Thế giới hôm nay: 27/12/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ quốc phòng Nga thừa nhận đòn tấn công của Ukraine vào Feodosiya, một thành phố cảng ở miền đông Crimea, đã làm hư hại một trong các tàu chiến của nước này. Thống đốc Crimea (do Nga bổ nhiệm) cho biết có một người chết và hai người bị thương. Con tàu được cho là Novocherkassk, một tàu đổ bộ cỡ lớn. Không quân Ukraine tuyên bố trên thực tế họ đã phá hủy con tàu và so sánh số phận của nó với tàu Moskva, soái hạm của hạm đội Biển Đen của Nga, vốn bị lực lượng Ukraine đánh chìm hồi tháng 4 năm 2022.

Bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết nước ông đang ở trong một “cuộc chiến trên nhiều mặt trận” khi phải căng sức đối phó các đòn tấn công từ “bảy hướng.” Chúng không chỉ bao gồm Gaza, mà còn có Lebanon, Iran, Iraq, Syria, Bờ Tây và Yemen. Bình luận của ông được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin đòn không kích của Israel ở Syria đã giết chết Seyed Razi Mousavi, một tướng cấp cao của Iran. Iran cam kết sẽ trả thù.

Apple không thể lật ngược lệnh cấm nhập khẩu và cấm bán hai chiếc đồng hồ của họ ở Mỹ. Công ty này bị cáo buộc vi phạm bản quyền của Masimo, một công ty công nghệ y tế, với các mẫu Series 9 và Ultra 2. Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã tạm thời cấm nhập khẩu các mẫu trên từ tháng 10. Hôm thứ Ba, chính quyền Biden quyết định không bãi bỏ lệnh cấm. Apple sẽ kháng cáo.

Giá cổ phiếu của Infosys giảm sau khi gã khổng lồ công nghệ Ấn Độ thông báo ngừng thực hiện một thỏa thuận về AI mà họ đã đàm phán với một công ty giấu tên. Thỏa thuận này trị giá 1,5 tỷ USD và dự kiến có hiệu lực 15 năm. Giám đốc tài chính của Infosys, Nilanjan Roy, đã từ chức hai tuần trước. Không rõ liệu hai sự kiện có liên quan với nhau hay không.

Dân quân đã giết chết ít nhất 160 người tại bang Plateau ở miền trung Nigeria vào cuối tuần qua. AFP đưa tin các nhóm vũ trang đã tấn công khoảng 20 ngôi làng trong bang. Bạo lực giữa những người du mục và nông dân đã bùng phát trong khu vực khi cạnh tranh về tài nguyên trở nên khốc liệt hơn.

Alexei Navalny, thủ lĩnh đối lập hàng đầu của Nga, đã đưa ra thông điệp đầy tính thách thức sau khi bị chuyển đến trại giam ở Bắc Cực, cách Moscow 1.900km về phía đông bắc. Trong một bài đăng trên X (trước đây là Twitter), ông Navalny mô tả hành trình 20 ngày là “khá mệt mỏi” nhưng cho biết ông “vẫn có tâm trạng tốt.” Ông phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm vì những cáo buộc được cho là bịa đặt.

Con số trong ngày: 14 tỷ USD, là quy mô của một quỹ đầu tư AI mà Thâm Quyến, một thành phố ở miền nam Trung Quốc, cho biết họ sẽ ra mắt.

TIÊU ĐIỂM

Triển vọng chính trị Ấn Độ năm 2024

Mùa xuân tới, Ấn Độ sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Thăm dò ý kiến cho thấy đảng Bharatiya Janata của thủ tướng Narendra Modi sẽ giành chiến thắng. Nhưng BJP đã gặp khó khăn ở các bang miền Nam giàu có hơn. Họ cũng phải đối mặt với một liên minh gồm 26 đảng đối lập, trong đó có cả đảng Quốc đại.

Kể từ khi ông Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014, Ấn Độ đã từ nền kinh tế lớn thứ mười vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng ông Modi đàn áp bất đồng chính kiến và khuyến khích phân biệt đối xử người Hồi giáo.

Các nước phương Tây tỏ ra miễn cưỡng chỉ trích ông Modi. Mỹ đặc biệt coi Ấn Độ là đối trọng với Trung Quốc. Nhưng họ lo lắng về việc ông Modi không bảo vệ được các giá trị dân chủ. Mỹ và Canada đều cáo buộc Ấn Độ âm mưu ám sát những người ly khai theo đạo Sikh trên đất của họ (trong trường hợp của Canada, Hardeep Singh Nijjar thực sự đã bị giết). Ông Modi cam kết đến năm 2047, nhân kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, Ấn Độ sẽ là nước phát triển. Vấn đề không chỉ là phát triển ra sao mà còn là dân chủ đến mức nào.

