Mỹ và châu Âu đối mặt một cuộc khủng hoảng tị nạn mới

Nguồn: Gideon Rachman, “The US and Europe fear a new refugee crisis,” Financial Times, 08/05/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Áp lực yêu cầu các chính trị gia phải phản ứng là rất lớn, nhưng không có giải pháp nào nhanh chóng cả.

Các nhà ngoại giao xây dựng chính sách đối ngoại của phương Tây đang bận tâm vì Nga và Trung Quốc. Nhưng câu hỏi quốc tế khiến các nhân vật chính trị này lo lắng nhất lại là vấn đề nhập cư. Như một phụ tá thân cận của Tổng thống Joe Biden đã nói, “Nếu chúng ta thua cuộc bầu cử tiếp theo, thì nguyên nhân đến từ biên giới phía nam chứ không phải Ukraine.”

Áp lực chính trị do di cư tạo ra sẽ gia tăng ở Mỹ trong tuần này với sự hết hạn của Tiêu đề 42 – một chính sách được triển khai trong thời kỳ đại dịch, cho phép nhanh chóng trục xuất những người di cư không có giấy tờ vì lý do sức khỏe cộng đồng. Các quan chức Mỹ đang chuẩn bị đón khoảng 13.000 người di cư qua biên giới Mexico mỗi ngày – nhiều hơn gấp đôi con số hiện tại.

Nhà Trắng đang điều quân đến biên giới để thể hiện quyết tâm của mình. Nhưng Biden cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công chính trị từ Đảng Cộng hòa.

Vấn đề người tị nạn và người di cư cũng đang trở nên nóng bỏng ở châu Âu. Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, đã vận động tranh cử với lời hứa hạn chế lượng di cư qua Địa Trung Hải. Nhưng con số người nhập cư đến Ý hiện cao hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2023, tính đến nay đã có 40.000 người vượt biển, và con số sẽ tăng lên khi biển lặng hơn vào mùa hè. Giống như ở Mỹ, việc chấm dứt các hạn chế trong giai đoạn đại dịch đang đóng một vai trò quan trọng trong làn sóng di cư.

Ở Anh, lời hứa “ngăn thuyền” của những người tị nạn băng qua Eo biển Manche là một trong năm cam kết chính của chính phủ trong năm nay. Con số có thể rất nhỏ so với tiêu chuẩn của Mỹ, chỉ có khoảng 45.000 người đến Anh vào năm ngoái, nhưng điều đó vẫn gây chú ý.

Chiến tranh, xã hội sụp đổ, và nghèo đói là những yếu tố chính thúc đẩy người tị nạn. Nhưng trải nghiệm cay đắng ở các quốc gia như Libya, Lebanon, Mali, và Afghanistan đã khiến các nước phương Tây ngày càng cảnh giác với việc đưa quân đến bình ổn các quốc gia thất bại. Nhiều khả năng cũng không ai đề xuất can thiệp vào Sudan, trong lúc cuộc nội chiến nhấn chìm nước này.

Thực tế, hầu hết những người tị nạn từ các quốc gia như Sudan, Syria, Venezuela, hoặc Myanmar có lẽ sẽ đến các nước láng giềng của họ hơn là đến Mỹ hoặc EU. Khi đó, sự xuất hiện của hàng triệu người tị nạn chạy trốn chiến tranh hoặc suy thoái kinh tế có thể gây bất ổn cho quốc gia tiếp nhận. Việc quốc gia Lebanon gần như sụp đổ một phần là do nước này đã phải chật vật để tiếp nhận 1 triệu người tị nạn Syria vào một đất nước vốn chỉ có 5,4 triệu dân.

Việc chỉ ra rằng các nước nghèo hơn đang gánh vác phần lớn gánh nặng trong việc hỗ trợ người tị nạn khó có thể giúp các nhà lãnh đạo phương Tây giành chiến thắng trong cuộc tranh luận chính trị ở quê nhà. Áp lực phải “làm điều gì đó” là rất lớn; và sự thiếu hụt các giải pháp thực tế cũng lớn không kém.

