22/06/1783: Phiên tòa xét xử tàu buôn nô lệ Zong

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Zong slave ship trial, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1783, trong phiên xét xử vụ Zong, một tàu buôn nô lệ, Chánh án Tòa Bench (tòa dân sự) ở London tuyên bố rằng vụ thảm sát nô lệ người châu Phi trên tàu chỉ “như thể ngựa bị ném đi.” Thủy thủ đoàn Zong đã ném ít nhất 142 nô lệ châu Phi xuống biển, nhưng câu hỏi đặt ra trước tòa không phải là ai đã thực hiện hành vi tàn bạo này, mà là liệu “món hàng” bị mất có được bảo hiểm hay không. Phiên tòa đã cho thấy sự kinh hoàng và vô nhân đạo của việc buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương, đồng thời dẫn tới một phong trào mới nhằm xóa bỏ nó.

Tàu Zong rời Accra vào tháng 08/1781, mang theo 442 người châu Phi bị bắt làm nô lệ, đưa họ đến các đồn điền thuộc địa ở Jamaica. Như thường thấy trên các tàu buôn nô lệ, Zong đã ở trong tình trạng quá tải, chở gấp đôi lượng người mà một con tàu cỡ lớn có thể vận chuyển một cách an toàn.

Khi hành trình bị kéo dài do lỗi trong khâu điều hướng và nguồn nước trên tàu dần cạn kiệt, thủy thủ đoàn đã bỏ phiếu để loại bỏ một số “hàng hóa con người” nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn số còn lại, một khoản lỗ mà công ty vận chuyển có thể được bồi thường theo quy định của pháp luật Anh. Trong vài ngày, thủy thủ đoàn đã ném ít nhất 122 người châu Phi khỏi boong tàu. Zong đến Black River, Jamaica với chỉ 208 nô lệ trên tàu.

Phiên xử bắt đầu vào tháng 03/1783, và tòa tuyên rằng công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vì “nô lệ cũng giống như bất kỳ hàng hóa nào khác.” Hai tháng sau, thẩm phán đã đảo ngược phán quyết do có bằng chứng mới, nhưng tuyên bố của ông rằng nô lệ chỉ tương đương với ngựa vẫn là quan điểm của tòa án tối cao Anh.

Người từng là nô lệ và sau này theo chủ trương bãi nô, Olaudah Equiano, đã kể cho một người theo chủ nghĩa bãi nô khác – Granville Sharp – về vụ Zong, khiến Sharp bắt đầu đặt vấn đề liệu thủy thủ đoàn có thể bị xét xử vì tội giết người hay không. Dù những người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát đã không phải ra trước bất kỳ phiên toà nào, nhưng nỗ lực công khai câu chuyện của Sharp và Equiano đã tạo động lực cho phong trào bãi nô.

Vài tháng sau phiên tòa Zong, Hiệp hội Những người bạn (Society of Friends) bắt đầu vận động chống lại chế độ nô lệ, và Hiệp hội Bãi bỏ Buôn bán Nô lệ (Society for the Abolition of the Slave Trade) được thành lập sau đó bốn năm. Phần lớn là nhờ những nỗ lực của tổ chức này, trong đó nổi bật là câu chuyện về Zong, Nghị viện Anh sau đó đã cấm buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương vào năm 1807 và bãi bỏ chế độ nô lệ trên khắp Đế quốc Anh vào năm 1833.