Lê Nghi Dân sát hại, tiếm ngôi vua Lê Nhân Tông

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào năm ngoái Thái Hòa thứ 7 [1449], tại Chiêm Thành, Ma Ha Quí Do giành ngôi của người anh là Ma Ha Quí Lai, nên bị vua Lê Nhân Tông nước ta gửi thư trách. Vốn ôm lòng oán hận, lại muốn tránh tội cướp ngôi; Quí Do mạo tên là Quí Lai, sai sứ sang nhà Minh tố cáo Đại Việt mấy lần xâm hại, bắt người nước này kể cả nam lẫn nữ đến 33.500. Trong chiếu thư gửi Vua Lê Nhân Tông vào năm nay, tức Thái Hòa thứ 8 [1450], Vua nhà Minh nêu việc này lên, để phản đối:

“Ngày 22 tháng 3 năm Cảnh Thái thứ nhất [3/5/1450]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn:

‘Trẫm nhận mệnh trời chúa tể Hoa Di, đối xử chung một lòng nhân, không phân biệt xa gần. Vì rằng đạo trời có phép tắc, không dám trái nghịch; đạo hết sức công bằng, không chút tơ tóc sai lệch. Phàm yên phận theo lẽ phải được khuyến khích bằng phúc thiện; nếu cậy mạnh hiếp yếu, trừng phạt sẽ đến nơi bằng họa hoạn.

Mới đây nước Chiêm Thành tố cáo Vương mấy lần xâm hại, bắt người nước này kể cả nam lẫn nữ đến 33.500; lại dạy bảo Chiêm Thành không thuận theo đạo trời, chỉ theo điều lợi mà thôi. Có thể lừa Chiêm Thành, nhưng đối với trời thì lừa sao được!

Những điều tố cáo Vương như vậy, đúng hay sai Trẫm không đáng tin hết. Khi sắc đến, Vương hãy yên phận giữ lễ, hòa mục với lân bang; việc trước nếu đã xảy ra thì sửa đổi, nếu không xảy ra thì cố gắng làm tốt thêm. Nếu quả có bắt số người Chiêm Thành kể trên, nên trả tất cả về nước, khiến mọi người đều an sinh lạc nghiệp; ngõ hầu trên thì thuận với đạo trời, dưới thì thuận lòng người; hai điều vẹn toàn, vĩnh viễn hưởng phúc thái bình.

Nay nhân Sứ giả Chiêm Thành về nước, bèn trao sắc này, đợi khi Sứ giả Vương tới nước này, sẽ nhận sắc mang về cho Vương. Vương nhớ tuân theo mệnh của Trẫm, chớ quên!’

Lại dụ Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Quí Lai:

‘Nhận được lời tâu của Vương rằng Quốc vương An Nam mấy lần sai quân đến xâm lăng, cướp 33.500 người, lại dạy Vương đừng thuận theo đạo trời, đừng kính trọng triều đình, việc gì có lợi thì làm. Thật sự chống trời, chống lẽ phải không gì lớn hơn! Nhưng Vương vẫn giữ vững tiết bề tôi, không bị mê hoặc bởi lời dụ dỗ, vẫn đến triều cống như cũ; Thấy rõ Vương trung thành, biết thuận theo lẽ phải. Phàm lẽ phải tức đạo trời, người xưa nói:“Thuận với trời thì thịnh vượng, nghịch với trời thì tiêu vong”; kết quả đúng như vậy, không mảy may xê dịch!

Khi sắc đến, Vương càng thêm thuận đạo trời hơn, để bảo tồn sự thịnh vương. Riêng sắc dụ Vương nước An Nam, lệnh cho Sứ thần của Vương mang về, đợi Sứ An Nam đến Chiêm Thành thì trao cho họ và cũng luôn thể để Vương biết qua.” ….(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 53)

Tháng 7 [8/1450], viên Chánh sứ nhà Minh viếng thăm Vua Anh Tông đang bị giam, cảm động làm thơ kể lể nỗi niềm; sau đó Mông Cổ thả Vua Minh về nước:

“Mùa thu, tháng 7, nhà Minh sai Lý Thực làm chánh sứ đi cùng sứ giả của giặc Bắc lên phương Bắc. Ngày 15 [22/8/1450], bọn Thực ra mắt Anh Tông, rỏ nước mắt khóc, làm lễ lạy xong, thấy chỗ của Anh Tông lều bằng da, màn bằng vải, trải chiếu xuống đất mà ngủ, bèn tâu rằng:

‘Nay bệ hạ ăn mặc kham khổ quá’.

 Rồi hết lời kể tội Vương Chấn, nói là vì bệ hạ tin yêu hắn quá, đến nỗi phải chịu tai họa khi tuần thú ra ngoài. Anh Tông nói:

 ‘Trẫm nay có hối cũng không kịp nữa.’

Thực làm một bài thơ tức sự rằng:

‘Trùng chỉnh y quan bái thượng hoàng,

Ngẫu văn thiên ngữ trọng thê lương.

 Tinh chiên sung phúc phi thiên lộc.

 Thảo dã vi quân dị đế hương.

Thủy tín gian thần di quốc bính,

 Chung giao Hồ lỗ bạn thiên thường.

 Chỉ kim thiên sứ thông hòa hiếu,

Thúy kiễu nam tuyền tỉnh Kiến Chương.’

 (Lạy sửa cân đai lạy thượng hoàng,

 Chợt nghe lời dạy nặng đau thương.

 Tanh hôi đầy bụng đâu thiên lộc,[1]

 Thảo dã làm vua khác đế hương.[2]

 Mới biết gian thần xoay thế nước,

 Cho loài Hồ lỗ chống cương thường.

