Thế giới hôm nay: 16/10/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Khi thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu tuyên bố sẽ “tiêu diệt Hamas” trước cuộc tấn công vào Dải Gaza, giới chức Mỹ đã cảnh báo cuộc xung đột có thể lan rộng khắp Trung Đông. Israel yêu cầu người dân ở Gaza sơ tán về phía nam tới Ai Cập. Các quan chức Gaza cho biết hơn 2.400 người đã thiệt mạng, chủ yếu là do các cuộc không kích của Israel, bao gồm cả những người đang tìm cách chạy trốn. Trong khi đó, Ai Cập đã triển khai quân đội đến gần biên giới, và tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm đẩy người tị nạn vào nước này sẽ vi phạm an ninh của Ai Cập và luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Iran nói “bàn tay của tất cả các bên trong khu vực sẽ sẵn sàng” nếu Israel tiếp tục gây hấn.

Hizbullah, một nhóm chiến binh người Lebanon, đã bắn tên lửa qua biên giới phía bắc của Israel, khiến một người thiệt mạng và ba người khác bị thương. Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Israel cho biết họ sẵn sàng chiến đấu trên mặt trận thứ hai nếu cần thiết. Trong khi đó, giới chức Syria nói Israel đã ném bom các sân bay chính ở Damascus và Aleppo. Cả Hizbullah và chế độ Syria đều được Iran hậu thuẫn.

Thăm dò hậu bầu cử cho thấy đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền của Ba Lan đã thất cử. Dù giành được nhiều phiếu nhất, 36,8%, đảng dân túy cánh hữu này vẫn không đủ phiếu để thành lập chính phủ. Donald Tusk, lãnh đạo phe đối lập, đã tuyên bố Liên minh Dân sự của ông có khả năng thành lập liên minh với các đảng nhỏ hơn. Điều này đồng nghĩa sẽ có những thay đổi lớn ở Ba Lan, quốc gia nơi PiS đã nắm quyền kể từ năm 2015.

Người Úc đã bỏ phiếu áp đảo chống lại ý tưởng sửa đổi hiến pháp để thành lập “Tiếng nói trước Quốc hội,” một nhóm cố vấn bản địa mà chính phủ sẽ tham khảo ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng của họ. 60% cử tri — và toàn bộ sáu bang của đất nước — phản đối. Thủ tướng Anthony Albanese than thở: “Khi đặt mục tiêu cao, đôi khi bạn sẽ thất bại.”

IMF cho biết các thành viên đã nhất trí sẽ “tăng đáng kể” khoản đóng góp của họ cho quỹ này ngay trong năm nay. IMF cũng sẽ trao cho một đại diện từ châu Phi cận Sahara chiếc ghế thứ ba trong ban điều hành. IMF đang tổ chức cuộc họp kéo dài một tuần ở Morocco, cuộc họp đầu tiên ở châu Phi kể từ năm 1973.

Christopher Luxon, lãnh đạo Đảng Quốc gia New Zealand, sẽ thành lập chính phủ sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc gia, chấm dứt sáu năm nắm quyền của đảng Tự do. Thủ tướng đương nhiệm Chris Hipkins đã nhận thua. Ông Hipkins trở thành thủ tướng vào tháng 1 sau khi người tiền nhiệm Jacinda Ardern bất ngờ từ chức.

TIÊU ĐIỂM

Khả năng hình thành mặt trận thứ hai ở Israel

Đến tối Chủ nhật, cuộc xâm lược trên bộ được dự đoán trước của Israel vào Gaza vẫn chưa bắt đầu, bất chấp những tuyên bố ngày càng hiếu chiến của chính phủ nước này. Dân thường ở phía bắc Gaza tiếp tục đổ về phía nam sau khi lực lượng vũ trang Israel yêu cầu họ sơ tán vào thứ Sáu. Nhưng một số, bất chấp sự bắn phá nặng nề, đã bắt đầu quay trở lại. Ai Cập đã tăng cường biên giới, đóng cửa lối thoát duy nhất. Tình hình bên trong lãnh thổ lúc này là vô cùng tuyệt vọng. Nguồn cung thực phẩm, thuốc men và nước đang cạn kiệt, mặc dù Israel cho biết đã hạ nhiệt cuộc bao vây phần nào bằng cách khôi phục nguồn cung nước cho miền nam Gaza.

