Nhìn lại vị thế quốc tế của Nga và Ukraine sau hai năm chiến tranh

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Văn Nghệ

Ngày 24/2/2022 Nga xua quân sang xâm chiếm lãnh thổ Ukraine. Đối với Nga thì đây chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng đối với đại đa số các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đây là một cuộc xâm lược.

Sau khi Nga xua quân sang xâm chiếm lãnh thổ của Ukraine, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về các báo cáo vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế của Nga. Do đó, ngày 7/4/2022, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Genève đã bỏ phiếu khai trừ Nga ra khỏi Hội đồng. Để làm được điều này cần có ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ. Kết quả bỏ phiếu vào ngày 7/4/2022 cho thấy có 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng, đủ để khai trừ Nga ra khỏi Hội đồng.

Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2021, nhiệm kỳ 2021-2023, và trở thành quốc gia đầu tiên bị loại kể từ quyết định đình chỉ thành viên với Libya năm 2011. Nga bị loại khỏi Hội đồng nhưng vẫn nuôi hy vọng sẽ có thể quay lại trong tương lai.

Ngày 10/10/2023, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp tại New York để bầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2024-2026. Theo đó, Nga đã thất bại trong nỗ lực giành lại chiếc ghế của mình khi kết quả bỏ phiếu kín cho thấy Nga chỉ giành được 83/193 phiếu (Bulgaria giành 160 phiếu và Albanie giành 123 phiếu).

Về phía Ukraine, mặc dù đất nước trong tình trạng chiến tranh nhưng Tổng thống Zelensky đã thực hiện một loạt các chuyến công du đến một số quốc gia để tìm sự ủng hộ dành cho Kyiv. Các bài phát biểu của ông luôn nhận được sự tán thưởng của cử tọa. Xin đơn cử một vài ví dụ.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tối 21/12/2022, Tổng thống Zelensky nói: “Tiền của các bạn không phải là tiền từ thiện” và “Đó là một khoản đầu tư vào an ninh và dân chủ toàn cầu”. Ông tuyên bố: “Ukraine giữ vững lập trường của mình và sẽ không bao giờ đầu hàng”.

Ngày 9/2/2023, Tổng thống Zelensky đã gặp gỡ 27 nhà lãnh đạo EU và có bài phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels. Ông đã cám ơn Nghị viện Châu Âu vì sự giúp đỡ mà Ukraine đã nhận được trong thời gian qua và nói với các nhà lập pháp Châu Âu: “Chúng tôi, những người Ukraine, cùng với các ngài, đang tự bảo vệ mình trên chiến trường […] trước thế lực chống Châu Âu lớn nhất thế giới hiện đại”.

Ngày 19/9/2023, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Zelensky kêu gọi đoàn kết chống lại sự xâm lược của Nga. Ông nói: “Vũ trang hóa phải bị hạn chế, tội ác chiến tranh phải bị trừng phạt, những người bị trục xuất phải được trở về nhà và những kẻ chiếm đóng phải quay về lãnh thổ của họ”. Đồng thời ông khẳng định Ukraine “đang làm mọi thứ” để bảo đảm sau này “không ai trên thế giới dám tấn công bất kỳ quốc gia nào”.

Ngày 16/1/2024, tại cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 tại Davos, Tổng thống Zelensky kêu gọi phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và tăng cường hỗ trợ cho Kyiv để bảo đảm rằng Điện Kremlin sẽ không thành công trong cuộc chiến.

Tại Diễn đàn này, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg phát biểu: Những hỗ trợ cho Ukraine không phải là từ thiện mà là đầu tư vào an ninh của chính liên minh. Ông khẳng định: “Chúng ta chỉ cần đứng về phía Ukraine. Ở một giai đoạn nào đó, Nga sẽ hiểu rằng họ đang phải trả giá quá cao và ngồi xuống và đồng ý về một nền hòa bình công bằng nào đó – nhưng chúng ta cần sát cánh cùng Ukraine”.

Tổng thống Putin thì hoàn toàn ngược lại với Tổng thống Zelensky, ông rất hạn chế việc đi lại. Ông không dám đặt chân đến quốc gia nào là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Tháng 3/2023, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin và cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.

Tháng 8/2023, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã mời Tổng thống Putin đến Johannesburg dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, nhưng ông Putin đã  chối từ. Kế đến ông cũng không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào ngày 9-10/9/2023 và đã cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov đi thay. Ông cũng không đến dự cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 54 tại Davos.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tham dự cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Bắc Macedonia ngày 30/11/2023, nhưng khi phát biểu đã có nhiều quan chức bỏ ra ngoài.

Trong cuộc họp báo thường niên cuối năm vào ngày 14/12/2023, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ giành chiến thắng trong Chiến dịch quân sự đặc biệt và hiện không cần phải có làn sóng huy động tân binh lần thứ hai. Tổng thống Putin khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi chắc chắn rằng, chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta”.

Có người đặt câu hỏi với Tổng thống Putin: “Khi nào chúng ta sẽ có hòa bình?”. Ông trả lời: “sẽ có hòa bình khi chúng ta đạt mục tiêu. Mục tiêu của chúng ta không thay đổi. Đó là phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và bảo đảm tình trạng trung lập của Ukraine”.

Tuy nhiên, nếu Putin không tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế thì Ukraine sẽ không bao giờ có hòa bình!