17/08/1978: Khí cầu lần đầu vượt Đại Tây Dương thành công

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Balloon crosses the Atlantic, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1978, khí cầu Double Eagle II đã hoàn thành chuyến bay khí cầu xuyên Đại Tây Dương đầu tiên khi hạ cánh xuống một cánh đồng lúa mạch gần Paris, 137 giờ sau khi cất cánh từ Presque Isle, Maine. Do Ben Abruzzo, Maxie Anderson, và Larry Newman điều khiển, chiếc khí cầu chứa đầy helium này đã bay hơn 5.200 km trong cuộc phiêu lưu kéo dài sáu ngày.

Con người lần đầu tiên “bay” được vào đầu thập niên 1780, sau khi hai anh em nhà sản xuất giấy người Pháp Joseph và Etienne Montgolfier phát triển thành công khí cầu khí nóng (hot-air balloon). Ngay sau đó, những quả khí cầu này đã được bơm đầy các loại khí nhẹ hơn không khí, chẳng hạn như heli hoặc hydro, để tạo lực nổi. Thành tựu đầu tiên của khinh khí cầu đến vào năm 1785 khi Jean-Pierre Blanchard người Pháp và John Jeffries người Mỹ trở thành những người đầu tiên vượt qua Eo biển Manche bằng đường hàng không. Bước sang thế kỷ 18 và 19, khí cầu được sử dụng nhiều vào mục đích giám sát quân sự và nghiên cứu khoa học hơn là di chuyển hoặc thể thao. Là một phương thức di chuyển bằng đường hàng không, khí cầu khí nóng đã dần được thay thế bằng khí cầu có thể điều khiển được (dirigible) – một loại khí cầu có động cơ – vào cuối thế kỷ 19.

Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, sự quan tâm đến khí cầu như một môn thể thao bắt đầu tăng lên và một giải đấu quốc tế đã được tổ chức hàng năm cho các chuyến bay khí cầu đường dài. Các vận động viên khí cầu của Bỉ đã thống trị những cuộc thi đầu tiên này. Sau Thế chiến II, công nghệ mới đã giúp khí cầu trở nên an toàn hơn và có giá cả phải chăng hơn, và đến thập niên 1960, môn thể thao này đã được phổ biến rộng rãi. Chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, đã được thực hiện bằng máy bay và khí cầu có thể điều khiển được vào năm 1919, vẫn là một mục tiêu mà các vận động viên khí cầu khí nóng khó thực hiện được.

Từ năm 1859 cho đến chuyến bay của Double Eagle II vào năm 1978, đã có 17 chuyến bay khí cầu xuyên Đại Tây Dương không thành công, dẫn đến cái chết của ít nhất bảy người. Tháng 9/1977, Ben Abruzzo và Maxie Anderson thực hiện lần thử đầu tiên với chiếc Double Eagle I, nhưng đã bị thổi bay khỏi hành trình và buộc phải hạ cánh xuống Iceland sau khi đã di chuyển khoảng 4.750 km trong 66 giờ. Abruzzo mất vài tháng để hồi phục sau khi bị tê cóng trong lần thử thách này, nhưng đến năm 1978, ông và Anderson đã sẵn sàng chinh phục thử thách thêm lần nữa. Larry Newman tham gia cùng họ, làm phi công thứ ba, và vào ngày 11/09/1978, Double Eagle II cất cánh từ Presque Isle, Maine.

Khí cầu 11 tầng, chứa đầy khí heli này đã di chuyển thuận lợi trong bốn ngày đầu tiên, và ba người đàn ông sống sót nhờ xúc xích và cá mòi đóng hộp. Rắc rối thực sự duy nhất trong chuyến đi xảy ra vào ngày 16/08, khi điều kiện khí quyển buộc Double Eagle II phải giảm từ độ cao 6km xuống độ cao 1.22 km nguy hiểm hơn. Ba người sau đó đã vứt bỏ vật liệu dằn và nhanh chóng tăng trở lại độ cao an toàn. Đêm đó, họ đến bờ biển Ireland, và vào ngày 17/08, bay qua nước Anh để đến điểm đến của họ là cánh đồng Le Bourget ở Paris, nơi Charles Lindbergh hạ cánh sau khi bay một mình trên máy bay xuyên Đại Tây Dương vào năm 1927. Ở miền nam nước Anh, những người vợ của ba người đã bay trên một chiếc máy bay riêng, đến đủ gần khí cầu để trao những nụ hôn gió cho chồng của họ.

Bị gió thổi chệch hướng vào cuối cuộc hành trình, họ hạ cánh ngay trước hoàng hôn ngày 17/08 gần ngôi làng Miserey, cách Paris khoảng 80 km về phía tây. Chuyến bay kéo dài 137 giờ của họ đã lập kỷ lục mới về sức bền và quãng đường. Ba người Mỹ được chào đón bởi các thành viên trong gia đình và những khán giả Pháp vui vẻ đi theo khinh khí cầu của họ bằng xe hơi. Đêm đó, Larry Newman, 31 tuổi, người trẻ nhất trong bộ ba, được phép ngủ cùng vợ trên chiếc giường mà Charles Lindbergh đã ngủ sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương lịch sử năm thập niên trước đó.

Năm 1981, Ben Abruzzo, Larry Newman, Ron Clark, và Rocky Aoki người Nhật Bản đã bay từ Nagashimi, Nhật Bản, đến Rừng Quốc gia Mendocino ở California trong chuyến bay xuyên Thái Bình Dương đầu tiên. Joe Kittinger người Mỹ đã thực hiện chuyến bay một mình xuyên Đại Tây Dương bằng khí cầu vào năm 1984. Năm 1995, Steve Fosset người Mỹ đã hoàn thành chuyến bay một mình trên khí cầu xuyên Thái Bình Dương. Một trong những ranh giới cuối cùng của những chuyến bay bằng khí cầu đã được chinh phục vào năm 1999, khi Bertrand Piccard người Thụy Sĩ và Brian Jones người Anh hoàn thành đường bay thẳng đầu tiên vòng quanh thế giới bằng khí cầu lai, chứa khí heli và khí nóng. Họ bay từ Dãy Alps của Thụy Sĩ, đi vòng quanh thế giới và hạ cánh ở Ai Cập, sau khi đã đi hơn 46.670 km trong 20 ngày.

Sau đó, vào năm 2002, nhà thám hiểm người Mỹ Steve Fossett đã trở thành người đàn ông đầu tiên trong lịch sử một mình bay vòng quanh thế giới bằng khí cầu.