Quân Nga đang tiến bộ như thế nào?

Nguồn: Margarita Konaev và Owen J. Daniels, “The Russians Are Getting Better,” Foreign Affairs, 06/09/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Moscow đã học được gì ở Ukraine?

Cuộc phản công mùa hè của Ukraine đã diễn ra chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của các đồng minh và những người ủng hộ nước này. Quân đội Ukraine đã tỏ ra cực kỳ thành thạo trong việc nhanh chóng kết hợp các khả năng và công nghệ mới vào hoạt động của mình, chiến đấu dũng cảm và tương đối hiệu quả để chống lại kẻ thù có quân số vượt trội và không thực sự quan tâm đến tổn thất của chính mình hay các luật về chiến tranh. Dù vậy, mỗi bước tiến đều diễn ra rất chậm và mỗi phần lãnh thổ được giải phóng đều phải trả giá đắt. Phải sau ba tháng chiến đấu cam go, Ukraine mới bắt đầu đạt được những tiến bộ đáng kể, xuyên thủng một số phòng tuyến của Nga ở phía đông nam đất nước, và giành lại lãnh thổ ở các tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk.

Một số nhà phân tích cho rằng tốc độ phản công chậm là do thách thức từ việc phối hợp tác chiến giữa pháo binh, bộ binh, và không quân. Những người khác đặt câu hỏi liệu chương trình huấn luyện mà Mỹ và NATO cung cấp – tập trung vào các chiến dịch tấn công nhanh chóng, thay vì làm suy yếu quân Nga trong chiến tranh tiêu hao – có phù hợp với loại kẻ thù và loại cuộc chiến mà người Ukraine đang đối diện hay không. Những người khác nữa lập luận rằng các đồng minh phương Tây của Kyiv đã quá chậm trong việc cung cấp vũ khí và thiết bị, theo đó trì hoãn cuộc phản công của Ukraine và cho phép Nga củng cố các vị trí của mình, tận dụng những vùng lãnh thổ tranh chấp rộng lớn. Lý do cuối cùng, quân đội Ukraine không phải là một lực lượng kiểu NATO, và di sản cũng như học thuyết của lực lượng vũ trang này một phần vẫn bắt nguồn từ quân đội Liên Xô, nếu xét đến cách tổ chức, huy động, và duy trì lực lượng. Đây không hẳn là một điểm yếu, nhưng nó đòi hỏi các đồng minh phương Tây của Ukraina phải xem xét lại loại vũ khí, thiết bị, và huấn luyện nào sẽ giúp Ukraina chiến đấu đạt hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, những thách thức mà quân đội Ukraine phải đối mặt không chỉ phát xuất từ những hành động và quyết định của chính họ cũng như của các đồng minh và đối tác phương Tây, mà còn phản ánh hành vi đang thay đổi của Nga. Trong sáu đến chín tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Điện Kremlin dường như không rút ra được bài học từ những sai lầm của mình. Nhưng kể từ đó, các lực lượng vũ trang Nga đã cải tiến chiến thuật trên chiến trường – dù chậm và phải trả giá đắt về nhân mạng và các nguồn lực khác. Họ đã học được cách nhắm mục tiêu hiệu quả hơn vào các đơn vị và vũ khí của Ukraine, cũng như cách bảo vệ tốt hơn hệ thống chỉ huy của chính họ. Kết quả là, Nga đã tận dụng lợi thế về quân số và hỏa lực của mình tốt hơn, biến điều mà nhiều người hy vọng sẽ là một cuộc phản công nhanh chóng thành một cuộc chiến chậm chạp, tàn bạo, và khó khăn.

KHÔNG CÓ GÌ LÀ DỄ DÀNG

Sau một năm rưỡi tham chiến, quân đội Nga đang bầm dập và mệt mỏi. Ban lãnh đạo của họ, đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu Valery Gerasimov, hoặc đang mất hút, hoặc đang bận rộn giữ kín những tin tức xấu về cuộc chiến khỏi tai Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chí ít là một nửa, thậm chí lên tới 2/3 số xe tăng sẵn sàng chiến đấu mà Nga dành cho chiến tranh Ukraine đã không còn, buộc Điện Kremlin phải sử dụng nguồn dự trữ từ thời Liên Xô.

