01/02/1884: Từ điển Oxford ra đời

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Oxford Dictionary debuts, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1884, phần (fascicle) đầu tiên của Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary, OED) – được đánh giá là từ điển tiếng Anh toàn diện và chính xác nhất – đã chính thức được xuất bản. Ngày nay, OED là nguồn tham khảo uy tín về ngữ nghĩa, cách phát âm, và lịch sử của hơn nửa triệu từ tiếng Anh, được dùng trong quá khứ và hiện tại.

Ý tưởng xây dựng OED bắt đầu vào năm 1857. Các thành viên của Hiệp hội Bác ngữ học London (London’s Philological Society) nhận thấy họ đang thiếu một từ điển tiếng Anh được cập nhật và không có lỗi, do đó họ quyết định tạo ra một tác phẩm đồ sộ, bao gồm tất cả từ vựng kể từ thời kỳ Anglo-Saxon (năm 1150 sau Công nguyên) đến thời hiện đại. Ban đầu, dự án được hình dung chỉ gồm 4 tập (volume), dày 6.400 trang và ước tính sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, người ta đã mất hơn 40 năm, và phần cuối cùng, phần thứ 125, đã được xuất bản vào tháng 4/1928. Dự án hoàn chỉnh bao gồm hơn 400.000 từ và cụm từ trong 10 tập sách, chính thức mang tên Từ điển tiếng Anh mới theo dòng lịch sử (A New English Dictionary on Historical Principles.)

Không giống như hầu hết các từ điển tiếng Anh, vốn chỉ liệt kê các nghĩa thông dụng hiện nay, OED cung cấp lịch sử chi tiết theo trình tự thời gian cho từng từ và cụm từ, với trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả sách văn học kinh điển và sách dạy nấu ăn. OED nổi tiếng với các đoạn tham chiếu chéo và giải thích từ nguyên rất dài. Động từ “set” là từ có nội dung dài nhất trong OED, với khoảng 60.000 từ và chi tiết hơn 430 cách sử dụng. Ngay sau khi hoàn thành, OED đã được các biên tập viên bắt đầu cập nhật. Một phần bổ sung với các từ mới và chỉnh sửa đã được xuất bản vào năm 1933, còn từ điển gốc được tái bản thành 12 tập với tên chính thức là Từ điển tiếng Anh Oxford.

Từ năm 1972 đến 1986, phiên bản bổ sung gồm 4 tập được cập nhật, bao gồm các thuật ngữ mới xuất hiện trong tiếng Anh, cùng với nhiều từ và cụm từ hơn từ các vùng như Bắc Mỹ, Australia, Caribe, New Zealand, Nam Phi, và Nam Á.

Năm 1984, Nhà xuất bản Đại học Oxford đã bắt đầu một dự án trị giá hàng triệu đô la kéo dài 5 năm để tạo ra phiên bản điện tử của OED. Cần đến 120 người chỉ để đánh máy các trang từ bản in và 50 người soát lỗi để kiểm tra công việc của nhóm đánh máy. Phiên bản trực tuyến của từ điển đi vào hoạt động từ năm 2000.

Với tổng cộng 20 tập, nặng hơn 62kg, người ta nói rằng sẽ mất 120 năm để một người có thể đánh máy tất cả 59 triệu từ trong OED.