 Sứ trời nay tới thông hòa hảo,

 Xe thúy về nam viếng Kiến Chương.[3]

Bấy giờ tù trưởng giặc Bắc là Dã Tiên sai đầu mục dẫn 500 quân kỵ đưa Anh Tông về Yên Kinh. Các quan đón ở cửa An Định. Anh Tông từ cửa Đông An đi vào. Vua Cảnh Thái ra lạy đón, nhún nhường một hồi lâu, rồi đưa Anh Tông đến Nam Cung. Các quan vào yết kiến rồi lui ra.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 87a.

Tháng 10 [11/1450] phái bộ Hà Lật sang nhà Minh nạp cống; đến tháng 6 năm sau đến nơi; được dự yến, ban tiền lụa:

Mùa đông, tháng 10, sai Tây đạo tham tri Hà Lật làm chánh sứ; Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Như Đổ và Quốc tử giám trợ giáo Đồng Hanh Phát làm phó sứ, sang nhà Minh nộp cống hàng năm. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 87b.

Ngày 1 tháng 6 năm Cảnh Thái thứ 2 [29/6/1451]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần cống vàng, bạc, khí mãnh cùng sản vật địa phương. Ban yến, cùng các vật như tiền giấy, lụa, có sai biệt.” ….(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 55)

Sau khi Vua Anh Tông bị Mông Cổ bắt, vào ngày 6 tháng 9 [22/9/1449], Thành Vương nhà Minh lên ngôi, tức Vua Cảnh Đế. Đến tháng 6 năm Thái Hoà thứ 9 [1451] mới sai sứ báo tin cho nước ta:

Ngày 21 tháng 6 năm Cảnh Thái thứ 2 [19/7/1451]. Chiếu dụ Quốc vương An Nam:

‘Trẫm là con thứ hai của Tuyên Tông Chương hoàng đế, nhận tôn hiệu tại kinh sư. Mới đây nhân bọn giặc xâm phạm biên giới, đại huynh Hoàng đế thân chinh mang sáu quân[4] đi hỏi tội, sắc dụ Trẫm ở lại kinh đô giữ nước. Không ngờ xa giá nhà vua bị giặc đánh và bị bắt. Mẹ ta Hoàng Thái hậu đáp ứng nguyện vọng của thần dân, lệnh Trẫm đích thân bàn định cùng Hoàng thân, Công, Hầu, Bá, quần thần văn võ tại triều, cùng kỳ lão quân dân, Sứ thần các Di bốn phương. Nghĩ rằng ngôi vị Thiên tử không thể để trống lâu, tất cả đồng lời xin sớm ra quyết định lớn. Hoàng Thái hậu bèn mệnh Trẫm làm vua thiên hạ. Lúc này có Sứ thần từ nước giặc trở về, cũng truyền báo chiếu chỉ của đại huynh rằng lễ nghi tông miếu không thể bỏ trống; em Trẫm là Thành vương, tuổi đã lớn lại hiền, nên lệnh kế chức để lo liệu việc tế tự.

Tuy Trẫm từ chối mấy lần nhưng không được chấp nhận, nên vào ngày 6 tháng 9 năm Chính Thống thứ 14 [22/9/1449] lên ngôi Hoàng đế, đại xá thiên hạ và sai sứ đến nước giặc tôn nguyên Hoàng đế làm Thái thượng hoàng, và định năm sau đặt niên hiệu Cảnh Thái năm thứ nhất. Vào tháng 8 năm nay giặc đưa Thái thượng hoàng về kinh đô, Thượng hoàng vẫn ra lệnh Trẫm phụng thừa lễ giao miếu và coi việc nước như cũ. Lại khen rằng ta làm tốt trong việc bảo vệ biên cương, giữ gìn hòa bình trong phép trị nước.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 55)

Ngày 26 tháng 7 [2/8/1451], Thái hậu nghe lời gièm giết cha con Tể tướng Lê Khả, cha con Tư khấu Lê Khắc Phục, khiến riềng mối triều đình trở nên suy nhược:

Giết Thái úy Lê Khả và con là Quát luôn với Tư khấu Lê Khắc Phục và con là Bá Nhai. Lê Khả, khi làm tể tướng, đảm nhiệm lấy việc giúp vua sửa đổi điều lỗi và tiếp nhận những lời khuyên can, nhưng Khả sử dụng pháp lệnh một cách quá nghiêm khắc, không hề nể nang hay khoan gượm gì cả. Do đấy, triều đình ai cũng len lét sợ Khả. Có kẻ gièm pha với thái hậu rằng Lê Khả cùng với cha con Khắc Phục ngầm kết vây cánh bè đảng. Thái hậu tin lời, bèn giết luôn cha con Lê Khả và cả cha con Khắc Phục.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 18.

Sứ thần nhà Minh do Hành nhân Biên Vĩnh làm Chánh sứ sang báo tin Vua Cảnh Tông lên ngôi. Phái đoàn khởi hành từ tháng 6, đến nước ta vào tháng 10; đến ngày 18 cùng tháng [11/11/1451] triều đình nước ta sai sứ bộ Trình Chân sang mừng lên ngôi:

Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai chánh sứ là Hành nhân ty hành nhân Biên Vĩnh, phó sứ là tiến sĩ Trịnh Huệ sang báo tin lên ngôi. Trước đây, Minh Anh Tông đi đánh phương Bắc đã bị Dã Tiên bắt được, em là Thành Vương Kỳ Ngục coi việc nước rồi tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Cảnh Thái, cho nên sai bọn Biên Vĩnh sang báo.

Ngày 18, sai Đồng tri Đông đạo Trình Chân, Trung thu hoàng môn thị lang Nguyễn Đình Mỹ, Thẫm hình viện đồng tri Phùng Văn Đạt sang nhà Minh mừng vua Minh lên ngôi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 88b.