Phần lớn thiết bị quân sự khác của Nga – gồm xe bọc thép, hệ thống pháo binh, và hệ thống tác chiến điện tử – đã bị chiếm giữ, hư hỏng, hoặc bị phá hủy. Một số hệ thống đã xuống cấp đến mức gần như không hoạt động được. Nhiều loại vũ khí đắt tiền và phức tạp nhất còn lại trong kho vũ khí của Nga, gồm cả tên lửa siêu thanh và có độ chính xác cao, đang được sử dụng để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, theo đó làm cạn kiệt nguồn dự trữ quý giá khó có thể được bổ sung trong bối cảnh bị trừng phạt. Cùng lúc đó, quân đội Nga chỉ được huấn luyện sơ sài, có tinh thần chiến đấu thấp, và đôi khi còn bị ép ra chiến trường. Một số mới ra tù; số khác nghiện ma túy. Và sau cuộc nổi dậy thất bại của tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Yevgeny Prigozhin quá cố hồi tháng 7, nhiều nhà phân tích đã suy đoán rằng quân đội Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng đào ngũ hàng loạt, nổi loạn, thậm chí là sụp đổ thảm khốc.

Nhưng dù bị tàn phá và hoạt động kém hiệu quả, quân đội Nga vẫn có khả năng học hỏi và thích nghi. Quá trình này tuy chậm chạp, đau đớn, tốn kém, và rườm rà – nhưng nó vẫn đang diễn ra và dần đạt được kết quả. Ví dụ, hãy xem xét việc Nga đã hồi sinh khả năng tác chiến điện tử của mình như thế nào. Suốt thập niên vừa qua, Moscow đã hiện đại hóa các hệ thống này, vốn được sử dụng rất hiệu quả ở Syria và trong cuộc xâm lược đầu tiên vào miền đông Ukraine năm 2014. Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai chúng để chống lại các hệ thống phòng không trên mặt đất của Ukraine trong hai ngày đầu tiên của cuộc xâm lược hồi tháng 2/2022, các hệ thống và khả năng này về cơ bản đã biến mất. Không rõ chính xác tại sao Nga không tận dụng được lợi thế này, nhưng các chuyên gia cho rằng nguyên nhân đến từ thất bại lớn hơn của Moscow trong việc lập kế hoạch xâm lược, sự phối hợp kém của các nhánh trong quân đội Nga, và thực tế là họ đã tự làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động liên lạc của chính mình bằng cách sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử.

Nhưng khi chiến tranh chuyển hướng sang Donbas vào cuối mùa xuân năm 2022, Nga bắt đầu tăng cường sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử. Cứ mỗi 20 km tiền tuyến lại có khoảng mười tổ hợp tác chiến điện tử – tập hợp các hệ thống được sử dụng để gây nhiễu liên lạc của kẻ thù, làm gián đoạn hệ thống định vị, và vô hiệu hóa radar. Theo thời gian, tỷ lệ đó đã giảm xuống – chỉ còn khoảng một hệ thống cho mỗi 6 km mặt trận, nhưng có thêm các phương tiện tác chiến điện tử bổ sung được triển khai khi cần thiết để tăng cường cho các đơn vị quân đội.

Các hệ thống này vẫn gặp vấn đề, gồm phạm vi phủ sóng tương đối hạn chế và có thể sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng nhìn chung, chúng đã tỏ ra vô cùng có giá trị, giúp Nga làm suy giảm khả năng liên lạc, điều hướng, và thu thập thông tin tình báo của Ukraine; hạ gục máy bay và máy bay không người lái của Ukraine; và khiến đạn dẫn đường chính xác của Ukraina bắn trượt mục tiêu. Nga cũng đã sử dụng chúng để ngăn máy bay không người lái của Ukraine truyền thông tin về mục tiêu, để tăng cường năng lực và mạng lưới phòng không của Nga, đồng thời đánh chặn và giải mã các liên lạc quân sự của Ukraine. Cho đến nay, Ukraine chỉ đạt thành công hạn chế trong việc chống lại những năng lực được nâng cao này của Nga.

Ngay khi hồi sinh khả năng tác chiến điện tử của mình, quân đội Nga cũng khôi phục lại cơ sở hạ tầng và quy trình chỉ huy và kiểm soát, vốn đã bị hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp và các tên lửa chính xác tầm xa khác của Ukraine phá hủy vào mùa hè năm 2022. Trong quá trình này, Nga đã thực hiện một số thay đổi tổng thể dù tương đối thô sơ nhưng có hiệu quả, gồm việc đưa bộ tổng chỉ huy ra khỏi tầm bắn của tên lửa đất đối không Ukraine, đặt các sở chỉ huy tiền phương sâu dưới mặt đất và phía sau các vị trí được phòng thủ nghiêm ngặt, sau đó củng cố các công sự này bằng bê tông. Người Nga cũng đã tìm ra cách để đảm bảo rằng liên lạc giữa các sở chỉ huy và các đơn vị quân đội hiệu quả và an toàn hơn, thông qua việc lắp đặt các dây cáp dã chiến và sử dụng liên lạc vô tuyến an toàn hơn. Tuy nhiên, thông tin liên lạc cấp tiểu đoàn trở xuống vẫn thường không được mã hóa, và vì chỉ được đào tạo hạn chế, nên binh lính Nga thường xuyên truyền đạt thông tin nhạy cảm qua các kênh không an toàn.

