Trung Quốc dập tắt luận điệu kêu gọi chiến tranh với Đài Loan

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s messaging machine tamps down Taiwan war hype,” Nikkei Asia, 11/05/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tuyên truyền kiểu chiến lang đã trở nên “quá hiệu quả,” khiến các quan chức bất an.

Một cuộc thảo luận đáng chú ý đang diễn ra trên mạng Internet ở Trung Quốc, nơi kiểm duyệt ngày càng được siết chặt mỗi năm, ngăn chặn quyền tự do ngôn luận. Nhưng đột nhiên, lệnh cấm tranh luận nhiều chiều về việc Trung Quốc thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực dường như đã được dỡ bỏ.

Một quan điểm trái ngược, thậm chí bị coi là cấm kỵ, đã bất ngờ được phép xuất hiện, cho rằng quyết định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vào lúc này sẽ là phi thực tế và thậm chí còn nguy hiểm.

Đây là một diễn biến mới.

Việc các lập luận và bài viết tán thành quan điểm này vẫn hiện diện trên Internet mà không bị cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc xóa cho thấy rõ ràng rằng chính quyền đã lựa chọn một lập trường thận trọng. Có thể nói rằng giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có ý định để quan điểm này lan rộng, chí ít là ở một mức độ nhất định.

Các cuộc thảo luận thẳng thắn trên Internet không chỉ diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay – sẽ bắt đầu vào ngày 19/5 tại Hiroshima, Nhật Bản – mà còn có liên hệ chặt chẽ với hội nghị này.

Vì “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan,” Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia G-7 khác dự kiến sẽ tăng cường khuôn khổ hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ đều đã được mời tham dự một cuộc họp mở rộng ở Hiroshima. Nhật Bản, Mỹ, Australia, và Ấn Độ cũng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) tại Sydney vào ngày 24/5.

Một máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại một căn cứ ở Nhật Bản: Mỹ và các quốc gia G-7 khác dự kiến sẽ bày tỏ quyết tâm duy trì “hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan” tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Hiroshima. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Giữa bối cảnh đó, các bài viết nặc danh bác bỏ “chính sách ngoại giao chiến lang” diều hâu của Trung Quốc đang được đăng lại trên các cổng thông tin khác nhau, với nội dung thay đổi đôi chút, còn giọng điệu ở phần tựa đề liên tục trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả đều nhấn mạnh khả năng Trung Quốc bị kéo vào một “chiến dịch bốn mặt trận,” nghĩa là nước này sẽ bị kẻ thù bao vây tứ phía. Một quan điểm khác cũng đang được chú ý: Những ai kêu gọi “thống nhất Đài Loan bằng vũ lực” đơn giản là “ngu xuẩn.”

Ở mặt trận đầu tiên trong bốn mặt trận, quân đội Trung Quốc sẽ đối mặt với lực lượng Mỹ, Nhật Bản, và Đài Loan ở Eo biển Đài Loan và các khu vực lân cận.

Ở mặt trận thứ hai, quân đội Trung Quốc sẽ đối đầu với lực lượng Mỹ và Hàn Quốc trên Bán đảo Triều Tiên.

Ở mặt trận thứ ba, Trung Quốc sẽ đối đầu với lực lượng Mỹ và Australia ở Biển Đông và Nam Thái Bình Dương. Nếu người Mỹ kiểm soát được Eo biển Malacca – một vùng nước hẹp thông ra Biển Andaman – và quay sang chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, nguồn cung cấp năng lượng của Bắc Kinh sẽ bị gián đoạn và họ sẽ không thể duy trì nền kinh tế của mình. Trong khi đó, ở Nam Thái Bình Dương, quân Australia đóng vai trò chốt chặn.

Ở mặt trận cuối cùng, Trung Quốc sẽ đối đầu với lực lượng Ấn Độ ở biên giới phía tây nam. Năm 2020, lần đầu tiên sau 45 năm, Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ ở khu vực này, dẫn đến thương vong cho cả hai bên.

Binh sĩ Ấn Độ xếp đội hình tại một căn cứ không quân ở Leh, thuộc vùng Ladakh gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc, vào tháng 9/2020. Trong trường hợp khẩn cấp, biên giới này có thể là mặt trận thứ tư mà quân đội Trung Quốc phải tham chiến. © Reuters

Tại mặt trận thứ hai, các nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí rằng một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ sẽ thăm cảng Hàn Quốc. Nhiều khả năng sự kiện này sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Tại mặt trận thứ ba, việc triển khai luân phiên các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tới Australia đã được lên kế hoạch theo khuôn khổ an ninh AUKUS, cùng với Mỹ và Anh

Những người thúc đẩy lý thuyết bốn mặt trận ở Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những diễn biến quốc tế gần đây. Các lực lượng của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị dàn mỏng và rơi vào thế bất lợi rõ ràng nếu họ buộc phải chiến đấu trên cả bốn mặt trận.

Tình hình này gợi nhớ đến cuộc bao vây ABCD chống lại Nhật Bản trước Thế chiến II, khi Mỹ, Anh, Trung Quốc, và Hà Lan liên kết với nhau để thực hiện một loạt các lệnh cấm vận đã giáng một đòn nặng nề lên người Nhật.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi việc thống nhất với Đài Loan là sứ mệnh lịch sử của mình và tuyên bố sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực đối với hòn đảo nếu cần thiết. Tuy nhiên, sự cẩn trọng đối với nhiệm vụ này đang dần thống trị Internet của Trung Quốc. Những ý kiến tỏ ra bất bình với giới lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện vẫn chưa bị gỡ xuống.