Trong khi đó, biên giới phía bắc của Israel đang trở nên căng thẳng. Lực lượng vũ trang Israel cho biết đã bị tấn công 5 lần bởi tên lửa chống tăng bắn từ Lebanon vào Chủ nhật; với các thành viên Hamas ở Lebanon thừa nhận đã bắn ít nhất 20 quả rocket. Hizbullah, nhóm chiến binh người Shia ở Lebanon, tuyên bố không muốn chiến tranh tổng lực nhưng sẽ để các nhóm Palestine tấn công Israel – làm tăng nguy cơ xung đột lan sang mặt trận thứ hai.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn nối lại quan hệ với Hy Lạp

Cuộc chiến ở Gaza có thể đã khiến những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc xây dựng quan hệ với Israel gặp nguy hiểm, nhưng một mối quan hệ rắc rối khác của nước này dường như đang được cải thiện. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ gặp nhau vào thứ Hai để nối lại đàm phán giảm căng thẳng ở đông Địa Trung Hải. Kể từ năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các tàu thăm dò khí đốt đến vùng biển Hy Lạp và Síp, khiến Hy Lạp phản ứng dữ dội, trong khi EU và Mỹ gửi cảnh báo.

Hiện tại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn hòa bình với người hàng xóm của mình vì biết rằng đà phục hồi kinh tế của nước ông phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu. Ông đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán vào tháng 7 khi gặp thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius. Vào tháng 9, ngoại trưởng hai nước đã gặp nhau ở Ankara. Khi vấn đề người di cư ở Địa Trung Hải vẫn còn nóng, vấn đề Síp ngày càng nhức nhối và một cuộc khủng hoảng mới trên biển, các nhà ngoại giao sẽ có nhiều điều để thảo luận.

Các nước Balkan và nỗ lực gia nhập EU

Năm 2013 Croatia gia nhập Liên minh châu Âu. Vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo của sáu nước láng giềng phía tây Balkan – Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia – sẽ gặp nhau để thảo luận về nỗ lực của họ nhằm tái hiện thành tích này. Cuộc gặp tại Tirana, thủ đô của Albania, là một phần trong Tiến trình Berlin, được thiết kế nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực cũng như những cải cách mà mỗi quốc gia phải thực hiện để gia nhập EU.

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, đã nói ông muốn EU và các nước sẵn sàng cho gia nhập vào năm 2030. Nhưng trong nội tình các nước này vẫn nhiều hoài nghi, nhất là khi họ đã nỗ lực hướng tới gia nhập từ năm 2003 — với rất ít tiến triển trong những năm gần đây. Trước chiến tranh Ukraine, phần lớn EU kiên quyết chống lại việc mở rộng; Do đó, các nước Balkan đã chần chừ trong việc đáp ứng các yêu cầu. Kosovo, không được 5 thành viên EU công nhận là một quốc gia, thậm chí không thể trở thành ứng viên. Các lãnh đạo của họ cần có ý chí chính trị nghiêm túc để tiếp tục đi theo con đường lâu dài và nhiều khó khăn của họ.

Scandal tham nhũng ở Mozambique theo chân Credit Suisse

Mười năm trước, ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã thu xếp một khoản vay cho một công ty nhà nước ở Mozambique, bề ngoài là để tài trợ cho việc mua thiết bị an ninh hàng hải. Đây là giao dịch đầu tiên trong một loạt giao dịch nợ liên quan đến nhiều bên cho vay khác nhau dành cho ba công ty nhà nước; với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD. Khoản nợ gây ra khủng hoảng kinh tế và khiến nước này vỡ nợ. Hôm thứ Hai, câu chuyện đã tìm đến Tòa án Tối cao ở London, nơi chính phủ Mozambique đang kiện Privinvest, một tập đoàn Lebanon cung cấp thiết bị an ninh và ông chủ của nó, Iskandar Safa. Họ đang đòi bồi thường hơn 2 tỷ USD.

Mozambique cáo buộc công ty này hối lộ 136 triệu USD. Privinvest và ông Safa phủ nhận các cáo buộc, nói rằng các khoản thanh toán là hợp pháp. Vào ngày 1 tháng 10, chính phủ đã đạt được thỏa thuận ngoài tòa án với Credit Suisse, và ngân hàng này dường như đã đồng ý miễn hoàn trả khoản vay đầu tiên. Tập đoàn UBS, bên đã mua lại Credit Suisse hồi tháng 6, sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thoát khỏi mớ hỗn độn này.