Phân tích phản ứng của khu vực đối với chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Derek Grossman, “After Pelosi’s Visit, Most of the Indo-Pacific Sides With Beijing,” Foreign Policy, 22/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Gần như toàn bộ khu vực đang ủng hộ Trung Quốc, nhưng cách hành xử của nước này cũng khiến người ta tăng cường ủng hộ Đài Loan.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan trong tháng này đã kích động Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự chưa từng có xung quanh hòn đảo, ở tất cả các phía, bắn tên lửa qua không phận Đài Loan, và thực hiện nhiều hành động gây hấn khác. Căng thẳng gia tăng tại Eo biển Đài Loan cũng dẫn đến phản ứng của nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những nước ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh – rằng Đài Loan là một phần của đại lục. Tuy nhiên, chuyến đi của Pelosi cũng là minh chứng rõ ràng rằng các đồng minh quan trọng của Mỹ đang ủng hộ Đài Loan một cách mạnh mẽ, đặc biệt là trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh giành hòn đảo, theo đó gợi ý rằng hành vi hung hăng của Bắc Kinh đang dần khiến nước này bị xa lánh bởi những quốc gia đáng lẽ đã đứng ngoài cuộc về vấn đề Đài Loan.

Đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ Đài Loan là Nhật Bản và Australia. Cùng với Mỹ, họ đã ra một tuyên bố chung bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bày tỏ “quan ngại về những hành động gần đây của [Trung Quốc] vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định quốc tế,” đồng thời thúc giục Bắc Kinh “ngừng ngay lập tức các cuộc tập trận quân sự.” Tuyên bố của họ cũng lưu ý “không có thay đổi nào trong các chính sách Một Trung Quốc” của Australia, Nhật Bản, và Mỹ, dù nội dung này rõ ràng không phải là trọng tâm.

Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ, lại hành xử rất khác. Điểm dừng chân tiếp theo của Pelosi sau Đài Bắc là Seoul, nhưng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lại tuyên bố mình sẽ đi nghỉ phép và chỉ đón tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ qua điện thoại – điều mà một số người cho là hành động thiếu tôn trọng. Hàn Quốc cũng không đưa ra tuyên bố chính thức nào về vấn đề Đài Loan. Khi được yêu cầu bình luận, một quan chức thuộc văn phòng tổng thống Hàn Quốc kêu gọi “thiết lập liên lạc chặt chẽ giữa các bên liên quan” mà không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc hoặc Đài Loan – về cơ bản, đây là một “tuyên bố mà như không tuyên bố” (non-statement) có ý ủng hộ Bắc Kinh, vì Hàn Quốc đã không thể hiện sự ủng hộ Đài Bắc.

Tương tự, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cũng lựa chọn lối nói chuyện mang tính xoa dịu, lưu ý rằng “việc gia tăng xung đột địa chính trị ở Eo biển Đài Loan có thể gây hại cho sự ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực” và có “tác động tiêu cực lên Bán đảo Triều Tiên.” Một tuần sau chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan và Hàn Quốc, Park đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên, qua đó cho thấy Seoul không muốn gây hấn với Bắc Kinh ngay trước cuộc gặp quan trọng này.

Ngoài ra, vì chuyến thăm Đài Loan của Pelosi diễn ra cùng lúc với Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Campuchia, nên nhóm này cũng đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố để “tái khẳng định sự ủng hộ của các Quốc gia Thành viên ASEAN đối với Chính sách Một Trung Quốc tương ứng của họ.” Đài Loan hoàn toàn không được nhắc đến.

Nhiều thành viên ASEAN cũng đưa ra các tuyên bố riêng lẻ, nhưng không có tuyên bố nào trong số này ủng hộ Đài Loan. Chẳng hạn, Indonesia kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế, không hành động khiêu khích,” nói thêm rằng họ vẫn tiếp tục “tôn trọng chính sách Một Trung Quốc.” Singapore hy vọng “Mỹ và Trung Quốc có thể tự dàn xếp với nhau, bình tĩnh và tự kiềm chế, tránh các hành động sẽ làm leo thang căng thẳng hơn nữa.” Việt Nam, một đối tác quan trọng đang nổi lên nhanh chóng của Mỹ trong khu vực, giữ vững tinh thần các tuyên bố trước đây của mình, nói rằng: “Việt Nam kiên trì thực hiện nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ và hy vọng các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế, không làm leo thang tình hình ở Eo biển Đài Loan, đồng thời đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và ổn định.” Malaysia và Thái Lan cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự, trong đó không hề ủng hộ Đài Loan.

Một ngoại lệ nổi bật ở Đông Nam Á là phản ứng của Philippines, đồng minh hiệp ước của Mỹ hiện đang có tranh chấp công khai với Trung Quốc về các yêu sách trên biển. Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Manila vào đầu tháng 8 sau cuộc họp với ASEAN, ông đã gặp tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., người nhận xét rằng cuộc khủng hoảng Đài Loan “chỉ ra tầm quan trọng của quan hệ giữa Mỹ và Philippines. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đó khi đối mặt với tất cả những thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến.”.