Năm Thái Hòa thứ 10 [1452], vào tháng 6 sứ bộ Trình Chân tới kinh đô nhà Minh, được ban yến, tặng tiền lụa; sau đó cho bái yết đền thờ Khổng Tử:

Ngày 16 tháng 6 năm Cảnh Thái thứ 3 [2/7/1452]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Trình Chân đến dâng biểu, triều cống các vật như vàng bạc khí mãnh. Ban yến cùng ban cho y phục dệt kim, lụa thải,[5] đoạn,[6] quyên[7] và tiền giấy có sai biệt.”(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 57)

Ngày 19 tháng 6 năm Cảnh Thái thứ 3 [5/7/1452]. Bồi thần nước An Nam Trình Chân xin được bái yết Tiên sư Khổng Tử tại Quốc Tử Giám. Thiên tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 57)

Nhân Vua Cảnh Tông lập Hoàng thái tử, tháng 6 sai bọn Sứ thần Trần Kim sang báo tin; ngày 15 tháng 10 [25/11/1452] thì đến nước ta. Vào ngày 23 cùng tháng [3/12/1452] triều đình cử 2 sứ bộ sang nhà Minh; một sứ bộ do Chánh sứ Phạm Du cầm đầu, mừng lập Hoàng thái tử; sứ bộ thứ hai dưới quyền Chánh sứ Lê Thượng, tạ ơn việc ban vóc lụa:

Ngày 20 tháng 6 năm Cảnh Thái thứ 3 [6/7/1452]. Nhân sách lập Hoàng Thái tử, sai Lang trung Trần Ðộn thuộc bộ Lại ty Kê Huân, Lang trung Trần Kim thuộc bộ Hình ty Hồ Quảng làm Chánh sứ; Ty chính Hành nhân Lý Khoan, Hành nhân Quách Trung Nam làm Phó sứ, mang chiếu chỉ đến hiểu dụ hai nước Triều Tiên và An Nam. Ban cho mỗi nơi 1 bộ y phục dệt kim, 500 quan tiền giấy.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 57)

Mùa đông, tháng 10, ngày 15, nhà Minh sai chánh sứ là Hình bộ lang trung Trần Kim, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Quách Trọng Nam sang báo tin lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa.

Ngày 23, sai sứ sang nhà Minh. Chánh sứ Thẩm hình viện Phạm Du, phó sứ Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Bá Ký và Lễ bộ viên ngoại lang Chu Xa sang mừng việc lập Hoàng thái tử. Chánh sứ Chấn lôi quân chỉ huy Lê Thượng, phó sứ thị ngự sử Lê Chuyên sang tạ ơn ban vóc lụa. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 89a.

Như phần trên đã trình bày, vào năm Thái Hòa thứ 7 [1449] Ma Ha Quí Do dành ngôi của người anh là Ma Ha Quí Lai; bị triều đình Đại Việt khiển trách nặng nề. Đến nay mới báo tin cho nhà Minh rằng Quí Lai chết, Quí Do lên thay; chứng tỏ Vua Chiêm Thành Quí Do lừa dối trắng trợn:

Ngày 1 tháng 7 năm Cảnh Thái thứ 3 [17/7/1752]. Mệnh Cấp sự trung Phan Bản Ngu, Hành nhân Biên Vĩnh làm Chánh Phó sứ đến điếu tế cố Quốc vương Chiêm Thành Ma Ha Quí Lai, lại phong cho người em là Ma Ha Quí Do làm Quốc vương Chiêm Thành. Chiếu rằng:

Trẫm ứng mệnh trời, chủ tể Hoa Di, phong các chư hầu xa gần như một; đó là đại điển của quốc gia, hiến ước của tổ tông đã có sẵn.

Huống nước Chiêm thành ở nơi góc biển chân trời xa xôi, để sai khiến dân này há lẽ không có người quân trưởng! Vì vậy Quốc vương Ma Ha Quí Lai được thế tập phong tước, kính trời thờ nước lớn, trước sau một lòng thành, cai trị nhân dân, chăm lo chức cống; nay mất cần có kẻ thừa kế. Người em Ma Ha Quí Do tính vốn trung thuần, dân trong nước hướng theo, nay đặc cách phong làm Quốc vương Chiêm Thành, kế thừa làm chủ nước. Phàm dân chúng tước vị lớn nhỏ trong nước, ngày đêm lo tận tâm khuông phò, không được lấn người trên, giữ tấm lòng trung thuận để hưỏng phúc thái bình mãi.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 57)

Ngày 21 tháng 2 năm Thái Hòa thứ 11[30/3/1453], mở kỳ thi Hội:

Quý Dậu, Thái Hòa năm thứ 11, (Minh Cảnh Thái năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, ngày 21, đại xá. Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Vũ Bá Triệt đỗ tiến sĩ cập đệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 89 a.

Tháng 10 năm ngoái, sứ bộ Đại Việt sang mừng lập Hoàng thái tử; tháng 5 năm nay đến kinh đô nhà Minh. Cũng nhân tiện trình bày việc Vua Chiêm Thành Ma Ha Quí Do vu cáo; Vua Minh nghe được, bèn đem lời an ủi:

Ngày 4 tháng 5 năm Cảnh Thái thứ 4 [10/6/1453]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Lê Thượng sang mừng lập Hoàng Thái tử; cống vàng, bạc, khí mãnh và sản vật địa phương. Ban yến cùng lụa, tiền giấy có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 59)

Ngày 25 tháng 5 năm Cảnh Thái thứ 4 [1/7 /1453]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn:

‘Mới đây nhận được lời tâu của Quốc vương xác định lời nước Chiêm Thành trước đây nói rằng Vương đòi voi có hoa văn rồi mang quân đến xâm lấn, mọi việc đều không đúng sự thực. Đủ thấy nước Vương biết lễ nghĩa. Từ nay trở về sau Vương hãy làm cho lân quốc tin tưởng hơn, khéo giữ gìn biên giới, yên ổn nhân dân. Đừng để sự nghi ngờ trước đây gây hiềm khích, rồi đi đến chỗ gây hấn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 59)

Tháng 11 [12/1453], sai bọn Sứ thần Nguyễn Nguyên Kiều sang nhà Minh tiến cống:

Mùa đông, tháng 11, vua sai bọn bồi thần Nguyễn Nguyên Kiều, Nguyễn Đán, Trần Hoãn Huy sang nhà Minh nộp cống hàng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 89 b.

