Đài Loan là động lực cho cuộc thanh trừng quân sự của Tập?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi Jinping’s ambition to unify Taiwan motivates military purges,” Nikkei Asia, 11/01/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc hòn đảo chuẩn bị bỏ phiếu bầu tổng thống tiếp theo, Bắc Kinh đang tìm cách gây thêm áp lực.

Cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan đã mang lại cho Trung Quốc một cái cớ để phô diễn sức mạnh quân sự, và quân đội nước này, đặc biệt là các quân chủng rocket và tên lửa, đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế.

Chiều thứ Ba (09/01/2024), Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát đi một cảnh báo khẩn cấp, thông báo cho người dân rằng một tên lửa do Trung Quốc phóng đi đã bay qua khu vực phía nam của hòn đảo. Chuông báo động vang lên khắp Đài Loan, trong lúc người dân nhận được thông báo khẩn cấp trên điện thoại của mình.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang có chuyến thăm thành phố Cao Hùng ở miền nam khi xảy ra cảnh báo. Bà đã phản ứng nhanh chóng, trấn an người Đài Loan rằng tên lửa thực chất là một vệ tinh. Bà cũng gọi vụ phóng tên lửa là một hoạt động “vùng xám” và nói rằng Đài Loan không được lung lay lập trường dân chủ của mình.

Dường như mọi chuyện không đơn thuần là trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vụ phóng tên lửa diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bloomberg công bố rộng rãi một báo cáo cho rằng tình trạng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc nghiêm trọng đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình “ít có khả năng lựa chọn hành động quân sự lớn trong những năm tới, so với dự tính trong những năm trước đó.”

Báo cáo của Bloomberg đã vạch trần nhiều vấn đề như tên lửa chứa đầy nước chứ không phải nhiên liệu, và các hầm chứa không thể phóng tên lửa một cách hiệu quả.

Một người tham dự cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao cầm chiếc điện thoại hiển thị cảnh báo không kích sau khi một tên lửa của Trung Quốc bay qua không phận Đài Loan, tại Đài Bắc vào ngày 9/1. © Reuters

Vô tình, tên lửa bay qua Đài Loan đã được phóng từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, nơi Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng vừa bị sa thải, từng giữ chức giám đốc trung tâm.

Báo cáo của Bloomberg cũng cho biết việc Lý đột ngột bị sa thải trong cuộc thanh trừng quân sự sâu rộng của Tập chính là để đáp trả nạn tham nhũng tràn lan.

Quyết định loại bỏ Lý đã trở thành tâm điểm của cơn bão thanh trừng hiện đang hoành hành trong quân đội Trung Quốc. Lý vốn có kinh nghiệm lâu năm trong quân chủng tên lửa chiến lược của quân đội, cũng như các đơn vị liên quan đến thiết bị quân sự khác.

Hơn nữa, vào ngày 29/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã cho miễn nhiệm 9 quan chức cấp cao của quân đội khỏi Quốc hội, 5 người trong số họ là sĩ quan đương nhiệm hoặc cựu sĩ quan của Quân chủng Tên lửa trực thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), bao gồm cả cựu Tư lệnh Lý Ngọc Siêu.

Rõ ràng, lực lượng tên lửa, phụ trách giám sát kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, là tài sản quân sự quan trọng nhất mà Trung Quốc có thể sử dụng để gây áp lực lên Đài Loan. Tuy nhiên, một sĩ quan cấp cao của lực lượng này đã qua đời vào mùa hè năm ngoái, sau khi bị các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc điều tra. Ông được cho là đã tự sát.

Những diễn biến gần đây liên quan đến PLA cho thấy những cải cách quân sự sâu rộng mà Tập thúc đẩy suốt 7-8 năm qua đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, nhưng liệu quân đội nước này có thể hành động nhanh chóng và hiệu quả theo mệnh lệnh của ông hay không lại là một câu chuyện khác. © Tân Hoa Xã/AP

Một trong những cải cách là việc tái tổ chức bảy quân khu của Trung Quốc thành năm quân khu. PLA vốn có nhiều nhánh, bao gồm lục quân, hải quân, và không quân, cũng như lực lượng tên lửa. Trong quá trình tái tổ chức, đã có sự luân chuyển nhân sự giữa các nhánh này, nhưng các quân nhân trên thực địa có thể cảm nhận một số phản kháng trước những thay đổi chưa từng có này.

