Tuyên truyền về Fukushima tác động tới người dân Trung Quốc như thế nào?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s Fukushima propaganda at odds with travel boom,” Nikkei Asia, 31/08/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các loại muối hồ nội địa đã nhanh chóng được bán sạch sau khi người tiêu dùng Trung Quốc tránh xa các sản phẩm từ biển.

Một gia đình Trung Quốc di cư sang Nhật Bản gần đây đã nhận được một câu hỏi bất thường nhưng nghiêm túc từ một người bạn thân ở quê nhà Tứ Xuyên, Trung Quốc.

“Có một cặp kính mắt do Nhật sản xuất mà tôi rất muốn mua,” người bạn nói. “Nhưng tôi lo rằng gọng kính có chứa chất phóng xạ và tôi có thể bị nhiễm. Anh thấy thứ đó có thực sự ổn không?”

Câu hỏi này khiến cả gia đình bối rối. Thêm nữa, người bạn đó có bằng đại học và được coi là một trí thức.

Câu hỏi này xuất hiện một tuần trước khi Nhật Bản bắt đầu xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo vào Thái Bình Dương (ngày 24/8).

Nó là bằng chứng cho thấy một chiến dịch của truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó miêu tả những hành động của phía Nhật Bản là “ích kỷ và vô trách nhiệm,” đã có ảnh hưởng lớn đến người dân Trung Quốc.

Bi kịch nằm ở việc chiến dịch vu khống Nhật Bản do chính phủ Trung Quốc khởi xướng này đã làm mất đi một lượng lớn người hâm mộ ẩm thực và văn hóa Nhật Bản ở Trung Quốc. Trước Covid, lượng người Trung Quốc thường xuyên đến thăm Nhật Bản đang trên đà tăng cao. Qua đó, một di sản quý giá về sự hiểu biết lẫn nhau đã được tạo dựng. Nhưng giờ đây, chiến dịch tuyên truyền chính trị đang tấn công vào di sản đó.

Khi nước thải Fukushima bắt đầu được xả ra biển, một số người Trung Quốc đã nổi điên, và nhiều người thậm chí đến các cửa hàng tạp hóa để mua muối về tích trữ.

Thứ muối mà họ tìm kiếm đến từ tỉnh Thanh Hải, nằm trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng đẹp như tranh vẽ. Loại muối giàu khoáng chất này đang trở nên cực kỳ phổ biến vì nó không đến từ biển.

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cho rằng từ nay muối biển sẽ bị nhiễm độc.

Một số người Trung Quốc than phiền rằng họ có thể sẽ không bao giờ mua được muối Thanh Hải nữa [vì người khác đã mua hết]. Trên thực tế, các hồ muối ở tỉnh này có trữ lượng muối khổng lồ, nên khó có khả năng chúng sẽ sớm cạn kiệt.

Muối Thanh Hải không phải là loại muối duy nhất được tích trữ. Trên khắp Trung Quốc, lượng bán muối biển thông thường đang giảm mạnh do người tiêu dùng lầm tưởng rằng nước từ Fukushima sẽ đầu độc các đại dương trên thế giới.

Dưới đây là hai bức ảnh được chụp ở Thanh Hải vào mùa xuân năm 1999. Bức thứ nhất là ảnh chụp cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được trưng bày tại văn phòng chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại một ngôi làng bên bờ Hồ Thanh Hải; bức còn lại là hình ảnh đàn cừu và bò đang gặm cỏ trên bờ hồ.

Hình trên: Một ngôi đền thờ Đặng Tiểu Bình ở chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại một ngôi làng bên bờ hồ Thanh Hải vào tháng 4/1999. Hình dưới: Đàn cừu gặm cỏ trên bờ hồ Thanh Hải, hồ muối nội địa lớn nhất Trung Quốc, nằm ở cao nguyên Thanh Hải vào tháng 4/1999. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Đặng Tiểu Bình, người ủng hộ chính sách “cải cách và mở cửa”, đã qua đời hai năm trước đó. Bức ảnh của người quá cố được trưng bày để thông báo cho cư dân địa phương biết về sự thay đổi nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Ở vùng dân tộc thiểu số này, người ta thiếu phương tiện liên lạc hiệu quả.

Tháng 10/1978, Đặng đến thăm Nhật Bản để phê chuẩn một hiệp ước hòa bình và hữu nghị, từ đó chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản của lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Ông có lẽ sẽ ngạc nhiên nếu biết quan hệ Trung-Nhật hiện đang trở nên tồi tệ đến mức đồng bào của ông đổ xô đi mua muối Thanh Hải.

Một cách tình cờ, ngày 22/08 – ngày Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chính thức tuyên bố bắt đầu xả nước ở Fukushima – cũng chính là kỷ niệm lần thứ 119 ngày sinh của Đặng.

Phản ứng đối với vụ Fukushima còn vượt xa việc mua muối.

Một công dân Trung Quốc sống ở Nhật Bản vừa trở về quê hương đã nghe một người dân địa phương nói rằng “Vì biển đã bị ô nhiễm nên tôi phải cẩn thận không đến gần đó. Tôi chỉ có thể yên tâm nếu ở trong đất liền.”

Trong những ngày gần đây, các vụ việc người Trung Quốc có hành vi quấy rối do sự kiện xả nước Fukushima đã được đưa tin trên khắp nước Nhật.

Đá, gạch, và trứng đã bị ném vào khuôn viên các trường học Nhật Bản ở Trung Quốc, trong khi liên tục có những cuộc gọi quấy rối từ số điện thoại Trung Quốc tới các cơ sở công cộng ở tỉnh Fukushima.