Ngày 21 tháng 11 [20/12/1453] Vua đích thân coi chính sự, đổi niên hiệu năm sau là Diên Ninh thứ nhất, ra lệnh ân xá và cấp tuất. Tuy nhiên sách Quang Thuận Trung Hưng Ký vẫn cho rằng bấy giờ Thái hậu chuyên quyền, triều đình tham ô thối nát, cảnh tượng đầy suy đốn:

Ngày 21, vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi niên hiệu, đại xá. Từ tháng giêng năm sau đổi là Diên Ninh năm thứ 1. Các điều lệnh ân xá có: tăng chức 1 bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện. Cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục, đồng thời cứu giúp cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 89 b.

Nội dung tập Quang Thuận trung hưng ký này đại ý nói: Lê Nhân Tông bấy giờ còn bé, thái hậu Nguyễn Thị cầm quyền, triều thần hầu hết là vô học, bất tài, tham ô, thối nát, hối lộ công khai, văn giáo mịt mờ bế tắc, làm cho dân tình xao xuyến, đường sá nôn nao, trình bày một cảnh tượng đầy suy đốn!” Cương Mục, Chính Biên, quyển 18.

Tháng Giêng năm Diên Ninh thứ nhất [2/1454], cho đúc tiền mới, tuyển trai trẻ khỏe mạnh bổ sung quân, làm sổ hộ tịch:

Giáp Tuất, Diên Ninh năm thứ 1, (Minh Cảnh Thái năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đúc tiền Diên Ninh. Tuyển tráng đinh bổ sung quân [90a] ngũ và thải người già. Làm sổ hộ tịch.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 89 b.

Vào tháng 11 năm ngoái sứ bộ Nguyễn Kiều sang cống nhà Minh, tháng 3 năm nay đến kinh đô; được ban yến, y phục và lụa. Tháng 8 trở về nước, nhận sắc và các loại lụa, đưa về cho Vua; lại được hộ tống ra khỏi biên giới:

Ngày 26 tháng 3 năm Cảnh Thái thứ 5 [23/4/1454]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Nguyễn Kiều đến dâng biểu, cống vàng, bạc, khí mãnh, và các sản phẩm địa phương. Được đãi yến, cùng ban cho lụa và các vật.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 60)

Ngày 4 tháng 8 năm Cảnh Thái thứ 5 [27/8/1454]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần Nguyễn Kiều đến triều cống sản phẩm địa phương. Đãi yến, ban cho lụa nõn trong ngoài và y phục lụa trử. Lại mệnh mang sắc, cùng lụa đưa về cho vua. Sắc như sau:

 “Vương trông coi bờ cõi phía nam xa xôi, giữ tròn lễ nghĩa, từ lâu trọn chức bề tôi; Trẫm rất vui lòng. Nhân Sứ thần về nước; Trẫm gửi lời khuyến khích Vương càng kiên định tấm lòng thuận trời, thờ nước lớn để đời đời được tốt đẹp. Ban cho 4 tấm lụa bạch; các loại lụa dệt kim, trử, thải, quyên, ty, mỗi loại 10 tấm. Mệnh các nơi đi qua mang quân hộ tống bọn Kiều đến biên giới.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 61)

Năm Diên Ninh thứ 2 [1455], sai Phan Phù Tiên soạn bộ Đại Việt Sử Ký. Phù Tiên người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội; đỗ Minh Kinh khoa Kỷ Dậu [1429] thời Vua Lê Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên thứ 2:

Ất Hợi, Diên Ninh năm thứ 2, (Minh Cảnh Thái năm thứ 6). Sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký, từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 90a.

Ngày mồng 3 tháng giêng năm Diên Ninh thứ 3 [8/2/1456] mở đại yến linh đình, có Lạng sơn vương Nghi Dân tham dự:

Bính Tý, Diên Ninh năm thứ 3, (Minh Cảnh Thái năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 3, ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn Vương Nghi Dân dự yến.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 90a.

Ngày mồng 5 tháng 2 [10/3/1456] ban cho đầu mục châu Qui Hợp là Cầm Công làm Trấn viễn thượng tướng quân:

Tháng 2, ngày mồng 5, ban cho bọn đầu mục Mường Bồn [Qui Hợp, Ai Lao] áo và lụa theo thứ bậc khác nhau. Vì đầu mục Mường Bồn là Lang Tra hồi tháng giêng đem cống lễ vật. Ra lệnh chỉ cho phụ đạo Lệnh Châu Cầm Công làm Trấn viễn thượng tướng quân. Sai Viên ngoại lang Trình Dao đem chiếu chỉ đến dụ và ban thưởng cho chiếc áo đoạn màu hồng dệt hoa kim tuyến, mũ cao sơn, đai thếp bạc, yên ngựa, ghế dựa, án thư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 90b.

Trong tháng 2 nhà vua đi Lam Kinh, Thanh Hóa; bái yết lăng tẩm, dùng bọn Lê Hiêu và Lê Lựu ở lại trông coi thành trì Đông Kinh:

Ra lệnh chỉ cho bọn Nhập nội tư đồ bình chương sự Lê Hiêu, Nhập nội đô đốc bình chương sự Lê Lựu trông coi các việc giữ vững thành trì, ngày đêm nghiêm ngặt, tuần phòng trong ngoài theo đúng phép.

