15/09/1963: Đánh bom Nhà thờ Birmingham

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Four Black schoolgirls killed in Birmingham church bombing, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1963, một quả bom đã phát nổ trong buổi lễ sáng Chủ nhật tại Nhà thờ Baptist Phố 16 ở Birmingham, Alabama, giết chết bốn bé gái: Addie Mae Collins (14 tuổi), Cynthia Wesley (14 tuổi), Carole Robertson (14 tuổi), và Carol Denise McNair (11 tuổi).

Với một giáo đoàn người Mỹ gốc Phi lớn, Nhà thờ Baptist Phố 16 từng là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo dân quyền như Martin Luther King Jr., người từng gọi Birmingham là “biểu tượng của sự chống đối mạnh mẽ đối với việc hội nhập chủng tộc.” Thống đốc bang Alabama, George Wallace, đặt duy trì phân biệt chủng tộc làm một trong những mục tiêu trọng tâm của mình, và Birmingham đã trở thành một trong những nơi xảy ra các sự kiện bạo lực và vô luật pháp nhất của nhóm Ku Klux Klan (KKK).

Vụ đánh bom nhà thờ là vụ việc thứ ba xảy ra ở Birmingham trong vòng 11 ngày sau khi chính quyền liên bang ra mệnh lệnh hội nhập chủng tộc tại hệ thống trường học của Alabama. Mười lăm ống thuốc nổ đã được cài ở tầng hầm của nhà thờ, ngay dưới nhà vệ sinh nữ. Quả bom phát nổ lúc 10:19 sáng, giết chết Cynthia Wesley, Carole Robertson, và Addie Mae Collins – tất cả đều 14 tuổi – và Denise McNair 11 tuổi. Ngay sau vụ nổ, các tín đồ trong nhà thờ đã chạy ra ngoài trong cảnh bàng hoàng và đẫm máu, trên người phủ đầy bụi trắng và những mảnh vỡ kính màu, vội vàng đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót. Khoảng hơn 20 thành viên khác của giáo đoàn đã bị thương trong vụ nổ.

Khi hàng nghìn người biểu tình da đen tập trung tại hiện trường vụ án, Wallace đã cử hàng trăm cảnh sát và binh sĩ của tiểu bang đến khu vực nhằm giải tán đám đông. Hai thanh niên da đen đã bị giết vào đêm đó, một bởi cảnh sát và một bởi những tên côn đồ phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, sự phẫn nộ của công chúng đối với vụ đánh bom tiếp tục gia tăng, thu hút sự chú ý của quốc tế đối với Birmingham. Tại đám tang của ba em gái (gia đình của em còn lại quyết định tổ chức tang lễ riêng tư), King đã phát biểu trước hơn 8.000 người đến bày tỏ thương tiếc.

Một thành viên nổi tiếng của KKK, Robert Chambliss, sau đó đã bị kết tội giết người và mua 122 ống thuốc nổ. Tháng 10/1963, Chambliss được xóa tội danh giết người, chỉ phải nhận bản án 6 tháng tù giam và nộp phạt 100 đô la vì mua thuốc nổ. Một cuộc điều tra sau đó của FBI xác định có ba đồng phạm – Bobby Frank Cherry, Herman Cash và Thomas E. Blanton, Jr. – đã giúp Chambliss phạm tội. Tuy nhiên, sau này người ta mới biết rằng Giám đốc FBI J. Edgar Hoover đã ngăn chặn quá trình truy tố ba người này, và ra lệnh kết thúc điều tra mà không đưa ra cáo buộc nào vào năm 1968. Sau khi Tổng Chưởng lý Alabama Bill Baxley mở lại vụ án, Chambliss bị tuyên có tội vào năm 1977 và đã lãnh án tù chung thân.

Các nỗ lực truy tố ba kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom vẫn tiếp tục trong nhiều thập niên sau đó. Cash qua đời vào năm 1994, nhưng Cherry và Blanton vẫn bị bắt và bị buộc tội với 4 tội danh giết người vào năm 2000. Sau đó, Blanton bị kết tội và nhận án chung thân. Phiên tòa xét xử Cherry bị hoãn lại sau khi các thẩm phán cho rằng hắn không có đủ năng lực trí tuệ để hầu tòa. Phán quyết này sau đó đã bị đảo ngược. Ngày 22/05/2002, Cherry đã bị kết án chung thân, mang lại chiến thắng được chờ đợi từ lâu cho bạn bè và gia đình của bốn nạn nhân nhỏ tuổi.