Trong khi đó, Ấn Độ lại là một trường hợp rất thú vị. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết New Delhi sẽ “đánh giá và giám sát” tình hình để xác định những tác động tiềm tàng đối với Ấn Độ. Nhưng New Delhi đã từ chối nhắc đến cụm từ “Một Trung Quốc,” và thay vào đó chỉ tuyên bố rằng “các chính sách liên quan của Ấn Độ đều đã được phổ biến và nhất quán. Chúng không cần phải được nhắc lại.” Tuyên bố có tính né tránh này của New Delhi nhiều khả năng là do Ấn Độ cũng có xung đột riêng với Trung Quốc dọc theo biên giới đất liền của họ – được gọi là Đường kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control) – nơi mà vào tháng 05/2020 đã chứng kiến một số cuộc đụng độ với thương vong cao nhất trong nhiều thập niên. Hơn nữa, trong những năm gần đây, quan hệ không chính thức của Ấn Độ với Đài Loan đã phát triển, đặc biệt là về khía cạnh kinh tế, cho thấy New Delhi đang tìm cách để trở nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Ấn Độ đã chọn không ký vào tuyên bố ba bên Australia-Nhật-Mỹ, dù bốn quốc gia đã cùng nhau tham gia Đối thoại An ninh Bốn bên, với mục đích không chính thức là chống lại Trung Quốc. Dường như New Delhi vẫn muốn duy trì thiện chí nhất định với Bắc Kinh.

Đối với phần còn lại của Nam Á, chỉ có sự ủng hộ đối với Trung Quốc, chứ không phải Đài Loan. Chẳng hạn, “người anh em sắt đá” của Bắc Kinh là Pakistan đã lặp lại những luận điểm của Trung Quốc về tầm quan trọng của việc “không can thiệp vào công việc nội bộ” của các quốc gia có chủ quyền – quy tắc vốn đã bị Trung Quốc lạm dụng để tự quyết định các kế hoạch của họ đối với Đài Loan. Tương tự, Bangladesh, Maldives, Nepal, và Sri Lanka cũng ủng hộ quyền của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng.

Tại các quần đảo Thái Bình Dương, có một sự im lặng kỳ lạ bao trùm. Chỉ có một ngoại lệ là Vanuatu, đảo quốc đã ra tuyên bố “Vanuatu nhắc lại rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc.” Điều đáng lo ngại là, cho đến nay, chỉ có một trong bốn đối tác ngoại giao còn lại của Đài Loan trong khu vực – Quần đảo Marshall, Nauru, Palau, và Tuvalu – đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Bắc. Quần đảo Marshall cho biết họ vẫn là “một người bạn và đồng minh thực sự” của Đài Loan, đồng thời lên án “các hành động quân sự gần đây ở Eo biển Đài Loan” mà không nêu đích danh Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu (Ngô Chiêu Nhiếp) tuyên bố rằng tất cả 14 đối tác ngoại giao còn lại của Đài Loan, 4 trong số đó ở Thái Bình Dương, đều ủng hộ Đài Loan hơn là Trung Quốc. Đài Loan đã để “mất” hai đảo quốc Thái Bình Dương– Quần đảo Solomon và Kiribati – vào tay Trung Quốc chỉ trong năm 2019, khiến cho việc đổi chiều ngoại giao trở thành một mối quan ngại thực sự.

New Zealand, một đối tác thân thiết của Mỹ ở Thái Bình Dương, đôi khi bị đánh giá là quá mềm mỏng với Trung Quốc, cũng đã phát biểu – dù theo một cách cực kỳ không rõ ràng. Khi Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp ASEAN, bà nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc xuống thang, ngoại giao, và đối thoại” nhưng không nhắc đến “Một Trung Quốc” hay ủng hộ Đài Loan. Vài ngày trước đó, trước khi xảy ra khủng hoảng, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, đã có một bài phát biểu về Trung Quốc, trong đó bà nói rằng hợp tác vẫn sẽ tiếp tục ngay cả với một Bắc Kinh “quyết đoán hơn.” Kế hoạch thăm Trung Quốc trong tương lai của bà có thể là một nguyên nhân cho thông điệp nhẹ nhàng của Wellington.

Cuối cùng, có một số quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc không đưa ra tuyên bố nào, hoặc mạnh mẽ ủng hộ Bắc Kinh. Mông Cổ vẫn chưa chính thức đề cập đến căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng xoay quanh vấn đề Đài Loan, dù Bắc Kinh tuyên bố rằng nước láng giềng phía bắc của họ ủng hộ “Một Trung Quốc.” Không có gì ngạc nhiên khi Triều Tiên và chính quyền quân sự cầm quyền ở Myanmar – cả hai là đồng minh vững chắc của Trung Quốc – đều kiên quyết bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Trung Quốc và đổ lỗi rằng Mỹ là kẻ gây ra rắc rối trong khu vực.

Dù Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ từ phần lớn các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng có một số quốc gia – chắc chắn là Australia và Nhật Bản, ở mức độ thấp hơn là Ấn Độ – đang ngày càng lo ngại về hành vi của Bắc Kinh và do đó đang trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ Đài Loan. Thông thường, Bắc Kinh có thể đơn giản gạt nhóm này sang một bên như một vài cái tên phản đối giữa một biển người ủng hộ trung thành. Nhưng vấn đề là ba quốc gia này, cùng với Mỹ, không chỉ là thành viên Đối thoại An ninh Bốn bên mà còn là các cường quốc chủ chốt trong khu vực, bên cạnh Trung Quốc. Rất khó để bỏ qua họ và Bắc Kinh có thể sẽ muốn điều chỉnh chiến lược của mình trong tương lai. Bắc Kinh có lẽ nên tránh để xảy ra việc thành lập một liên minh dân chủ công khai hỗ trợ Đài Loan. Thay vào đó, việc khiến cho một hoặc nhiều cường quốc trong nhóm này giảm bớt sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan sẽ là một thắng lợi lớn, và là dấu hiệu cho thấy tham vọng “thống nhất” của Trung Quốc là điều không thể bị phủ nhận. May mắn thay, sự phản đối Trung Quốc của các cường quốc vẫn tồn tại và đang ngày càng lớn hơn.

Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.