14/02/1989: Salman Rushdie bị dọa giết

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Iran’s Ayatollah Khomeini calls on Muslims to kill Salman Rushdie, author of “The Satanic Verses”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Salman Rushdie có lẽ cũng hiểu rõ mình sẽ gây ra tranh cãi khi ông xuất bản cuốn tiểu thuyết có tựa đề The Satanic Verses (Những Vần thơ của Quỷ Satan). Cuốn sách đã chế giễu, hoặc chí ít cũng gián tiếp chế giễu, Tiên tri Muhammad và các khía cạnh khác của đạo Hồi. Ngoài ra, nó còn có một nhân vật rõ ràng được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Lãnh đạo Tối cao của Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ngày 14/02/1989, Khomeini đã phản ứng theo cách mạnh mẽ nhất có thể; ông kêu gọi “tất cả những người Hồi giáo dũng cảm” hãy giết chết Rushdie và nhà xuất bản của ông.

Dù những điều gây tranh cãi nhất về Hồi giáo và Muhammad trong cuốn sách đều là từ miệng của những nhân vật xấu xa hoặc hài hước, nhưng không thể phủ nhận rằng The Satanic Verses vẫn có tính xúc phạm. Tiêu đề cuốn sách đề cập đến những đoạn được cho là đã bị xóa khỏi Kinh Qur’an, trong đó Nhà tiên tri nói những lời của Satan thay vì của Thiên Chúa, và nhiều người đặc biệt tức giận với chi tiết nhà thổ trong đó những cô gái điếm lấy tên những người vợ của Muhammad.

Khomeini, người từng phế truất quốc vương Iran (shah) do Mỹ hậu thuẫn một thập niên trước, là thủ lĩnh của một nhóm giáo sĩ đã biến Iran thành một chế độ thần quyền. Như vậy, ông có lẽ là lãnh đạo Hồi giáo Shi’a nổi bật nhất trên thế giới. Người Hồi giáo trên khắp thế giới đã lên án The Satanic Verses – cuốn sách bị đốt cháy công khai ở Bolton, Anh, châm ngòi cho một cuộc bạo động chết người ở Pakistan, và bị cấm triệt để ở nhiều quốc gia Hồi giáo – nhưng lời kêu gọi (fatwa) của Khomeini đã đưa cuộc tranh cãi lên một tầm cao mới.

Các nhà bán sách trên toàn thế giới, bao gồm các cửa hàng của Barnes & Noble ở Mỹ, đã từ chối bán The Satanic Verses vì sợ bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng bày bán cuốn sách đã bị đánh bom. Những người ủng hộ tự do ngôn luận và những nhân vật chống tôn giáo đã lên tiếng bảo vệ Rushdie, nhưng nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo và thậm chí cả những nhân vật văn hóa Hồi giáo ôn hòa cũng thẳng thừng lên án ông, hoặc tuyên bố rằng ông đã đi quá xa. Rushdie chính thức xin lỗi Ayatollah và các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới vào năm 1989 và 1990, nhưng các cuộc biểu tình và bạo lực vẫn tiếp diễn. Dịch giả đã dịch cuốn sách sang tiếng Nhật đã bị đâm chết vào năm 1991, trong khi dịch giả của bản tiếng Ý bị đâm trọng thương. Rushdie sau đó nói rằng ông thấy hối hận vì đã xin lỗi.

Fatwa là phán quyết do một giáo sĩ tôn giáo đưa ra và chỉ có thể bị hủy bởi chính vị giáo sĩ đó, nghĩa là fatwa chống lại Rushdie sẽ không bao giờ có thể được hủy bỏ sau cái chết của Ayatollah vào tháng 6/1989. Năm 1998, chính phủ Iran tuyên bố “không ủng hộ, cũng không cản trở” việc ám sát nhà văn, và các nhóm tư nhân bên trong Iran và nhiều nơi khác tiếp tục quyên góp để trả tiền thưởng cho “thủ cấp” của Rushdie.

Rushdie, người được phong tước hiệp sĩ vào năm 2007, nói rằng ông coi fatwa là “một lời dọa suông hơn là một mối đe dọa thực sự.” Tuy nhiên, 15 năm sau, vào ngày 12/08/2022, ông đã bị đâm nhiều nhát khi đang chuẩn bị thuyết trình ở ngoại ô New York. Tác giả bị thương nặng nhưng sau đó đã bình phục. Kẻ tấn công được cho là có động cơ tôn giáo.