Như Bloomberg đã chỉ ra, một cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan ở thời điểm này là cực kỳ khó xảy ra.

Nhưng liệu đó có thực sự là nguyên nhân thúc đẩy cuộc thanh trừng quân sự của Tập? Phần tiếp theo sẽ phân tích vấn đề từ một góc độ khác – và từ quan điểm dài hạn.

Một chuyên gia am hiểu các chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc nhận định rằng các cuộc thanh trừng trong quân đội được thúc đẩy bởi một nguyên nhân “phức tạp” hơn là tham nhũng. Chuyên gia này cho biết, “Nó là một ‘vấn đề chính trị’ nghiêm trọng hơn, có ảnh hưởng đến chuỗi chỉ huy. Làn sóng thanh trừng sẽ mở rộng, ngoài Lý Thượng Phúc sẽ còn các quan chức quân sự cấp cao khác, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu.”

Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8/2023 và chính thức bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 10 cùng năm. © Kyodo

Làn sóng thanh trừng cũng có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, và cách Trung Quốc sẽ gây áp lực với Đài Loan sau cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Bảy (13/01/2024).

Tập dự định sẽ được trao thêm một nhiệm kỳ nữa trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 21 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2027, nhưng ông hiện đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn: mục tiêu lớn của đảng là thống nhất với Đài Loan.

Nếu các đảng viên cảm thấy rằng mục tiêu này ngày càng trở nên xa vời trong thời kỳ Tập nắm quyền, sẽ đã kéo dài 15 năm vào năm 2027, thì những nỗ lực duy trì quyền lực của ông sẽ gặp phải trở ngại nghiêm trọng.

Đó là điều mà Tập muốn tránh bằng mọi giá.

Chủ tịch Trung Quốc muốn đảm bảo tất cả các lựa chọn quân sự sẵn có đối với Đài Loan, từ áp lực quân sự đến hành động quân sự. Để đạt được mục tiêu đó, việc chuẩn bị phải được hoàn tất để quân đội Trung Quốc có thể thực hiện theo đúng ý muốn của ông.

Quá trình chuẩn bị này đã hoàn tất giai đoạn đầu.

Bằng chứng là các diễn biến sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào mùa hè năm 2022.

Sau khi Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào mùa hè năm 2022, quân đội Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng phong tỏa hòn đảo này. © Văn phòng Tổng thống Đài Loan/AP

Quân đội Trung Quốc đã thiết lập sáu vùng tập trận xung quanh Đài Loan và bắn tên lửa vào các khu vực này từ đất liền. Động thái này được thực hiện nhằm chứng tỏ khả năng phong tỏa Đài Loan.

Đây cũng là lần đầu tiên một số tên lửa của Trung Quốc rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Giai đoạn thứ hai được thực hiện khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến thăm Mỹ vào mùa xuân năm 2023. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc triển khai tàu sân bay Sơn Đông đến Tây Thái Bình Dương, phía đông Đài Loan, qua đó cho thấy rằng họ có thể triển khai sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương bất chấp sự hiện diện của Hải quân Mỹ.

Khi Thái Anh Văn đến thăm Mỹ vào mùa xuân năm 2023, tàu sân bay Sơn Đông đã trở thành minh chứng cho thấy Trung Quốc không ngại phô diễn sức mạnh quân sự của mình ở Thái Bình Dương. © Văn phòng Tham mưu Bộ Quốc phòng Nhật Bản/Reuters

Tuy nhiên, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tiến tới giai đoạn cuối.

Tập đã củng cố vị trí nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đến mức khi ông đưa ra một quyết định quan trọng nào đó, không ai trong số sáu thành viên còn lại của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, dám phản đối mạnh mẽ.

Nhưng việc quân đội Trung Quốc có đủ khả năng hành động nhanh chóng và hiệu quả theo lệnh của Tập – người cũng đang giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan giám sát PLA – hay không lại là một câu chuyện khác.

