Thế giới hôm nay: 18/12/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một số đồng minh của Israel lên tiếng kêu gọi hòa bình ở Gaza. Ngoại trưởng Anh và Đức đã cùng nhau kêu gọi “lệnh ngừng bắn bền vững,” đồng thời cho rằng Israel đã giết hại “quá nhiều dân thường.” Người đồng cấp Pháp của họ còn đi xa hơn khi kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn “ngay lập tức và lâu dài.” Trong khi đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã lên đường công du Trung Đông, trong đó ông dự kiến sẽ thúc ép Israel thu hẹp quy mô hoạt động quân sự của nước này. Israel hiện đã cho phép viện trợ vào Gaza qua cửa khẩu biên giới Kerem Shalom, lần đầu tiên kể từ cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ” các sự kiện ở Biển Đỏ. Cuối tuần qua, các tàu khu trục của Mỹ và Anh đã bắn hạ hơn chục máy bay không người lái trên biển của Houthi, một nhóm phiến quân Yemen được Iran hậu thuẫn, nhắm vào các tàu hướng tới Israel. Một số công ty vận tải biển đã thông báo tạm dừng các chuyến đi qua Biển Đỏ, vốn là tuyến đường biển huyết mạch quan trọng cho thương mại toàn cầu.

Người dân Chile đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên thay đổi hiến pháp có từ năm 1980, thời chế độ độc tài của Tướng Augusto Pinochet, hay không. Đây là cuộc bỏ phiếu thứ hai chỉ trong vòng hai năm. Dự thảo hiến pháp mới trước đó, được giới thiệu bởi một cơ quan dân cử gồm đa phần đại biểu cánh tả, đã bị bác bỏ. Đề xuất hiện tại thận trọng hơn và bao gồm các điều khoản tăng cường quyền tư hữu.

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo về “các vấn đề” với Phần Lan, cáo buộc phương Tây đã “kéo” nước láng giềng Bắc Âu của Nga vào NATO. Ông đưa ra tuyên bố trên sau khi Phần Lan đóng cửa biên giới với Nga, nói rằng Điện Kremlin đã dàn dựng một cuộc khủng hoảng di cư ở đó. Ông Putin cho biết sẽ điều động “các đơn vị quân đội” tới biên giới Nga-Phần Lan. Bị thúc đẩy bởi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4 sau nhiều thập kỷ duy trì chính sách không liên kết.

Lindsey Graham, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, cho biết các bên vẫn “chưa tiến gần tới” việc giải quyết gói viện trợ cho Ukraine. Để đổi lấy tài trợ, các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội muốn có nhượng bộ từ phía Dân chủ về chính sách biên giới và tị nạn. Ông Graham cho biết ông kỳ vọng đàm phán sẽ diễn ra tích cực hơn trong năm mới.

Các chức sắc nước ngoài đã đến Kuwait để dự lễ tang vua Sheikh Nawaf al-Sabah, người qua đời hôm thứ Bảy ở tuổi 86. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đại diện cho tổng thống Joe Biden. Quốc vương Jordan Abdullah, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, và Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Palestine, cũng có mặt. Vua al-Sabah đã cai trị quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé nhưng quan trọng này kể từ khi người anh cùng cha khác mẹ của ông qua đời vào năm 2020.

Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Anh, một linh mục Anh giáo đã chính thức ban phước cho một cuộc hôn nhân đồng giới. Lễ chúc phúc — không phải đám cưới — diễn ra tại một nhà thờ ở Felixstowe. Cặp đôi này đều là linh mục phụ tá tại nhà thờ. Họ có vẻ đã tận dụng thành công các quy định mới được thông qua tại Thượng Hội đồng chung của Giáo hội Anh hồi tháng 2. Lệnh cấm tổ chức đám cưới đồng giới tại nhà thờ vẫn được áp dụng.

TIÊU ĐIỂM

Nhìn lại chiến trường Ukraine trong năm 2023

Năm 2022, các vùng lãnh thổ trên chiến trường liên tục qua tay Nga và Ukraine. Nhưng trong năm nay, chuyển động trên mặt trận đã phần lớn chậm lại. Hồi đầu năm, Nga tiến hành một cuộc tấn công vào thị trấn Bakhmut ở miền đông Ukraine và thành công sau nhiều tháng đẫm máu. Chiến dịch đó được dẫn đầu bởi Wagner, một đơn vị lính đánh thuê của Nga. Đến tháng 6, lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin đã phát động một cuộc nổi dậy gây chấn động chống lại các chỉ huy quân sự Nga, làm lung lay quyền lực của tổng thống Vladimir Putin. Nhưng sau đó ông Prigozhin đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay đầy bí ẩn gần Moscow.

