02/05/1963: Hơn 1.000 thiếu niên biểu tình chống phân tách chủng tộc tại Alabama

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: More than 1,000 schoolchildren protest segregation in the Children’s Crusade, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1963, tại Birmingham, Alabama, hơn 1.000 học sinh người Mỹ gốc Phi đã diễu hành khắp thành phố trong một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Mục tiêu của cuộc biểu tình bất bạo động này, sau được gọi là “Thập tự chinh Thiếu niên” hay “Tuần hành Thiếu niên”, là nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo dân sự và doanh nghiệp của thành phố đồng ý xóa bỏ nạn phân tách chủng tộc.

Martin Luther King Jr., một trong số các nhà lãnh đạo dân quyền tham gia tổ chức cuộc biểu tình, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đang bắt đầu một chiến dịch tăng cường để bày tỏ sự bất bình của chúng tôi trước lương tâm của cộng đồng.”

Cảnh sát đã bắt giữ gần 800 người biểu tình, trong đó có một bé gái 6 tuổi, hầu hết vì lý do biểu tình mà không có giấy phép. Các giáo viên hét lên để động viên các học sinh đang hát thánh ca khi cảnh sát bắt giữ. Xe buýt đã đưa những người bị bắt vào tù.

Hãng AP đưa tin, “Vài nghìn người da trắng và người da đen đã theo dõi từ sau những hàng rào cảnh sát được thiết lập trong vội vã. Lính cứu hỏa đã đặt vòi cao áp tại hai dãy nhà khi một nhóm lớn người da đen tràn vào trung tâm thành phố. Các vòi này đã không được sử dụng.”

Ngày hôm sau, bọn trẻ lại tiếp tục biểu tình. Nhưng phản ứng của cảnh sát Birmingham đã gây phẫn nộ trên toàn quốc. Theo lệnh của cảnh sát trưởng “Bull” Conner, các nhân viên hành pháp đã hướng vòi nước vào đoàn người biểu tình ôn hòa và thả nhiều con chó dữ.

Tại Washington, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Robert Kennedy cho biết “việc tiếp tục từ chối trao quyền và cơ hội bình đẳng cho người da đen sẽ khiến tình trạng hỗn loạn gia tăng trở thành điều không thể tránh khỏi.”

Sau cuộc gặp gỡ với nhóm vận động dân quyền, các nhà lãnh đạo Birmingham cuối cùng đã đồng ý xóa bỏ nạn phân tách chủng tộc tại các doanh nghiệp và trả tự do cho tất cả những người bị bỏ tù trong cuộc biểu tình.