Thái Kỳ: Biểu tượng quyền lực mới tại Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s chief of staff Cai Qi is symbol of powerful court,” Nikkei Asia, 30/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh hiện đang giám sát mọi mặt của an ninh Trung Quốc

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh xuống Moscow vào ngày 20/03 vừa qua, ông đang rất phấn chấn.

Sau khi thuyết phục Ả Rập Saudi và Iran khôi phục quan hệ, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, qua đó chứng tỏ vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Nhưng ông đã bị ngáng đường bởi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine chỉ một ngày sau đó. Đây là chuyến công du đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới một quốc gia đang có chiến tranh kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

Kishida cần đến thăm Kyiv trước hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima vào tháng 5, vì ông là nhà lãnh đạo G-7 duy nhất chưa làm như vậy.

Nhưng những tính toán của Kishida không phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh. Một nguồn tin giải thích rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc coi chuyến thăm của Thủ tướng Nhật là “thách thức trực tiếp” đối với nghị trình ngoại giao của Tập.

Sự tương phản là rất rõ ràng. Tập đi cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã ra lệnh xâm lược Ukraine, và hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung lần đầu tiên sau một năm. Bên kia biên giới, Kishida đứng cạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, bày tỏ sự ủng hộ đối với đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.

Có thể hiểu được lý do Tập và nhà ngoại giao hàng đầu của ông, Vương Nghị, không hài lòng với việc Kishida chiếm lấy sự chú ý – một nguồn tin khác nhận xét.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự buổi họp mở rộng tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga, vào ngày 21/03. © Reuters

Nhưng tin tức lớn nhất trong chuyến thăm Moscow của Tập lại không liên quan đến ngoại giao. Đó là cảnh một nhân vật bất ngờ bước xuống máy bay ngay sau Tập – Thái Kỳ (Cai Qi), một trong bảy thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giới thiệu chức vụ mới của Thái: Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, một vai trò trên thực tế giống như chánh văn phòng của Tập.

Đây có lẽ là sự thay đổi nhân sự quan trọng nhất trong đảng kể từ khi đại hội toàn quốc kết thúc vào tháng 10/2022.

Theo nhiều cách, quyết định bổ nhiệm Thái Kỳ là rất khác thường. Thứ nhất, những người tiền nhiệm của ông đến từ Bộ Chính trị gồm 24 thành viên, chứ không phải từ 7 người đứng đầu.

Thứ hai, trước đây Tập chưa bao giờ được một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tháp tùng trong các chuyến công du nước ngoài. Thái, phụ tá thân cận của Tập, là người đầu tiên làm như vậy.

Quyết định bổ nhiệm Thái Kỳ đã tiết lộ phần nào tương lai chính trị trong nước của Trung Quốc.

Tập tham dự cuộc gặp với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tại Moscow vào ngày 21/03. Thái Kỳ ngồi cạnh ông. © Reuters

Thông thường, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiểm soát danh sách người được gặp lãnh đạo tối cao và sắp xếp các lịch trình. Việc bổ nhiệm Thái, nhân vật đứng thứ năm trong hệ thống thứ bậc của đảng, đã thay đổi đáng kể bản chất của vị trí này.

Thái Kỳ có thể sẽ đóng một vai trò tương tự như Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, người kiểm soát tất cả các bộ và cơ quan chính phủ trực thuộc văn phòng thủ tướng.

Tại Điện Kremlin, Thái đã ngồi cạnh Tập trong hội nghị thượng đỉnh Trung-Nga. Tại các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trước đây và các cuộc gặp cấp cao khác, nhà lý luận Vương Hỗ Ninh là người ngồi cạnh Tập, với tư cách là cố vấn chính.

Vào thời điểm đó, Vương là Ủy viên Bộ Chính trị giám sát các vấn đề an ninh. Ông hiện giữ chức Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước.

Vương Hỗ Ninh luôn là người ngồi bên cạnh Tập tại các cuộc gặp quan trọng ở nước ngoài, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung. (Ảnh chụp màn hình từ trang web của chính phủ Trung Quốc)

Thái Kỳ, người xuất thân từ tỉnh Phúc Kiến, đã tạo dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tập, người đã làm việc tại tỉnh này từ thập niên 1980. Thái sau đó tiếp tục làm việc với Tập ở tỉnh Chiết Giang, nơi mà sau này Tập trở thành Bí thư Thành ủy.

Thái chuyển đến Bắc Kinh để làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia, một chức vụ cấp bộ trưởng. Là một cơ quan thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban An ninh Quốc gia được thành lập vào năm 2013 với Tập là người đứng đầu. Nó giữ vai trò trung tâm trong chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Tập.

Thái sau đó được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, chức vụ cao nhất tại thủ đô Trung Quốc, thường chỉ dành cho một ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng vào thời điểm nhậm chức, Thái thậm chí còn không phải là ủy viên dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương.

