Chính sách kinh tế ‘Nước Mỹ trên hết’ của Biden có thể gây rạn nứt với châu Âu

Nguồn: Edward Alden, “Biden’s ‘America First’ Economic Policy Threatens Rift With Europe,” Foreign Policy, 5/12/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Người châu Âu coi các khoản trợ cấp khổng lồ của Mỹ dành cho xe hơi, năng lượng sạch và chất bán dẫn là mối đe dọa đối với nền kinh tế của họ.

Sau gần hai năm yên bình kể từ lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, những rạn nứt lớn về chính sách kinh tế đang dần xuất hiện giữa Washington và các đồng minh châu Âu. Trừ phi những rạn nứt này được xử lý khéo léo, tầm nhìn của chính quyền Biden về một trật tự kinh tế toàn cầu mới, trong đó Mỹ hợp tác với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và châu Á để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc và Nga, có thể biến thành một trật tự gồm các khối kinh tế cạnh tranh với nhau.

Sau nhiều tháng tức giận âm ỉ, các cuộc cãi vã đã nổ ra vào tuần trước. Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ của Liên minh châu Âu, tuyên bố ông sẽ rút khỏi các cuộc họp được tổ chức trong tuần này tại Maryland của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ-EU, cơ quan điều phối chính của chính sách kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Ông cho biết chương trình nghị sự “đã không còn dành đủ không gian cho các vấn đề mà nhiều bộ trưởng và doanh nghiệp công nghiệp châu Âu quan tâm,” nhắc đến những khiếu nại của EU về các khoản trợ cấp mới của Mỹ dành cho xe điện và năng lượng sạch, vốn gây bất lợi cho các nhà sản xuất xe hơi và các công ty khác của châu Âu. Thay vào đó, ông nói mình sẽ tập trung vào “nhu cầu cấp thiết để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã đến Washington vào tuần trước để tham dự bữa tiệc cấp nhà nước đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nói rằng các khoản trợ cấp của Mỹ “rất tốt cho nền kinh tế Mỹ, nhưng chúng không được phối hợp đúng cách với các nền kinh tế châu Âu.” Trước chuyến thăm, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, đã cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách công nghiệp kiểu Trung Quốc.

Các khoản trợ cấp đang được đề cập là một phần của hai đạo luật lớn mà Quốc hội Mỹ thông qua vào đầu năm nay: Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) và Đạo luật CHIPS và Khoa học. IRA cung cấp tới 370 tỷ đô la trợ cấp để đẩy nhanh quá trình sử dụng năng lượng sạch ở Mỹ. Nó bao gồm các khoản tín dụng thuế cho người mua xe điện ở Mỹ – nhưng chỉ khi chiếc xe được lắp ráp ở Bắc Mỹ, và các bộ phận của chúng được sản xuất tại Mỹ hoặc “các đối tác thương mại tự do” có chọn lọc khác – loại quy định có thể gây tổn hại cho các công ty xe hơi châu Âu như Volkswagen và BMW. Trong khi đó, Đạo luật CHIPS cung cấp 52 tỷ đô la trợ cấp cho các công ty bán dẫn để họ xây dựng các nhà máy chế tạo chip cao cấp mới ở Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu coi cả hai đạo luật này là trợ cấp không công bằng cho các công ty Mỹ, làm trầm trọng thêm những thách thức về khả năng cạnh tranh của lục địa già, và có khả năng buộc châu Âu phải tham gia cuộc chạy đua trợ cấp tốn kém với Mỹ và Trung Quốc.

Vào tuần trước, chính phủ Hà Lan đã công khai phản đối việc Mỹ gây áp lực buộc các công ty chuyên về thiết bị sản xuất chip lớn của họ, ASML và ASM International, phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Mỹ đã phát động một chiến dịch sâu rộng để ngăn chặn việc bán thiết bị bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thuyết phục được các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan đồng ý. Bộ trưởng Kinh tế Hà Lan Micky Adriaansens nói với Financial Times rằng đất nước của bà “có quan điểm rất tích cực” về mối quan hệ với Trung Quốc, và rằng châu Âu và Hà Lan “nên có chiến lược riêng” trong việc kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một phần nguyên nhân của sự chia rẽ ngày càng tăng này là cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Dù Mỹ và châu Âu đã cùng nhau duy trì một mặt trận thống nhất về các lệnh trừng phạt chống lại Nga và cùng nhau viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng châu Âu đã phải trả một cái giá kinh tế đắt hơn nhiều cho cuộc xung đột. Giá khí đốt tự nhiên ở hầu hết các nước châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với mức giá tại Mỹ, khiến các ngành công nghiệp châu Âu gặp bất lợi lớn về cạnh tranh. Dù Mỹ đã giúp châu Âu giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga bằng cách xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nó đang được bán với giá thị trường – nghĩa là rất cao. Đại sứ Pháp tại Washington, Phillipe Étienne, nói với Foreign Policy: “Chúng tôi rất biết ơn vì Mỹ cung cấp LNG cho châu Âu, nhưng vẫn có những vấn đề về giá cả.”

