Nguồn: Meg Matthias, “Why Is Puerto Rico’s Political Status So Complicated?”, Britanica.
Biên dịch: Võ Thuận Hoài
Vào năm 2018, những người khiếu nại với Ủy ban Đặc biệt Liên Hợp Quốc về Phi thực dân hóa đã mô tả mối quan hệ của Hoa Kỳ với Puerto Rico, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, “như một tội ác diệt chủng và ‘khủng bố kinh tế,’ đặc trưng bởi việc các tập đoàn đa quốc gia – được hậu thuẫn bởi Hoa Kỳ – khai thác các nguồn tài nguyên của Puerto Rico ngay cả khi Chính phủ Hoa Kỳ thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng buộc các trường học phải đóng cửa, còn lương hưu không được chi trả.
Bản buộc tội nhức nhối này, từ quan điểm của nhiều người Puerto Rico, chính là hơn 100 năm lịch sử được cô đọng trong một câu. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Puerto Rico bắt đầu vào năm 1898, khi quân đội Hoa Kỳ xâm lược hòn đảo này – lúc đó còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha – trong Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha. Puerto Rico đã được nhượng lại chính thức cho Hoa Kỳ, quốc gia chiến thắng, vào cuối năm đó theo Hiệp ước Paris. Sau đó, người Puerto Rico đã quan sát việc Hoa Kỳ công nhận nền độc lập của Philippines và Cuba, các vùng lãnh thổ hải đảo chịu sự chiếm đóng của Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh, và họ tin rằng cuối cùng họ sẽ được trao trả nền độc lập, điều một số người Puerto Rico đã kêu gọi Tây Ban Nha thực hiện trong nhiều thế kỷ.
Thay vào đó, Hoa Kỳ đã tiếp tục xem Puerto Rico như một thuộc địa.
Đến năm 1917, người Puerto Rico vẫn không được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Đến năm 1952, vùng lãnh thổ này vẫn không được phép có hiến pháp riêng. Ngày nay, hòn đảo, nay gọi là Khối thịnh vượng chung Puerto Rico, tương đối được tự trị. Các luật mới được đề xuất và phê chuẩn mà không cần sự chấp thuận của Hoa Kỳ, và thống đốc của Puerto Rico – từng do Hoa Kỳ bổ nhiệm trong thời gian dài trước đây – giờ được bầu bởi người dân Puerto Rico.
Tuy nhiên, dù người Puerto Rico phải tuân thủ theo luật liên bang Hoa Kỳ, đóng góp các khoản tiền an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare, và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính sách liên bang – nhưng những người khiếu nại với Liên Hợp Quốc đã viện dẫn việc không có viện trợ đủ lớn của liên bang sau cơn bão Maria, và người Puerto Rico không thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang Hoa Kỳ và không được đại diện bởi các thành viên có quyền biểu quyết trong Quốc hội. (Một đại diện duy nhất của Puerto Rico trong Quốc hội có thể tham gia các ủy ban và đề xuất các dự luật nhưng không có quyền biểu quyết). Tuy nhiên, Puerto Rico được chia sẻ ít nhất một “đặc quyền” với Hoa Kỳ: họ không thể tuyên bố phá sản. Thế nhưng, những người khiếu nại đã chỉ ra, nếu Puerto Rico là một tiểu bang, sự bóc lột kinh tế bởi các công ty Mỹ mà nó phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ có thể được ngăn chặn bởi chính phủ Hoa Kỳ. (Năm 2017, Puerto Rico đã đạt được một thỏa thuận “giống như tuyên bố phá sản” với Hoa Kỳ sau một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài một thập kỷ.).
Chính nhiều thế kỷ thuộc địa đã dẫn đến tình trạng chính trị phức tạp của Puerto Rico. Mặc dù chúng ta không thể biết hòn đảo này sẽ như thế nào nếu nó không bị ảnh hưởng bởi lịch sử đó, các cách thức giải phóng Puerto Rico khỏi chế độ cai trị kiểu thực dân đã được tranh luận trong nhiều thập kỷ, đôi khi dưới hình thức trưng cầu ý dân mà thông thường đưa ra ba lựa chọn cho người dân Puerto Rico:
-
- Trở thành tiểu bang: Puerto Rico sẽ được công nhận là tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Hòn đảo này sẽ nhận sự trợ giúp tài chính và an sinh xã hội ngày càng tăng từ Chính phủ Hoa Kỳ nhưng mất bản hiến pháp hiện tại, vốn khác với Hiến pháp Hoa Kỳ. Năm 2012, 61,2% cử tri Puerto Rico ủng hộ việc trở thành một tiểu bang hơn là duy trì một khối thịnh vượng chung; năm 2017, 97% (của tổng số cử tri nhỏ) đã lựa chọn địa vị tiểu bang thay vì địa vị độc lập hoặc thịnh vượng chung; và năm 2020, khoảng 53% đã bỏ phiếu cho việc trở thành tiểu bang.
- Độc lập: Puerto Rico sẽ trở thành một quốc gia độc lập. Quốc gia này sẽ có quyền tự quản hoàn toàn, nhưng nó có thể đối mặt với các khó khăn kinh tế khi tách khỏi Hoa Kỳ. Những người ủng hộ độc lập hoàn toàn đứng sau 47% cử tri đã từ chối việc trở thành tiểu bang hồi năm 2020 cũng như số nhỏ cử tri bỏ phiếu năm 2017. (Do những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân năm 2017, chỉ có 23% cử tri đăng ký tham gia – một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với hầu hết cuộc bầu cử, vốn đã thu hút hơn 80% cử tri.)
- Duy trì tình trạng thịnh vượng chung: Puerto Rico vẫn sẽ là một Khối thịnh vượng chung của Hoa Kỳ. Một số người Puerto Rico đã đề xuất “địa vị thịnh vượng chung nâng cao”, giúp tăng cường quyền tự trị của hòn đảo trong khi tiếp tục duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ, hoặc địa vị “Nhà nước liên kết tự do có chủ quyền”, theo đó Puerto Rico sẽ hoạt động như một quốc gia độc lập với quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những lựa chọn này hiếm khi xuất hiện trong các cuộc trưng cầu ý dân.
Vào năm 2020 cuộc trưng cầu ý dân lần thứ sáu của Puerto Rico đã đưa ra một câu hỏi trực tiếp có hoặc không: “Puerto Rico có nên ngay lập tức được kết nạp vào Liên bang Hoa Kỳ với tư cách là một tiểu bang không?” Đa số cử tri (52.34%) chọn có. Vì vậy, vào năm 2021, dự luật HR 1522 (hay Dự luật Công nhận Tiểu bang Puerto Rico) ra đời, một dự luật có thể đã thiếu sự thẳng thắn, trực tiếp của cuộc trưng cầu ý dân nhưng vẫn đưa ra quan điểm rõ ràng: “Người Puerto Rico đã đóng góp rất lớn cho quốc gia và nền văn hóa, và nổi bật trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, sự phủ nhận quyền bỏ phiếu và đối xử bình đẳng bởi Chính phủ Liên bang hoàn toàn đi ngược lại với những đóng góp của họ.”
Tuy nhiên, HR 1522 không có gì mới. Nó là dự luật thứ 11 đề xuất tình trạng tiểu bang cho Puerto Rico. Và, do cuộc trưng cầu ý dân của Puerto Rico không mang tính ràng buộc, Quốc hội Hoa Kỳ từ lâu đã từ chối bỏ phiếu thay đổi địa vị của hòn đảo này.