07/09/1977: Mỹ đồng ý trao trả Kênh đào Panama

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. agrees to transfer Panama Canal to Panama, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1977, tại Washington, Tổng thống Jimmy Carter và lãnh đạo độc tài của Panama Omar Torrijos đã ký hiệp ước đồng ý chuyển quyền kiểm soát Kênh đào Panama từ Mỹ sang cho Panama vào cuối thế kỷ 20. Hiệp ước Kênh đào Panama cũng cho phép ngay lập tức bãi bỏ Vùng Kênh đào (the Canal Zone), một khu vực rộng 16 km, dài 64 km, do Mỹ kiểm soát, vốn chia cắt Cộng hòa Panama. Nhiều thành viên trong Quốc hội Mỹ phản đối việc từ bỏ quyền kiểm soát Kênh đào Panama, một biểu tượng lâu dài của quyền lực và sức mạnh công nghệ của Mỹ, nhưng cách quản lý tuyến đường thủy chiến lược theo kiểu thuộc địa của Mỹ từ lâu đã khiến người dân Panama và những người Mỹ Latinh khác khó chịu.

Làn sóng người định cư đổ xô đến California và Oregon vào giữa thế kỷ 19 là động lực ban đầu khiến Mỹ mong muốn xây dựng một tuyến đường thủy nhân tạo xuyên Trung Mỹ. Năm 1855, Mỹ hoàn thành tuyến đường sắt xuyên qua Eo đất Panama (khi đó là một phần của Colombia), khiến nhiều bên đề xuất kế hoạch xây dựng kênh đào. Cuối cùng, Colombia đã trao quyền xây dựng kênh đào cho Ferdinand de Lesseps, doanh nhân người Pháp đã hoàn thành Kênh đào Suez vào năm 1869. Việc xây dựng kênh đào ngang mực nước biển bắt đầu vào năm 1881, nhưng việc lập kế hoạch thiếu sót, dịch bệnh bùng phát trong nhóm công nhân, và các vấn đề tài chính khác đã đẩy công ty của Lesseps đến chỗ phá sản vào năm 1889. Ba năm sau, Philippe-Jean Bunau-Varilla, cựu kỹ sư trưởng của công trình kênh đào và là một công dân Pháp, đã mua lại tài sản của công ty Lesseps.

Sang đầu thế kỷ 20, việc là chủ sở hữu duy nhất của con kênh đã trở thành ưu tiên quân sự và kinh tế của Mỹ, quốc gia đã có được một đế chế ở nước ngoài vào cuối Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha và đang tìm kiếm khả năng di chuyển tàu chiến và tàu thương mại nhanh chóng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Năm 1902, Quốc hội Mỹ cho phép mua công ty kênh đào của Pháp (đang chờ hiệp ước với Colombia) và phân bổ kinh phí cho việc xây dựng kênh đào. Năm 1903, Hiệp ước Hay-Herran được ký với Colombia, cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ này để đổi lấy một khoản bồi thường tài chính. Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hiệp ước, nhưng Thượng viện Colombia đã phủ quyết vì lo ngại mất chủ quyền.

Để đáp trả, Tổng thống Theodore Roosevelt đã ngầm chấp thuận phong trào đòi độc lập ở Panama, chủ yếu do Philippe-Jean Bunau-Varilla và công ty kênh đào của ông phát động. Ngày 3/11/1903, một nhóm người Panama đã ra tuyên bố độc lập khỏi Colombia. Tuyến đường sắt do Mỹ quản lý đã dừng các chuyến tàu đến ga cuối phía bắc, ở Colón, do đó khiến quân đội Colombia được cử đến để dẹp cuộc nổi dậy bị mắc kẹt. Các lực lượng Colombia khác lại không dám đến Panama trước sự xuất hiện của tàu chiến Nashville của Mỹ.

Ngày 6/11, Mỹ công nhận Cộng hòa Panama và vào ngày 18/11, Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla được ký với người Panama, trao cho Mỹ quyền sở hữu độc quyền và vĩnh viễn đối với Vùng Kênh đào Panama. Đổi lại, Panama nhận được 10 triệu USD và một khoản tiền hàng năm trị giá 250.000 USD bắt đầu 9 năm sau đó. Hiệp ước được đàm phán bởi Ngoại trưởng Mỹ John Hay và Bunau-Varilla, người đã được trao toàn quyền đàm phán thay mặt cho Panama. Gần như ngay lập tức, hiệp ước này đã bị nhiều người Panama lên án là xâm phạm chủ quyền quốc gia mới của đất nước họ.