Liệu có phải rất nhiều dân thường Trung Quốc thực sự ghét Nhật Bản? Chiến dịch tuyên truyền chính trị quy mô lớn này có thể che mờ hiện thực.

Lu Le (không phải tên thật) là một phụ nữ Trung Quốc 30 tuổi sống ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Cô và một số người bạn đã đến thăm Nhật Bản vào đầu tháng này.

Trên đường đi từ Osaka đến Kyoto, cô đã nhận lời trả lời phỏng vấn Nikkei về tình yêu của mình dành cho Nhật Bản. Cuộc phỏng vấn này xảy ra ngay trước khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến du lịch theo nhóm tới Nhật Bản.

“Khi đến Nhật, tôi cảm thấy mình có thể thư giãn. Tôi cũng cảm thấy phấn khích,” cô nói. “Tôi đã làm việc chăm chỉ và đến Nhật khi đã tiết kiệm đủ tiền. Tôi đã đến Nhật khoảng 10 lần. Nhiều người quen cũng giống như tôi.”

Hàng Châu là một thành phố thương mại thịnh vượng với nhiều gia đình giàu có.

Nhiều du khách nước ngoài ở Kyoto thích đi dạo quanh thành phố trong những bộ kimono thuê. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

“Chúng tôi không nằm trong số những người giàu,” Lu tiếp tục. “Chúng tôi khá nghèo đấy.” Cô nói thêm rằng dù giá vé máy bay khứ hồi giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã cao hơn đáng kể so với trước đây nhưng cô vẫn muốn đến thăm Nhật một lần nữa.

Lu cho biết mục đích chuyến đi gần đây nhất của mình là tham dự lễ hội pháo hoa ở quận Yodogawa của thành phố Osaka trong một bộ yukata, loại kimono truyền thống mùa hè.

Khi thực hiện phỏng vấn, cô đang trên đường đến một cửa hàng cho thuê trang phục gần Chùa Kiyomizu-dera ở Kyoto để thuê một bộ yukata. Cô đã đặt trước với cửa hàng.

Trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc, chính trị thường tách rời khỏi thực tế cuộc sống hàng ngày.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng là quan chức cấp cao của tỉnh Chiết Giang, nơi Lu sống, từ năm 2002 đến 2007.

Gần đây hơn, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu đã buộc phải cắt giảm lực lượng lao động để đối phó với cuộc đàn áp chính trị nhắm vào các tập đoàn công nghệ tư nhân, vốn do Tập chỉ đạo. Kết quả là giá bất động sản địa phương đã giảm đáng kể và nền kinh tế địa phương ngày càng tệ hơn, Lu nói.

Tuy nhiên, Lu cho biết cô sẽ tiếp tục tận hưởng sở thích du lịch Nhật Bản vì cô muốn khám phá vùng nông thôn và những vùng đất mà cô chưa đến.

Những du khách Trung Quốc có kinh nghiệm du lịch một mình, như Lu, thường tránh những địa điểm đông đúc và chọn những suối nước nóng hoặc những địa điểm ít nổi tiếng khác.

Đối với người Trung Quốc, nhu cầu đi du lịch Nhật Bản thường phát xuất từ khách du lịch một mình nhiều hơn là khách du lịch theo nhóm – một xu hướng có thể sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự hiểu biết lẫn nhau.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đã đáp trả việc Nhật Bản xả nước thải từ Fukushima bằng cách áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với các sản phẩm thủy sản của Nhật. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thị trường tại Nhật Bản: Trung Quốc và Hong Kong chiếm tổng cộng hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Nhật.

Sáng sớm thứ Hai, một người bán thực phẩm khô ở chợ Toyosu, một khu chợ bán buôn lớn ở Tokyo, đã bày tỏ sự thất vọng trước động thái của Trung Quốc.

Một người làm việc ở chợ than thở về số phận của “các loại hải sản đắt tiền được coi là cao cấp ở Trung Quốc… Hiện nay chúng tôi không thể xuất khẩu được.”

Người này đề cập đến các sản phẩm như hải sâm khô và bào ngư khô, những thực phẩm mà thực khách Nhật Bản hiếm khi ăn.

Phản ứng của Trung Quốc cũng sẽ tác động tiêu cực đến giá cá ngừ vây xanh. Cá ngừ vây xanh đánh bắt ở vùng biển Nhật Bản được xếp vào loại cao cấp nhất. Rất nhiều cá ngừ vây xanh cao cấp của Nhật Bản đã được đưa đến các bàn ăn ở Trung Quốc.

Một cuộc đấu giá cá ngừ tại chợ Toyosu ở Tokyo. Giá hiện đã giảm xuống. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Giá bán thương mại của cá ngừ vây xanh đánh bắt trong vùng biển nước Nhật tại chợ Toyosu đã giảm suốt nửa tháng qua.

Nhật Bản và Trung Quốc đang tiếp tục tranh cãi về vấn đề nước thải, kể cả tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Matsuo Yamaguchi, lãnh đạo Komeito, một đảng trong liên minh cầm quyền của Nhật Bản, vừa hủy chuyến đi đã được lên kế hoạch tới Trung Quốc.

Nhanh chóng đẩy lùi áp lực phi lý từ Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Nhưng đưa ra một giải pháp ngắn hạn là việc ngoài tầm với, bởi thực tế là nước sẽ chảy ra biển trong nhiều năm tới.

Chính phủ Nhật Bản có trách nhiệm tiếp tục giải thích lý do căn bản và cơ sở khoa học đằng sau việc xả thải.

Và khi làm vậy, họ cần lưu ý rằng không phải tất cả mọi người dân Trung Quốc đều đồng ý với tuyên truyền của nhà nước.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.