06/08/1996: Tìm thấy dấu hiệu sự sống Sao Hỏa trong thiên thạch ở Nam Cực

Nguồn: Researchers claim to have found signs of Martian life in Antarctic meteorite, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1996, các nhà nghiên cứu của NASA và Stanford đã gây chấn động toàn cầu khi thông báo rằng họ đã tìm thấy dấu hiệu của sự sống trên Sao Hỏa trong một thiên thạch được phát hiện 12 năm trước đó ở Allan Hills, Nam Cực. Nhưng một số người đã hoài nghi thông báo này và mối liên hệ với sự sống trên Sao Hỏa sau đó đã được giải thích kỹ càng hơn.

Ban đầu, một phát ngôn viên của NASA gọi bằng chứng về các sinh vật đơn bào đã hóa thạch trong thiên thạch, có tên ALH 84001, là “thú vị, hấp dẫn, nhưng không phải bằng chứng thuyết phục.”

“Tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta không nói về ‘những người đàn ông nhỏ bé màu xanh lá cây,’” ông nói, theo tờ Washington Post. “Đây là những sinh vật đơn bào, cực kỳ nhỏ, khá giống với vi khuẩn trên Trái Đất. Không có bằng chứng hoặc gợi ý nào cho thấy có bất kỳ dạng sống cao hơn nào từng tồn tại trên Sao Hỏa.”

Carl Sagan, tác giả và nhà khoa học nổi tiếng, nói thêm, “Nếu đây thực sự là một hóa thạch từ Sao Hỏa thời cổ đại, thì nó là một khám phá mang tính cách mạng trong lịch sử khoa học. Không chỉ vậy, nó còn cung cấp một góc nhìn sâu sắc về vị trí của chúng ta trong vũ trụ.”

Thiên thạch (meteorites) là tàn tích từ sự ra đời của Hệ Mặt Trời. Chúng là những mảnh vụn trôi nổi trong không gian và đôi khi sẽ đi vào quỹ đạo của Trái Đất. Khi đi vào bầu khí quyển, nếu chúng bốc cháy trước khi chạm tới mặt đất, chúng sẽ được gọi là sao băng (meteors).

Thiên thạch Nam Cực đã trở thành một trong những viên đá được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử. Thông báo của NASA đã làm dấy lên lời kêu gọi nghiên cứu thêm về thiên thạch, đặc biệt là những thiên thạch rơi xuống Nam Cực xa xôi.

“Nếu bạn muốn thu thập những cục đá đen từ trên trời rơi xuống, thì nơi lý tưởng để làm điều đó là một nơi giống như một chiếc khăn trải bàn lớn màu trắng, và đó chính là Nam Cực,” một nhà địa chất hành tinh nói với tờ Florida Today.