Chúng ta nên đối phó với sự suy tàn của Trung Quốc như thế nào?

Nguồn: Bret Stephens, “How Do We Manage China’s Decline?,” New York Times, 29/08/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mấy năm trước, nhà khoa học chính trị của trường Harvard Graham Allison đã đặt ra thuật ngữ “bẫy Thucydides.” Khái niệm này dựa trên quan sát của nhà sử học thời cổ đại Thucydides, rằng nguyên nhân thực sự của Chiến tranh Peloponnese “là sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà điều này đã gieo rắc ở Sparta.” Allison nhận thấy mô hình căng thẳng thường xuyên – và chiến tranh thường xuyên – giữa các cường quốc đang trỗi dậy và các cường quốc bá quyền luôn lặp đi lặp lại suốt lịch sử. Và ông tin rằng ví dụ gần đây nhất là thách thức mà một Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra cho bá quyền của Mỹ.

Đó là một luận điểm hấp dẫn, nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, có một lỗ hổng rõ ràng: Thách thức chính mà chúng ta sẽ phải đối mặt từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong thập niên tới không bắt nguồn từ sự trỗi dậy mà từ sự suy tàn của nước này – một điều vốn đã hiển nhiên trong nhiều năm và đã trở nên không thể phủ nhận trong năm ngoái, với sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần định hướng lại suy nghĩ của họ xung quanh thực tế này. Nhưng bằng cách nào? Dưới đây là năm điều không nên và hai điều nên làm.

Đầu tiên, đừng coi bất hạnh của Trung Quốc là vận may của chúng ta.

Một Trung Quốc có thể mua ít hơn từ thế giới – dù dưới dạng túi xách từ Italy, đồng từ Zambia, hay ngũ cốc từ Mỹ – chắc chắn sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu. Đối với nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ, 64% doanh thu năm ngoái đến từ Trung Quốc; đối với nhà sản xuất xe hơi Mercedes-Benz của Đức, 37% doanh số bán lẻ xe hơi được thực hiện ở Trung Quốc. Vào năm 2021, Boeing dự báo rằng Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/5 tổng số máy bay thân rộng mà hãng này sẽ giao trong 20 năm tới. Có một sự thật hiển nhiên cần được nhắc lại, là chỉ có một nền kinh tế duy nhất: nền kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, đừng cho rằng khủng hoảng sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Những người lạc quan cho rằng khủng hoảng ở Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng quá nặng nề tới các nước phương Tây, vì xuất khẩu của họ sang Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của họ. Nhưng quy mô tiềm tàng của khủng hoảng là rất lớn. Theo một bài báo xuất bản năm 2020 của các nhà kinh tế Ken Rogoff và Yuanchen Yang, bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm gần 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Nó được tài trợ phần lớn bởi ngành công nghiệp quỹ tín thác trị giá 2,9 nghìn tỷ USD của nước này, và ngành này dường như cũng đang lung lay. Ngay cả khi Trung Quốc ngăn chặn được cuộc khủng hoảng toàn diện, tăng trưởng dài hạn sẽ bị hạn chế rất nhiều, bởi khối dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm gần 1/4 vào năm 2050.

Thứ ba, đừng cho rằng đội ngũ của họ có năng lực quản lý kinh tế.

Tháng trước, Donald Trump mô tả sự cai trị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “thông minh, xuất sắc, mọi thứ đều hoàn hảo.” Nhưng sự thật gần với điều ngược lại hơn. Theo một người bạn thời niên thiếu, khi còn trẻ, Tập “được coi là có trí thông minh trung bình,” sở hữu bằng đại học chương trình ba năm về “chủ nghĩa Mác ứng dụng,” và đã vượt qua Cách mạng Văn hóa cũng như hậu quả của nó bằng cách trở nên “đỏ hơn cả đỏ.” Nhiệm kỳ lãnh đạo tối cao của ông được đánh dấu bằng sự chuyển hướng sang sự kiểm soát lớn hơn của nhà nước đối với nền kinh tế, sự quấy rối ngày càng gia tăng đối với các doanh nghiệp nước ngoài, và một chiến dịch khủng bố chống lại các lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng độc lập. Kết quả là tình trạng tháo vốn ngày càng tăng, bất chấp các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Những người giàu nhất Trung Quốc cũng đã rời bỏ đất nước với số lượng ngày càng nhiều trong nhiệm kỳ của Tập – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ nghĩ cơ hội của mình có thể nằm ở đâu và không nằm ở đâu.

Thứ tư, đừng tin vào sự ổn định nội bộ.

Quyết định gần đây của chính phủ Tập Cận Bình – ngừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, vốn đã ở trên mức 21% trong tháng 6, gấp đôi so với 4 năm trước – là một phần của mô hình che giấu thông tin để không làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng các cuộc đấu tranh của giới trẻ gần như luôn là nguồn gốc của những biến đổi lớn, như đã xảy ra vào năm 1989, ngay trước thềm Biểu tình Quảng trường Thiên An Môn. Đừng bận tâm đến bẫy Thucydides, câu chuyện thực sự của Trung Quốc có lẽ nằm trong một phiên bản của thứ đôi khi được gọi là nghịch lý Tocqueville, rằng các cuộc cách mạng xảy ra khi những kỳ vọng ngày càng tăng bị cản đường bởi các điều kiện kinh tế và xã hội xấu đi đột ngột.

Thứ năm, đừng cho rằng quyền lực suy tàn là quyền lực ít nguy hiểm hơn.

Theo nhiều cách, quyền lực đó thậm chí nguy hiểm hơn. Các cường quốc đang lên có thể chờ đợi thời cơ của mình, nhưng các cường quốc đang suy tàn sẽ cố gắng chớp lấy mọi cơ hội. Trong tháng này, Tổng thống Biden đã vô tình nói chính xác khi ông nhắc đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc, rằng “khi kẻ xấu gặp vấn đề, họ sẽ làm điều xấu.” Nói cách khác, khi vận may kinh tế của Trung Quốc suy tàn, rủi ro đối với Đài Loan sẽ tăng lên.

Thứ sáu, hãy tuân thủ bốn lằn ranh đỏ.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần phải cương quyết và không khuất phục khi đề cập đến lợi ích cốt lõi trong quan hệ giữa hai bên: tự do hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông; an ninh của Đài Loan và các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác; bảo vệ sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia của Mỹ; và sự an toàn của công dân Mỹ (cả ở Trung Quốc và Mỹ) và nhóm cư dân gốc Hoa. Giúp Ukraine đánh bại Nga cũng là một phần trong chiến lược tổng thể đối với Trung Quốc, theo đó gửi tín hiệu về quyết tâm chính trị và năng lực quân sự của phương Tây, khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu quân sự qua Eo biển Đài Loan.

Thứ bảy, luôn theo đuổi chính sách hòa hoãn.

Chúng ta không nên tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc. Chúng ta cũng sẽ không thể trả được cái giá của một cuộc chiến tranh nóng. Phản ứng tốt nhất trước những tai ương kinh tế của Trung Quốc là sự hào phóng về kinh tế của Mỹ. Điều đó có thể bắt đầu bằng việc loại bỏ hàng rào thuế quan của chính quyền Trump, vốn đã gây tổn hại cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ nhiều như cách chúng gây tổn hại cho người Trung Quốc.

Liệu điều đó có giúp thay đổi mô hình cơ bản về hành vi xấu của Bắc Kinh hay không? Không chắc. Nhưng khi Trung Quốc dần trượt vào khủng hoảng, chúng ta cần phải thử các biện pháp đó.