Tổng thống De Gaule dập tắt âm mưu đảo chính năm 1961 như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trong suy nghĩ của mọi người, để dập tắt một cuộc đảo chính quân sự, hầu như bao giờ cũng phải sử dụng vũ lực, và do đó khó tránh khỏi đổ máu, tàn phá. Nhưng để dập tắt cuộc đảo chính năm 1961 của các tướng lĩnh cấp cao chỉ huy quân đội Pháp đóng tại Algeria, Tổng thống Pháp De Gaule (Đờ-Gôn) đã sử dụng một thứ “vũ khí” duy nhất là … những chiếc đài thu thanh bán dẫn!

Charles De Gaule (1890-1970) là một nhân vật có uy tín lớn tại nước Pháp. Đó là do trong Thế chiến II, khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức và nước Pháp bị Đức chiếm đóng, ông đã sang Anh quốc phát động Phong trào nước Pháp tự do, rồi lập và lãnh đạo chính phủ Pháp kháng chiến chống phát xít Đức lưu vong tại Anh và Bắc Phi, góp phần quan trọng giải phóng nước Pháp. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông làm Tổng thống nước cộng hòa Pháp. Song chủ trương xây dựng một chính quyền cứng rắn của ông bị các đảng Cộng sản và Xã hội phản đối kịch liệt, do đó tháng 1 năm 1946 ông buộc phải từ chức. Trong cuộc bầu cử năm 1958, De Gaule thắng cử, lại ra làm Tổng thống cho đến năm 1969.

Hồi đó, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Algeria đang dâng lên mạnh mẽ. Từ kinh nghiệm thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 1946-1954, tướng De Gaule hiểu rằng Pháp tiếp tục chiến tranh xâm chiếm Algeria là một sai lầm, máu hai bên đã đổ nhiều mà kết cục sẽ lại như Việt Nam, nghĩa là Pháp phải rút quân về nước. Do đó ông đưa ra một quyết định làm tất cả người Pháp hồi đó không thể hiểu được, nhưng lại được toàn thế giới hoan nghênh: chấm dứt chiến tranh tại Algeria, trả lại tự do độc lập cho nhân dân Algeria. Nhằm mục đích đó, ông cử một đặc sứ sang Algeria bí mật đàm phán với Mặt trận Giải phóng Algeria do ông Ben Bella lãnh đạo, hai bên đạt được một số thỏa thuận quan trọng: ngừng bắn, rút hết quân đội Pháp và trao trả độc lập cho Algeria. Chủ trương của Tổng thống De Gaule bị một lực lượng mạnh trong quân đội Pháp kịch liệt chống lại. Các tướng lĩnh quân đội Pháp chiếm đóng Algeria công khai phản đối việc rút quân, vì cho rằng như thế là thừa nhận Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh này, là bôi nhọ thanh danh, xóa hết “công trạng” của nước Pháp “khai hóa” Algeria trong hơn 50 năm qua. Họ chửi De Gaule là kẻ “bán nước, hèn kém, đồi bại nhất nước Pháp”.

Tổng thống De Gaule kiên quyết thi hành đường lối của mình, đảy mạnh chuẩn bị công khai đàm phán với Mặt trận Giải phóng Algeria. Thấy thế, các tướng chỉ huy quân đội Pháp tại Algeria la ó ầm ỹ: “Tổng thống điên rồi! Làm như thế là đầu hàng, là phản bội nước Pháp. Không thể để binh sĩ Pháp đổ máu một cách vô ích!” Cuối cùng họ quyết định áp dụng chính sách “Tướng ở ngoài trận có quyền bất tuân thượng lệnh”, bí mật tổ chức đảo chính quân sự hạ bệ Tổng thống De Gaule, nếu thất bại thì họ sẽ biến Algeria rộng 2,4 triệu km2 thành một quốc gia độc lập với Pháp. Dù sao thì họ cũng đang nắm trong tay một lực lượng quân đội mạnh, lại ở xa chính quốc, nếu đội quân này theo họ thì Tổng thống De Gaule không thể làm gì được họ.

Việc các tướng lĩnh Pháp tại Algeria đang gấp rút chuẩn bị đảo chính quân sự có thể dẫn tới một cuộc nội chiến nguy hiểm. Biết tin đó, Tổng thống De Gaule bình tĩnh nghĩ cách đối phó. Ông cho mời Bộ trưởng Quốc phòng đến và nói: “Hiện nay binh sĩ Pháp đóng tại Algeria đang phải sống trong điều kiện rất gian khổ, tôi muốn gửi một ít quà thăm hỏi và cải thiện đời sống tinh thần của họ.”

Bộ trưởng Quốc phòng đáp: “Tôi xin làm theo yêu cầu của Ngài, chuẩn bị gửi sang bên ấy một số thực phẩm và quần áo chăn đệm.”