 Ngày Đinh Mùi mồng 8 [13/3/1456], vua ngự về Lam Kinh, ngày Quý Sửu [19/3/1456] tới Lam Kinh. Đêm ấy mưa đá. Ngày 15 [20/3/1456], vua đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơ lăng và ra lệnh chỉ cho quan coi lăng ở Lam Sơn rằng:

“Mọi việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết như ngả cây, chặt che, kiếm củi… tế tẩm miếu dùng 4 trâu, đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng. Về nhạc, võ thì múa điệu “Bình Ngô phá trận“, văn thì múa điệu “Chư hầu lai triều“.[8] Đại tư đồ Lê Bí đến tế miếu Chiêu Hiếu Vương và Trung Dũng Vương,[9] dùng 3 trâu. thượng thư lệnh Lê Khang đến tế miếu Hoằng Hựu Đại Vương,[10] dùng 3 trâu.’

Ngày 21 [26/3/1456], ban yến cho các quan hộ giá, các quan nhận chức ở ngoài và các quan trí sĩ ở hành điện Lam Kinh, thưởng tiền theo thứ bậc khác nhau. Ngày hôm sau, ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định đặt tên hiệu cho các miếu điện ở sơn lăng Lam Sơn. Chánh điện gọi là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu, hậu điện gọi là Diễn Khánh. Lại sai quân phủ Thanh Hóa làm tẩm cung thờ Thái hoàng thái phi ở phía tây điện lăng Lam Sơn. Ngày 30 [4/4/1456], vua từ Tây Kinh về đến kinh sư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 91a.

Trước kia vào tháng 5 năm Thái Hòa thứ 6 [6/1448] có tranh chấp đất đai giữa châu An Bình phủ Thái Bình và Hạ Tư Lang thuộc trấn Thái Nguyên, đã giải quyết xong. Nay lại xảy ra tranh chấp mới, triều đình ta sai quan đến biên giới gặp tam ty nhà Minh để hội khám, nhưng họ không tới:

Tháng 3, ngày mồng 2 [6/4/1456], sai bọn Nhập nội đô đốc bình chương sự Lê Ê đi công cán lên địa giới trấn Thái Nguyên. Cùng đi có Nhập nội đại hành khiển tri tam quán sự nhập thị kinh diên Đào Công Soạn, Tây đạo hành khiển Nguyễn Hữu Quang, Bắc đạo hành khiển Lê Cảnh Huy, Thẩm hình viện sứ Trình Chân, Nội mật viện đồng tri Lê Hoài Chi. Khi lên đến địa giới Thái Nguyên, quan tam ty nhà Minh không tới, lại trở về. Bấy giờ, Thái Nguyên giáp giới với châu phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Đầu mục trấn đó là Nông Kính và Đàm Khoan bắt giết người, cướp trâu bò, gia súc lẫn của nhau rồi vượt sang chiếm đất ta, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 92a.

Ngày mồng 8 tháng 5 [10/6/1456] Tù trưởng các dân thiểu số đến cống, được ban tiền:

“Ngày mồng 8, bọn Tuyên úy Mường Mộc [Mộc Châu, Sơn La] là Xa La, Kinh lược sứ châu Thuận Mỗi là Đạo Xa, Tri châu Việt Châu [Yên Châu, Sơn La] là Đạo La, Quan sát sứ châu Ngọc Ma [Cam Môn, Cam Cớt, Ai Lao] là Cầm Kha sang dâng sản vật địa phương, đều được ban tiền theo thứ bậc khác nhau.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 92b.

Ngày 25 tháng 10 [22/11/1456], sai sứ bộ Lê Văn Lão sang nhà Minh nạp cống:

Mùa đông, tháng 10, ngày 25 sai các bồi thần Lê Văn Lão, Nguyễn Đình Mỹ, Nguyễn Cư Đạo, Đặng Huệ Đạt [có sách chép là Liên], sang nhà Minh nộp hằng năm và tạ ơn ban áo mũ. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 94b.

Vào đầu năm Diên Ninh thứ 4 [1457], tại Trung Quốc xảy ra vụ phế lập. Bấy giờ Vua Cảnh Đế ốm, các quan nhà Minh bèn đem Vua cũ, Anh Tông, lên ngôi lần thứ hai, niên hiệu là Thiên Thuận. Phế Vua Cảnh Tông làm Thành vương, rồi mấy ngày sau Vua này mất:

“Đinh Sửu, Diên Ninh năm thứ 4, (Minh Thiên Thuận năm thứ 1). Mùa xuân, tháng Giêng, vua Cảnh Thái nhà Minh ốm, bọn bầy tôi Vũ Thanh hầu Thạch Hanh, cùng với Chưởng binh đô đốc Trương Nghê [Nghê là con Trương Phụ], Tả đô ngự sử Dương Thiên, Phó đô ngự sử Từ Hữu Trinh đón Thượng hoàng Anh Tông trở lại lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Thuận.

 Tháng 2, ngày mồng 1 [24/2/1457], nhà Minh phế vua Cảnh Thái là Thành Vương như cũ, cho về ở Tây cung. Tháng ấy, ngày 19 [14/3/1457], Thành Vương mất. Ban lụa hồng cho các phi tần như Đường Thị, bắt phải tự tử để chôn theo Thành Vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 94b.

Đến tháng 9 nhà Minh sai sứ sang nước ta báo tin Vua Anh Tông trở lại ngôi. Tháng sau, triều đình sai sứ bộ Lê Hy Cát sang mừng lên ngôi và lập Hoàng thái tử mới:

Tháng 9, ngày 26 [14/10/1457], nhà Minh sai chánh sứ là Thượng bảo tự khanh kiêm Hàn lâm viện thị độc Hoàng Gián, phó sứ là Thái bộc tự thừa Trâu Doãn Long sang báo tin Anh Tông trở lại ngôi, tin lập Hoàng thái tử và ban cho vóc lụa.

