Truyền thông phương Tây đang hiểu sai về Đài Loan?

Nguồn: Clarissa Wei, “What the Western Media Gets Wrong About Taiwan,” Foreign Policy, 21/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các nhà báo đổ xô đưa tin về cuộc sống bên trong một điểm nóng địa chính trị thường sẽ bóp méo sự thật trên thực địa.

Tháng 9/2022, tôi đang làm nhân viên điều phối (fixer) ở Đài Bắc cho một chuyên mục tin tức của Mỹ về căng thẳng giữa hai bờ Eo biển Đài Loan, xử lý các công việc hậu cần địa phương cho một nhà sản xuất và một nhân viên quay phim người nước ngoài. Nhân viên điều phối là những cá nhân làm việc tự do, với vai trò ở đâu đó giữa nhà báo và hướng dẫn viên du lịch – nghĩa là họ có thể làm mọi thứ, từ sắp xếp lịch phỏng vấn, phiên dịch, đến đặt phòng khách sạn. Một đêm nọ, chúng tôi đến một buổi tụ họp của các phát thanh viên nghiệp dư tổ chức trong công viên và đã gặp một nhóm người hâm mộ phát thanh lập dị. Một người đàn ông vùi đầu trong mớ thiết bị rối rắm ở phía sau xe tải của mình, tay liên tục gõ mã Morse; một người khác loay hoay với chiếc ăng-ten trong lúc đi vòng quanh công viên, cố gắng bắt tín hiệu. Nhà sản xuất nói với tôi rằng nhóm này đang học cách vận hành đài phát thanh trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.

“Tại sao anh lại làm điều này?” Tôi hỏi một người, mong đợi câu trả lời về tầm quan trọng của phòng thủ dân sự.

“Bởi vì với radio, chúng ta có thể liên lạc với bất kỳ ai trên thế giới,” anh ấy đáp.

“Còn việc liên lạc với người dân ở Trung Quốc thì sao?”

“Cũng được thôi, nếu họ bắt trúng đài,” anh nhún vai.

Tôi nhanh chóng nhận ra rằng hầu hết những người này đều không có mặt ở công viên vì căng thẳng giữa hai bờ eo biển. Dù đúng là có một phần nhỏ quan tâm đến phòng thủ dân sự, nhưng phần lớn chỉ là những người mê đài thích tụ tập với nhau.” Chúng tôi thất vọng rời đi, và chỉ một vài khung hình từ đêm đó được đưa vào đoạn phim cuối cùng.

Trong những năm gần đây, khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan lên đến đỉnh điểm lịch sử, các nhà báo nước ngoài đã đổ xô đến Đài Loan để ghi lại cuộc sống bên trong một điểm nóng địa chính trị. Hồi tháng 1, hơn 200 nhà báo từ 28 quốc gia đã đến hòn đảo để đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Tuy nhiên, nhiều trong số những nhà báo đến thăm ngắn hạn này đã bóp méo sự thật. Họ mô tả hòn đảo như trọng tâm trong một vở kịch mà họ đã định sẵn từ trước, thường thổi phồng căng thẳng, và đặt những câu hỏi mang tính định hướng để dễ đạt cao trào hơn. Và những nhân viên điều phối sẽ đảm nhận vai trò người dựng phông nền, phụ trách cung cấp bối cảnh cho những kịch bản đã được viết sẵn.

Bởi vì Đài Loan thường bị xem là điểm bùng phát của một cuộc chiến tranh thế giới tiềm tàng, nên hầu hết các nhà sản xuất chương trình truyền hình đều muốn tiếp cận các trường bắn, hầm tránh bom, hoặc căn cứ quân sự. Nhiều người bay đến các hòn đảo xa xôi như Kim Môn hoặc Mã Tổ, tìm cách nhảy lên một chiếc thuyền để có thể thoáng nhìn thấy bờ biển Trung Quốc.

Jesse, một nhân viên điều phối kỳ cựu người Đài Loan, cho biết: “Nó giống như việc gọi món từ thực đơn – họ thấy điều gì đó mà ai đó đã đưa tin từ trước, và muốn thứ tương tự.” (Tên của Jesse đã được thay đổi do lo ngại về những tác động có thể xảy ra đối với các quan hệ nghề nghiệp của ông.)

Tina Liu, một nhà báo Đài Loan, người vừa nhận công việc điều phối đầu tiên của mình với một hãng thông tấn của Ý trong năm nay, chia sẻ: “Bạn xem tin tức và thấy các cảnh quay về máy bay chiến đấu, dường như tình hình ở Đài Loan đang rất căng thẳng. Nhưng sự thật thì không phải vậy. Và dù không phải vậy, mọi người vẫn cứ theo đuổi bầu không khí căng thẳng đó.”

