Thế giới hôm nay: 26/12/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu vừa đưa ra một thông điệp rõ ràng tới những người đang mong ông xem xét ngừng bắn. Sau chuyến thăm ngắn hạn tới Gaza, ông nói với các nghị sĩ trong đảng Likud của ông là cuộc giao tranh ở Gaza vẫn “chưa đi đến hồi kết.” Ông nói trước quốc hội Israel rằng “áp lực quân sự” là rất quan trọng để giải thoát hơn 100 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ. Trước đó, chính quyền Palestine cho biết ít nhất 100 người đã thiệt mạng do không kích của Israel trong đêm, trong đó hơn 70 người đang trú tại một trại tị nạn ở trung tâm Gaza. Israel cho biết họ đang xem xét tuyên bố này.

Theo một phát ngôn viên, vị trí hiện nay của Alexei Navalny, điều từng là một bí ẩn đáng lo ngại đối với nhiều người ủng hộ ông, đã được xác nhận. Các luật sư của nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu nước Nga, người đang thụ án 30 năm tù do nhiều tội danh khác nhau, đã cố gắng xác định vị trí của ông kể từ khi được biết vào ngày 11 tháng 12 rằng ông không còn ở trại giam ở phía đông Moscow. Hiện ông Navalny đang ở một cơ sở ở Bắc Cực, cách thủ đô 1.900km về phía đông bắc.

Sinh viên ở Belgrade, thủ đô của Serbia, đã chặn các con đường lớn để phản đối kết quả của cuộc bầu cử quốc hội hồi cuối tuần trước mà họ cho là gian lận. Đảng Cấp tiến Serbia của tổng thống Aleksandar Vucic đã tuyên bố chiến thắng. Hôm Chủ nhật, những người biểu tình đã cố gắng xông vào tòa thị chính và bị cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay. Việc phong tỏa đường làm dấy lên lo ngại đụng độ sẽ tiếp diễn.

Lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 26 phiến quân người Kurd trong các cuộc không kích ở miền bắc Iraq và Syria. Trước đó đã có 30 chiến binh thiệt mạng vào Chủ nhật. Đòn tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là lời đáp trả cho cái chết của 12 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq hôm thứ Sáu và thứ Bảy dưới tay Đảng Công nhân người Kurd PKK. Giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK, bên muốn đòi quyền tự trị rộng rãi cho 30 triệu người Kurd trong khu vực, gần đây đã lan từ đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và vùng núi phía bắc Iraq sang Syria.

Các tín hữu Chính thống giáo của Ukraine đã chính thức tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 lần đầu tiên sau một thế kỷ. Đây là kết quả từ quyết định của chính phủ Ukraine chuyển từ lịch Julian sang lịch Gregorian, vốn tính ngày 7 tháng 1 mới là Giáng sinh. Sự thay đổi này, được ban hành vào tháng 7 năm ngoái, nằm trong nỗ lực tách các thể chế của Ukraine khỏi các thể chế của Nga, bao gồm cả Giáo hội Chính thống Nga.

Đức Giáo hoàng Francis dành nhiều thời lượng cho chiến tranh trong thông điệp Giáng sinh của mình, đặc biệt là cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Ngài lên án ngành công nghiệp vũ khí và “những công cụ giết chóc” của nó, đồng thời lưu ý rằng Bethlehem là “nơi đau buồn và im lặng” trong năm nay. Còn ở Anh, Vua Charles III nói về công việc từ thiện trong bài nói chuyện trên sóng phát thanh Giáng sinh thứ hai của mình. Trong bài phát biểu, tiếp nối truyền thống hoàng gia có từ 90 năm nay, ông gọi các tình nguyện viên của Anh là “xương sống thiết yếu của xã hội chúng ta.”

TIÊU ĐIỂM

2024 hứa hẹn bị phủ bóng bởi bầu cử Mỹ

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, cho tới nay tất cả đều cho thấy khả năng cao sẽ có màn tái đấu giữa Joe Biden và Donald Trump. Có thể đoán chiến thuật của cả hai vị sẽ là tìm cách thuyết phục cử tri rằng người kia không phù hợp cho vị trí tổng thống. Ông Biden sẽ lập luận rằng người tiền nhiệm của ông là một mối đe dọa sống còn cho nền cộng hòa. Ông Trump, không hề xấu hổ bởi vụ bạo loạn 6 tháng 1 năm 2021 hay nhiều cáo trạng hình sự mà ông đang đối mặt, sẽ nói chính tổng thống hiện tại mới là mối đe dọa cho đất nước và rằng Biden đã quá già để giải quyết các vấn đề của nước Mỹ. Những người ủng hộ ông Biden rất muốn thấy ông Trump tự dẫm lên chân mình.

