02/09/1666: Đại hỏa hoạn London bắt đầu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Great Fire of London begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Rạng sáng ngày này năm 1666, trận Đại hỏa hoạn London đã bùng phát tại nhà thợ làm bánh của Vua Charles II trên Đường Pudding gần Cầu London. Ngọn lửa nhanh chóng lan đến Phố Thames, nơi có các nhà kho chứa đầy chất dễ cháy, và gió đông mạnh đã nhấn chìm mọi thứ trong “hoả ngục.” Khi ngọn lửa cuối cùng được dập tắt vào ngày 6/9, hơn 4/5 diện tích London đã bị phá hủy. Điều kỳ diệu là chỉ có 16 người được ghi nhận là đã chết.

Đại hỏa hoạn London là một thảm họa chực chờ xảy ra. London năm 1666 là thành phố của những ngôi nhà thời Trung cổ được làm chủ yếu bằng gỗ sồi. Một số ngôi nhà của dân nghèo có những bức tường phủ nhựa đường để ngăn nước mưa thấm qua, nhưng lại khiến chúng trở nên dễ bắt lửa. Đường phố chật hẹp, nhà cửa chen chúc, và các phương pháp chữa cháy thời đó chỉ gồm các đội cứu hỏa trong khu phố, được trang bị thùng nước và máy bơm tay thô sơ. Người dân được hướng dẫn kiểm tra nhà của mình để phát hiện nguy cơ cháy nổ, nhưng cũng có nhiều trường hợp bất cẩn.

Tối ngày 1/9/1666, Thomas Farrinor, thợ làm bánh của nhà vua, đã không dập tắt lò nướng của mình đúng cách trước khi đi ngủ. Vào khoảng nửa đêm, những tia lửa từ đống than hồng âm ỉ đã đốt cháy củi nằm cạnh lò. Chẳng bao lâu sau, ngôi nhà của ông chìm trong biển lửa. Farrinor trốn thoát cùng gia đình và một người hầu qua cửa sổ tầng trên, nhưng một thợ làm bánh đã chết trong vụ cháy – trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ việc.

Những tia lửa từ tiệm bánh của Farrinor lan qua đường, đốt cháy rơm rạ và thức ăn gia súc trong chuồng ngựa của Quán trọ Star. Từ đây, ngọn lửa lan sang Phố Thames, nơi có các nhà kho ven sông chất đầy những vật liệu dễ cháy như mỡ làm nến, dầu đèn, rượu mạnh, và than đá. Loạt cửa hàng nhanh chóng bốc cháy hoặc phát nổ, khiến ngọn lửa trở nên không thể kiểm soát. Những nhóm dân địa phương mang theo xô nước dập lửa đã từ bỏ những nỗ lực chữa cháy vô ích của mình, và vội vã về nhà để sơ tán gia đình cũng như cứu những đồ vật có giá trị.

Mùa hè năm ấy khá khô nóng và gió mạnh càng khiến ngọn lửa bùng phát mạnh hơn. Trong lúc đám cháy ngày càng lan rộng, chính quyền thành phố đã cố gắng phá bỏ các tòa nhà để tạo ra một khoảng trống ngăn đám cháy, nhưng ngọn lửa liên tục lan nhanh trước khi họ có thể hoàn thành công việc của mình. Mọi người chạy trốn xuống sông Thames, mang theo tài sản của họ, còn những người vô gia cư thì trú ẩn trên những ngọn đồi ở ngoại ô London. Ánh sáng từ Đại hỏa hoạn có thể được nhìn thấy cách đó gần 50km. Sang ngày 5/9, lửa tắt dần, và đến ngày hôm sau thì đám cháy được khống chế. Tối hôm đó, ngọn lửa lại bùng lên ở Quận Temple, nhưng việc dùng thuốc súng cho nổ các tòa nhà đã dập tắt ngọn lửa.

Đại hỏa hoạn London đã thiêu rụi 13.000 ngôi nhà, gần 90 nhà thờ và rất nhiều tòa nhà công cộng. Nhà thờ St. Paul cũ đã bị phá hủy cùng nhiều địa danh lịch sử khác. Ước tính có 100.000 người bị mất nhà cửa. Chỉ trong vài ngày, Vua Charles II bắt đầu xây dựng lại thủ đô của mình. Kiến trúc sư vĩ đại Sir Christopher Wren đã thiết kế một Nhà thờ St. Paul mới, đi kèm hàng chục nhà thờ nhỏ hơn nằm xung quanh nó như những vệ tinh. Để ngăn ngừa hỏa hoạn trong tương lai, hầu hết các ngôi nhà mới đều được xây bằng gạch hoặc đá, và được ngăn cách bằng những bức tường dày. Những con hẻm hẹp bị cấm và đường phố được mở rộng hơn. Tuy nhiên, sở cứu hỏa thường trực vẫn không được thành lập ở London cho đến tận thế kỷ 18.

Vào thập niên 1670, một tượng đài kỷ niệm trận đại hỏa hoạn đã được dựng lên gần nơi xảy ra thảm họa. Được biết đến với cái tên Đài tưởng niệm (the Monument), nó có lẽ được thiết kế bởi kiến trúc sư Robert Hooke, dù một số nguồn tin cho rằng tác giả là Christopher Wren. Tượng đài cao 62m so với mặt đường, trên có hình chạm khắc kể về vụ hỏa hoạn. Dù cuộc điều tra chính thức về Đại hỏa hoạn kết luận rằng “bàn tay của Chúa, một cơn gió lớn, và một mùa khô hạn” đã gây ra nó, một dòng chữ trên Đài tưởng niệm (bị xóa bỏ năm 1830) đã đổ lỗi rằng thảm họa là do “sự phản bội và ác ý của phe ủng hộ Giáo hoàng (Popish).”

Năm 1986, những người thợ làm bánh ở London đã xin lỗi thị trưởng vì đã phóng hỏa thành phố. Các thành viên của Liên đoàn Thợ bánh (Worshipful Company of Bakers) tập trung tại Đường Pudding với một tấm bảng thừa nhận rằng một trong những thành viên của họ, Thomas Farrinor, đã phạm tội gây ra Đại hỏa hoạn năm 1666.