Nguồn: Christelle Nguyen, “Vietnam’s Paradox: Commemorating the Battle of the Paracels,” The Diplomat, 19/01/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Xem thêm: Phần 1
Người chết và kẻ bại trận
Bất chấp thất bại năm 1974, những người lính trở về miền Nam vẫn được chào đón như những anh hùng, trước khi Sài Gòn thất thủ. Một con phố ở Sài Gòn đã được đặt theo tên Trung tá Ngụy Văn Thà, người hy sinh khi chiến đấu ở Hoàng Sa. Sau năm 1975, con đường mang tên người anh hùng đó đã không còn nữa.
Trong cuốn “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation With Vietnam” (Không gì là không thể: Hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam) xuất bản năm 2022, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã chia sẻ câu chuyện cá nhân của ông khi đến thăm nghĩa trang Biên Hòa được kiểm soát gắt gao nằm gần Sài Gòn, nơi duy nhất được dùng để chôn cất các binh sĩ của chế độ cũ. Ông cũng nêu chi tiết những nỗ lực ngoại giao của mình đối với các quan chức Việt Nam, để xin phép thực hiện các hoạt động đơn giản như đào mương và dọn dẹp rễ cây trong nghĩa trang. Osius coi nghĩa trang Biên Hoà là “điểm bản lề” (pivot point) cho sự hòa giải giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam.
Theo Giáo sư Ngô Thị Thanh Tâm của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Holocaust, và Diệt chủng (NIOD) có trụ sở tại Amsterdam, những người lính tử trận của Việt Nam Cộng hoà được gọi là “tử sĩ” và xác của họ được phân loại vào nhóm “kẻ thù đã chết.” Nơi chôn cất của họ thường được xem là “vùng chết,” bị những người còn sống xa lánh, bởi vì kẻ thù là những kẻ “không nên được xót thương.”
Trong khi đó, 1,2 triệu người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Quân đội Bắc Việt) đã hy sinh lại được tưởng niệm bằng danh hiệu “liệt sĩ” – những người mà cái chết của họ là minh chứng cho sự hy sinh thiêng liêng và quên mình vì đất nước. Theo quan điểm chính thức, liệt sĩ xứng đáng được ghi nhớ đời đời và hài cốt của họ sẽ được chăm sóc chu đáo.
“Kể từ đó, từ ‘tử sĩ’ được dùng để chỉ những người lính hy sinh trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng cái chết của họ không được nhà nước công nhận là đã góp phần vào lợi ích quốc gia, thậm chí có khi còn bị cho là đi ngược lại lợi ích quốc gia. Đây là lý do tại sao thuật ngữ này được dùng cho các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa,” bà Tâm nói qua email.
Từ năm 2014, truyền thông nhà nước Việt Nam đã liệt kê tên những người lính thiệt mạng trong Hải chiến Hoàng Sa là tử sĩ, thay vì liệt sĩ. Mẹ của họ cũng không thể nhận danh hiệu “bà mẹ Việt Nam anh hùng”, và con cái của họ không được hưởng các ưu đãi chỉ dành riêng cho những liệt sĩ được nhà nước công nhận. Tương tự, những người bị thương trong cuộc xung đột đẫm máu năm 1974 không được công nhận là thương binh.
Về phía Trung Quốc, Nghĩa trang Liệt sĩ Hải quân Tây Sa được xây dựng năm 1975 tại Tam Á, đảo Hải Nam. Nghĩa trang được chính quyền nhân dân thành phố Tam Á chỉ định là di tích văn hóa cấp thành phố cần bảo vệ vào năm 1990 và được cải tạo vào năm 2016.
Lễ tưởng niệm do chính quyền kiểm soát
Tại Việt Nam, chính quyền sẽ quyết định ai là anh hùng, ai là thành viên của “thế lực thù địch,” cũng như sự kiện nào đáng để tưởng niệm. Bất kỳ quan điểm nào lệch khỏi quan điểm chính thức cũng sẽ dẫn đến nhiều hình thức trừng phạt khác nhau, kể cả án tù. Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm các hành vi bóp méo lịch sử đã được chính quyền phê duyệt hoặc phủ nhận thành tựu cách mạng ngay cả trong không gian ảo.