Bối cảnh phức tạp dẫn đến tình trạng này, chí ít là một phần, có thể bắt nguồn từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đã hơn một năm kể từ khi lực lượng của ông thất bại trong việc nhanh chóng chiếm đóng Kyiv, thủ đô của Ukraine, sau cuộc xâm lược toàn diện của quân đội Nga.

Một nguồn tin quen thuộc với đảng và dư luận ở Trung Quốc cho biết Putin đã trở thành “một tấm gương xấu.” Điều gì sẽ xảy ra nếu lực lượng Trung Quốc thất bại trong việc nhanh chóng chiếm Đài Bắc bằng vũ lực, và thay vào đó sa lầy vào một thất bại giống như của Putin?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời khỏi tiệc chiêu đãi ở Moscow hồi tháng 3. Một số người nói rằng cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã tạo ra “một tấm gương xấu” cho Trung Quốc. © Reuters

Quả thật, một số quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc, những người suy nghĩ nghiêm túc về con đường mà đất nước nên đi theo, cho rằng việc cố gắng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực ngay bây giờ sẽ là một canh bạc rất nguy hiểm.

Xu hướng của dư luận cũng đã trở thành một vấn đề lớn ở Trung Quốc. Một số dân thường Trung Quốc đã thực sự tin rằng chiến tranh sẽ nổ ra ở Đài Loan trong tương lai gần, buộc lực lượng Trung Quốc phải đọ sức với quân đội Mỹ đáng gờm.

Một công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài, người sở hữu một công ty, gần đây đã trở về nước lần đầu tiên sau ba năm, khi chính sách zero-COVID nghiêm ngặt được dỡ bỏ. Doanh nhân này đã bị sốc khi nghe những người bình thường, thậm chí là bạn bè thân thiết của ông, thì thầm với nhau rằng chiến tranh sắp xảy ra, và họ phải suy nghĩ nghiêm túc về những gì họ nên làm.

Những người giàu có ở Trung Quốc đặc biệt lo lắng về việc sụt giảm tài sản. Giá nhà chung cư tại Trung Quốc vẫn đang trên đà giảm. Theo vị doanh nhân Trung Quốc, những người sở hữu nhiều bất động sản đang muốn bán và thu tiền mặt từ ít nhất một trong số những bất động sản của mình và chuyển số tiền thu được ra khỏi Trung Quốc.

Mỹ dự kiến sẽ điều một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc để phô trương lực lượng. © Yonhap/Kyodo

Một chủ công ty khác vừa tạm thời trở về Trung Quốc lại được bạn bè – những người tin vào tuyên truyền chiến lang – khuyên nên về Trung Quốc vĩnh viễn càng sớm càng tốt.

Người này cho biết bạn bè ông cảnh báo rằng nếu chiến tranh nổ ra, các quốc gia nơi quân đội Mỹ đóng quân như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ trở nên rất nguy hiểm. Họ tin rằng sống ở Trung Quốc sẽ an toàn hơn.

Bất chấp những luận điệu của các nhà ngoại giao chiến lang về một trận chiến với Mỹ, đụng độ vũ trang không nhất thiết là một kịch bản có thể xảy ra. Nhưng một phần do những nhận xét hiếu chiến của các nhà ngoại giao này, một số người Trung Quốc bình thường bắt đầu nghĩ rằng đất nước họ có thể sớm thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực.

Chính trong bối cảnh đó, những tiếng nói quan ngại đã xuất hiện – và được phép xuất hiện – ngày càng nhiều.

Giống như ở bất kỳ quốc gia nào khác, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không muốn gửi con cái mình ra tiền tuyến. Tình cảm này đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, làm xáo động tinh thần của khá nhiều cư dân mạng.

Dù Trung Quốc không loại trừ khả năng thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, nhưng các chuyên gia quân sự và an ninh của nước này, theo kinh nghiệm của họ, hiểu rằng làm như vậy sẽ rất khó khăn. Do đó, hiện tại, cần phải làm dịu làn sóng dư luận đang bị kích động bởi tuyên truyền chiến lang.

Một cuộc diễu hành quân sự trước Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh năm 2015: Trung Quốc đã không loại trừ việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. (Ảnh của Takaki Kashiwabara)

Nếu ấn tượng rằng Trung Quốc đang ở thế sẵn sàng chiến đấu tiếp tục được củng cố, thì điều đó sẽ khiến đội ngũ lãnh đạo của Tập Cận Bình có ít lựa chọn chiến lược hơn. Điều quan trọng nhất để họ thành công là duy trì sự mơ hồ về việc liệu có hành động nào xảy ra hay không, và sẽ xảy ra khi nào. Sự mập mờ có tầm quan trọng chiến lược.

Nếu người ta tin rằng một cuộc chiến sắp xảy ra ở Đài Loan, thì điều đó cũng sẽ kìm hãm các công ty nước ngoài mở rộng sang Trung Quốc, chưa kể còn khiến cho dòng tài sản của Trung Quốc chảy ra nước ngoài. Tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất đáng kể.

Để xua tan quan niệm chiến tranh này, cần phải có một lời giải thích hợp lý nhất định. Do đó, lập luận bốn mặt trận đã được sử dụng hiệu quả, và thậm chí còn được chứng minh là có lợi cho Chủ tịch Tập Cận Bình.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.