18/04/2014: Ngày chết chóc nhất trên Đỉnh Everest

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mt. Everest sees its single deadliest day, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2014, 16 hướng dẫn viên leo núi người Nepal, hầu hết là người dân tộc Sherpa, đã thiệt mạng trong trận tuyết lở trên Núi Everest. Sự kiện này là vụ tai nạn chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử của Dãy Himalaya, cao hơn 8.800m so với mực nước biển, nằm tại biên giới giữa Nepal và Trung Quốc.

Trận tuyết lở xảy ra vào khoảng 6:30 sáng, chôn vùi nhóm hướng dẫn viên Sherpa tại khu vực nổi tiếng là nguy hiểm của Everest, Khumbu Icefall, nằm ở độ cao khoảng 5.790m. Vào thời điểm đó, những người Sherpa này đang vận chuyển rất nhiều thiết bị cho các đoàn khách thám hiểm.

Thảm họa, trong đó không có người nước ngoài nào thiệt mạng, đã khơi mào trở lại các cuộc tranh luận về rủi ro mà người Sherpa phải gánh chịu cho những khách hàng giàu có của họ (ngoài việc vận chuyển hầu hết các vật dụng cho chuyến thám hiểm, hướng dẫn viên Sherpa còn chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ như gắn dây cố định và thang cho người leo núi), cũng như việc thương mại hóa quá mức Everest, khiến việc tắc nghẽn lối đi trong mùa leo núi mùa xuân và lượng rác thải khổng lồ tích tụ trở nên phổ biến.

Năm 1953, Edmund Hillary (người New Zealand) và Tenzing Norgay (người Sherpa) đã trở thành những người đầu tiên chính thức lên tới Đỉnh Everest, đỉnh núi được người Anh đặt tên vào năm 1865 theo tên George Everest, một người xứ Wales sau này trở thành Cục trưởng Cục Khảo sát (surveyor general) của Ấn Độ. Andrew Waugh, người kế nhiệm Everest với tư cách cục trưởng, đã lựa chọn cái tên cho ngọn núi, còn bản thân ông có lẽ chưa từng nhìn thấy đỉnh núi được đặt tên để vinh danh mình. Trong khi đó, người Nepal gọi ngọn núi là Sagarmatha, người Tây Tạng gọi nó là Chomolungma, còn người Trung Quốc gọi nó là Zhumulangma Feng (Châu mục lãng mã phong). Kể từ thành tích lịch sử của Hillary và Norgay, hơn 4.000 người đã leo lên đến Đỉnh Everest, trong khi vài trăm người khác đã thiệt mạng trong hành trình. Năm 1996, tám nhà leo núi đã gặp phải một cơn bão trên núi và thiệt mạng, sự kiện đã được ghi lại trong cuốn sách bán chạy Into Thin Air của Jon Krakauer. Năm đó, có tổng cộng 15 người thiệt mạng trên Everest, khiến nó trở thành thời điểm nguy hiểm nhất cho đến năm 2014.

Sau thảm kịch ngày 18/04, một số người Sherpa đã tẩy chay phần còn lại của mùa leo núi, với lý do để tưởng nhớ 16 hướng dẫn viên đã thiệt mạng, và cũng để phản đối những vấn đề như tiền lương và cách họ bị đối xử. Kết quả là, nhiều công ty thám hiểm thương mại đã chọn hủy bỏ kế hoạch leo núi của họ.