Đối với Hà Nội, người láng giềng phía bắc vừa là hình mẫu vừa là mối đe dọa, đến nỗi bất kỳ hành động nào nhằm tưởng niệm cuộc xung đột năm 1974 ở Biển Đông đều có thể khiến đất nước rơi vào nguy hiểm. Theo một chỉ đạo từ trên ban xuống, lễ tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa năm 2014 tại Đà Nẵng đã bị hủy vào phút chót vì một lý do không được công bố. Những người biểu tình năm 2014 vẫn kiên quyết đòi tưởng niệm những người lính Việt Nam tử trận đã bị công an giải tán.
Tuy nhiên, các sự kiện tưởng niệm tự tổ chức vẫn được phép diễn ra. Vị cựu đại tá sau trở thành người tị nạn Vũ Văn Lộc, hiện sống ở California, cho biết “cộng đồng hải ngoại vẫn tổ chức các sự kiện để tưởng nhớ trận chiến đẫm máu này.”
Theo nhà nhân học Edyta Roszko, ở Việt Nam, ngay cả những sự kiện tưởng nhớ cấp địa phương cũng không thể tổ chức tự do. “Mặc dù lễ kỷ niệm các chiến sĩ Hoàng Sa và Trường Sa thường được đưa vào các dự án kỷ niệm, nhưng nhà nước chỉ muốn âm thầm tổ chức những dịp lễ này, vì vấn đề tranh chấp các quần đảo đã bị chính trị hóa cao độ,” Roszko viết trong cuốn sách xuất bản năm 2020 “Fishers, Monks and Cadres: Navigating State, Religion, and the South China Sea in Central Vietnam” (Ngư dân, Tu sĩ và Cán bộ: Chính trị, Tôn giáo và Biển Đông ở miền Trung Việt Nam), dựa trên nghiên cứu thực địa của bà ở Quần đảo Lý Sơn gần Hoàng Sa năm 2007-2008.
Năm 2014, nhà báo nổi tiếng Huy Đức và các cộng sự của mình đã tổ chức dự án gây quỹ mang tên “Nhịp cầu Hoàng Sa” nhằm hỗ trợ gia đình những người tử trận năm 1974. Một chiến dịch khác cũng được phát động để xây nhà cho góa phụ của các binh sĩ Việt Nam Cộng hoà thiệt mạng trong Hải chiến Hoàng Sa.
Tháng 1/2014, truyền thông nhà nước Việt Nam lần đầu tiên nhắc đến sự kiện này. Tuy nhiên, việc công khai đề cập đến trận chiến bị lãng quên từ lâu đã khiến nước láng giềng khổng lồ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tức giận. Tháng 05/2014, Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan dầu ở gần quần đảo Hoàng Sa, gây ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc chưa từng có trên khắp Việt Nam.
Căng thẳng không chỉ dừng ở bờ biển
Bất chấp tất cả những câu chuyện tốt đẹp được truyền thông nhà nước Việt Nam đăng tải trước, trong, và sau chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, tranh chấp Biển Đông vẫn là một chướng ngại trong quan hệ giữa hai nước cộng sản và cũng là đối tác chiến lược toàn diện này.
Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại và những người bất đồng chính kiến tưởng nhớ Hải chiến Hoàng Sa đã coi sự im lặng của chính quyền trước các cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc là bằng chứng cho thấy họ phục tùng Bắc Kinh.
Nhưng nếu Hà Nội thực sự có lý do để chỉ trích “chế độ bù nhìn” đã không bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa, thì họ cũng không thành công hơn là mấy.
Lúc đầu, vào năm 1976, Hà Nội đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, để đổi lấy việc Hà Nội công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Chỉ sau khi nỗ lực đó thất bại, chính phủ Việt Nam mới khẳng định yêu sách lãnh thổ đối với cả hai quần đảo.
Năm 1988, chính Hà Nội đã gánh chịu thất bại ở Biển Đông, lần này là ở quần đảo Trường Sa. Hơn 60 binh sĩ Việt Nam thiệt mạng và 3 tàu hải quân bị đánh chìm trong trận chiến diễn ra gần Đá Gạc Ma.
