Nguồn: Gideon Rachman, “Xi Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt him, “Financial Times, 28/11/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Thói kiêu ngạo và độc đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến Trung Quốc rơi vào chuỗi ngày phong tỏa vô tận.
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2021, Tập Cận Bình đã khoe khoang về sự thành công của chính sách zero-Covid tại Trung Quốc. Trong khi hàng triệu người chết ở những nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đã “đặt người dân và mạng sống của họ lên hàng đầu… Bằng sự đoàn kết và kiên cường, chúng ta đã viết nên bản anh hùng ca chống lại đại dịch.”
Gần hai năm sau, chiến dịch của Tập nhằm mô tả quá trình quản lý đại dịch của Trung Quốc như một chiến thắng của cá nhân ông và của hệ thống đang dần sụp đổ. Làn sóng biểu tình ngày càng gia tăng nhằm chống lại các chính sách zero-Covid của ông đã khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc phải mất mặt. Chúng dường như là thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền lãnh đạo của Tập kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 10 năm.
Một vài cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa không hồi kết của Trung Quốc thực sự đã nhắm vào cá nhân Tập. Tại thành phố Thành Đô, những người biểu tình đã hô vang: “Chúng tôi không muốn một hệ thống chính trị với một nhà lãnh đạo trọn đời. Chúng tôi không muốn có một hoàng đế.”
Những khẩu hiệu này đã nêu bật vấn đề chính trị nhạy cảm nhất ở Trung Quốc hiện đại – những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm tạo ra một sự sùng bái cá nhân. Kể từ khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, Đảng Cộng sản đã cố gắng tránh tạo ra một Mao thứ hai, một nhà lãnh đạo tối cao duy nhất, người thống trị hệ thống chính trị và cả nước, và sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lực.
Nhưng Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ cai trị gần như của một hoàng đế. Một bước ngoặt đã xảy ra vào tháng trước, khi đại hội Đảng Cộng sản bầu ông vào nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là người lãnh đạo đảng. Người tiền nhiệm của Tập, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bị buộc rời khỏi lễ đài ngay trước ống kính truyền hình. Thông điệp rất rõ ràng. Quyền lực của Tập là bất bại và ông sẽ cai trị suốt đời.
Giống như Mao, Tập đã biện minh cho việc nắm quyền của mình bằng cách khuyến khích tạo ra một sự sùng bái cá nhân. “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã xử lý thành công Covid-19 trở thành một phần quan trọng trong dòng quan điểm về ông. Một bài báo gần đây của Quốc vụ viện Trung Quốc ca ngợi khả năng lãnh đạo của Tập trong đại dịch Covid, tuyên bố rằng “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đích thân chỉ huy, lên kế hoạch ứng phó, giám sát tình hình chung, và hành động quyết đoán”.
Đúng là Trung Quốc đã ghi nhận số ca tử vong trên đầu người do Covid-19 ít hơn hẳn so với Mỹ. Nhưng cái giá của việc theo đuổi chính sách zero-Covid đang dần trở nên rõ ràng. Khi nền kinh tế bị đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã lên tới gần 20%.
Căng thẳng xã hội gây ra do phong tỏa kéo dài và lặp đi lặp lại cũng vô cùng lớn. Hai tháng phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải đầu năm nay đã trở thành tin tức trang nhất trên toàn thế giới. Một số người tin rằng đây sẽ là điểm bùng phát, buộc Tập phải suy nghĩ lại về chính sách zero-Covid của mình. Thế nhưng, thay vào đó, tại đại hội đảng, ông lại đề bạt Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường – người chịu trách nhiệm về vụ phong tỏa – lên vị trí cao thứ hai trong Đảng Cộng sản. Đó là một tín hiệu cho thấy zero-Covid sẽ không có hồi kết.
Nhằm tạo ra câu chuyện chính thức về Covid-19, giới lãnh đạo Trung Quốc đã so sánh sự kiên nhẫn và tinh thần tập thể của người dân Trung Quốc với sự thiếu kiên nhẫn và chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ. Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của người dân Trung Quốc cũng đang cạn dần.
Hình ảnh những đám đông không đeo khẩu trang từ khắp nơi trên thế giới đến xem các trận đấu World Cup ở Qatar đã chứng minh cho người dân Trung Quốc thấy rằng công dân của các quốc gia khác đã thoát khỏi cái bẫy của những đợt phong tỏa vô tận. Ngược lại, người dân Trung Quốc đang phải đối mặt với viễn cảnh bị hạn chế quyền tự do năm thứ tư liên tiếp.
Từng tuyên bố là người có công trong việc xử lý giai đoạn đầu của đại dịch ở Trung Quốc, Tập không thể tránh khỏi việc bị đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Trên hết, việc không nhập khẩu các loại vắc xin nước ngoài hiệu quả sẽ khiến việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Thất bại đó có liên quan đến chủ nghĩa dân tộc của Tập Cận Bình – người đã khởi xướng chính sách sản xuất các công nghệ then chốt “tại Trung Quốc” (Made in China) vào năm 2015. Nhà lãnh đạo từng khẳng định mình có lòng thương dân vô bờ bến cuối cùng lại quá tự cao, không chịu nhập khẩu các loại vắc xin hiệu quả có thể bảo vệ mạng sống của người dân.
Phong tỏa zero-Covid cũng phản ánh tính cách cứng rắn và sự độc đoán bẩm sinh của Tập Cận Bình. Những người biểu tình Trung Quốc đã nhận ra rằng các công nghệ được phát triển để theo dõi hành vi của người dân – dưới danh nghĩa để chống dịch – có thể tồn tại rất lâu sau đại dịch, rồi trở thành một phương pháp kiểm soát chính trị và xã hội lâu dài và tinh vi.
Nói rộng hơn, những thất bại của Tập trong đại dịch Covid-19 là những thất bại đặc trưng của một chế độ chuyên chế, vốn trao quá nhiều quyền lực và thẩm quyền vào tay một lãnh đạo duy nhất. Khi nhà lãnh đạo chuyên chế đưa ra một quyết định tai hại – như Vladimir Putin đã làm khi xâm lược Ukraine – thì hệ thống cũng không thể thay đổi hướng đi, bởi vì nhận định của nhà lãnh đạo là điều không thể bị chất vấn. Giờ đây, một hình mẫu tương tự đang xuất hiện ở Trung Quốc.
Thời điểm người biểu tình xuống đường luôn là thời điểm cực kỳ nguy hiểm đối với một nhà lãnh đạo chuyên chế. Thật không may, dường như, theo bản năng, Tập sẽ đáp trả bằng vũ lực và đàn áp. Đó là cách ông đã đối phó với các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 – và đó là cách Đảng Cộng sản đã đàn áp phong trào sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Phản ứng đó có thể có hiệu quả ở Trung Quốc – và cho đến nay, ở Nga, Iran, và Belarus. Nhưng câu chuyện được thêu dệt cẩn thận về trí tuệ và quyền lực của Tập Cận Bình sẽ không thể tiếp tục tồn tại sau khi chính sách zero-Covid của ông sụp đổ.