Thái độ của Tập trước cuộc binh biến ở Moscow

Nguồn: Craig Singleton, “Xi’s Schadenfreude Over Moscow’s Mutiny,” Foreign Policy, 29/06/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tập đã đúng về các vấn đề trong phong cách quản trị của Putin – nhưng đã sai khi đặt cược vào nhà lãnh đạo Nga.

Trong chiến tranh, có nhiều thứ sai hơn là đúng. Nếu sự thật mất lòng này bằng cách nào đó đã bị nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ qua sau hơn 16 tháng kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine – vốn dự kiến chỉ kéo dài 2 ngày, thì cuộc nổi loạn của Tập đoàn Wagner chống lại Moscow hồi cuối tuần trước chắc chắn đã khiến ông phải suy nghĩ lại. Thật vậy, dù Tập thường tung hô “sự mới mẻ” của hệ thống Trung Quốc, trong sâu thẳm, ông vẫn lo sợ rằng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh ý thức hệ đã từng gây tai họa cho Liên Xô – và vẫn tiếp tục ám ảnh nước Nga cho tới ngày nay.

Đứng đầu trong số những căn bệnh này, theo lời Tập, là “tham nhũng chính trị, lệch lạc ý thức hệ, và sự bất trung trong quân đội,” tất cả đều đã được thể hiện trong cuộc nổi loạn ở Nga vào cuối tuần trước.

Cuộc binh biến ngắn ngủi ở Moscow – do một người giàu có, được vũ trang đầy đủ, và là cựu thành viên trong nhóm thân tín nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin lãnh đạo – đã đại diện những lo ngại lớn nhất của Tập về khuôn khổ chính trị của Trung Quốc thời hậu Đặng Tiểu Bình. Putin đúng là “người bạn tốt nhất, thân thiết nhất” của Tập. Nhưng Tập cũng không ngại chỉ trích cách làm của Putin trong việc chia sẻ quyền lực, theo đó nhà lãnh đạo Nga để cho các phe phái cạnh tranh để kiểm soát lẫn nhau. Chuỗi sự kiện kịch tính cuối tuần trước đã tái khẳng định sự ngờ vực sâu sắc của Tập đối với bất kỳ hình thức đa nguyên nào – ngay cả trong giới tinh hoa quyền lực của một quốc gia – và chúng có khả năng sẽ khiến ông theo đuổi các chính sách cực đoan hơn bao giờ hết, nhằm làm cho thế giới trở nên kém an toàn hơn cho các nền dân chủ.

Nhìn chung, Tập và Putin đồng ý với nhau về hầu hết mọi thứ, ngoại trừ một ngoại lệ chính: lý do Liên Xô tan rã. Trong con mắt của Tập, Đảng Cộng sản Liên Xô không sụp đổ do bất kỳ áp lực cụ thể nào từ bên ngoài, cũng không phải do cấu trúc mong manh vốn có của nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo. Thay vào đó, Tập khẳng định “quốc gia xã hội chủ nghĩa Xô Viết vĩ đại đã tan thành từng mảnh” chỉ sau một đêm là bởi vì “những lý tưởng và niềm tin của nó đã bị lung lay.” Về phần mình, Putin từ lâu đã lập luận rằng kinh tế chứ không phải ý thức hệ, mới là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ trong xã hội Liên Xô. Putin cho rằng cuộc đấu đá nội bộ của giới tinh hoa theo sau bất ổn kinh tế – xã hội đã dẫn đến những hậu quả lâu dài trong chính trị, và cuối cùng dẫn đến sự tự hủy diệt của Liên Xô.

Dựa trên những nhận định khác nhau này, Tập và Putin đã theo đuổi các chiến lược cực kỳ khác nhau – chiến lược của Tập dựa vào thanh trừng và kỷ luật chính trị có mục đích, chiến lược của Putin dựa vào hối lộ và phát triển nhóm thân tín, một nhóm mà cho đến gần đây vẫn bao gồm lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin. Nếu cuộc nổi dậy thất bại là một dấu hiệu, thì bản năng ý thức hệ của Tập đã đúng ngay từ đầu.

Chắc chắn hạt giống cho cuộc binh biến ngắn ngủi của Prigozhin đã được gieo vào thời điểm Putin dại dột chấp nhận để lực lượng bán quân sự làm nhân tố tăng cường cho lực lượng đối ngoại. Nhưng hình ảnh nhà lãnh đạo có năng lực và khả năng kiểm soát gắn liền với hơn 20 năm cầm quyền của Putin đã thực sự sụp đổ vào tháng trước, khi những chiếc máy bay không người lái chở đầy chất nổ xuyên thủng hệ thống phòng không của Nga và tấn công một số tòa nhà chung cư ở Moscow. Kể từ thời điểm đó, những sai lầm của Điện Kremlin ở Ukraine đã trở nên quá nghiêm trọng, đến mức giới tinh hoa quyền lực của Nga – gọi là siloviki, với đại diện là Prigozhin – không thể bỏ qua được nữa.