Đây chính xác là lý do tại sao các trợ lý thân cận nhất của Tập hiện đang thực hiện nhiều chuẩn bị khác nhau cho việc sử dụng lực lượng quân sự trong tương lai.

Ưu tiên hàng đầu của họ là đảm bảo rằng chuỗi chỉ huy quân đội, mà Tập đứng đầu, sẽ hoạt động trơn tru.

Nói cách khác, cơn bão thanh trừng quân sự hiện nay có thể được hiểu là một nỗ lực nhằm tiêu diệt “sự kháng cự,” như lời một học giả Trung Quốc. Vấn đề không đơn thuần chỉ xoay quanh những vụ bê bối tham nhũng liên quan đến tên lửa chứa đầy nước.

Trung Quốc và Đài Loan có lịch sử xung đột vũ trang. Đã có một trận chiến nổ ra vào năm 1958, trong đó quân đội Trung Quốc bắn đạn pháo từ đại lục nhắm vào hòn đảo Kim Môn xa xôi của Đài Loan.

Dù trận chiến đã kết thúc một tháng rưỡi sau đó, các cuộc pháo kích của Trung Quốc nhắm vào hòn đảo vẫn tiếp tục rải rác mãi đến năm 1979. Những cư dân lớn tuổi ở Kim Môn vẫn có ký ức sống động về các cuộc pháo kích này.

Bờ biển đảo Kim Môn vẫn còn một số cơ sở phòng thủ nhằm ngăn chặn quân Trung Quốc đổ bộ.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm nay là cuộc chạy đua tay ba giữa Phó Tổng thống Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến cầm quyền, Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng đối lập, và Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan, đảng lớn thứ ba.

“Dù ai là người giành chiến thắng trong phòng bỏ phiếu vào thứ Bảy, người đó cũng sẽ không nhanh chóng thân thiết với chính quyền Tập, vì còn dè chừng công luận,” một chuyên gia Đài Loan nhận định, lặp lại quan điểm được chia sẻ bởi nhiều nhà quan sát trên hòn đảo.

Trung Quốc, nước vẫn không loại trừ việc sử dụng vũ lực để thực hiện mục tiêu thống nhất, và Đài Loan, nơi dân chủ đã cắm rễ sâu, đã ngày càng trở nên xa cách hơn về mặt chính trị.

Tình trạng này cũng xuất phát từ thực tế là không có người nào trong số các ứng viên Tổng thống Đài Loan hiện tại là ngoại tỉnh nhân – tức những người từ Trung Quốc đại lục chạy trốn đến Đài Loan sau Thế chiến II. Vị chuyên gia cho biết cả ba ứng viên đều có tình cảm mãnh liệt với hòn đảo quê hương. Ông nói thêm: “Cấu trúc của cuộc bầu cử tổng thống lần này hoàn toàn khác với những cuộc bầu cử trước đây.”

Từ trái sang: Kha Văn Triết của Đảng Nhân dân Đài Loan, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức của Đảng Dân Tiến cầm quyền, và Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng. (Nguồn ảnh của Reuters và Hiroki Endo)

Tất cả những điều trên giải thích tại sao Trung Quốc cảm thấy họ không thể từ bỏ các biện pháp quân sự để đạt được mục tiêu của mình, và việc phóng tên lửa qua Đài Loan chỉ bốn ngày trước kỳ bỏ phiếu có thể nhằm mục đích nhắc nhở về ý định của Bắc Kinh.

Trong mọi trường hợp, các chiến thuật gây áp lực khác nhau của Trung Quốc sẽ được thực hiện rầm rộ hơn sau khi kết quả bầu cử trở nên rõ ràng.

Sự kiện quan trọng tiếp theo sẽ là bài phát biểu nhậm chức của tân tổng thống Đài Loan vào ngày 20/05. Bất kể ai là người phát biểu, thì điều quan trọng cũng là cách mối quan hệ Trung Quốc-Đài Loan được đề cập. Tập sẽ hết sức chú ý và nhiều khả năng đã chuẩn bị sẵn một loạt phản ứng.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.