Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Một tàu chở hàng vừa rời cảng Odessa của Ukraine sau nhiều tháng mắc kẹt; nó đã ở đây từ ngày Nga bắt đầu xâm lược vào tháng 2 năm ngoái. Tuần trước, Ukraine công bố một hành lang mới ở Biển Đen để giải phóng tàu buôn bị kẹt tại các cảng của họ, dù Nga không đưa ra đảm bảo gì. Moscow thậm chí đã dọa coi tất cả các tàu rời cảng Ukraine là mục tiêu quân sự.
Một tòa phúc thẩm Mỹ đã áp hạn chế với thuốc phá thai mifepristone. Phán quyết của toà sẽ cấm người dùng nhận thuốc qua đường bưu điện và theo kê đơn trực tuyến, nhưng không cấm hoàn toàn loại thuốc này như một tòa án cấp dưới ở Texas trước đây. Lệnh sẽ không có hiệu lực ngay lập tức; Tòa án Tối cao đã ra phán quyết hồi đầu năm rằng loại thuốc này vẫn phải được cung cấp trong khi kiện tụng diễn ra.
Biên bản họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho thấy các lãnh đạo ngân hàng trung ương không thống nhất về việc tăng lãi suất trong tương lai. Các thành viên uỷ ban đã cân nhắc giữa nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế và “những rủi ro lạm phát đáng kể” tiềm tàng. Tin này khiến thị trường giảm. Fed sẽ đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo tại cuộc họp vào tháng 9.
Trung Quốc đã gián tiếp làm thất bại thương vụ mua lại trị giá 5,4 tỷ đô la của Intel, một gã khổng lồ bán dẫn Mỹ đã hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc, đối với hãng chip Tower Semiconductor của Israel. Các cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc đã không đưa ra phán quyết trong thời hạn quy định của các bên, khiến Intel phải hủy bỏ thỏa thuận. Đây là diễn biến mới nhất cho thấy mối quan hệ kinh doanh xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tòa án hiến pháp Thái Lan đã bác bỏ đơn kháng cáo của đảng Tiến lên. Đảng này thắng nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5, nhưng đề cử thủ tướng của lãnh đạo Pita Limjaroenrat bị thượng viện do quân đội kiểm soát chặn lại, khiến họ quay sang kháng cáo lên toà hiến pháp. Hiện đối tác ủng hộ dân chủ cũ của Tiến lên, đảng Pheu Thai, đang xem xét một thỏa thuận với các đảng thân quân đội.
Chính phủ Đức ủng hộ dự thảo luật cho phép người trưởng thành sở hữu tới 25g cần sa tiêu dùng cá nhân. Luật có thể được thông qua vào cuối năm nay và đưa Đức trở thành một trong những quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu hợp pháp hóa loại thuốc này. Luật pháp Đức xem mua cần sa là tội hình sự, nhưng tiêu thụ là hợp pháp.
Giới nghiên cứu lần đầu tiên công bố nghiên cứu cho thấy thận lợn cấy ghép — được biến đổi gen để hoạt động tốt hơn ở người — có thể thực hiện các chức năng duy trì sự sống ở bệnh nhân chết não. Trong khi đó, các bác sĩ phẫu thuật ở New York nói trong một trường hợp, thận lợn vẫn hoạt động tốt 32 ngày sau khi được cấy ghép. Các nhà khoa học hy vọng phương pháp này sẽ mang đến chiếc phao cứu sinh cho khoảng 2 triệu người mắc bệnh suy thận.
Con số trong ngày: 237 triệu, là số người theo đạo Hồi ở Indonesia, quốc gia có đa số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới.
TIÊU ĐIỂM
Thế bế tắc ở Tây Phi
Vào thứ Năm, các chỉ huy quân đội từ khoảng một chục quốc gia Tây Phi sẽ gặp nhau để lên kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger. Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) muốn phục chức cho tổng thống Niger, Mohamed Bazoum, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính hôm 26 tháng 7. Tuần trước, khối đã ra lệnh triển khai lực lượng dự phòng để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger. Nhưng họ cũng hứa tiếp tục theo đuổi các giải pháp ngoại giao.
Trong khi đó các tướng lĩnh của Niger tỏ ra không khoan nhượng. Họ nói sẽ truy tố ông Bazoum, người đang bị bắt làm con tin, vì tội phản quốc. Đáp lại, ECOWAS gọi đây là một “hành động khiêu khích.” Song khả năng ECOWAS can thiệp vũ trang là không nhiều. Liên minh châu Phi và Mỹ, vốn muốn giữ các căn cứ máy bay không người lái của họ ở Niger, tỏ ra không mấy hào hứng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ECOWAS giữ thể diện, chính quyền quân sự có thể đưa ra một vài cử chỉ ít tốn kém. Họ gần đây đã bổ nhiệm một thủ tướng dân sự và có thể đưa ra những lời hứa (đáng ngờ) về nhanh chóng tiến hành bầu cử. Nhưng kể cả khi chính quyền trả tự do cho ông Bazoum, nó vẫn có thể là chưa đủ trong mắt ECOWAS.