Tổng thống De Gaule xua tay nói: “Ồ không, chẳng cần gửi những thứ ấy làm gì. Ta sẽ gửi cho họ một ít đài thu thanh bán dẫn để họ thường xuyên được nghe tin tức tổ quốc. Đây là thứ quà giá trị nhất.”

Tuân lệnh Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhanh chóng gửi mấy nghìn chiếc máy thu thanh bán dẫn cho các binh sĩ Pháp đóng tại Algeria, mỗi tiểu đội được ít nhất một chiếc. Hồi đó máy thu thanh bán dẫn là mặt hàng quý hiếm, cho nên các binh sĩ Pháp nhận được món quà này đều rất phấn khởi; họ thường xuyên mở máy nghe đài phát thanh Paris để biết tin tức tổ quốc và bớt nỗi nhớ nhà.

Một tối nọ, họ nghe thấy đài phát thanh Paris đưa tin chính phủ Pháp chính thức tuyên bố đồng ý đàm phán công khai với Mặt trận Giải phóng Algeria nhằm chấm dứt chiến tranh, rút quân đội Pháp ra khỏi Algeria! Đây là một tin tức vô cùng quan trọng có liên quan tới số phận của các binh sĩ Pháp đóng tại Algeria; vì thế họ lập tức loan tin này, một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế tất cả binh lính sĩ quan Pháp đều biết tin.

Tiếp đó đài phát thanh phát đi bài nói chuyện của Tổng thống De Gaule với các binh sĩ Pháp tại Algeria:

Hỡi các chiến sĩ yêu quý! Tôi là De Gaule, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp. Hiện giờ các bạn đang đứng trước sự lựa chọn nên trung thành với ai ; các bạn phải lập tức quyết định ngay không một phút chậm trễ! … Tôi thay mặt cho nước Cộng hòa Pháp. Các bạn hãy đi theo tôi, phục tùng mệnh lệnh của tôi … Tổ quốc của các bạn, những người thân của các bạn và Tổng thống của các bạn đang mong nhớ các bạn. Hỡi các bạn! Mọi người hãy đi theo tôi, trở về trong lòng đất mẹ, trở về với cha mẹ vợ con của các bạn!

Lời hiệu triệu của Tổng thống De Gaule tràn đầy sức thuyết phục, sức cảm hóa và lôi kéo các binh sĩ. Tất cả họ còn nhớ : mùa hè năm 1940, chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, khi ấy chính tướng De Gaule từng đọc lời hiệu triệu quốc dân nổi tiếng “Hãy đi theo tôi!” trên đài phát thanh; rất nhiều người Pháp đã đi theo ông, thành lập các đơn vị Cứu quốc quân đứng lên chiến đấu đánh trả phát xít Đức, bảo vệ nước Pháp thiêng liêng của họ. Giờ đây họ lại được nghe tiếng nói thân thiết ấy “Hãy đi theo tôi” của vị thống soái-anh hùng nước Pháp. Tình cảm yêu tổ quốc, yêu dân tộc trào dâng trong tâm can họ. Các binh lính và sĩ quan cấp thấp Pháp đóng tại Algeria đều chán ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa kéo dài và vô vọng trên đất nước xa xôi này; lâu nay họ chỉ mong sớm được trở về nhà sum họp với người thân của mình. Và thế là tất cả đều hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống De Gaule, quẳng súng lại, ra khỏi nơi đồn trú, lũ lượt kéo nhau tới các bến cảng lên tàu về nước.

Các tướng lĩnh cao cấp chỉ huy quân đội Pháp tại Algeria trở tay không kịp trước sự đồng lòng phản chiến của binh sĩ. Cả một đội quân hàng chục ngàn lính với các vũ khí tối tân đã nhanh chóng tan rã chỉ vì những chiếc máy thu thanh bán dẫn nhỏ bé. Tổng thống De Gaule đập tan âm mưu đảo chính quân sự của các tướng lĩnh phản động mà không cần nổ một tiếng súng, đổ một giọt máu!

Nếu không có những chiếc máy thu thanh ấy, binh sĩ Pháp đồn trú tại Algeria xa nước Pháp cả chục ngàn dặm sẽ không thể nào biết được hoàn cảnh lâm nguy của tổ quốc và mệnh lệnh của thống soái tối cao; họ sẽ mù quáng tuân theo các sĩ quan Bộ chỉ huy chiếm đóng Algeria để làm đảo chính chống lại tổ quốc.

Ngày 3 tháng 7 năm 1962, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Algeria chính thức tuyên bố độc lập. Sau đó, khoảng 1 triệu người Pháp gồm quân đội và dân thường rút khỏi Algeria về nước. Cuộc chiến tranh phi nghĩa xâm lược Algeria chấm dứt trong hòa bình, từ nay người Pháp và người Algeria không còn đổ máu vô ích vì quyền lợi ích kỷ của một thiểu số thực dân Pháp./.