Tôi đã từng làm nhân viên điều phối cho các hãng tin của Mỹ, Australia, và châu Âu, và nhiều khách hàng của tôi rất ngạc nhiên khi họ nhận ra rằng tình hình không khốc liệt như họ mong đợi: súng chỉ là súng hơi, hầm tránh bom chỉ là bãi đậu xe, và tầm nhìn ra bờ biển Trung Quốc lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo. Ngoài ra, những cử tri bình thường của Đài Loan sẽ không nghĩ về Trung Quốc mỗi ngày. Điều đó khiến cho các bài phỏng vấn vỉa hè (vox pop) trở nên cực kỳ nhạt nhẽo. Dù có rất nhiều xung đột giữa các chính phủ dưới hình thức lệnh cấm thương mại, xâm nhập không phận, và các chiến dịch thông tin sai lệch, nhưng cuộc sống hàng ngày ở Đài Loan vẫn bình thường đến kinh ngạc.

Tuy nhiên, sự bình thường không tạo nên những chương trình truyền hình hay. Vì vậy, tôi được giao nhiệm vụ tạo ra những đoạn phim đầy cảnh hành động, điều tôi thường phải phản đối. Tám nhân viên điều phối khác ở Đài Loan đã trò chuyện cùng tôi cũng cho biết đôi khi họ bị ép phải tạo ra những cảnh không phù hợp, không phản ánh sự thật, thậm chí là giật gân.

Adrien Simorre, một nhân viên điều phối ở Đài Bắc, chia sẻ: “Tôi đã gặp rất nhiều tình huống mà mọi người chỉ đơn giản là không tôn trọng chuyên môn của nhân viên điều phối.”

Simorre là một trong hàng chục nhân viên điều phối và cộng tác viên địa phương đã đưa ra một tuyên bố chung về động lực độc hại giữa những nhóm điều phối và các nhà báo đến Đài Loan sau cuộc bầu cử vào tháng 1. Họ nói về mức lương thấp, thiếu tín nhiệm, và rộng hơn là thiếu tôn trọng. Sự bất bình của các nhân viên điều phối không phải chỉ có ở Đài Loan, nhưng vấn đề các nhà báo nước ngoài “áp đặt quan điểm và cách kể chuyện của riêng họ” là đặc biệt nghiêm trọng trên hòn đảo này.

Nhiều nhân viên điều phối đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về các nhà sản xuất nước ngoài bơi trong vùng nước “nguy hiểm” ở Kim Môn, một hòn đảo nằm gần bờ biển Trung Quốc, để tạo sự kịch tính; yêu cầu quay phim các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc từ Đài Loan (vốn là điều không thể về mặt hậu cần); và trở nên thất vọng khi các cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đường phố không thu được phản ứng mạnh mẽ về Trung Quốc. (Không ai trong số những nhân viên điều phối mà tôi đã nói chuyện muốn nêu tên khách hàng của họ vì sợ mất việc.)

Alicia Chen, một nhà báo tự do người Đài Loan, người đã lên tiếng trên X (trước đây là Twitter) về sự thiếu tôn trọng, thiếu tín nhiệm, và giao tiếp kém của một phóng viên đến thăm Đài Loan, cho biết: “Tôi đã nghe nói về việc các nhà báo thúc ép người được phỏng vấn trả lời một số câu hỏi nhất định về quan hệ Trung-Đài. Và nếu người được phỏng vấn không muốn bình luận, họ sẽ tiếp tục lặp lại hoặc diễn đạt lại câu hỏi cho đến khi người được phỏng vấn nói ra những lời họ muốn nghe.”

Boan Wang, một nhà làm phim tài liệu, cho biết vào mùa xuân năm 2023, một khách hàng châu Âu của ông yêu cầu đi phà từ Kim Môn đến thành phố Hạ Môn của Trung Quốc. Wang nói với họ rằng vé phà chỉ dành cho công dân Đài Loan và vợ/chồng người Trung Quốc của họ. “Họ hỏi liệu tôi có thể nói chuyện với thuyền trưởng để cho họ lên tàu không – về cơ bản là yêu cầu tôi đưa lậu họ qua biên giới quốc tế,” ông nói. “Làm như vậy mà được à? Các anh có làm thế ở nước mình không?”

Một trong những yêu cầu mà tôi hay nhận được nhất là liệu tôi có thể giúp phóng viên tiếp cận trường bắn súng nơi dân thường đang học cách tự vệ hay không. Vấn đề là những người đam mê súng ống chỉ là một nhóm thiểu số. Ở Đài Loan, dùng súng là bất hợp pháp, nên trong trường hợp xảy ra chiến tranh thực sự, thường dân Đài Loan sẽ không có quyền sử dụng súng. Những cảnh xuất hiện trên truyền hình chỉ là những cảnh bắn súng hơi giải trí hoặc cảnh những đứa trẻ chạy quanh một tòa nhà bỏ hoang với súng đồ chơi.

