25/06/1978: Lá cờ LGBT+ lần đầu xuất hiện tại một cuộc diễu hành ở San Francisco

Nguồn: First rainbow Pride flag premieres at San Francisco parade, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1978, các nhà hoạt động đã giương cao lá cờ cầu vồng rực rỡ trong cuộc diễu hành Ngày Tự do của Người Đồng tính nam và Đồng tính nữ ở San Francisco. Theo lời người tạo ra lá cờ, Gilbert Baker, đám đông ngay lập tức nhận ra ý nghĩa của nó, “Tôi hoàn toàn kinh ngạc khi mọi người nhận ra nó ngay lập tức – rằng đây là lá cờ của họ. Nó thuộc về tất cả chúng ta.” Đây chính là lá cờ Tự hào (cờ LGBT+) mà ngày nay trở thành biểu tượng cho niềm tự hào và sự giải phóng của người đồng tính.

Gilbert, một nghệ sĩ giả nữ (drag queen) và nhà thiết kế quần áo, đã gặp nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính Harvey Milk, người được mệnh danh là “Thị trưởng Phố Castro[1]” vì đã tổ chức thành công một cộng đồng đồng tính nam tại San Francisco vào năm 1974. Sau khi đắc cử vào Hội đồng Giám sát Thành phố năm 1977, Milk đã yêu cầu Gilbert nghĩ ra một biểu tượng tự hào mới cho cộng đồng LGBT của thành phố. Gilbert quyết định làm một lá cờ cầu vồng, mỗi màu có một ý nghĩa cụ thể: hồng tượng trưng cho tính dục, đỏ tượng trưng cho sự sống, cam tượng trưng cho sự chữa lành, vàng tượng trưng cho mặt trời, xanh lục tượng trưng cho thiên nhiên, xanh ngọc tượng trưng cho nghệ thuật, chàm tượng trưng cho sự hài hòa ,và tím tượng trưng cho tinh thần. Cùng với một nhóm bao gồm các nhà hoạt động Lynn Segerblom và James McNamara, Gilbert đã dựng lá cờ đầu tiên trên sân thượng của một trung tâm cộng đồng LGBT, sử dụng các thùng rác lớn để nhuộm các sọc màu khác nhau cho lá cờ.

Theo quan sát của Baker, lá cờ đã gây được tiếng vang ngay lập tức với cộng đồng người đồng tính ở San Francisco. Nhận thấy mình không thể tạo đủ bản sao lá cờ gốc để đáp ứng nhu cầu, ông đã ký hợp đồng với một công ty để sản xuất hàng loạt. Tình trạng thiếu vải và các vấn đề sản xuất khác đã dẫn đến việc loại bỏ hai sọc màu hồng và xanh ngọc, đồng thời thay thế sọc màu chàm bằng màu xanh lam tiêu chuẩn. Phiên bản đã được sửa đổi từ lá cờ gốc của Baker hiện là biểu tượng cho niềm tự hào đồng tính trên toàn thế giới, và các nhà hoạt động đã tạo ra nhiều biến thể, mỗi biến thể có màu sắc và biểu tượng riêng, để tôn vinh toàn bộ phổ giới tính và bản dạng giới.

Baker sau đó chia sẻ, “Công việc của chúng tôi với tư cách là những người đồng tính là công khai giới tính của mình, được mọi người nhìn nhận, và được sống trong sự thật. Một lá cờ thực sự là phương tiện phù hợp cho nhiệm vụ đó, bởi vì nó là cách để tuyên bố sự hiện diện của bạn, hoặc để nói rằng, ‘Đây chính là con người tôi!’”

———————————

[1] Phố Castro (Castro St.) là một địa điểm nổi tiếng về văn hoá của người đồng tính.