THỬ LỬA

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến cho đến mùa hè năm ngoái, quân đội Nga đã được tổ chức theo các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn – về cơ bản, đây là các đội hình pháo binh, xe tăng, và bộ binh được tập hợp lại với nhau, để cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và tác chiến thống nhất. Ở Ukraine, cơ cấu lực lượng này lại là một tai hoạ. Hầu hết các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn đều không có chỉ huy, đặc biệt là các đơn vị bộ binh quan trọng chiến đấu ở địa hình đô thị, nơi diễn ra một số trận đánh quan trọng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Nhìn chung, họ cũng không được chuẩn bị, thiếu nhân sự và trang bị cho một cuộc tấn công trên bộ kéo dài hoặc để chiếm giữ lãnh thổ.

Nhưng vào nửa cuối năm 2022, khi xung đột chuyển thành chiến tranh tiêu hao, thương vong ngày càng tăng đã buộc các nhà lãnh đạo quân sự Nga phải thay đổi cách tiếp cận. Họ sửa đổi chiến thuật bộ binh và củng cố pháo binh của mình thành các lữ đoàn chuyên dụng, củng cố hỏa lực, và sử dụng máy bay không người lái để phối hợp và nhắm mục tiêu tốt hơn trong các cuộc tấn công pháo binh. Những điều chỉnh này đã giúp quân đội Nga khai thác được hai lợi thế chính của mình so với Ukraine: nhân sự và hỏa lực.

Sự thay đổi trong chiến thuật bộ binh được thực hiện một phần nhờ sự xuất hiện của lính nghĩa vụ từ nước Nga, từ nơi gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, và từ các tù nhân của tập đoàn bán quân sự Wagner. Những đội quân này không được huấn luyện và tổ chức tốt; họ chủ yếu cũng chỉ được dùng làm bia đỡ đạn trong các đợt tấn công liên tiếp vào các vị trí của Ukraine. Dù tàn bạo và thiếu tin cậy đến đâu, cách tiếp cận này vẫn giúp Nga bảo vệ các vị trí của mình và chống chọi lại cuộc phản công của Ukraine ngay cả khi họ phải chịu hàng nghìn thương vong. Nó cũng buộc quân phòng thủ Ukraine phải tiết lộ vị trí của mình, đồng thời khiến họ cạn kiệt đạn dược và nhân lực. Và nó cho phép các đơn vị chuyên dụng hơn của Nga, chẳng hạn như lực lượng bộ binh không quân và hải quân, chiến đấu từ các vị trí được phòng thủ tốt, với trang thiết bị và vũ khí được cải tiến. Kết quả là, những đội quân được huấn luyện và trang bị tốt hơn này có thể luân phiên chiến đấu và phục hồi. Họ cũng tránh được những tổn thất lớn trong những tháng gần đây sau khi phải gánh chịu những tổn thất nặng nề trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Bên cạnh nhân lực, theo truyền thống, khả năng tiêu diệt mục tiêu bằng hỏa lực pháo binh hạng nặng, dù là nhắm vào các vị trí phòng thủ hay cản đường các chiến dịch tấn công, là một trong những lợi thế lớn nhất của quân đội Nga. Tuy nhiên, lợi thế về hỏa lực đó đã gần như biến mất trong thời kỳ đầu của chiến tranh, khi lính Nga được triển khai theo các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn. Các cuộc tấn công bằng pháo binh được chỉ đạo kém, các đơn vị phản ứng chậm, và lực lượng quá phân tán và không được chuẩn bị để chống lại đợt tấn công từ nhiều phía. Khi chiến tranh chuyển sang Donbas, tính chất tĩnh của cuộc chiến buộc giới lãnh đạo quân sự Nga phải củng cố pháo binh thành các lữ đoàn. Động thái này giúp cải thiện sự phối hợp và tập trung hỏa lực theo cách phù hợp hơn với học thuyết truyền thống của Nga.

Nhưng quân đội Nga vẫn đốt đạn nhanh hơn khả năng sản xuất của các nhà máy Nga. Sự thiếu hụt này càng trở nên trầm trọng do các cuộc tấn công thành công của Ukraine vào các kho đạn dược của Nga trên khắp Donbas vào nửa cuối năm 2022. Đối mặt với những hạn chế về đạn dược, đồng thời vẫn quay cuồng do mất đi nhiều khẩu pháo và các đơn vị giàu kinh nghiệm, người Nga buộc phải sử dụng đạn dược hiệu quả hơn, cải thiện khả năng cơ động của vũ khí nhằm tránh bị phá hủy, và tìm cách nhắm mục tiêu vào quân đội Ukraine chính xác hơn.