Cử tri Mỹ đang chán nản. Hồi tháng 9, 65% số người được hỏi đã nói với Trung tâm Nghiên cứu Pew rằng họ luôn hoặc thường xuyên thấy kiệt sức vì nền chính trị Mỹ; 55% cho biết họ thường dễ tức giận vì chính trị. Phải một năm nữa mới có kết quả bầu cử. Nhưng cuộc tranh cử chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất ổn.

Chính trị trong nước sẽ ảnh hưởng ra sao tới các quyết sách địa chính trị của Mỹ?

Liệu Mỹ có thể duy trì được vai trò là kho vũ khí của nền dân chủ trong năm 2024? Đảng Cộng hòa với phương châm “nước Mỹ trên hết” đã cản trở tiến trình lập ngân sách thông thường và ngăn cản rót thêm tiền cho cuộc chiến ở Ukraine. Nếu họ tìm cách cắt viện trợ, các đồng minh ở khắp mọi nơi sẽ rùng mình – thậm chí còn hơn thế nữa nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống.

Một bài thử quan trọng chính là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đầu tư của Mỹ vào thiết bị quân sự ở khu vực này sẽ không mang lại kết quả đầy đủ cho đến những năm 2030. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn quân đội của ông có khả năng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027. Khoảng cách này và sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực khiến cho mạng lưới liên minh của Mỹ ngày càng trở nên quan trọng. Ông Biden đã nỗ lực khắc phục những thiệt hại mà ông Trump đã gây ra. Ông cũng đang dệt nên một “mạng lưới” các mối quan hệ đối tác đặc biệt, chẳng hạn như thỏa thuận AUKUS với Anh để cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dự kiến Mỹ sẽ bổ sung thêm nhiều thoả thuận như vậy trong năm 2024, với một số sẽ không cần được thông qua bởi một Quốc hội đầy hỗn loạn.

Điều gì sẽ xảy ra với chính trị Mỹ Latinh trong năm 2024?

Vào năm 2024, mô hình chuyển dịch quyền lực thường thấy giữa các đảng cánh tả và cánh hữu ở Mỹ Latinh có thể bị gián đoạn. Khu vực này đã chuyển đổi giữa hai trường phái trên trong nhiều thập niên qua. Một “thủy triều hồng” của các chính phủ cánh tả nổi lên vào đầu những năm 2000, với theo sau là “thủy triều xanh” vào những năm 2010 của các lãnh đạo cánh hữu, chẳng hạn như Jair Bolsonaro ở Brazil. Nhưng đến năm 2023, dường như một kỷ nguyên chính trị tiến bộ khác đã bắt đầu: trong 19 nước, có đến 12 nước đang do các chính phủ cánh tả lãnh đạo.

Nhưng sự thống trị của cánh tả không hề chắc chắn. Hồi tháng 11, Argentina đã bầu Javier Milei, tổng thống theo chủ nghĩa tự do đầu tiên của khu vực. Ở những nước khác, các chính phủ cánh tả cũng suy yếu. Tỷ lệ ủng hộ Gabriel Boric, tổng thống dân chủ xã hội của Chile, đã giảm xuống do tội phạm gia tăng và kinh tế khó khăn. Một số người cho rằng Gustavo Petro của Colombia, người có những cải cách cánh tả phần lớn bị cản trở, sẽ không đi được hết nhiệm kỳ của mình. Và Claudia Sheinbaum – cho dù thắng cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào tháng 6 – cũng khó có thể giành được đa số trong quốc hội như người tiền nhiệm của bà. Bà và những người cánh tả khác có thể sẽ phải đi đến thỏa hiệp.

Khởi nghiệp nở rộ ở Mỹ Latinh

Khởi nghiệp là điểm sáng của Mỹ Latinh trong những năm gần đây. Theo LAVCA, một hiệp hội nhà đầu tư, số doanh nghiệp được hỗ trợ bởi vốn mạo hiểm đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2023 lên hơn 2.500. Khởi nghiệp từng bùng nổ trong đại dịch và kể từ đó đã có phần chậm lại. Nhưng số lượng công ty khởi nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024. Sẽ có thêm nhiều công ty nhận được hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ Latinh, vốn đang sinh sôi nảy nở.

Nhiều công ty muốn giải quyết các “điểm đau” cụ thể của khu vực. Một ví dụ là logistics, với các dịch vụ bưu chính kém chất lượng và chậm chạp. Các công ty khởi nghiệp nhiều khả năng sẽ mở rộng sang lĩnh vực giao hàng giữa các doanh nghiệp, đặc biệt nếu Mexico thu hút được các nhà sản xuất đang chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc. Một vấn đề khác cần giải quyết là độ tin cậy thấp. Để giải quyết vấn đề này, Kavak, một nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Mexico, hoạt động như trung gian cho những người mua bán xe cũ. Brazil — trung tâm khởi nghiệp lâu đời nhất — cùng với Mexico và Colombia vốn đã sản sinh ra nhiều kỳ lân (các công ty trị giá hơn 1 tỷ USD). Các nước khác có thể sẽ tham gia cùng họ.