01/06/1968: Ngày mất Helen Keller

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Writer and lecturer Helen Keller dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1968, Helen Keller đã qua đời ở Easton, Connecticut, hưởng thọ 87 tuổi. Bị mù và điếc từ khi còn nhỏ, nhưng bà đã trở thành một nhà văn và giảng viên nổi tiếng thế giới.

Helen Adams Keller sinh ngày 27/06/1880 tại một trang trại gần Tuscumbia, Alabama. Dù chào đời khỏe mạnh, nhưng Keller không may mắc bệnh lúc 19 tháng tuổi, có lẽ là bệnh ban đỏ, khiến bà bị mù và điếc. Trong bốn năm tiếp theo, cô bé Keller chỉ quanh quẩn ở nhà, sống như một đứa trẻ câm điếc và ngỗ ngược. Lúc bấy giờ, chương trình giáo dục đặc biệt dành cho người mù và điếc chỉ mới bắt đầu, và mãi đến khi con gái đón sinh nhật thứ sáu, cha mẹ mới đưa Helen đến gặp một bác sĩ nhãn khoa có quan tâm đến người mù. Ông giới thiệu gia đình Keller với Alexander Graham Bell, người phát minh ra điện thoại và nhà tiên phong trong việc dạy nói cho người khiếm thính. Bell đã khám cho Helen và cử một giáo viên từ Viện Perkins Dành cho Người mù ở Boston đến đón cô bé.

Cô giáo Anne Sullivan, 20 tuổi, cũng bị mù một phần. Tại Viện Perkins, Sullivan đã được hướng dẫn cách dạy một học sinh khiếm thị và khiếm thính giao tiếp bằng cách sử dụng bảng chữ kí hiệu, được ra hiệu bằng cách chạm vào lòng bàn tay của học sinh. Sullivan đến Tuscumbia vào tháng 3/1887 và ngay lập tức bắt đầu dạy hình thức ngôn ngữ ký hiệu này cho cô học trò nhỏ. Dù không biết gì về ngôn ngữ viết và chỉ nhớ rất mơ hồ về ngôn ngữ nói, Helen đã học được từ đầu tiên trong vòng vài ngày: “nước.” Sau này, bà đã hồi tưởng lại trải nghiệm ấy, “Khi đó tôi biết rằng ‘n-ư-ớ-c’ có nghĩa là thứ gì đó mát lạnh tuyệt vời đang chảy trên tay tôi. Chữ ‘nước’ đó đã đánh thức tâm hồn tôi, đem lại ánh sáng, hy vọng, niềm vui, và tự do cho nó.”

Dưới sự hướng dẫn tận tình của Sullivan, Keller đã học tập với tốc độ đáng kinh ngạc. Đến tháng 4, vốn từ vựng của cô bé đã tăng lên hơn chục từ mỗi ngày, và vào tháng 5, cô bắt đầu đọc và sắp xếp các câu bằng cách sử dụng các từ được khắc nổi trên bìa cứng. Đến cuối tháng, Keller đã đọc được những câu chuyện hoàn chỉnh. Một năm sau, cô bé bảy tuổi lần đầu tiên đến Viện Perkins, nơi cô học đọc chữ nổi. Cô đã trải qua nhiều mùa đông ở đó, và vào năm 1890 được Sarah Fuller của Trường Dành cho Người khiếm thính Horace Mann dạy cho cách nói. Keller đã học bằng cách bắt chước vị trí của môi và lưỡi của Fuller khi nói, cũng như học cách đọc môi nhờ đặt các ngón tay lên môi và cổ họng của người nói. Khi nói, Keller cần có một phiên dịch viên, chẳng hạn như Sullivan, người đã quen thuộc với giọng nói của Keller và có thể dịch được.

Năm 14 tuổi, Keller nhập học Trường Dành cho Người khiếm thính Wright-Humason ở Thành phố New York. Hai năm sau, với Sullivan luôn ngồi bên cạnh và đánh vần vào tay bà, Hellen đăng ký học tại Trường Cambridge Dành cho Thiếu nữ ở Massachusetts. Năm 1900, bà được nhận vào Radcliffe, một trường cao đẳng nữ sinh danh tiếng ở Cambridge, với các lớp học do giảng viên Đại học Harvard giảng dạy. Bà là một học sinh kiên định và xuất sắc, và ngay khi còn ở trường Radcliffe, cuốn tự truyện đầu tiên của bà, The Story of My Life (Câu chuyện đời tôi), đã được xuất bản nhiều kỳ trên Ladies Home Journal (Tạp chí Phụ nữ) và sau đó thành sách. Năm 1904, Hellen tốt nghiệp hạng xuất sắc từ Radcliffe.

Keller sau này trở thành một nhà văn tài ba, xuất bản rất nhiều cuốn sách, nổi bật là The World I Live In (1908), Out of the Dark (1913), My Religion (1927), Helen Keller’s Journal (1938), và Teacher (1955). Năm 1913, bà bắt đầu diễn thuyết với sự hỗ trợ của một thông dịch viên, chủ yếu là thay mặt cho Tổ chức Người mù Hoa Kỳ. Các bài thuyết trình đã trao cho bà cơ hội đi khắp thế giới nhiều lần, và Keller đã làm được nhiều việc để xóa bỏ sự kỳ thị và thiếu hiểu biết xung quanh chứng rối loạn thị giác và thính giác, vốn thường khiến người mù và người điếc phải vào bệnh viện tâm thần. Helen Keller cũng lên tiếng trong nhiều lĩnh vực khác và là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội suốt đời mình. Với những thành tựu dành cho người mù và người điếc, bà đã được vinh danh khắp nơi, và vào năm 1964, đã được Tổng thống Lyndon B. Johnson trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống, danh hiệu dân sự cao quý nhất của nước Mỹ.

Helen Keller từng viết, “Cuộc đời tôi hạnh phúc vì tôi có những người bạn tuyệt vời và nhiều công việc thú vị để làm… Tôi hiếm khi nghĩ về những khiếm khuyết của mình và chúng không bao giờ khiến tôi buồn. Đôi khi tôi cũng có chút khao khát, nhưng rất mơ hồ, tựa như một cơn gió nhẹ giữa những bông hoa. Gió thổi qua, và vậy là hoa hạnh phúc.”