Đảng cầm quyền Úc tổ chức hội nghị
Đảng Lao động trung tả của Úc sẽ có dịp ăn mừng khi tổ chức hội nghị ba năm một lần tại Brisbane vào thứ Năm. Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm ngoái, đảng này đã tạo ra một làn sóng đỏ quét qua đất nước. Lao động hiện nắm quyền ở mọi tiểu bang và vùng lãnh thổ trong nước, chỉ ngoại trừ đảo Tasmania. Bất chấp lạm phát và nền kinh tế chậm lại, chính phủ liên bang của Anthony Albanese vẫn được lòng dân như ngày mới được bầu.
Nhưng thử thách lớn nhất vẫn còn ở phía trước. Ông Albanese đã đánh cược danh tiếng của mình trong một cuộc trưng cầu dân ý để đưa “Tiếng nói trước Quốc hội” của người bản địa vào hiến pháp và trao cho họ tiếng nói lớn hơn trong hoạch định chính sách. Song nó không được ủng hộ rộng rãi. Hầu hết người Úc phản đối, vì không chắc cuộc trưng cầu có ý nghĩa gì hoặc không tin nó có thể giúp ích gì cho thổ dân. Nếu đề xuất bị đánh bại, ông Albanese sẽ bị mất kha khá vốn liếng chính trị.
Bắt mạch kinh tế Nhật Bản
Sức khỏe kinh tế của Nhật Bản sẽ được bắt mạch rõ ràng hơn trong tuần này. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng với tốc độ năm 6% trong quý gần nhất, theo số liệu thống kê được công bố hôm thứ Ba. Cán cân thương mại sẽ được công bố vào thứ Năm, theo sau là số liệu lạm phát vào thứ Sáu.
Các chỉ số cơ bản đều mạnh. Xuất khẩu bùng nổ đẩy những con số tăng trưởng mới nhất vượt xa mức tăng 2,9% theo năm như dự báo của các nhà kinh tế. Và tiền lương năm nay đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Nhật Bản dường như sắp phá vỡ trạng thái lạm phát thấp và thậm chí giảm phát kéo dài nhiều năm qua.
Nhưng cũng có những triệu chứng đáng lo ngại. Tăng trưởng tiền lương kéo theo lạm phát trong phần lớn năm nay, làm giảm lương thực tế. Bên cạnh đồng yên yếu, điều này đã làm giảm chi tiêu tiêu dùng. Cả tiêu thụ trong nước và nhập khẩu đều giảm trong quý hai. Và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hoàn toàn có thể bị đảo ngược một khi môi trường kinh tế thay đổi ở các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật – Mỹ và Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để đưa ra chẩn đoán rõ ràng.
Tây Ban Nha họp quốc hội sau tổng tuyển cử
Quốc hội mới của Tây Ban Nha sẽ họp vào thứ Năm trong một thời điểm đầy kịch tính. Cuộc bầu cử hôm 23 tháng 7 khiến cả liên minh cánh tả lẫn cánh hữu đều không thắng được đa số. Phần còn lại do các đảng theo chủ nghĩa khu vực — mà chủ yếu là các đảng ủng hộ ly khai — nắm giữ. Chương trình nghị sự chính thức của thứ Năm là bầu các lãnh đạo hạ viện. Nhưng vấn đề thực sự là các đảng dân tộc chủ nghĩa này sẽ ngả về phe ai. Họ sẽ quyết định xem ai có thể thành lập chính phủ — và liệu các cuộc bầu cử mới có cần thiết hay không.
Đối với thủ tướng Pedro Sánchez của Đảng Xã hội, để tiếp tục nắm quyền, ông cần sự hỗ trợ của ít nhất năm đảng khác. Nhưng vấn đề là trong số này có một số đảng muốn tách Tây Ban Nha ra làm nhiều nước khác nhau. Junts per Catalunya (“Cùng nhau vì Catalonia”) là một trong hai đảng muốn độc lập cho khu vực. Lãnh đạo Carles Puigdemont, người đã sống lưu vong kể từ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập bất hợp pháp năm 2017, vừa tweet một cách khó hiểu về một “cuộc đấu giá” để có được sự ủng hộ của ông. Thứ Năm này chúng ta sẽ được biết ai là bên thắng đấu giá.