Một điều chỉnh khác là việc thắt chặt liên hệ giữa các hệ thống trinh sát và các đơn vị lính thực hiện các cuộc tấn công, cho phép Nga tấn công các lực lượng, các trung tâm chỉ huy, cũng như các trung tâm thiết bị và đạn dược của Ukraine nhanh hơn và chính xác hơn. Nga cũng đang ngày càng sử dụng nhiều đạn tuần kích Lancet hoặc máy bay không người lái mang theo chất nổ tương đối rẻ tiền để ngăn cản bước tiến của Ukraine, bằng cách phá hủy các thiết bị quân sự đắt tiền, chẳng hạn như hệ thống phòng không. Những cuộc tấn công này đôi khi còn mang lại giá trị tuyên truyền cho Nga; hình ảnh họ phá hủy tài sản có giá trị của Ukraine được ghi lại sẽ có thể được phát trên truyền hình hoặc trên mạng xã hội.

ĐỔI MỚI?

Bất chấp những thay đổi và cải tiến đáng chú ý trong năm qua, vẫn còn nhiều lĩnh vực mà quân đội Nga thể hiện kém cỏi hoặc hoàn toàn thất bại. Lực lượng vũ trang Nga vẫn không thể tích hợp chức năng chỉ huy và kiểm soát theo chiều ngang, cũng như không thể truyền đạt các quyết định của chỉ huy và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị khác nhau theo thời gian thực. Kết quả là, các đơn vị Nga được triển khai ở gần nhau không thể liên lạc hiệu quả với nhau nếu họ thuộc các đội hình khác nhau. Thông thường, họ không thể hỗ trợ lẫn nhau vì họ có chuỗi mệnh lệnh riêng biệt.

Đây không phải là trục trặc kỹ thuật hay rào cản hành chính. Đúng hơn, đây là một vấn đề cơ cấu sâu sắc khó có thể được giải quyết nếu không có một cuộc cải tổ mang tính hệ thống trong quân đội Nga, thậm chí trong hệ thống chính trị của nước này. Văn hóa chỉ huy và kiểm soát của quân đội xoay quanh sự tin tưởng, và quân đội của các chế độ độc tài như của Nga thường có các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát cứng nhắc và rời rạc, vì giới lãnh đạo chính trị không tin tưởng giới lãnh đạo quân sự, còn giới lãnh đạo quân sự không tin tưởng các cấp dưới của mình. Những hệ thống như vậy không thể chia sẻ thông tin một cách thành công, ngăn cản các sáng kiến, và cản trở việc đưa các bài học ở chiến trường vào chiến lược chiến đấu hoặc vào học thuyết quân sự trong tương lai.

Những thiếu sót về cấu trúc này là một phần trong DNA của quân đội Nga. Chúng giúp giải thích tại sao một vài bài học xương máu mà người Nga từng học được trong các cuộc xung đột khác – ví dụ như ở Chechnya, về những khó khăn của chiến tranh đô thị, và ở Syria, về lợi ích của một ban chỉ huy và kiểm soát linh hoạt và nhạy bén – lại tiếp tục được học lại ở Ukraine, sau khi Nga phải trải qua tổn thất khổng lồ về nhân sự và thiết bị. Quân đội Nga đang học hỏi và thích nghi theo cách riêng của mình, nhưng vẫn còn phải xem liệu họ có khả năng tạo ra những thay đổi thực sự hay không.

Khả năng học hỏi của Nga không phải là trở ngại duy nhất của Kyiv. Tốc độ phản công chậm chạp của Ukraine cũng phần nào phản ánh những khó khăn cố hữu khi tiến hành các chiến dịch tác chiến quy mô lớn chống lại một kẻ thù cố thủ, cũng như sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí và trang thiết bị phù hợp cho lực lượng trên bộ. Tuy nhiên, những điều chỉnh mà quân đội Nga thực hiện rõ ràng cũng đang cản trở bước tiến của Ukraine.

Những thách thức và điều chỉnh này không có nghĩa là cuộc phản công của Ukraine đang thất bại, và chắc chắn không có nghĩa là Nga đã sẵn sàng giành chiến thắng. Thay vào đó, nó có nghĩa là các đối tác sẽ cần kiên nhẫn trong lúc Ukraine cố gắng hạ gục kẻ thù. Phương Tây sẽ cần điều chỉnh lại những kỳ vọng của mình để phù hợp với thực tế, rằng đây là một cuộc chiến tiêu hao. Trong thời gian tới, các nước NATO phải tiếp tục chuyển giao vũ khí và các năng lực khác cho Ukraine. Họ cũng cần phải hỗ trợ chính trị và quân sự cho Kyiv về lâu dài. Điều Ukraine cần nhất lúc này là thời gian.

Margarita Konaev là Phó Giám đốc Phân tích tại Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi.

Owen J. Daniels là nghiên cứu viên tại Trung tâm An ninh và Công nghệ Mới nổi.