Về lâu dài, các tranh chấp đang xoáy vào những mục tiêu mâu thuẫn trong các chính sách công nghiệp của chính quyền Biden. Một mặt, Mỹ muốn xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh để làm giảm vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp các công nghệ và đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp trong tương lai. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh – điều mà chính quyền Mỹ gọi là “hợp tác sản xuất với các nước bạn bè” (friendshoring)– để ngăn chặn sự trùng lặp lãng phí và đảm bảo sự dẻo dai của nguồn cung. Mặt khác, chính quyền Mỹ lại háo hức chứng kiến sự hồi sinh của các công ty chế tạo có trụ sở tại Mỹ, tin rằng sự mất mát của ngành chế tạo  – một phần do cuộc cạnh tranh với Trung Quốc – đã làm suy yếu an ninh của Mỹ và gây tổn hại cho nền kinh tế. Tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực chế tạo cũng làm suy giảm sự ủng hộ của cử tri dành cho Đảng Dân chủ ở các bang tập trung vào công nghiệp như Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin. Tất cả các biện pháp mới của Mỹ đều có lợi cho các công ty đầu tư vào Mỹ, hơn là vào châu Âu hoặc các đối tác thân thiết khác.

Bộ trưởng Thương mại của Biden, Gina Raimondo – người có cha bị mất việc sau 28 năm làm việc tại nhà máy sản xuất đồng hồ Bulova ở Rhode Island vì công ty chuyển nhà máy sang Trung Quốc – đã nói rõ điều đó trong một bài phát biểu tại MIT hồi tuần trước: “Chúng ta sẽ không chỉ phát minh những công nghệ của tương lai ngay tại nước Mỹ, mà còn chế tạo chúng ngay tại đây.” Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này đã làm mất lòng các đồng minh và đối tác thương mại khác của Mỹ, những người phải đối mặt với viễn cảnh mất thị trường ở Trung Quốc vì Mỹ kiên quyết ép họ chấp nhận những hạn chế mới, chỉ để rồi phải chứng kiến các công ty đa quốc gia chuyển đến Mỹ hoặc mở rộng sản xuất tại Mỹ nhằm tận dụng giá năng lượng rẻ hơn và nguồn trợ cấp hào phóng.

Không chỉ có người châu Âu mới nghĩ như vậy. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala đang cố gắng bảo vệ quy tắc không phân biệt đối xử— theo đó yêu cầu các đối tác thương mại được đối xử bình đẳng—vốn là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương về thương mại suốt 75 năm qua. Bà lập luận rằng có rất ít quốc gia chấp nhận các lựa chọn giữa hai bên mà chính quyền Biden đưa ra. “Nhiều quốc gia không muốn phải chọn giữa hai phe,” bà nói trong một bài phát biểu tại Viện Lowy ở Australia. Việc ép buộc chọn phe có thể làm hỏng tiến trình giải quyết các vấn đề mà Mỹ, Trung Quốc, và các quốc gia khác không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với nhau. Bà cảnh báo “sau cùng, sự phân tách gây ra bởi các chính sách vốn được thiết kế để xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và an ninh có thể giống như hành động phản lưới nhà,” gây tổn hại cho sự hợp tác trong các thách thức tập thể như biến đổi khí hậu, đại dịch, hoặc khủng hoảng nợ công.

Những lời của Biden trước bữa tiệc cấp nhà nước với Macron cho thấy ông nhận thức sâu sắc về những lo ngại của châu Âu và sẵn sàng cố gắng cải thiện tình hình. Ông cho biết hai nhà lãnh đạo “đã đồng ý thảo luận về các bước thực tế để điều phối và sắp xếp các cách tiếp cận của chúng tôi,” đồng thời đảm bảo rằng hoạt động chế tạo và đổi mới sẽ được tăng cường “ở cả hai bờ Đại Tây Dương”. Macron lặp lại rằng hai bên đã đồng ý “đồng bộ hóa cách tiếp cận.” “Chúng tôi có thể giải quyết một số khác biệt hiện tại,” Biden nói. “Tôi tin vào điều đó.”

Tuy nhiên, sẽ không dễ để chốt được các chi tiết. Biden thẳng thắn thừa nhận có những “lỗ hổng” trong đạo luật cần phải được sửa chữa. Nhưng vẫn chưa rõ liệu ngôn ngữ của IRA về việc mở rộng trợ cấp cho hàng hóa do các đối tác thương mại tự do sản xuất có bao gồm cả EU hay không. Ngoài ra, có nhiều người trong Quốc hội và chính quyền Mỹ, cũng như trong các ngành công nghiệp như thép và năng lượng mặt trời, những người cam kết tuân thủ nguyên tắc “Nước Mỹ trên hết”, tin rằng Mỹ đáng lẽ ra phải phục hồi ngành chế tạo từ lâu. Họ chắc chắn sẽ phản đối việc mở rộng trợ cấp quá hào phóng.

Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ rằng họ không thể cho phép xuất hiện một rạn nứt cơ bản xuyên Đại Tây Dương. Hơn bất cứ thời điểm nào kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa kép từ Nga và Trung Quốc đang buộc Mỹ và châu Âu phải hợp tác và giải quyết các tranh chấp kinh tế vốn có thể kéo dài nhiều năm trong những thời kỳ ít căng thẳng hơn – chẳng hạn như tranh cãi kéo dài về trợ cấp cho Airbus và Boeing.

Những lợi ích lớn liên quan đồng nghĩa với việc hai bên sẽ phải tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Như Macron đã nói: “Hoàn cảnh này có nghĩa là chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài phải làm việc cùng nhau.”

Edward Alden là chuyên gia bình luận của Foreign Policy, giáo sư tại Đại học Western Washington, và là nghiên cứu viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Ông cũng là tác giả của cuốn “Failure to Adjust: How Americans Got Left Behind in the Global Economy.”