Nguồn: Millions protest against the Iraq War in coordinated day of action, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2003, hàng triệu người dân ở khắp 600 thành phố trên toàn thế giới đã xuống đường phản đối cuộc xâm lược Iraq sắp xảy ra. Tại thành phố New York, khoảng 200.000 người đã tập trung trong thời tiết lạnh giá âm 40C để diễu hành đến tòa nhà Liên Hiệp Quốc, nơi mà chưa đầy hai tuần trước, Ngoại trưởng Colin Powell đã tuyên bố sai rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tại châu Âu, đám đông còn lớn hơn: Khoảng 3 triệu người đã biểu tình ở Rome và 750.000 người ở London. Những nhà tổ chức chống chiến tranh cho biết các cuộc biểu tình trên toàn thế giới cùng nhau tạo thành làn sóng biểu tình hòa bình lớn nhất kể từ những cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Vào thời điểm đó, một nhà phân tích của tờ New York Times đã nhận xét về các cuộc biểu tình: “Có lẽ vẫn còn hai siêu cường trên hành tinh: Mỹ và dư luận thế giới.” Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 19/03/2003, Chính quyền Bush chính thức đưa quân Mỹ vào Iraq, mở đầu cho gần một thập niên chiếm đóng.
Di sản của các cuộc biểu tình ngày 15/02 vẫn gây tranh cãi trong số những người tham gia. Nhà văn, nhà làm phim, và nhà hoạt động Tariq Ali, người từng phát biểu tại cuộc biểu tình ở London, đã bộc bạch sau 10 năm: “Sau khi không thể ngăn chặn chiến tranh, hầu hết mọi người không bao giờ ra ngoài nữa. Có một cảm giác thất vọng nhưng nó không dẫn đến đâu. Đó là một màn giận dữ lớn, nhưng chỉ có vậy thôi. Theo tôi, nó không để lại di sản lâu dài.”
Chiến tranh Iraq được cho là đã khiến mỗi người đóng thuế Mỹ tiêu tốn 8.000 đô la, tổng cộng lên tới hơn 2 nghìn tỷ đô la cho cả nước. Bộ Quốc phòng Mỹ công bố số người Mỹ tử vong trong cuộc chiến là 4.431. Còn số người Iraq thiệt mạng dao động theo từng nghiên cứu, trong đó một đánh giá năm 2013 cho thấy khoảng nửa triệu người đã chết do nguyên nhân liên quan đến chiến tranh trong thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq. Bên cạnh đó, hàng triệu người Iraq khác đã phải di dời.