Đài Loan sẽ bầu tổng thống vào tháng 1

Ngày 13/1 Đài Loan sẽ bầu tổng thống mới. Tầm quan trọng của cuộc bầu cử này không thể xem nhẹ: người chiến thắng sẽ phải quyết định chiến lược của hòn đảo trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm lược. Đảng Dân Tiến cầm quyền, vốn có cương lĩnh độc lập, muốn tăng cường quan hệ với phương Tây và xây dựng khả năng răn đe quân sự. Phe đối lập, ủng hộ thống nhất một Trung Quốc với ngọn cờ đầu Quốc dân đảng hứa hẹn sẽ mở lại đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở họ cùng thuộc một quốc gia.

Hơn 8 năm đảng Dân Tiến cầm quyền, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động “vùng xám,” vốn không tới mức gây chiến mà chủ yếu để thăm dò khả năng phòng thủ của Đài Loan. Nếu William Lại Thanh Đức, ứng viên của Dân Tiến, thắng cử, Trung Quốc có thể tăng cường gây hấn. Trái lại, một chiến thắng của Quốc Dân Đảng có thể làm giảm căng thẳng trong ngắn hạn. Nhưng việc xây dựng quân đội của Trung Quốc sẽ tiếp tục – cũng như quyết tâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực nếu hòn đảo không đầu hàng trong hòa bình.

Tổng thống hiện tại của Đài Loan, Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến, đã đưa ra một thông điệp khác cho người dân của mình: để ngăn chặn chiến tranh, họ phải đoàn kết và chuẩn bị cho điều đó. Cuộc bầu cử sẽ cho thấy liệu người dân có sẵn sàng làm vậy hay không.

Các hướng đi địa chính trị của Trung Quốc trong năm mới

Năm tới, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tìm cách tập hợp các quốc gia đang hoài nghi về trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Nhưng ông cũng sẽ thể hiện Trung Quốc là nước bảo vệ sự thống nhất toàn cầu. Khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu, chính phủ Trung Quốc sẽ buộc tội phương Tây dựng lên các rào cản bảo hộ đối với thương mại tự do. Họ cũng sẽ nói rằng chính họ mới là người bảo vệ “các nguyên tắc cơ bản” của trật tự thế giới hiện tại, như được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc – trong đó nhấn mạnh quyền bất khả xâm phạm của các quốc gia có chủ quyền.

Hành động cân bằng này sẽ bị phức tạp hoá bởi cuộc chiến ở Ukraine và cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Trung Quốc sẽ tuyên bố trung lập trong vấn đề Ukraine, nhưng đổ lỗi cho giá lương thực và năng lượng cao cho các lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ cũng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Nga. Trong khi đó, cuộc đua vào Nhà Trắng ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi các ứng viên tranh cãi về vấn đề Trung Quốc. Ông Tập sẽ kỳ vọng một nền dân chủ Mỹ hiện lên thật khủng khiếp, trong khi Trung Quốc tránh không bị lên trang nhất các báo.

Sự hình thành mạng lưới năng lượng ở châu Á

Vào năm 2024, các mối liên kết năng lượng đang phát triển có thể định hình lại động lực chính trị ở châu Á. Lấy ví dụ như các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở Đông Nam Á. Nhu cầu năng lượng của họ dự kiến sẽ tăng 1/3 từ giờ tới năm 2050; và ĐNÁ cũng đã hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon. Nhưng làm được điều này là rất khó vì năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15% sản lượng điện của châu Á.

Một mạng lưới điện Đông Nam Á được kết nối tốt hơn, hiện chưa tồn tại, có thể giúp giảm đáng kể giá năng lượng sạch. Việc triển khai một dự án như vậy cũng có thể thúc đẩy hợp tác. Một loạt thỏa thuận kết nối đã được ký kết hồi tháng 8 tại hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Bali, Indonesia.

Các dự án năng lượng có thể tạo ra đối trọng đáng gờm cho Trung Quốc. Úc có tham vọng trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo. Nhật Bản và Hàn Quốc quan tâm đến việc sử dụng hydro và amoniac (một cách để lưu trữ hydro ở dạng dễ di chuyển). Các đồng minh của Mỹ cũng đang cố gắng làm giảm sự kiểm soát của Trung Quốc đối với đất hiếm và các khoáng sản quan trọng. Hiện tại, Trung Quốc là nước xuất khẩu tấm pin mặt trời, nhà cung cấp pin xe điện và nhà chế biến khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mang lại những lựa chọn mới đáng hoan nghênh cho các nước châu Á đang muốn thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc.