08/12/1987: Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung

Nguồn: Superpowers agree to reduce nuclear arsenals, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, trong một cuộc họp thượng đỉnh ở Washington, D.C., Tổng thống Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký hiệp ước đầu tiên giữa hai siêu cường nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của họ. Các thỏa thuận trước đây chỉ đơn thuần là nỗ lực của hai đối thủ trong Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế sự phát triển kho vũ khí hạt nhân của hai bên. Thỏa thuận lịch sử năm 1987 đã cấm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất. Khi đó, Mỹ và Liên Xô đang sở hữu tổng cộng 2.611 tên lửa thuộc nhóm này, hầu hết nằm ở châu Âu và Đông Nam Á.

Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được coi là một bước quan trọng hướng tới thỏa thuận cắt giảm tên lửa tầm xa của Mỹ và Liên Xô, đạt được lần đầu tiên vào năm 1991 khi Tổng thống George H. Bush và Gorbachev đồng ý phá hủy hơn 1/4 số đầu đạn hạt nhân của họ. Một năm sau, Bush và Tổng thống Nga Boris Yeltsin đồng ý giảm đáng kể số lượng tên lửa tầm xa của họ, xuống còn khoảng 3.000 bệ phóng mỗi bên vào năm 2003. Năm 2001, sau một thập niên chìm trong bế tắc về kiểm soát vũ khí, Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một thỏa thuận sơ bộ để cắt giảm hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của họ, xuống còn khoảng 2.000 tên lửa tầm xa mỗi bên.