Thay vào đó, các chương trình phòng thủ dân sự phổ biến nhất ở hòn đảo diễn ra trong các lớp học, do một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Học viện Kuma tổ chức. Các khóa học này chủ yếu tập trung vào việc xác định thông tin sai lệch, học cách sơ cứu, và thực hành diễn tập sơ tán – những cách thiết thực để người dân bình thường chuẩn bị cho chiến tranh. Nhưng các cảnh quay những bài giảng này thường bị gạt sang một bên để giành chỗ cho các cảnh súng ống.

Việc theo đuổi tin tức giật gân thường sẽ lấn át một câu chuyện cân bằng. Cộng tác viên và nhiếp ảnh gia Annabelle Chih làm việc tại Đài Bắc cho biết nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã lầm tưởng rằng người Đài Loan có thể được chia gọn gàng thành hai phe: ủng hộ thống nhất và ủng hộ độc lập. Tuy nhiên, cả hai đảng chính trị lớn của hòn đảo – Đảng Dân Tiến (DPP) và Quốc Dân Đảng (KMT) – đều không tán thành tuyên bố độc lập, cũng không ủng hộ việc thống nhất. Dù họ có quan điểm rất khác nhau về Trung Quốc, cả hai đều chọn mơ hồ về mặt chiến lược. Đảng Dân Tiến giả định rằng Đài Loan đã độc lập, còn Quốc Dân Đảng có cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn và kiên quyết đối thoại hòa bình với Trung Quốc đại lục.

“Các nhà sản xuất thường sẽ hỏi tôi liệu họ có thể phỏng vấn Bạch Lang không,” Chih kể lại. Bạch Lang (hay Sói Trắng), tên thật là Trương An Lạc, là một tội phạm bị kết án và là thủ lĩnh băng đảng, người nổi tiếng thẳng thắn về mong muốn thống nhất Đài Loan với Trung Quốc. Dù ông là một nhân vật đáng chú ý, nhưng Chih cho rằng việc sử dụng ông làm đối trọng với quan điểm của DPP là sai lầm. “Tôi đã giải thích với họ rằng ông ấy không phải là người phù hợp để phỏng vấn,” cô nói. “Ông ấy thuộc nhóm thiểu số và gây khá nhiều tranh cãi.”

Không phải mọi trải nghiệm với truyền thông quốc tế đều tiêu cực. Chẳng hạn, nhiều khách hàng đã lắng nghe phản hồi của tôi và điều chỉnh góc độ câu chuyện của họ cho phù hợp. Chih cũng kể rằng một trong những khách hàng của cô cuối cùng cũng đã thay đổi suy nghĩ và hủy bỏ câu chuyện về Bạch Lang.

Tuy nhiên, nhu cầu về những cảnh quay kịch tính ở Đài Loan đã tăng cao khi các hãng truyền thông cạnh tranh để giành được những câu chuyện thu hút sự chú ý nhất. Jesse nói rằng, trước chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022, hầu hết các nhà báo làm việc với ông đều tiếp cận câu chuyện theo hướng đa sắc thái và sẽ mặc định dựa vào chuyên môn của ông về hòn đảo này. Thế rồi, chuyến thăm của Pelosi đã tạo ra một cơn cuồng phong trong giới truyền thông, vì nó khiến Bắc Kinh vô cùng khó chịu và khiến mọi người ngày càng quan tâm tới những câu chuyện liên quan đến Đài Loan – nhưng chỉ là khi chúng kể về một Bắc Kinh giận dữ và một hòn đảo đang bị đe dọa.

Năm nay, rất nhiều khách hàng của Jesse là phóng viên chiến trường – những người vừa rời Ukraine hoặc Israel, và đang tìm kiếm những câu chuyện hành động mới. Ông nói: “Một số người đã tỏ ra thất vọng khi nhận ra cuộc sống vẫn bình thường.”

Bằng cách lên tiếng, những nhân viên điều phối hy vọng có được một bức tranh chân thực và chính xác hơn về Đài Loan.

Liu nói thêm: “Tôi biết nhiều người đến đây vì quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc. Mọi người đều nói Đài Loan là Hong Kong tiếp theo hoặc Ukraine tiếp theo. Nhưng lịch sử của chúng tôi khác với những nơi đó.”

Clarissa Wei là nhà báo tự do người Mỹ gốc Đài Loan, hiện đang sinh sống ở Đài Bắc.