Năm 1906, các kỹ sư Mỹ quyết định xây dựng một kênh đào và ba năm tiếp theo đã được dành để phát triển cơ sở vật chất xây dựng và xóa bỏ các bệnh nhiệt đới trong khu vực. Năm 1909, việc xây dựng được khởi công. Tại một trong những dự án xây dựng lớn nhất mọi thời đại, các kỹ sư Mỹ đã vận chuyển gần 240 triệu mét khối đất và chi gần 400 triệu USD để xây dựng con kênh dài 64 km (hoặc 82 km nếu tính cả phần sâu dưới đáy biển ở cả hai đầu của con kênh). Ngày 15/08/1914, Kênh đào Panama được khánh thành khi tàu Ancon, một tàu chở hàng và chở khách của Mỹ, đi qua kênh.

Trong bảy thập niên tiếp theo, Mỹ đã thực hiện một loạt nhượng bộ đối với Panama, bao gồm việc tăng đều đặn các khoản thanh toán hàng năm, xây dựng một cây cầu trị giá 20 triệu USD bắc qua kênh đào, trả lương và tạo điều kiện làm việc bình đẳng cho người lao động Panama và Mỹ ở Vùng Kênh đào. Các điều khoản cơ bản của hiệp ước năm 1903, cụ thể là quyền của Mỹ trong việc kiểm soát và vận hành kênh đào, vẫn không thay đổi cho đến cuối những năm 1970. Trong những năm 1960, người dân Panama liên tục nổi loạn ở Vùng Kênh đào vì việc chính quyền Mỹ từ chối treo cờ Panama và các vấn đề dân tộc chủ nghĩa khác. Sau khi quân đội Mỹ dẹp tan một cuộc nổi loạn như vậy vào năm 1964, Panama đã tạm thời cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Sau nhiều năm đàm phán về một hiệp ước mới xoay quanh Kênh đào Panama, hai bên đã đạt được thỏa thuận vào năm 1977. Được ký vào ngày 7/9/1977, hiệp ước này công nhận Panama có chủ quyền lãnh thổ trong Vùng Kênh đào, nhưng trao cho Mỹ quyền tiếp tục vận hành con kênh cho đến ngày 31/12/1999. Bất chấp sự phản đối đáng kể tại Thượng viện Mỹ, hiệp ước đã được thông qua với chênh lệch chỉ một phiếu vào tháng 9/1978. Nó có hiệu lực vào tháng 10/1979, và từ đó, kênh đào nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Kênh đào Panama, một cơ quan gồm 5 người Mỹ và 4 người Panama.

Ngày 7/9/1977, Tổng thống Carter cũng đã ký Hiệp ước Trung lập với Torrijos, đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào và trao cho Mỹ quyền sử dụng lực lượng quân sự nếu cần thiết, để giữ cho kênh đào luôn mở cửa. Hiệp ước này được sử dụng làm cơ sở cho cuộc xâm lược Panama năm 1989 của Mỹ, dẫn đến cuộc lật đổ nhà độc tài Manuel Noriega, người đã đe dọa sẽ sớm giành lại quyền kiểm soát kênh đào sau khi bị truy tố ở Mỹ về tội danh liên quan đến ma túy.

Chế độ dân chủ được khôi phục ở Panama vào những năm 1990, và vào trưa ngày 31/12/1999, Kênh đào Panama đã được chuyển giao một cách hòa bình cho Panama. Để tránh trùng với lễ kỷ niệm cuối thiên niên kỷ, các buổi lễ chính thức đánh dấu sự kiện này đã được tổ chức vào ngày 14/12. Cựu tổng thống Jimmy Carter đại diện cho Mỹ tại buổi lễ. Sau khi trao đổi công hàm ngoại giao với Tổng thống Panama Mireya Moscoso, Carter chỉ nói đơn giản, “Nó là của các vị.”