29/04/1992: Bạo loạn lớn tại Los Angeles

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Riots erupt in Los Angeles after police officers are acquitted in Rodney King trial, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1992, tại Los Angeles, California, bốn sĩ quan cảnh sát Los Angeles bị bắt quả tang qua một đoạn video ghi lại cảnh họ đánh một người Mỹ gốc Phi không có vũ khí đã được tuyên trắng án đối với mọi tội trạng. Vài giờ sau khi phán quyết được công bố, làn sóng phẫn nộ và phản đối đã nhấn chìm Los Angeles trong bạo loạn. Những người biểu tình ở trung tâm phía nam Los Angeles đã chặn đoàn xe trên xa lộ, đánh đập những người lái xe, hủy hoại và cướp phá nhiều cửa hàng và tòa nhà ở trung tâm thành phố, đồng thời gây ra hơn 100 đám cháy.

Ngày 3/3/1991, tên tội phạm được tạm tha Rodney King đã có một cuộc rượt đuổi tốc độ cao với cảnh sát qua các đường phố của Hạt Los Angeles trước khi đầu hàng. Say xỉn và bất hợp tác, King đã phản kháng khi bị bắt giữ và đã bị các cảnh sát Laurence Powell, Theodore Briseno, và Timothy Wind đánh đập dã man. Nhóm cảnh sát này không hề hay biết rằng một người dân có máy quay video cá nhân đã quay lại cảnh bắt giữ, và đoạn video dài 89 giây đã ghi lại cảnh cảnh sát đánh King bằng dùi cui và đá anh ta rất lâu sau khi anh ta dừng kháng cự. Sau khi được báo chí công bố, đoạn video đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước và châm ngòi cho một cuộc tranh luận quốc gia về sự tàn bạo của cảnh sát.

Rodney King đã được trả tự do mà không bị buộc tội. Sang ngày 15/3, Trung sĩ Stacey Koon, và các sĩ quan Powell, Wind, và Briseno đã bị một đại bồi thẩm đoàn Los Angeles buộc tội về vụ đánh đập. Cả bốn người đều bị buộc tội tấn công bằng vũ khí chết người và sử dụng vũ lực quá mức. Dù Koon không tích cực tham gia vào vụ đánh đập, nhưng với tư cách là sĩ quan chỉ huy có mặt tại hiện trường, ông bị buộc tội tiếp tay cho tội phạm. Powell và Koon cũng bị buộc tội khai báo sai sự thật.

Do tình hình náo động ở Los Angeles xoay quanh vụ việc, thẩm phán Stanley Weisberg đã quyết định chuyển phiên tòa từ Hạt Los Angeles sang Thung lũng Simi ở Hạt Ventura. Ngày 29/04/1992, bồi thẩm đoàn gồm 12 người đã đưa ra phán quyết: vô tội đối với tất cả các tội danh, ngoại trừ một cáo buộc hành hung đối với Powell, nhưng bồi thẩm đoàn đã không thể đưa ra phán quyết sau cùng với cáo buộc này. Các tuyên bố trắng án đã gây ra làn sóng bạo loạn ở Los Angeles, mà sau đó đã trở thành đợt bạo loạn dân sự lớn nhất tại nước Mỹ trong thế kỷ 20.

Bạo lực đầu tiên nổ ra tại ngã tư Đại lộ Florence và Đại lộ Normandie ở trung tâm nam Los Angeles. Giao thông bị tắc nghẽn và những kẻ bạo loạn đã đánh đập hàng chục người lái xe, đặc biệt, Reginald Denny, một tài xế đã bị lôi ra khỏi xe tải của mình và bị đánh đến suýt chết. Một chiếc trực thăng đưa tin đã bay lượn trên đường phố để ghi lại sự kiện. Cảnh sát Los Angeles đã phản ứng quá chậm và bạo lực đã lan ra nhiều khu vực trong thành phố. Thống đốc California Pete Wilson cho triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia theo yêu cầu của Thị trưởng Tom Bradley và lệnh giới nghiêm đã được ban bố. Đến sáng, hàng trăm ngọn lửa bùng cháy khắp thành phố, có hơn chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Tình trạng bất ổn tiếp tục diễn ra suốt 24 giờ sau đó và các chủ cửa hàng Hàn Quốc ở các khu dân cư của người Mỹ gốc Phi đã phải bảo vệ cửa hàng của họ bằng súng trường. Sang ngày 01/05, Tổng thống George Bush điều động quân đội và các sĩ quan liên bang được huấn luyện chống bạo động đến Los Angeles, đến cuối ngày hôm sau, thành phố đã được kiểm soát. Ba ngày hỗn loạn đã giết chết hơn 60 người, làm bị thương gần 2.000 người, dẫn đến 7.000 vụ bắt giữ, và gây thiệt hại tài sản gần 1 tỷ đô la, bao gồm hơn 3.000 tòa nhà bị đốt cháy.

Theo luật liên bang, bốn sĩ quan cảnh sát có thể bị truy tố vì vi phạm các quyền hiến định của Rodney King. Ngày 17/04/1993, bồi thẩm đoàn liên bang đã kết tội Koon và Powell vi phạm các quyền của King khi sử dụng vũ lực một cách phi lý. Dù Wind và Briseno được trắng án, nhưng hầu hết những người ủng hộ dân quyền đều coi phán quyết này là một chiến thắng. Ngày 04/08, Koon và Powell bị kết án hai năm rưỡi tù giam. King qua đời vào năm 2012 sau một tai nạn đuối nước.