Các chính sách xã hội thiếu cân nhắc mà Thái đưa ra trong thời gian ở Bắc Kinh, chẳng hạn như khuyến khích người lao động nhập cư trở về quê hương của họ, đã làm phật lòng người dân địa phương.

Nhưng Tập không quan tâm đến dư luận, và đã đề bạt Thái vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị vào tháng 10 năm ngoái, khiến nhiều người ngạc nhiên.

Tập, vốn nổi tiếng là không bao giờ khen ngợi người khác, lại đánh giá cao Thái trước công chúng. Mối quan hệ của họ dường như rất thân thiết.

Sắp tới, Thái sẽ lãnh đạo một nhóm các trợ lý thân cận, chuyên giám sát các vấn đề liên quan đến an ninh.

Thái Kỳ tham dự phiên họp của Quốc hội tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 10/03. © AP

Suốt nhiều năm, Tập luôn coi trọng vấn đề an ninh. Tại kỳ họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, hồi đầu tháng này, Tập đã có một bài phát biểu trong đó ông liên tục sử dụng thuật ngữ “an ninh.”

An ninh ở đây bao gồm cả an ninh đối ngoại và an ninh đối nội, trong đó an ninh đối nội giải quyết các vấn đề như phong trào “giấy trắng” từng lan rộng khắp Trung Quốc, phản đối chính sách zero-COVID hà khắc của Tập Cận Bình.

Một số người biểu tình tham gia phong trào “giấy trắng” đã công khai kêu gọi Tập từ chức.

Đáng chú ý, những vị trí quan trọng liên quan đến an ninh, gồm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng (Ủy ban Chính Pháp), hiện đều do các phụ tá thân cận của Tập nắm giữ.

Họ chủ yếu là những phụ tá đã từng làm việc với Tập ở Phúc Kiến, được gọi là phe Phúc Kiến, và một số người khác đã làm việc với Tập ở tỉnh Chiết Giang.

Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng, cơ quan giám sát các đơn vị cảnh sát, tư pháp và tình báo, hiện do Trần Văn Thanh (Chen Wenqing) đứng đầu. Trước đây, ông từng là quan chức cấp cao ở Phúc Kiến.

Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) hiện đồng thời giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện, một chức vụ cấp phó thủ tướng, và Bộ trưởng Công an, phụ trách giám sát các tổ chức cảnh sát. Vương cũng thuộc phe Phúc Kiến.

Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng đã làm việc cùng với Tập Cận Bình ở tỉnh Phúc Kiến nhiều năm trước và thuộc phe Phúc Kiến. © Reuters

Trần Nhất Tân (Chen Yixin), thành viên phe Chiết Giang, đã được chọn để kế nhiệm Trần Văn Thanh làm Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia.

Hà Vệ Đông (He Weidong), người từng là Tư lệnh Tập đoàn quân 31, một đơn vị đóng tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đối diện với Eo biển Đài Loan, đã được thăng chức lên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Tống Đào (Song Tao), cựu Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương, phụ trách hoạt động ngoại giao cấp đảng với Triều Tiên, hiện là Giám đốc Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện.

Tống từng làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Ủy thác Quốc tế Phúc Kiến (Fujian International Trust and Investment Corporation.)

Trong chính trị Trung Quốc, “an ninh” cũng bao hàm “an ninh chính trị,” một khái niệm mới mà Tập Cận Bình đã bắt đầu tán thành. Nó bao gồm an ninh công cộng và an ninh nhà nước, có nghĩa là truy bắt các gián điệp có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.

Một chuỗi chỉ huy mới đang được thiết lập với Tập Cận Bình là người đứng đầu, tiếp đến là Thái Kỳ. Bất kỳ mệnh lệnh nào từ Tập đều sẽ được chuyển cho các phụ tá thân cận thông qua Thái.

Vấn đề với chuỗi chỉ huy mới này là ngay cả khi một mệnh lệnh bất khả thi được truyền xuống, thì cũng không có cấp dưới nào đủ quyền lực để phản đối nó.

Điều đang nổi lên ở Trung Quốc là hai chuỗi chỉ huy, một để đảm bảo an ninh quốc gia và một để điều hành nền kinh tế. Hệ thống an ninh quốc gia sẽ được trao cho Thái Kỳ, trong khi quyền điều hành kinh tế sẽ thuộc về tân Thủ tướng Lý Cường, người đứng đầu Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc.

Cùng nhau, họ sẽ giúp Tập củng cố quyền lực tối thượng.

Hệ thống mới do đảng lãnh đạo sẽ trở nên rõ ràng hơn trong Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành ban Trung ương đảng khóa 20, sẽ được tổ chức vào mùa thu này.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.