 Mùa đông, tháng 10, ngày 14 [31/10/1457], vua sai chánh sứ là Nam đạo hành khiển tả nạp ngôn tri quân dân bạ tịch Lê Hy Cát, các phó sứ là bọn Hàn lâm viện thị giảng Trịnh Thiết Trường, Trung thư khởi cư xá nhân Nguyễn Thiên Tích, Giám sát ngự sử Trần Xác sang nhà Minh mừng việc lên ngôi và lập Hoàng thái tử, cùng tạ ơn ban vóc lụa [Lê Hy Cát người Lam Sơn, huyện Lương Giang].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 95a.

Vào tháng 10 năm ngoái sứ bộ Lê Văn Lão sang nhà Minh nạp cống hàng năm; đến tháng 3 năm nay đến Bắc Kinh, được ban yến và thưởng lụa. Lê Văn Lão dâng biểu xin áo Long Cổn cho Vua nhưng không được chấp thuận; riêng việc đổi hương liệu lấy dược phẩm mang về, thì không cản trở. Vào ngày 15 tháng 6 [6/7/1457] khi phái bộ trở về, Vua Anh Tông gửi chiếu thư cho Vua nước ta; phàn nàn việc người trong nước thường sang lấy trộm ngọc trai tại vùng biển Quảng Đông, yêu cầu chỉnh đốn chấm dứt việc này:

Ngày 28 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ nhất [21/4/1457]. Sứ thần nước An Nam bọn Lê Văn Lão dâng biểu, triều cống vàng, bạc, khí mãnh cùng sản vật địa phương. Ban yến cùng các vật như lụa nõn trong ngoài.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 62)

Ngày 2 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ nhất [23/6/1457]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn tâu:

“Được triều đình phong Vương hơn mười năm, thần kính cẩn đảm nhiệm chức phận bề tôi. Xin được triều đình ban cho áo Long Cổn, như lệ ban cho Quốc vương Triều Tiên. Thiên tử không chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 63)

Ngày 2 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ nhất [23/6/1457]. Bồi thần nước An Nam Lê Văn Lão tâu rằng:

‘Kinh Thư, kinh Thi bồi dưỡng lòng người; thuốc và châm cứu giúp kéo dài tuổi thọ. Nước thần từ trước đến nay nhờ vào thư tịch và thuốc thang Trung Quốc để biết rõ đạo lý và kéo dài cuộc sống. Nay xin theo tập tục xưa lấy hương liệu là những sản phẩm trong nước có sẵn, đổi lấy những vật thiếu để mang về nước.’

Được chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 63)

Ngày 15 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ nhất [6/7/1457]. Sứ thần nước An Nam Lê Văn Lão từ giã bệ rồng; Thiên tử ban cho Quốc vương Lê Tuấn lụa ỷ nạm vàng, lụa quyên mỗi thứ 20 tấm, 4 tấm gấm, mệnh Văn Lão mang về. Lại ban sắc dụ Tuấn như sau :

“Trẫm cho rằng không phải vì thân thiết mà che dấu sự sai trái, thưởng và phạt phải đích đáng. Vương kính cẩn trong việc triều cống, thực đáng khen, nhưng có lỗi không thể không cho biết. Mới đây quan trấn thủ Quảng Đông tâu rằng người nước ngươi thường sử dụng thuyền có 3 cột buồm, qua lại hồ ngọc trai tại Quảng Đông để ăn trộm. Có lúc sử dụng 2 chiếc thuyền, có lúc 3 chiếc, có lúc lên đến 150 chiếc, không một ngày nào không. Bắt được 4 tên trong bọn chúng, khai là Phạm Viện, Trình Lưu, Vũ Vũ, Phan Cánh đều là dân nước ngươi; thuộc các huyện Nam Sách [tỉnh Hải Dương], Hạ Lộ, Hầu Sơn. Đây tuy là việc nhỏ nhưng tổn thương đến đại thể. Nếu bảo rằng ngươi cố tình thì trái với đạo làm tôi; bảo rằng ngươi không biết, tức không tròn đạo giữ nước. Khi sắc đến, ngươi nên tự chỉnh đốn để bỏ sự sai trái, nếu còn chấp mê sẽ biến thành đại họa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 63)

Tân Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Duyệt sai sứ sang tâu với triều đình nhà Minh rằng người anh bà con là Quốc vương Ma Ha Quí Do mất, nên được nối ngôi; Vua Anh Tông bèn phong Bàn La Duyệt tước Quốc vương:

Ngày mồng 1 tháng 4 năm Thiên Thuận thứ 1 [24/4/1457]. Chiếu dụ Quốc vương Chiêm Thành:

‘Trẫm là Đế Vương đứng đầu thiên hạ, đối xử chung một lòng nhân, việc phong tước cho các phiên bang thể theo chế độ nối dõi tông đường. Nước Chiêm Thành các ngươi đời đời làm phiên thần nơi ven biển, việc truyền ngôi không thể để trống. Bởi vậy sau khi Quốc vương Ma Ha Quí Do mất, người nối dõi Bàn La Duyệt vừa là bà con thân, hiền đức, nhân tâm hướng theo; nên đặc cách sai sứ Cấp sự trung Giang Đồng, Phó sứ Hành Nhân Lưu Diễn mang sắc phong làm Quốc vương Chiêm Thành. Dân chúng nơi xa gần, ngày đêm hãy phụ trợ, nhắm tuân theo lễ phận, đừng trái nghịch. Hãy kiên định lòng trung thuận lâu dài, để vĩnh viễn hưởng phước thái bình; nên ban chiếu này để mọi người hay biết.’

