Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Putin promises Xi to ‘fight for five years’ in Ukraine,” Nikkei Asia, 28/12/2023.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Theo tiết lộ từ các nguồn tin, trong cuộc gặp ở Moscow hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Nga “sẽ chiến đấu [ít nhất] 5 năm” ở Ukraine.
Đó chắc hẳn là cách để Putin tóm tắt tình hình không thuận lợi đối với Nga vào thời điểm đó, và đảm bảo với Tập rằng cuối cùng Nga sẽ giành chiến thắng.
Hàm ý có lẽ là một cuộc chiến kéo dài sẽ có lợi cho đối tác được vũ trang tốt của Trung Quốc.
Nói cách khác, nhận xét này cũng là lời cảnh báo rằng Tập không nên thay đổi lập trường thân Nga.
Chuyến đi này là lần đầu tiên Tập tới Nga sau khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022. Nó cũng là lần đầu tiên Tập đến thăm một quốc gia hàng đầu thế giới sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero-COVID hà khắc.
Liệu Tập có bị thuyết phục hay không? Nhận xét của Putin tại thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo là chìa khóa để hiểu một loạt diễn biến bí ẩn trong quan hệ Nga-Trung, từ việc cử phái đoàn hòa bình của Trung Quốc tới châu Âu vào tháng 5, cho đến việc Trung Quốc sa thải bộ trưởng ngoại giao vài tháng sau đó.
Gần đây, New York Times đưa tin rằng chí ít từ tháng 9 năm ngoái, Putin đã sử dụng các kênh trung gian để ra hiệu rằng mình sẵn sàng ngừng bắn, với điều kiện Nga có thể giữ lại các vùng lãnh thổ mà nước này hiện đang chiếm đóng.
Nhưng nếu nhìn vào những lời Putin nói với Tập vào tháng 3, được tiết lộ bởi nhiều nguồn tin quen thuộc với hoạt động ngoại giao Trung-Nga, ý định ngừng bắn của nhà lãnh đạo Nga không nên được chấp nhận một cách dễ dàng.
Nhiều khả năng, Putin chỉ muốn tạo ra ảo tưởng rằng ông đang hướng tới một lệnh ngừng bắn, thậm chí là hòa bình, trước thềm bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3, vì tin rằng bầu không khí đó sẽ có lợi cho ông trong phòng bỏ phiếu.
Trong khi đó, Trung Quốc của Tập đã xem xét lại chiến lược của mình, một phần dựa trên nhận xét “5 năm” của Putin hồi tháng 3.
Nếu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine kéo dài, nó sẽ có tác động đáng kể đến các kế hoạch và tham vọng của Tập trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ trên cương vị Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu lớn của Tập – là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục – cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nhưng khó có khả năng Tập hoàn toàn bị thuyết phục bởi nhận xét của Putin. Bởi thật ra, ông đã không hài lòng với Putin kể từ thượng đỉnh Trung-Nga được tổ chức vào ngày 04/02/2022, ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022.
Putin là nhà lãnh đạo cường quốc duy nhất tham dự lễ khai mạc, còn Tập đã đặt cược danh tiếng của mình vào việc Trung Quốc tổ chức thành công đại hội thể thao quốc tế hoành tráng này. Và nhà lãnh đạo Nga đã tận dụng tối đa việc Trung Quốc “mang ơn” ông.
Trong thượng đỉnh Thế vận hội Mùa đông, Putin không hề tỏ rõ dấu hiệu nào rằng ông sắp phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Nhưng cuộc xâm lược đó đã xảy ra vào ngày 24/02, bằng một cuộc tấn công chớp nhoáng mà Nga tin rằng sẽ đủ mạnh để khuất phục chính phủ ở Kyiv, thủ đô của Ukraine.
Cuộc tấn công bất ngờ này đã khiến Trung Quốc hốt hoảng.
Tại cuộc hội đàm chỉ 20 ngày trước, Tập và Putin đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa hai nước. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi mọi người trên khắp thế giới kết luận rằng Trung Quốc đã ngầm đồng ý với cuộc xâm lược toàn diện của Nga.
Nhưng sự thật không phải vậy. Trung Quốc đã đánh giá sai ý định thực sự của Nga.
Bắc Kinh chắc chắn biết rõ lực lượng Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine, nhưng họ hẳn đã kết luận rằng quân đội Nga sẽ chỉ xâm chiếm phần phía đông Ukraine.
Chính quyền của Tập hoàn toàn không mong đợi một cuộc xâm lược toàn diện, nhất là khi nó diễn ra chỉ bốn ngày sau lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, và một tuần trước khi khai mạc Thế vận hội dành cho Người khuyết tật, vốn là một biểu tượng của hòa bình.
