Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Heavyweight Xi Jinping gives himself a lightweight cabinet,” Nikkei Asia, 16/03/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Các bộ trưởng kinh tế đã bị gạt ra ngoài lề trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm toàn quyền hoạch định chính sách.
“Yếu một cách đáng ngạc nhiên” là cách mà một số nhà quan sát mô tả đội hình mới của Quốc vụ viện Trung Quốc, tức chính phủ của nước này, khi thông tin được công bố tại kỳ họp thường niên gần đây của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Các quan chức kinh tế chủ chốt của Trung Quốc, bao gồm Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương), đã không còn nằm trong ban lãnh đạo cao nhất.
Dịch Cương (Yi Gang), Thống đốc Ngân hàng Nhân dân, đã được tái bổ nhiệm vào vị trí của mình dù ông đã đến tuổi nghỉ hưu thông thường là 65. Tuy nhiên, Dịch không còn là một trong số hơn 200 thành viên của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí không còn nằm trong số hơn 170 ủy viên dự khuyết của ban chấp hành – một chức vụ ông đã giữ cho đến kỳ đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 10 vừa qua.
Tương tự, Lưu Côn (Liu Kun) đã được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính nhưng bị loại khỏi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng. Ở tuổi 66, ông thậm chí còn già hơn Dịch Cương.
Nhiều vị bộ trưởng khác cũng đánh mất những vị trí quan trọng. Lý Tiểu Bằng (Li Xiaopeng), 63 tuổi, tiếp tục giữ vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải, nhưng đã rời Ban chấp hành Trung ương vào năm ngoái. Ông là người phụ trách các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như đường sắt và đường bộ.
Lý Tiểu Bằng là con trai cả của cố thủ tướng Lý Bằng, người được cho là đã dẫn đầu cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn nhắm vào những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 1989.
Giống như Chủ tịch Tập Cận Bình, Lý Tiểu Bằng là một “thái tử đảng,” như cách gọi con cái của các quan chức cấp cao của đảng, và cũng thuộc về “thế hệ đỏ thứ hai” – một nhóm nhỏ con của các nhà lãnh đạo đảng thời kỳ cách mạng.
Việc bổ nhiệm các vị trí có liên quan đến kinh tế đã khiến nhiều nhà quan sát phải thất vọng, ngay trong thời điểm thế giới đang theo dõi xem Trung Quốc sẽ vực dậy nền kinh tế đang chững lại của mình như thế nào.
Dường như có một vài nguyên nhân để giải thích cho đội hình khá yếu của Quốc vụ viện. Một trong số đó là việc tân Thủ tướng Lý Cường cần có những nhân sự an toàn, dày dạn kinh nghiệm khi ông tiếp quản Quốc vụ viện mà không có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Cụ thể, ông chưa bao giờ giữ chức vụ phó thủ tướng.
Dù sao đi nữa, đôi cánh quyền lực của Quốc vụ viện rõ ràng đang bị cắt xén. Với việc các quan chức kinh tế bị loại khỏi Ban chấp hành Trung ương và các cấp cao hơn của đảng, cán cân quyền lực đã nghiêng hẳn về phía Đảng Cộng sản – do Tập đứng đầu – chứ không phải Quốc vụ viện.
Quá trình cải cách thể chế hiện tại rõ ràng đã được thiết kế để củng cố sức mạnh của đảng, và các chính sách của ngân hàng trung ương trong tương lai nằm trong số những chính sách dự kiến sẽ chứa đựng dấu ấn mạnh mẽ của đảng.
Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện đều đã bước vào tuổi cao niên. Ở tuổi 69, chính Tập Cận Bình đã phá vỡ quy tắc nghỉ hưu truyền thống – dù không chính thức – của đảng đối với các nhà lãnh đạo cấp cao: họ sẽ hoàn toàn rời bỏ các chức vụ nhà nước ở tuổi 68.
Tại đại hội toàn quốc năm 2022 của đảng, Vương Nghị, người cũng 69 tuổi, đã được đề bạt vào Bộ Chính trị và trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.
Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), tân Bộ trưởng Quốc phòng, đã 65 tuổi. Là thành viên của Quân ủy Trung ương, tổ chức quốc phòng cao nhất của đất nước, ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực không gian và phát triển vũ khí. Ông cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì đứng sau việc Trung Quốc mua vũ khí từ Nga.
Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), 65 tuổi, một phụ tá thân cận của Tập Cận Bình, vừa được thăng chức trở thành ủy viên quốc vụ, một chức vụ ngang hàng cấp phó thủ tướng. Trước đó, Vương đã được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an, điều hành lực lượng cảnh sát.
Thông điệp rất rõ ràng: tuổi cao không quan trọng bằng lòng trung thành với Tập, nhà lãnh đạo không thể bị thách thức. Khi thẩm quyền của Quốc vụ viện suy yếu, không có gì ngạc nhiên khi bài phát biểu bế mạc của Tập Cận Bình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm thứ Hai (13/03/2023) lại thu hút nhiều sự chú ý hơn so với cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Cường.
Trong bài phát biểu của mình, Tập liên tục gắn các khái niệm “quốc gia vĩ đại” và “an ninh quốc gia” với vai trò lãnh đạo của đảng.
Trong phần kết, ông nói “Để làm tốt công việc điều hành đất nước, đảng phải làm tốt công việc quản lý chính mình; và để xây dựng một đất nước vĩ đại, đảng phải phát triển mạnh mẽ.”
Một lần nữa, trong một cuộc họp chính thức, Tập đã tái khẳng định tư cách nguyên thủ quốc gia của mình, tuyên bố công khai rằng đảng là trên hết. Cứ như thể ông đang tự tuyên bố mình là “chủ tịch đảng” – một chức danh mà Mao Trạch Đông từng nắm giữ, nhưng Tập thì chưa.
Việc giảm bớt quyền lực của Quốc vụ viện sẽ là điều không tưởng dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từ năm 2003 đến năm 2013, khi vai trò của đảng và chính phủ được tách biệt rõ ràng.
Tại cuộc họp báo đầu tiên của mình, Lý Cường hứa sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân đang gặp khó khăn và thúc đẩy chính sách “cải cách và mở cửa” đã có từ lâu đời. Nhưng các nhà phân tích lại cho rằng lời hứa này cần phải được xem xét cẩn trọng.
Lý do là bởi trong bài phát biểu của mình, Tập đã nói về “thịnh vượng chung,” khái niệm do chính ông đặt ra, nhấn mạnh vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hơn là đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Nếu được triển khai một cách nghiêm ngặt, nó có thể đi ngược lại cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân của Lý Cường.
Lý cũng không đưa ra dấu hiệu nào về việc đảo ngược các chính sách kinh tế mà trong những năm gần đây đã gây áp lực bất thường lên Tập đoàn Alibaba và những gã khổng lồ công nghệ khác. Điểm này cho thấy lợi ích quốc tế dường như đã bị bỏ qua.
Các công ty nước ngoài dự kiến đầu tư vào Trung Quốc đang theo sõi sát sao các chính sách có vẻ ưu ái hơn cho các doanh nghiệp nhà nước. Liệu chúng có thể thay đổi dưới thời Tập?
Một điều đáng chú ý khác trong kỳ họp quốc hội gần đây là sự thăng tiến của những nhân vật từng làm việc dưới quyền Tập Cận Bình ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến.
Trịnh Sách Khiết (Zheng Shanjie), 61 tuổi, đã trở thành người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan quyền lực phụ trách việc lập kế hoạch kinh tế. Người tiền nhiệm của ông, Hà Lập Phong (He Lifeng), 68 tuổi, đã được thăng chức lên phó thủ tướng.
Cả hai người này đều có quan hệ mật thiết với Hạ Môn, nơi Tập giữ chức phó thị trưởng trong ba năm, cho đến năm 1988.
Điều cần nhớ ở đây là các quan chức kinh tế chủ chốt của Trung Quốc có thể là những nhà kỹ trị dày dạn kinh nghiệm, nhưng lại yếu thế về chính trị. Giờ đây, họ đã ở dưới quyền Hà Lập Phong và Trịnh Sách Khiết, hai thành viên thuộc phe Hạ Môn trung thành của Tập.
Chỉ còn lại một “nhân vật nặng ký” duy nhất ở Trung Quốc, và lời nói của bất kỳ ai khác đều sẽ có ít trọng lượng hơn trước. Trong tương lai, thế giới sẽ ngày càng chỉ được nghe tiếng nói của duy nhất Tập Cận Bình.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.