm doanh nghiệp và xã hội dân sự, mặc dù được kiểm soát – đã tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Vậy, Việt Nam có thể học được gì từ các bài học của Hàn Quốc trong việc tìm kiếm tăng trưởng kinh tế đồng thời nỗ lực kiềm chế tham nhũng, giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội? Nếu đạt được, những mục tiêu này chắc chắn sẽ củng cố vị thế của cả quốc gia và các nhà lãnh đạo.
Rõ ràng, Việt Nam là một nhà nước chuyên chính mạnh, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tuy nhiên, việc thực hành các khái niệm kinh tế thị trường, bao gồm cả việc thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và đảm bảo lợi ích của người lao động, vẫn còn ở mức độ tự phát và thỏa hiệp. Ngoài ra, các nhóm xã hội dân sự còn hạn chế nên vai trò của họ trong việc giúp giải quyết những những vấn đề mà nhà nước và thị trường thất bại chưa được phát huy hết. Vì vậy, Việt Nam cần phát huy sự đóng góp của cả kinh tế thị trường và xã hội dân sự để hình thành một thể chế cai trị hỗn hợp, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Câu hỏi đặt ra vẫn là, làm thế nào để Đảng Cộng sản Việt Nam đảm bảo vị thế quyền lực của mình trong việc duy trì một nhà nước mạnh, đồng thời phát triển thị trường và xã hội dân sự có trách nhiệm, đảm bảo phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội?
Hình thức “cai trị mang tính hợp tác có điều chỉnh” của Việt Nam
Với vị thế lãnh đạo về chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát quá trình thực hiện mô hình cai trị hỗn hợp. Trước tiên, trách nhiệm xã hội của thị trường cần được thể chế hóa với việc các doanh nghiệp lớn có vai trò lớn hơn trong việc quan tâm đến nhân viên của họ. Đồng thời, cần xây dựng những mạng lưới an sinh cho người lao động, sinh viên, người cao tuổi, các nhóm yếu thế và các dân tộc ở vùng sâu vùng xa thông qua các chương trình bảo hiểm xã hội quy mô lớn. Các chương trình này phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình để ngăn ngừa tham nhũng và thất thoát có thể làm mất uy tín của chính phủ.
Đảng Cộng sản cũng cần tạo điều kiện cho các nhóm xã hội dân sự và các hiệp hội nghề nghiệp độc lập tham gia khi người dân chưa có đủ thông tin và kiến thức để lên tiếng. Các tác nhân này cần tham gia vào các cuộc thảo luận và tranh luận về quá trình hoạch định chính sách như một cách tham gia dân sự đặc trưng. Xã hội dân sự của Việt Nam không rộng khắp như Hàn Quốc trong thời kỳ độc tài; tuy nhiên Việt Nam cần tận dụng năng lực và kiến thức của các nhóm này để bổ sung cho nhà nước trong các lĩnh vực được chọn. Như nhà nước độc tài Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam có thể yêu cầu những nhóm như vậy hoạt động mang tính phi chính trị.
Những lĩnh vực có ảnh hưởng đáng kể đến toàn dân nếu được cải thiện sẽ nhanh chóng mang lại phúc lợi cho người dân cũng như uy tín cho nhà nước. Có thể thực hiện hình thức cai trị hỗn hợp với một số lĩnh vực ban đầu như môi trường, giáo dục, y tế và nông nghiệp. Một khi các lĩnh vực này đã huy động được năng lực, trí tuệ và sự quan tâm của các nhóm xã hội dân sự phi chính trị, chính phủ có thể thúc đẩy mức độ tham gia rộng rãi hơn của người dân để đảm bảo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Một mô hình điều chỉnh như vậy có thể được coi là một quá trình “dân chủ hóa có kiểm soát” hoặc một “nền cai trị phối hợp có điều chỉnh” với đặc điểm Việt Nam, trong đó Đảng Cộng sản giữ vai trò kiểm soát.
Lê Vĩnh Triển là giảng viên Khoa Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM, hiện đang là học giả khách mời tại Portland State University.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat.