Singapore ngăn chặn các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:, “Singapore cracks down on Chinese influence.” The Economist, 08/02/2024.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

“Cơn sốt lễ hội” là cách Trung tâm Văn hóa Trung Quốc Singapore mô tả tâm trạng cả nước trước Tết Nguyên đán vào ngày 10 tháng 2. Nhưng giữa những ngày Tết lại có một cơn sốt khác của chính phủ Singapore: làm thế nào để đối phó với các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này. Trong tháng 2, một đạo luật mới chống can thiệp từ bên ngoài đã lần đầu tiên được áp dụng với một người Singapore gốc Hồng Kông, Philip Chan.

Các chiến dịch mờ ám của Trung Quốc không phải là điều gì mới mẻ. Hồi năm 2018, Huang Jing, một học giả tại trường Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đã bị trục xuất khỏi nước này vì có quan hệ với bộ an ninh nhà nước của Trung Quốc. Và thông tin cũng như tuyên truyền sai lệch từ lâu đã tràn lan trên mạng xã hội Singapore. Có luật để điều chỉnh điều đó. Nhưng Đạo luật Can thiệp Nước ngoài, vốn được thông qua vào năm 2021 và được gọi là FICA, trao cho bộ trưởng nội vụ K. Shanmugam những quyền lực mới để điều tra các cá nhân bị nghi ngờ tham gia vào các chiến dịch thông tin của một quốc gia thù địch. Dựa trên luật này, chính phủ tuyên bố Philip Chan “đã tỏ ra dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân nước ngoài và sẵn sàng thúc đẩy lợi ích của họ.”

Ông Chan là một nhà đầu tư bất động sản có chân ở cả Singapore và Hồng Kông. Ông luôn xuất hiện trong những bức ảnh chụp quan chức đến thăm các hiệp hội doanh nghiệp. Việc này không có gì xấu, cũng như việc ông hát song ca với một bộ trưởng Singapore tại sự kiện từ thiện, như người ta thấy ông thường làm.

Tuy nhiên, ông Chan là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông dường như đã đi quá giới hạn khi đề quá cao lợi ích của Trung Quốc. Năm ngoái, tại Bắc Kinh, ông tuyên bố cộng đồng người Hoa hải ngoại có nghĩa vụ “kể câu chuyện của Trung Quốc thật hay.” Ông nói thêm rằng “nếu bạn muốn có tương lai, bạn phải sát cánh cùng đất nước đại diện cho tương lai.” Những thông điệp tương tự cũng xuất hiện trong nhiều bài viết khác nhau của ông Chan trên Liên hợp Tảo báo, nhật báo tiếng Trung của Singapore.

Không có gì ngạc nhiên khi hành động của Chan khiến ông Shanmugam và các đồng nghiệp của ông khó chịu. Họ không hài lòng khi thấy quốc gia nhỏ bé nhưng thịnh vượng của mình phải tuân theo ý muốn của bá chủ trong khu vực. Tuy nhiên, Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã chỉ thị cho Đảng Cộng sản tuyển mộ công dân gốc Hoa từ các nước khác nhằm xây dựng sự ủng hộ quốc tế và ngăn chặn các kẻ thù chính trị. Vào năm 2018, văn phòng phụ trách người Hoa hải ngoại đã được sáp nhập vào Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương, cơ quan cũng giám sát Chính Hiệp. Ở Đông Nam Á, các đại sứ quán Trung Quốc và cơ quan an ninh nhà nước thường tiếp cận với các doanh nhân người Hoa, các bang hội của các dòng họ, và các tổ chức cơ sở. Cách tiếp cận của ông Tập coi huyết thống cao hơn quyền công dân: cho dù tổ tiên của họ đã rời Trung Quốc bao lâu, họ vẫn được coi là có nghĩa vụ với quê hương.

Lằn ranh nhập nhằng giữa nhà nước Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, và dân tộc Trung Quốc chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về lòng trung thành và bản sắc của hàng chục triệu công dân gốc Hoa ở các nước Đông Nam Á. Điều này gây ra những lo ngại đặc biệt nghiêm trọng ở Singapore. Đây là nước duy nhất ở khu vực có đa số người Hoa sinh sống, còn người Mã Lai, người Ấn, và những dân tộc khác chỉ là thiểu số. Singapore là nước hiếm hoi được thành lập dựa trên nguyên tắc đa chủng tộc. Bản sắc chủng tộc được tôn vinh nhưng nhà nước đòi hỏi và quản lý sự hòa hợp giữa các sắc tộc.

Sự can thiệp của Trung Quốc, theo như cách nhìn nhận của đảng cầm quyền Singapore, đe doạ nền móng của Singapore vì nó thách thức nền tảng đa chủng tộc đó. Do vậy, không ngạc nhiên khi Trung tâm Văn hóa Trung Quốc Singapore, nơi có vô số triển lãm tương tác, nhấn mạnh cả khía cạnh địa phương độc đáo của văn hóa Trung Quốc lẫn tầm quan trọng hàng đầu của lòng trung thành với Singapore. Nó được thành lập vào năm 2017 sau khi đại sứ quán Trung Quốc tài trợ cho một trung tâm văn hóa của riêng họ.

Song vẫn có nhiều câu hỏi đặt ra về cách tiếp cận của chính phủ đối với ông Chan, theo Ian Chong thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng đối với ông ta? Hay mục đích là khiến mọi người tránh xa việc giao dịch với Chan (ông đã từ chức khỏi một số chức vụ trong các hiệp hội)? Hay theo cách nói của người Trung Quốc, ông chỉ là một ca “giết gà dọa khỉ” – tức dọa những nhân vật quan trọng hơn đang muốn có quan hệ mờ ám với Trung Quốc? Các doanh nhân Singapore có ảnh hưởng hơn ông Chan đều là thành viên của Chính Hiệp, nhưng chưa ai có dấu hiệu họ sẽ bị xử lý theo đạo luật FICA. Tuy vậy, Singapore đến nay vẫn chưa nêu tên Trung Quốc là quốc gia liên quan trong trường hợp của ông Chan. Trung Quốc luôn có cách khiến mọi người phải e ngại.