Tại các cuộc đàm phán diễn ra sau đó, Trung Quốc cáo buộc Việt Nam không chỉ xâm chiếm trái phép các đảo ngay từ đầu, mà còn vô ơn với nước đã gửi viện trợ trong thời chiến, và không đáng tin cậy vì đã không giữ lời hứa.
Tại Việt Nam, giáo dục biển đảo là bắt buộc ở tất cả các cấp học, kể cả cấp mẫu giáo, vốn đã được phổ biến trong thập niên qua, tập trung vào việc dạy cho học sinh những gì chính quyền muốn các em biết. Phần nội dung bị bỏ qua là toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng liên tục kể từ trận chiến năm 1974.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tiếp tục nhấn mạnh yêu sách của mình ngay cả sau 50 năm. Nghị định năm 2020 quy định rằng việc xuất bản bất kỳ tài liệu in hoặc trực tuyến nào có bản đồ Việt Nam mà không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ bị phạt nặng. Hơn nữa, bất kỳ chủ thể nào vi phạm quy định này sẽ bị bêu tên công khai trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Chính quyền cũng khuyến khích ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp dù không thể bảo vệ cho họ. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã đánh chìm nhiều tàu Việt Nam và bắt giữ ngư dân ở vùng biển tranh chấp. Dù Hà Nội công khai lên án các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam, trên thực tế, vẫn chưa có nhiều động thái để bảo vệ các ngư dân.
André Menras là một nhà làm phim độc lập 80 tuổi, từng là giáo viên ở Việt Nam Cộng hoà trước khi Sài Gòn thất thủ. Do hoạt động phản chiến và ủng hộ Mặt trận Giải phóng Dân tộc, ông đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà trục xuất ngay trước Hiệp định Hòa bình Paris.
Năm 2011, cùng năm ông được chính thức nhập quốc tịch Việt Nam, Menras đã được cấp phép sản xuất bộ phim “Hoang Sa Vietnam: La Meurtrissure” (“Hoàng Sa Việt Nam: Mất mát đau đớn”) như một tác phẩm báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ phim nêu bật nhiều thách thức mà ngư dân Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa phải đối mặt do tàu quân sự Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2011, bộ phim bị cấm chiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù trước đó nó đã tuân thủ theo luật truyền thông Việt Nam. Theo Menras, bộ phim kể về cảnh khốn khổ suốt bao năm qua của ngư dân Việt Nam đã bị chỉ trích là chưa thể hiện đủ tinh thần đảng và chưa khen ngợi đủ sự đóng góp của chính quyền.
Ngoài ra, việc chiếu phim cũng gặp phải thách thức ở Pháp. Địa điểm chiếu phim đã bị chính quyền thành phố Montpellier đóng cửa vào phút chót vào năm 2012. Lời giải thích từ nhà lãnh đạo thành phố là do “bộ phim đề cập đến bạo lực và xung đột giữa hai nền văn hóa.”
“Bộ phim của tôi không nhằm mục đích đạt được sự đồng thuận bởi thực tế là không có sự đồng thuận,” Menras viết trong email. “Có những bộ phim tài liệu chân thực, không có bất kỳ sự dàn dựng nào, và chúng mô tả sự bất công, áp bức, và nỗi đau mà những người bình thường phải trải qua. Chúng cũng vạch trần sự yếu đuối của những kẻ không bảo vệ họ. Vì vậy, bộ phim có thể vừa gây tổn thương vừa khiêu khích. Điều này đúng vì cả lý do chính trị và thương mại, vì chúng có thể khiến những người có quan hệ thương mại với Bắc Kinh khó chịu, lo sợ bị trả thù.”
Nhưng sự kiểm duyệt ở Việt Nam, Pháp, và các nơi khác trên thế giới sẽ không ngăn cản ông theo đuổi và phơi bày những sự thật phũ phàng ấy.
Menras nói “Tôi không sợ sự thật ở tuổi 20, thế thì tại sao tôi lại sợ chúng ở tuổi 80?”
Christelle Nguyen là nhà nghiên cứu phát triển ở Đông Nam Á, quan tâm về nghiên cứu chính trị Đông Á và ngoại giao công nghệ.