Cho nên, Trung Quốc đơn giản là không thể tin tưởng hoàn toàn vào “ý chí chiến đấu trong 5 năm” của Putin, mà ông phát biểu một năm sau đó.
Xét đến tình hình chính trị quốc tế phức tạp, Trung Quốc cần suy nghĩ về cách bảo vệ lợi ích của chính mình, bất kể cuộc chiến của Nga ở Ukraine kết thúc như thế nào.
Và điều đó có nghĩa là họ cần cử một “phái đoàn hòa bình” tới châu Âu, bao gồm Ukraine và Nga, chưa đầy hai tháng sau khi Putin nói với Tập rằng Nga sẽ tiếp tục tham chiến thêm nhiều năm nữa. Phái đoàn này đã phản ánh một sự thay đổi trong lập trường thân Nga của Tập.
Nó cũng phù hợp với những lời mà Tập thường nhắc đi nhắc lại, rằng “những thay đổi chưa từng thấy suốt một thế kỷ” đang diễn ra trên khắp thế giới.
Nếu chiến tranh Ukraine kéo dài tới 5 năm – hiện nó đã kéo dài gần 2 năm – thì Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn bao giờ hết từ các quốc gia phương Tây, do nước này đang hợp tác quân sự trên phạm vi rộng với Nga.
Nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Trung Quốc sẽ phải hứng thêm nhiều đòn từ các biện pháp trừng phạt do liên minh quốc tế áp đặt chống lại Trung Quốc và Nga. Điều này mang lại cho Trung Quốc một lý do khác để cử phái đoàn hòa bình: Nước này cần phòng bị để không phải chịu chung số phận với Nga.
Phái đoàn Trung Quốc do Lý Huy, đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, dẫn đầu, đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ở Kyiv.
Tất nhiên, phái đoàn đó đã khiến Putin phật lòng, thậm chí là tức giận. Động thái ngoại giao này đi ngược lại mong muốn của nhà lãnh đạo Nga, và cho thấy Trung Quốc đã bác bỏ nhận định “5 năm” của ông.
Tệ hơn nữa, chưa đầy một tháng sau, vào tháng 6, Wagner, tổ chức quân sự tư nhân của Nga do Yevgeny Prigozhin, nhân vật nòng cốt trên chiến trường Ukraine, lãnh đạo, đã phát động một cuộc nổi dậy ngắn, khiến Putin lo lắng.
Đối với Putin, người đột nhiên cần tìm cách để vượt qua một cơn cuồng phong dữ dội, việc giữ Trung Quốc đứng về phe Nga là một vấn đề cấp bách. Chính vì thế, ông đã quyết định sử dụng một số thông tin.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko đến thăm Bắc Kinh vào ngày 25/06, ông đã tiết lộ cho các quan chức cấp cao của Trung Quốc về bí mật của Ngoại trưởng đương nhiệm lúc đó, Tần Cương. Lời mách nước này dẫn đến việc Tần bị thanh trừng một cách bí ẩn và đột ngột, như đã đưa tin chi tiết trong chuyên mục này hai tuần trước.
Lừa bịp là một chiến thuật thường được sử dụng trong chính trị quốc tế. Và việc Trung Quốc và Nga đều là những nước cực kỳ bí hiểm đã khiến việc tìm hiểu vấn đề của nhau trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Người ta cũng không thể sử dụng lẽ thường.
Tuyên bố của Putin về việc chiến đấu 5 năm ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách quân sự của Nhật Bản.
Trong một bước tiến đáng kể, Nhật Bản đã sửa đổi các nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí, vốn đã tồn tại nhiều năm.
Dựa trên những sửa đổi gần đây, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xuất khẩu tên lửa đất đối không Patriot được sản xuất theo giấy phép tại Nhật sang Mỹ. Hiện Mỹ đang cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine và các nước xung quanh.
Nhật Bản sẽ xuất khẩu tên lửa Patriot sang Mỹ với điều kiện Mỹ không cung cấp cho nước thứ ba. Tuy nhiên, mục đích chính vẫn là bổ sung cho kho tên lửa của Mỹ, khi lượng tên lửa tồn kho của Mỹ đang cạn kiệt do cuộc xâm lược Ukraine kéo dài của Nga.
Nếu cuộc xâm lược Ukraine của Nga tiếp tục trong 5 năm, Nhật Bản có thể chịu áp lực phải thay đổi ý định xuất khẩu vũ khí hơn nữa. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, bao gồm cả vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc của Tập đã không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
Vì vậy, điều quan trọng cần lưu ý là cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga trong năm 2023, đặc biệt là nhận xét hồi tháng 3 của Putin về việc kéo dài cuộc chiến ở Ukraine, có thể sẽ tác động tới an ninh của Nhật Bản và toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.