Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Hạ viện Mỹ thông qua luật công nhận hôn nhân đồng giới. Các nhà lập pháp từ cả hai đảng đều bỏ phiếu ủng hộ với tỉ lệ 258-169. Dự luật đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 7, nhưng bị Thượng viện sửa lại để đáp ứng lo ngại của phe Cộng hòa về tự do tôn giáo, khiến nó phải quay lại Hạ viện để bỏ phiếu lần nữa. Giờ đây tổng thống Joe Biden sẽ ký thành luật.
Nga đã đổi ngôi sao bóng rổ người Mỹ Brittney Griner để lấy Viktor Bout, một tay buôn vũ khí khét tiếng, trong cuộc trao đổi tù nhân được cho là do chính tổng thống Joe Biden chấp thuận. Cô Griner bị bắt tại Moscow vào tháng 2 vì sở hữu dầu cần sa và đã có thời gian phải đi tù khổ sai ở Nga. Còn ông Bout, được mệnh danh là “kẻ buôn cái chết,” ngồi tù 12 năm qua ở Mỹ vì âm mưu hỗ trợ khủng bố và giết người Mỹ.
Bắc Kinh đối mặt một đợt bùng dịch covid nghiêm trọng sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng hạn chế zero covid. Số ca nhiễm tăng đang gây áp lực lên hệ thống y tế của Trung Quốc, với các bệnh viện ở Bắc Kinh được cho là bị thiếu thuốc hạ sốt và xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Lây nhiễm có thể sẽ tăng đột biến trong tháng tới khi hàng triệu người Trung Quốc về quê đón Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Tập Cận Bình công bố mở ra “kỷ nguyên mới” trong quan hệ của Trung Quốc với các nước vùng Vịnh khi ông đến Riyadh ký một loạt các thỏa thuận chiến lược với Ả Rập Saudi. Ông Tập đã gặp Muhammad Bin Salman, thái tử Ả Rập Saudi, trước khi ký kết 34 khoản đầu tư trong nhiều lĩnh vực bao gồm công nghệ và năng lượng. Lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau hai năm một lần.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một “tiến trình lâu dài”. Ông cũng nói cuộc xâm lược của ông đã mang lại kết quả “đáng kể” và sẽ không huy động thêm quân. Phát biểu tại một cuộc họp trên truyền hình, ông Putin thừa nhận có gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân nhưng nhấn mạnh Nga sẽ chỉ dùng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công trước. Đáp lại, người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ cho biết, “mọi phát ngôn thiếu kỷ luật về vũ khí hạt nhân là hoàn toàn vô trách nhiệm.”
Iran đã xử tử tù nhân đầu tiên vì liên quan đến biểu tình trên toàn quốc, theo truyền thông nhà nước. Mohsen Shekari, người bị các quan chức gọi là “kẻ bạo loạn,” bị xử tử với cáo buộc làm bị thương một nhân viên bảo vệ bằng dao rựa. Hôm thứ Hai, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã kêu gọi cơ quan tư pháp nhanh chóng kết án những người bị cáo buộc “tội ác chống lại an ninh quốc gia và đạo Hồi.”
Tòa án cao nhất EU đã phán quyết Google phải xóa dữ liệu khỏi kết quả tìm kiếm nếu người dùng có thể chứng minh dữ liệu này “rõ ràng là không chính xác.” Vụ kiện trước Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu liên quan đến hai giám đốc điều hành muốn Google xóa các kết quả tìm kiếm có liên quan đến những lời chỉ trích về mô hình đầu tư của công ty họ. Google ban đầu từ chối xóa các nội dung này.
Con số trong ngày: 3,6 triệu tấn, là tổng lượng khí thải carbon do World Cup Qatar tạo ra, theo ước tính chính thức.
TIÊU ĐIỂM
Liệu có áp lực lạm phát khi Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế covid?
Chính sách zero covid hà khắc của Trung Quốc, vốn dựa vào xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa để ngăn virus bùng phát, đã gây ra nhiều tác dụng phụ về kinh tế. Nó làm suy giảm niềm tin tiêu dùng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm tê liệt hoạt động kinh doanh. Song nó cũng ngăn lạm phát. Trong khi ngân hàng trung ương ở các nước khác chật vật chiến đấu chống lạm phát, Trung Quốc thì không. Các số liệu được công bố vào thứ Sáu sẽ cho thấy lạm phát ở Trung Quốc, vốn chỉ đạt 2,1% trong năm tính đến tháng 10, đã giảm vào tháng trước.
Nhưng giờ đây khi chính phủ từ bỏ cách tiếp cận zero covid, liệu áp lực lạm phát có tăng lên? Làn sóng covid trong vài tháng tới có thể giúp kiềm chế niềm tin, chi tiêu và giá cả. Nhưng sau đó, kinh tế Trung Quốc có thể bùng nổ trở lại, đẩy giá cả ở trong nước và ở các nước khác lên cao. Khi quay lại nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc có thể cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chiến chống lạm phát.
Liên minh Kinh tế Á-Âu họp thượng đỉnh
Vào thứ Sáu, thủ đô của Kyrgyzstan, Bishkek, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU). Nhóm này bao gồm năm quốc gia Liên Xô cũ—Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga—và có mục tiêu thành lập thị trường duy nhất giống như EU. Nhưng thành tựu kinh tế của khối còn khiêm tốn. Dù đã ký một số thỏa thuận thương mại tự do với các nước như Iran và Việt Nam, một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu với Ấn Độ vẫn chưa thành hiện thực.
Nhưng mục đích thực sự của EEU là làm phương tiện cho Nga ca ngợi ảnh hưởng của mình lên các lãnh thổ Liên Xô cũ. Trên mặt trận này Nga có một số thách thức. Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các lãnh đạo Trung Á lo lắng, vì họ nghi ngờ điện Kremlin có thể sẽ hướng về phía đông. Hơn nữa, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng. Không thành viên nào của khối đủ khả năng tách hoàn toàn khỏi Nga, song những ngọn gió thay đổi đang thổi tới Á-Âu. Và đáng tiếc là gió không thổi theo chiều mà Điện Kremlin mong muốn.
Chuyến đi thành công của Tập Cận Bình đến Trung Đông
Cho tới khi rời Ả Rập Saudi vào thứ Sáu, Tập Cận Bình đã ký một loạt thỏa thuận kinh tế và gửi đi thông điệp không quá tế nhị tới tổng thống Mỹ Joe Biden. Chủ tịch Trung Quốc đã gặp các lãnh đạo Saudi, bao gồm thái tử, Muhammad bin Salman, ngay trong ngày đầu tiên của ông ở Riyadh hôm thứ Tư. Đến thứ Sáu này, ông sẽ tham dự hai hội nghị thượng đỉnh, một với các nước vùng Vịnh, và một với các nước Trung Đông. Đây là các thượng đỉnh lớn nhất từ trước đến nay giữa lãnh đạo Trung Quốc với thế giới Ả Rập.
Các cuộc gặp cho thấy mối quan hệ ngày càng khăng khít. Nhập khẩu Dầu của Trung Quốc hầu hết đến từ các nước Ả Rập. Nước này đã ký các thỏa thuận và hợp đồng đầu tư trị giá 223 tỷ đô la với các quốc gia trong khu vực kể từ năm 2005. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng ngày càng xuất khẩu nhiều các thiết bị giám sát và thiết bị quân sự vào khu vực. Ông Biden đã kêu gọi các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là những nước vùng Vịnh, giữ khoảng cách nhất định với Trung Quốc. Nhưng sau một thập niên thường xuyên căng thẳng với Mỹ, họ dường như không muốn lắng nghe.
Lạm phát ở Anh dường như đã đạt đỉnh
Các lãnh đạo Ngân hàng Anh có ảnh hưởng rất lớn lên sức khỏe kinh tế Anh. Kỳ vọng lạm phát càng cao, họ sẽ càng mạnh tay hơn. Vào thứ Sáu, ngân hàng sẽ công bố kết quả của một cuộc khảo sát công chúng về kỳ vọng lạm phát. Trong lần thăm dò hồi tháng 8, những người được hỏi cho rằng kỳ vọng lạm phát 5 năm sẽ dao động quanh mức 3,1%.
Nếu kỳ vọng mới nhất giảm xuống, tăng lãi suất sẽ nhẹ nhàng hơn. Hãng dự báo Pantheon Macroeconomíc cho rằng lạm phát năm đã đạt đỉnh trong tháng 10 ở mức 11,1%, do chi phí vận chuyển giảm và giá thực phẩm tăng chậm. Hơn nữa, một cuộc khảo sát riêng biệt trong cùng tháng đã cho thấy kỳ vọng lạm phát ba năm của giới doanh nghiệp đã giảm xuống 4%, từ mức đỉnh 4,8%. Cả hai con số vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%—nhưng dường như chúng đang đi đúng hướng.