21/11/1783: Bay qua Paris bằng khinh khí cầu

Nguồn: Men fly over Paris in hot air balloon, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1783, Bác sĩ người Pháp Jean-François Pilatre de Rozier, và François Laurent, Hầu tước d’Arlandes, đã thực hiện chuyến bay khinh khí cầu (hot-air balloon) không dây buộc đầu tiên, bay gần 9 km qua Paris trong khoảng 25 phút. Quả khí cầu bằng vải của họ đã được chế tạo bởi hai anh em thợ làm giấy người Pháp, Jacques-Étienne và Joseph-Michel Montgolfier, những người phát minh ra khinh khí cầu thành công đầu tiên trên thế giới.

Từ xa xưa, nhân loại đã mơ ước được bay. Thần thoại Hy Lạp từng kể về Daedalus, người đã tạo ra những đôi cánh bằng sáp, còn Leonardo da Vinci thì vẽ ra những thiết kế về máy bay và hình dung ra khái niệm máy bay trực thăng ngay từ thế kỷ 15. Tuy nhiên, phải đến những năm 1780, chuyến bay của con người mới trở thành hiện thực.

Thiết bị bay thành công đầu tiên có lẽ không phải là khí cầu Montgolfier, mà là “ornithopter”—một loại máy bay giống tàu lượn với đôi cánh vỗ. Theo một ghi chép không rõ ràng, kiến trúc sư người Đức Karl Friedrich Meerwein đã thành công trong việc bay lên khỏi mặt đất bằng một chiếc ornithopter vào năm 1781. Cho dù ghi chép này có chính xác hay không, thì máy bay của Meerwein chưa bao giờ trở thành một phương tiện bay khả thi, và anh em nhà Montgolfier mới là những người đầu tiên đưa con người lên bầu trời.

Joseph và Étienne Montgolfier điều hành một cơ sở kinh doanh giấy thịnh vượng ở thị trấn Vidalon, miền nam nước Pháp. Thành công trong lĩnh vực kinh doanh đã cho phép họ tài trợ cho những quan tâm đối với thí nghiệm khoa học. Năm 1782, họ phát hiện ra rằng những vật liệu dễ cháy khi đốt dưới túi giấy hoặc vải nhẹ sẽ khiến chiếc túi bay lên không trung. Từ hiện tượng này, họ suy luận rằng khói sẽ khiến bóng bay bay lên. Trên thực tế, chính không khí nóng đã khiến khí cầu bay lên, nhưng sai sót của anh em Montgolfier đã không ảnh hưởng đến thành tích sau đó của họ.

Ngày 04/06/1783, hai anh em đã trình diễn khám phá của họ công khai lần đầu tiên ở Annonay. Một khinh khí cầu không người lái, có khí nóng tạo ra bằng cách đốt rơm và len, đã bay lên cao hơn 90 m trong không trung trước khi rơi xuống đất cách đó khoảng 3 km. Trong cuộc đua thử nghiệm khinh khí cầu, người đi trước nhà Montgolfier là Bartolomeu Lourenço de Gusmão, một linh mục người Brazil, người đã thả một quả khí cầu nhỏ trong cung điện của nhà vua Bồ Đào Nha vào năm 1709. Anh em Montgolfier không biết về công việc của Lourenço, nhưng họ đã nhanh chóng vượt qua nó.

Ngày 19/09, nhà Montgolfier đã gửi một con cừu, một con gà trống, và một con vịt lên trên một trong những quả khí cầu của họ để thử nghiệm cho chuyến bay có người lái đầu tiên. Khí cầu được sơn màu xanh lam và được trang trí bằng hoa huệ vàng, bay lên từ sân của cung điện Versailles trước sự chứng kiến của Vua Louis XVI. Những con vật trong khí cầu đã bay lơ lửng trong tám phút trước khi hạ cánh an toàn cách đó 3 km. Sang ngày 15/10, Jean-François Pilátre de Rozier đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm có dây buộc bằng khí cầu Montgolfier, bay lên không trung một thời gian ngắn trước khi quay trở lại mặt đất.

Chuyến bay khí cầu không dây đầu tiên diễn ra trước một đám đông đông đảo đang chờ đợi ở Paris vào ngày 21/11. Pilátre và d’Arlandes, một quý tộc, đã bay từ khuôn viên Lâu đài La Muette ở Bois de Boulogne và bay khoảng 8 km. Nhân loại cuối cùng đã chinh phục được bầu trời.

Anh em nhà Montgolfier đã được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp vinh danh vì thành tựu của mình. Sau đó, hai người bắt đầu xuất bản sách về hàng không học (aeronautics) và theo đuổi nhiều công trình quan trọng trong các lĩnh vực khoa học khác.