Lại ban sắc dụ Bàn La Duyệt rằng:

“Các Vương đời trước tại nước ngươi đều cung kính giữ nước, đến đời anh ngươi nối chức, sự nghiệp tốt đẹp, nhưng chỉ được mấy năm thì mất. Cáo phó từ xa tới, khiến lòng Trẫm quyến luyến. Ngươi Bàn La Duyệt là em của Vương xưa, biết sai Sứ mang sản vật địa phương tiến cống và xin mệnh triều đình. Xét ngươi là người thân tộc, lại hiền đức, bèn chấp thuận cho nối dõi. Đặc cách sai Sứ mang chiếu phong ngươi làm Quốc vương Chiêm Thành, cùng ban cho các loại lụa. Ngươi phải tận tụy với phận bề tôi, vổ về yên ổn dân trong nước, để tiếp tục làm sáng đức. Khâm thử.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 62)

Năm Diên Ninh thứ 5 [1458], mở kỳ thi Hội:

Mậu Dần, Diên Ninh năm thứ 5, (Minh Thiên Thuận năm thứ 2).Thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Văn Nễ đỗ tiến sĩ xuất thân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 95b.

Năm ngoái triều đình ta cử 2 sứ bộ sang nhà Minh; nhóm Lê Hy Cát mừng lên ngôi và lập Hoàng thái tử; Lê Văn Lão sang nạp cống hàng năm. Sứ bộ Lê Hy Cát được dự yến và tặng quà vào ngày 6 tháng 2; sứ bộ Lê Văn Lão cũng được ban yến và tặng quà vào ngày 15 tháng 4. Ngày sứ bộ khởi hành về nước Vua Anh Tông gửi chiếu dụ khen ngợi cùng tặng quà cho Vua Nhân Tông:

Ngày 6 tháng 2 năm Thiên Thuận Thứ 2 [19/2/1458]. Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai bọn Bồi thần Lê Hy Cát, Trung sơn vương nước Lưu Cầu Thương Cung Cữu sai bọn Sứ thần Ngô Thị Kham Tiện, Quốc vương Triều Tiên Lý Tầm sai bọn Bồi thần Lý Ðăng Khuê… triều cống ngựa cùng sản vật địa phương. Ban yến cùng ban lụa nõn trong ngoài có sai biệt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 64)

Ngày 15 tháng 4 năm Thiên Thuận thứ 2 [27/5/1458]. Quốc vương Triều Tiên Lý Mâu, Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai Bồi thần đến triều cống sản vật địa phương, vàng, bạc, khí mãnh. Ban yến cùng các vật như lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 64)

Ngày 22 tháng 5 năm Thiên Thuận thứ 2 [2/7/1458]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Tuấn rằng:

‘Vương trấn thủ phiên bang phía nam xa xôi, thực lòng cung kính, từ lâu triều cống không khuyết. Mới đây nhân dịp Trẫm trở lại ngôi báu, bèn sai Bồi thần dâng biểu mừng, và cống vàng, bạc, khí mãnh cùng sản vật địa phương; tấm lòng tận tụy thành kính đáng khen. Lúc Sứ giả Vương trở về bèn ban cho lụa nõn trong ngoài, lụa đoạn để đáp lại tấm lòng thành. Vương hãy kiên định hơn lòng kính trời, thờ nước lớn, để bảo vệ nước và đáp ứng lòng Trẫm.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 65)

Vào ngày mồng 3 tháng 10 năm Diên Ninh thứ 6 [28/10/1459], Lạng Sơn Vương Nghi Dân cùng đồng đảng ban đêm trèo tường vào cung cấm, giết Vua và Hoàng thái hậu; rồi cướp ngôi. Đến ngày 21 tháng 10 năm Quang Thuận thứ nhất thời Vua Lê Thánh Tông [3/11/1460] làm lễ chiêu hồn, tôn miếu hiệu là Nhân Tông:

Kỷ Mão, Diên Ninh năm thứ 6, (Minh Thiên Thuận năm thứ 3). Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, Lạng Sơn Vương Nghi Dân đang đêm bắc thang, chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm. Vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại. Trước kia, Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Thái Tông, nên Nghi Dân không được lập, mới ngầm chuốc mưu gian, nhòm ngó ngôi báu, cùng bọn đồ đảng Phạm Đồn, Phan Ban, Trân Lăng, xướng xuất bọn vô lại gồm hơn trăm đứa, lợi dụng đêm tối, bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm. Thế là vua bị hại. Hôm sau, Hoàng thái hậu cũng bị hại. Nội nhân thị thái hậu phó chưởng Đào Biểu chết. Bấy giờ, Lê Đắc Ninh là Đô chỉ huy giữ cấm binh đương phiên trực, đã không chịu dẫn quân ra trước ngăn giữ, lại đem giúp kẻ phản nghịch. Cho nên Nghi Dân mới tiếm đoạt được ngôi báu, mà các quan văn võ phải nuốt hận ngậm đau, trăm họ bốn phương như mất cha mất mẹ.

Đến năm Quang Thuận thứ 1, mùa đông, tháng 10, ngày 21 [3/11/1460], làm lễ chiêu hồn và táng vua vào Mục Lăng ở Lam Sơn, miếu hiệu là Nhân Tông, dâng tôn hiệu là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Thông Duệ Tuyên Hoàng Đế.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 96a.

Sử thần Phan Phù Tiên, người đương thời, có lời bàn rằng Vua tuy lên ngôi thuở ấu thơ, nhưng được các đại thần đồng lòng phò tá, nên trị vì 17 năm đất nước thái bình, đáng là vị Vua nhân từ:

Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ. Đến lúc cuối đời bị lũ vô lại Đồn, Ban xướng xuất, khiến Lệ Đức hầu Nghi Dân đang đêm bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm, vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại. Thương thay! Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 96a.