Trong khi đó, Ukraine chuyển sang tiến công và mở chiến dịch phản công vào mùa hè. Song cho đến nay chiến dịch không mang lợi nhiều thắng lợi. Điều này khiến tướng Valery Zaluzhny, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine, nói với The Economist rằng cuộc xung đột đã đi vào bế tắc. Bình luận của ông đã khiến cho cả Kiev và phương Tây kinh ngạc. Sau gần hai năm chiến sự, rõ ràng Ukraine và những nước ủng hộ họ phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Một cuộc chiến mới: Chiến sự ở Gaza

Quan hệ của Israel với thế giới Ả Rập đáng lẽ sẽ bình thường hóa trong năm 2023. Thậm chí còn có tin đồn về một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa nhà nước Do Thái và Ả Rập Saudi. Nhưng vào ngày 7 tháng 10, Hamas, nhóm dân quân Palestine điều hành Dải Gaza, đã phát động một cuộc tấn công vào Israel khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt cóc hàng trăm người khác. Các cuộc không kích đáp trả của Israel và cuộc xâm lược Gaza đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.

Israel đặt mục tiêu truy tìm các thủ lĩnh của Hamas và phá hủy các trung tâm chỉ huy của tổ chức này, phần lớn nằm trong mạng lưới hầm ngầm bao la. Vấn đề là thường dân đang bị kẹt giữa hai làn đạn. Quốc tế đang ngày càng bất bình khi không kích đổ xuống các trại tị nạn và quân đội Israel tiến vào bệnh viện al-Shifa, bệnh viện lớn nhất ở Gaza. Những cảnh báo về xung đột quy mô lớn có thể lan rộng khắp Trung Đông cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Lệnh ngừng bắn tạm thời đã giúp một số con tin được thả, nhưng nhiều người vẫn bị giam giữ và cuộc chiến ở Gaza còn lâu mới kết thúc.

Azerbaijan đưa quân vào Nagorno-Karabakh

Nagorno-Karabakh, một vùng sắc tộc Armenia nằm bên trong biên giới của Azerbaijan, thường xuyên xảy ra xung đột trong nhiều thập niên qua. Năm nay cuộc giao tranh diễn ra ngắn ngủi nhưng mang tính quyết định. Vào tháng 9, Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công ngắn buộc chính phủ ly khai phải đầu hàng và giải tán. Phần lớn dân số, khoảng 120.000 người trước cuộc giao tranh, đã phải rời bỏ nhà cửa và di cư đến Armenia, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Đầu tháng 12, Armenia và Azerbaijan cho biết sẽ nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, hậu quả của cuộc xung đột vẫn còn đó. Armenia cảm thấy bị phản bội bởi Nga, đồng minh lịch sử của họ, bên đang đứng ngoài cuộc dù từng tuyên bố sẽ đảm bảo hòa bình cho khu vực. Sự thụ động của Nga phần nào phản ánh thái độ khinh thường của nước này đối với Nikol Pashinyan, thủ tướng Armenia, người đã lật đổ chế độ tham nhũng thân Điện Kremlin vào năm 2018. Nhưng kết quả của cuộc chiến cũng cho thấy ảnh hưởng đang suy yếu của Nga trong khu vực cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc khác, nổi bật là Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ Azerbaijan.

Nội chiến ở Sudan

Vào năm 2021, quân đội quốc gia Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), một nhóm bán quân sự, đã cùng nhau tiến hành đảo chính nhằm ngăn chặn một chính phủ dân sự. Nhưng chỉ chưa đầy hai năm sau, họ dắt tay nhau vào một cuộc tranh giành quyền lực hồi tháng 4 và dẫn đến nội chiến ở quốc gia lớn thứ ba châu Phi.

Trong bảy tháng đầu, xung đột đã cướp đi ít nhất 10.000 sinh mạng và khiến khoảng 6,3 triệu người phải di dời. Một phần thủ đô Khartoum bị san phẳng. RSF hiện kiểm soát hầu hết Darfur, một khu vực phía tây rộng lớn, nơi có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy lực lượng dân quân đã gây ra các vụ diệt chủng chống lại người Masalits, một nhóm sắc tộc da đen châu Phi.

Đàm phán giữa quân đội và RSF, do Mỹ và Ả Rập Saudi làm trung gian, đã diễn ra tại Jeddah. Nhưng RSF khó có thể lùi bước trước cuộc chiến mà họ đang giành thế thắng. Nhiều người lo ngại thế giới đang để cho nhà nước Sudan sụp đổ mà không hề chú ý.