Cánh hữu nhấn mạnh đến việc xây tường và trục xuất, còn cánh tả có xu hướng nói một cách mơ hồ về phát triển kinh tế và “các lộ trình an toàn và hợp pháp” cho người di cư. Nói về phát triển kinh tế sẽ dễ hơn nói về xây dựng tường chắn. Các lộ trình di cư an toàn và hợp pháp rõ ràng là điều được mong muốn – nhưng số lượng người nhập cư tiềm năng luôn có khả năng vượt quá số lượng thị thực mà các nước có thể cung cấp.

Chính phủ của tất cả các quốc gia đều đang tìm kiếm các thỏa thuận ngầm với những nước có thể chấp nhận chịu trách nhiệm không chính thức trong vấn đề người tị nạn – chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, hoặc Libya. Khi làm như vậy, họ gia tăng gánh nặng cho các quốc gia đó và trao đòn bẩy chính trị lớn vào tay các nhà lãnh đạo thường khiến họ bất an – ví dụ như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan.

Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các giải pháp trừng phạt nặng nhất sẽ có hiệu quả cao nhất. Donald Trump đã “thành công” trong việc cắt giảm nhập cư hợp pháp chứ không phải di cư bất hợp pháp. Các chính sách nhập cư cứng rắn của Australia đã truyền cảm hứng cho chính phủ Anh. Nhưng hiệu quả chính sách của Australia xuất phát từ sự hợp tác của các nước láng giềng yếu hơn nhiều, như Papua New Guinea và Nauru. Còn Pháp sẽ không được dễ dàng như vậy.

Các xã hội đòi hỏi các giải pháp cứng rắn thường sẽ phải gánh chịu hậu quả của chúng. Tại Mỹ, các luật sư vẫn đang loay hoay tìm cha mẹ của 545 trẻ em bị tách khỏi gia đình theo chính sách trục xuất “không khoan nhượng” của Trump.

Nếu một quốc gia “thành công” trong việc thực hiện các chính sách khắc nghiệt đối với người tị nạn, họ thường chỉ đơn giản là đẩy vấn đề sang cho người khác. Việc Hungary gây khó dễ cho người tị nạn vào năm 2015 là một phần nguyên nhân thuyết phục Đức mở cửa biên giới. Và chuyến thăm Pháp của Ngoại trưởng Italy vừa bị hủy sau tranh cãi về vấn đề di cư.

Thay vì tranh cãi, điều các quốc gia phải làm là hợp tác với nhau. Để có thể giải quyết vấn đề, cần phải có sự liên kết giữa quốc gia xuất cảnh, quốc gia quá cảnh, và quốc gia nhập cảnh. Và quá trình đó cũng cần sự kết hợp của các biện pháp tự do và bảo thủ. Ngoài ra, các cơ quan hành pháp và tình báo có vai trò quan trọng trong việc đối phó với giới buôn người.

Dù những luận điệu mơ hồ về phát triển kinh tế thường không giúp được gì nhiều, các dự án với mục tiêu rõ ràng có thể sẽ có ích. Kamala Harris, phó tổng thống Mỹ, thường bị cáo buộc là đã không giải quyết được vấn đề ở biên giới phía nam nước mình. Nhưng bà đã giúp tạo ra một số quan hệ đối tác công-tư chưa từng có tiền lệ, dẫn đến khoản đầu tư hàng tỷ đô la vào Trung Mỹ – mang lại cho nhiều người di cư lý do để họ không cần rời khỏi quê hương.

Cắt giảm số lượng người tị nạn một cách nhân đạo và hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp ngoại giao, hành pháp, và phát triển có mục tiêu. Những sắc lệnh trục xuất và những bức tường có thể tạo ra tít báo nổi bật, nhưng chỉ mang lại các chính sách tồi tệ.