Bài văn bia Mục Lăng ghi sự nghiệp Vua Nhân Tông, do Nguyễn Bá Kỳ soạn như sau:

Vua thần sắc anh tuấn, dáng điệu đường hoàng. Mỗi khi tan chầu, tự đến Kinh diên nghe giảng, mặt trời lặn mới thôi. Khi đã tự mình trông coi chính sự thì lễ tế thần linh, truy thờ tông miếu. Đối với Thái hậu dốc lòng hiếu thảo, đối với anh em trọn nghĩa yêu thương. Hòa thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn sùng đạo Nho, xét những lời thiển cận, nhận những lời can trung, chăm nom chính sự, thận trọng thưởng phạt, coi trọng nghề nông, chú ý nền gốc, hết lòng thương dân, không thích xây dựng, không mê săn bắn, không gần thanh sắc, không ham tiền của, hậu với người bạc với mình, trong ấm ngoài êm.

Vua răn cấm tướng ngoài biên không được gây hấn khích. Đến khi Chiêm Thành hai lần vào cướp châu Hóa thì sai tướng đem quân đi đánh, bắt được chúa nó là Bí Cai. Nước lớn sợ uy, nước nhỏ mến đức. Mọi điều chính sự đều theo điển chương phép tắc cũ đã có sẳn, sai đình thần nghị bàn cho thích đáng rồi sau mới thi hành. Cho nên chính trị hay, giáo hóa tốt ban khắp ra bốn biển, sinh linh mến đức, đời được thái bình. Ngày băng thình lình, trăm họ như mất cha mất mẹ.

Ôi tư chất của vua như vậy mà gặp phải tai biến như vậy, thì chẳng phải là trời đất rộng lớn dường ấy mà loài người vẫn còn có chổ đáng tiếc đó sao?”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 98b.

Riêng soạn thời Lê Thánh Tông cho rằng Thái hậu chuyên quyền, tin dùng người họ ngoại, giết các đại thần như Trịnh Khả; chốn cung cấm không đề phòng, giặc nửa đêm trèo tường như vào chỗ không người, khiến Vua và Thái hậu đều bị hại:

“Lại xét bài Trung hưng ký năm Quang Thuận viết: Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chổ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Hành khiển Nguyễn Hữu Quang, Nội mật Lê Hoàn Chi, hoạn quan chừng năm sáu bọn mà không một người đóng cửa cho nghiêm; cấm vệ Lê Đắc Ninh, chỉ huy Lê Hoằng Dục, vệ sĩ đến tám chín lũ mà không một ai mang mộc che đỡ. Lòng người sôi động, đường sá xôn xao. Họ ngoại như Văn Lão, Xương Lê, lòng như quỷ quái, vị không như Trần Lựu, Đỗ Tư ai chẳng cười chê? Cửa ngõ thì sơ sài, tay không cũng phá nổi. Thế là nó dẫn quân cú vọ cáo cầy, ngầm nuôi mưu kế cướp ngôi phản nghịch. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phương chó lợn hơn 300 đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như là vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay!.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 96b.

Lạng Sơn Vương Nghi Dân cướp ngôi được 4 hôm, vào ngày 7 tháng 10 [1/11/1459] tự lập lên làm Vua niên hiệu là Thiên Hưng năm thứ nhất; ban ơn cho các quan bằng cách thăng 1 bậc, và ra chiếu văn đại xá:

Ngày mồng 7, Lạng Sơn Vương Nghi Dân tự lập, lên ngôi Hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là Thiên Hưng. (Từ mồng 3 tháng 10 trở về trước là Diên Ninh năm thứ 6, từ mồng 7 trở về sau là Thiên Hưng năm thứ 1 của Nghi Dân). Ban ân rộng rãi cho các quan văn võ trong ngoài mỗi người 1 tư [bậc].

 Bài văn đại xá viết rằng:

‘Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng Đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung.[11] Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh [Vua Nhân Tông] tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mồng 3, tháng 10 năm nay [28/10/1459], đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ người trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm nên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày mồng 7, tháng 10 năm nay [1/11/1459] đổi niên hiệu là Thiên Hưng“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 97b.

Trong tháng 10, Lạng Sơn Vương Nghi Dân cử 2 sứ bộ sang nhà Minh. Sứ bộ thứ nhất nạp cống hàng năm, cùng hứa ngăn chặn những kẻ mò ngọc trai tại vùng biển Quảng Đông, thể theo lời phàn nàn của Minh Anh Tông trong chiếu thư ngày 15 tháng 6 năm ngoái [6/7/1457]. Sứ bộ thứ hai, khởi hành vào ngày 20 [14/11/1459], sang cầu phong cho Nghi Dân:

Tháng ấy, Nghi Dân sai bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đỗ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nhà Minh nộp cống hằng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai.

Ngày 20, lại sai bọn Trần Phong, Lương Như Hộc, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 98a.

——————————-

[1] Thiên lộc: lộc trời, thiên tử hưởng lộc trời. Câu này ý nói Anh Tông phải ăn thứ tanh hôi không phải lộc trời.

[2] Đế hương: quê hương vua. Câu này ý nói Anh Tông bị giam ở miền thảo dã, không phải đất nước mình.

[3] Kiến Chương: vốn là tên cung điện của Hán Vũ Đế. Ở đây chỉ cung điện của vua Minh.

[4] Sáu quân tức lục quân. Theo Chu lễ Vương có 6 quân, đại quốc có 3 quân, thứ quốc có 2 quân, tiểu quốc có 1 quân. Vậy 6 quân chỉ quân của Thiên tử.

[5] Thải: hàng tơ lụa 5 sắc.

[6] Ðoạn: một loại lụa, có thứ đoạn hoa, có thứ đoạn trơn,

[7] Quyên: Lụa mộc, lụa sống.

[8]Chư hầu lai triều” nghĩa là “chư hầu đến chầu”.

[9] Chiêu Hiếu Vương là tước hiệu truy phong cho Lê Học, anh ruột Lê Lợi. Trung Dũng Vương là tước hiệu truy phong cho Lê Thạch, con Lê Lợi.

[10] Hoằng Hựu Đại Vương: tức Lê Trừ, anh thứ hai Lê Lợi.

[11] Đông cung: Tức Thái tử.