Giờ đây, các vấn đề của Putin cũng là của Tập. Bởi nếu Liên Xô có thể sụp đổ một cách đột ngột như vậy, thì Tập chắc chắn hiểu rằng số phận tương tự cũng có thể xảy đến với chế độ của Putin.

Thách thức trong ngắn hạn của Bắc Kinh đang trở nên trầm trọng hơn do hiểu biết hạn chế, gần như không có, về quá trình ra quyết định ở Nga. Ngoài ra, thách thức còn nằm ở việc phải đánh giá chính xác liệu những oán giận âm ỉ và những lời buộc tội Putin vì đã thất bại trong việc chinh phục Ukraine có thể khiến giới tinh hoa bất mãn lợi dụng khoảng trống quyền lực hiện tại của Nga hay không. Tệ hơn, Bắc Kinh có lẽ sẽ nhận ra rằng họ chỉ là người ngoài cuộc trong trò chơi quyền lực Ukraine của Putin – không thể giúp Moscow giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc chiến, cũng không thể sử dụng một giải pháp ngoại giao để đảm bảo Putin, và rộng hơn là Tập, có thể giữ được thể diện. Thật vậy, với việc các nhà lý luận nổi tiếng của Trung Quốc suy đoán rằng thời gian không còn đứng về phía Putin, Tập giờ đây đang đối diện với việc thua trong cuộc đụng độ giữa các cường quốc mà chính ông đã khởi xướng chống lại phương Tây.

Xét đến lịch sử và các hành động trước đây của Tập, thì khi chứng kiến tình thế khó khăn của Putin, Tập có lẽ sẽ gia tăng việc hoạch định chính sách cứng nhắc từ trên xuống dưới, với cái giá phải trả là tinh thần kinh doanh, hợp tác, vốn là hiện thân của thời Đặng Tiểu Bình. Ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ dẫn đầu các đối tác độc tài có cùng chí hướng trong việc can thiệp sâu hơn vào các nước phát triển lẫn đang phát triển. Mục tiêu chung của họ là gây bất ổn cho các nền dân chủ và khiến thế giới ít nguy hiểm hơn cho các nhà độc tài.

Nhưng dù hôm nay Tập Cận Bình có thể đã đúng về các vấn đề trong phong cách quản trị của Putin, thì sự tự mãn của ông có lẽ cũng không tồn tại được lâu. Chắc chắn, chiến dịch chống tham nhũng kéo dài nhiều năm của Tập, một chiến dịch nhắm vào cả “hổ” và “ruồi”, đã giúp loại bỏ tận gốc sự bất trung chính trị trong đảng, cũng như loại bỏ các đối thủ tiềm năng. Tương tự, Tập cũng tăng cường sự kiểm soát trực tiếp của mình đối với lực lượng vũ trang của Trung Quốc, chẳng hạn bằng cách cải cách cơ cấu chỉ huy lực lượng dự bị quân sự, để giảm số lượng các tầng nấc quản lý giữa ông và từng người lính. Đồng thời, Tập cũng thận trọng đối với các lực lượng bán quân sự, vốn bị cấm sử dụng vũ lực.

Nhưng khả năng quản lý kinh tế và địa chính trị kém của Tập đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin về tính chính danh của đảng, bao gồm khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, và đoàn kết dân tộc. Vô số thách thức đang chờ đón Tập, vì môi trường bên ngoài bất lợi và nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái nhanh chóng, chưa kể đến sự tấn công liên tục từ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây, nhằm cản trở tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Nói cách khác, Tập dường như đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với chính những bất hạnh đã xảy đến với Putin. Điều vẫn chưa rõ ràng là liệu thương hiệu của riêng Tập, về chủ nghĩa dân tộc lấy đảng làm trung tâm và ý thức hệ do nhà nước chỉ đạo – hai điều rõ ràng đã biến mất ở Moscow – có cứu được “Trung Hoa mộng” hay sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nó.

Rõ ràng, tư tưởng Marx-Lenin của Tập, kết hợp với sự củng cố quyền lực, đã giúp chế độ Trung Quốc ngày nay đứng vững hơn so với chế độ của Nga. Nhưng khi từ chối sự lãnh đạo tập thể và tự đặt mình làm người phán quyết duy nhất của đất nước về ý thức hệ và chính sách, Tập đã gắn sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa với thành tích và phán đoán cá nhân của ông, và những phán đoán đó vừa lãnh hậu quả nặng nề sau các sự kiện cuối tuần trước ở Nga. Nếu có bài học nào được rút ra sau khi Tập đặt cược sai vào Putin, thì đó là thành công của Trung Quốc vẫn chưa được đảm bảo.

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) và từng làm việc trong ngành ngoại giao của Mỹ.