Nguồn: Women’s rights activist Emma Goldman is arrested, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1916, Emma Goldman, một nhà đấu tranh cho quyền phụ nữ và công lý xã hội, đã bị bắt ở New York vì diễn thuyết và phân phát tài liệu về kiểm soát sinh sản. Bà bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Comstock năm 1873, vốn cấm phân phát dụng cụ và thông tin về kiểm soát sinh sản qua đường bưu điện hoặc vượt qua ranh giới tiểu bang. Bên cạnh việc ủng hộ quyền sinh sản của phụ nữ, Goldman, người sau đó bị kết tội và giam giữ, còn là người đi đầu trong nhiều phong trào và tư tưởng, bao gồm chủ nghĩa vô chính phủ, tự do ngôn luận, và vô thần. Được đặt biệt danh là “Emma Đỏ,” Goldman với những tư tưởng cấp tiến đã bị bắt nhiều lần vì các hoạt động xã hội của mình.
Goldman sinh năm 1869, trong một gia đình Do Thái nghèo khó ở Nga. Bà rời khỏi quê hương khi còn ở tuổi thiếu niên vào năm 1885 và đến Rochester, New York. Tại Mỹ, bà làm việc trong một nhà máy và tham gia phong trào lao động, phản đối điều kiện làm việc tồi tệ, ủng hộ công đoàn và ngày làm việc 8 giờ. Bà chịu ảnh hưởng bởi Bạo loạn Haymarket ở Chicago năm 1886, khi một cuộc biểu tình do công nhân vô chính phủ tổ chức biến thành một cuộc đối đầu bạo lực với cảnh sát. Những người vô chính phủ sau đó bị kết tội và bốn người đã bị treo cổ. Goldman sau đó chuyển đến New York, nơi bà tham gia phong trào vô chính phủ và có quan hệ tình cảm với người đồng hương, cũng là người ủng hộ vô chính phủ, Alexander Berkman. Năm 1892, Berkman cố gắng ám sát Henry Clay Frick, chủ sở hữu của Carnegie Steel, sau một cuộc đình công bạo lực của công nhân ở Homestead, Pennsylvania. Berkman bị tống vào tù, nhưng Goldman, được cho là cũng biết về kế hoạch ám sát, lại được trả tự do vì thiếu bằng chứng.
Tại New York, Goldman đã dành thời gian làm y tá và bà đỡ cho người nghèo. Trải nghiệm này thuyết phục bà rằng kiểm soát sinh sản là điều cần thiết để phụ nữ cải thiện cuộc sống và đạt được bình đẳng về kinh tế và giới tính. Goldman, một nhà văn, biên tập viên, và diễn giả tài năng, đã công khai nói về việc tránh thai và trở thành người cố vấn cho Margaret Sanger, nhà tiên phong về kiểm soát sinh sản, người thành lập tổ chức sau này sẽ trở thành Planned Parenthood. Năm 1916, Sanger mở phòng khám kiểm soát sinh sản đầu tiên của Mỹ ở Brooklyn, New York, nhưng đã bị các sĩ quan hành pháp đóng cửa chỉ sau 10 ngày. Sanger tiếp tục mở phòng khám hợp pháp đầu tiên ở Mỹ vào năm 1923. Năm 1936, trong bản sửa đổi của Đạo luật Comstock, các bác sĩ Mỹ đã được trao quyền kê đơn và phân phối dụng cụ tránh thai qua đường bưu điện và vượt qua ranh giới tiểu bang. Năm 1960, FDA cho phép bán thuốc tránh thai lần đầu tiên.
Ngoài việc ủng hộ quyền sinh sản của phụ nữ, Goldman còn là một nhà hoạt động chống chiến tranh. Năm 1917, bà từng bị bắt cùng với Berkman vì phản đối sự tham gia của Mỹ vào Thế chiến I và lệnh động viên quân sự. Hai người đã bị giam giữ hai năm và sau đó bị trục xuất về Nga. Goldman sống phần đời còn lại ở Nga, Châu Âu, và Canada, rồi qua đời tại Toronto vào năm 1940 ở tuổi 70. Bà được chôn cất tại Nghĩa trang German Waldheim, gần Chicago, nơi chôn cất thi hài của nhóm vô chính phủ Haymarket và những nhân vật chính trị cấp tiến khác.