Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh ‘chiến tranh chính trị’ hậu bầu cử tại Đài Loan?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Craig Singleton, “Beijing’s Post-Election Plan for Taiwan,” Foreign Policy, 27/02/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng cường chiến tranh chính trị.

Thoạt nhìn, kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan vào tháng trước trông giống như một sự phản đối rõ ràng đối với chương trình nghị sự thống nhất mang tính cưỡng bức của Trung Quốc. Bất chấp việc Bắc Kinh không ngừng gọi Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền ở Đài Loan là “kẻ ly khai,” cử tri hòn đảo đã kéo dài thời gian nắm quyền của DPP thêm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp, chưa từng có tiền lệ. Các tờ báo quốc tế hả hê nói rằng cuộc bầu cử là một “bước lùi” lớn đối với Trung Quốc, bên đã cảnh báo rằng việc bỏ phiếu cho DPP tương đương với việc bỏ phiếu cho chiến tranh với đại lục. Một số phương tiện truyền thông thậm chí còn coi chiến thắng của DPP là một hành động thách thức của người dân Đài Loan, bác bỏ khẳng định của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu đầu năm mới gần đây, rằng việc thống nhất Trung Quốc và Đài Loan là “không thể tránh khỏi.”

Nhưng hậu quả chính trị sau cuộc bầu cử ở Đài Loan còn phức tạp hơn thế. Khi đào sâu hơn, chúng ta sẽ thấy rằng kết quả bầu cử rạn nứt ở Đài Loan báo trước sự chia rẽ chính trị mà Trung Quốc sẽ lợi dụng. Nó cũng gợi ý rằng sự can thiệp trước bầu cử của Bắc Kinh có lẽ đã thực sự thành công trong việc thúc đẩy chiến lược hai hướng của Tập: vừa làm suy yếu sự ủng hộ của người dân đối với DPP, vừa gieo rắc bất hòa xã hội nhằm giảm bớt sự phản kháng đối với lời kêu gọi thống nhất Trung Quốc.

Đầu tiên, dù ứng viên tổng thống của DPP, William Lại Thanh Đức, đã giành chiến thắng một cách dứt khoát, nhưng nó không phải là một chiến thắng áp đảo vì ông chỉ giành được 40% phiếu bầu trong cuộc đua ba bên. Hai ứng viên đối lập, đại diện cho Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), đã giành được 60% số phiếu bầu còn lại. Bỏ qua những khác biệt nhỏ, cả hai đảng đối lập đều đã tách biệt mình với DPP bằng cách cam kết ổn định quan hệ xuyên eo biển thông qua đối thoại với đại lục, một viễn cảnh mà Trung Quốc tuyên bố là không thể xảy ra với chính quyền do DPP lãnh đạo.

Bắc Kinh chắc chắn đã lưu ý đến những khác biệt này. Theo các phân tích từ Mandiant, Numbers Protocol, Doublethink Lab, và nhiều công ty an ninh mạng khác, trước thềm bầu cử, các nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc phổ biến ở Đài Loan, như TikTok, đã tăng cường các nội dung miêu tả các ứng viên đối lập và đảng của họ một cách tích cực. Các nền tảng này cũng đồng thời tung ra một loạt thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ Lại và DPP, bao gồm cả những tuyên bố sai sự thật rằng DPP đã hợp tác với Washington để chế tạo vũ khí sinh học – gợi nhớ đến tuyên truyền của Moscow chống lại Ukraine. Trong các trường hợp khác, các trang trại máy tính ma (bot farms) Trung Quốc đã thiết lập các trang tin mạo danh các trang web tin tức chính thống của Đài Loan, và bắt đầu lan truyền các clip phát sóng phù hợp với các câu chuyện thống nhất được Trung Quốc chấp nhận.

Đánh giá tác động của thông tin sai lệch tới các cuộc bầu cử là vô cùng khó – không chỉ ở Đài Loan. Nhưng rõ ràng, các chiến dịch của Trung Quốc đã nuôi dưỡng sự hoài nghi đối với Lại và chương trình nghị sự của ông. Lại vẫn thắng, nhưng tỷ lệ phiếu bầu của ông kém xa so với tổng thống sắp mãn nhiệm Thái Anh Văn, người đứng đầu chính quyền mà Lại đang giữ chức phó tổng thống. Sau khi kiểm toàn bộ phiếu, kết quả của Lại thấp hơn 17 điểm so với chiến thắng của Thái vào năm 2020 và thấp hơn 16 điểm so với chiến thắng của bà vào năm 2016, khi bà đánh bại ứng viên KMT Hàn Quốc Du và đối thủ bên thứ ba James Tống Sở Du.

Đối với Bắc Kinh, điều quan trọng hơn là tầm ảnh hưởng kém của Lại, khi chiến thắng ghế tổng thống của ông không mang lại thành công cho DPP trong cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức cùng ngày. Đảng DPP đã mất đa số ở Lập pháp viện (mất 10 ghế), trong khi KMT và TPP lần lượt giành thêm 14 và 3 ghế. Giờ đây, Quốc Dân Đảng đang kiểm soát quốc hội Đài Loan, và Hàn Quốc Du – người bị bà Thái đánh bại một cách nhục nhã tám năm trước – được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Thực tế mới này báo hiệu những cuộc nội chiến khốc liệt xoay quanh chương trình nghị sự chính trị của Lại, đặc biệt là các ưu tiên quốc phòng và các chính sách khác nhằm ngăn ngừa sự hung hăng của Trung Quốc. Đây là một kết quả mà Bắc Kinh có thể hoan nghênh.

Trên thực tế, điều này có thể gây rắc rối cho kế hoạch của Lại nhằm duy trì một số sáng kiến từ thời Thái, bao gồm chương trình tàu ngầm nội địa của Đài Loan và kế hoạch gia hạn nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên một năm – một động thái mà KMT đã vận động phản đối. Lo lắng về việc khiêu khích Bắc Kinh, các nhà lập pháp đối lập cũng có thể sử dụng các chiến thuật cản trở để làm phức tạp thêm một mục tiêu đã nêu khác của Lại, là tăng cường quan hệ quốc phòng, ngoại giao, và thương mại với Washington. Trong bối cảnh bất đồng về chính sách an ninh, khả năng Đài Loan đảm bảo một hệ thống phòng thủ thống nhất chống lại các mối đe dọa bên ngoài có thể suy yếu, khiến hòn đảo này trở nên dễ bị tổn thương trước sự ép buộc của Bắc Kinh và thiếu sự chuẩn bị để đẩy lùi một cuộc xâm lược, phong tỏa, hoặc hành động thù địch khác.

Trung Quốc đã nhanh chóng có phản ứng công khai đối với cuộc bầu cử, nhưng nó gần như không thể hiện hình ảnh một quốc gia bực bội trước thất bại do cử tri Đài Loan gây ra. Ngược lại, luận điệu của Bắc Kinh giống như của một kẻ chiến thắng. Tận dụng sự rạn nứt, Trung Quốc tuyên bố Lại và DPP đã xa rời “dư luận chính thống ở Đài Loan.” Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng kết quả này không làm thay đổi bản chất hoặc quỹ đạo cơ bản của quan hệ xuyên eo biển, nghĩa là Bắc Kinh coi những thành quả của phe đối lập là sự xác nhận cho quan điểm của họ rằng người dân Đài Loan vẫn cởi mở đối với đối thoại thống nhất. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã không ra lệnh tập trận quân sự mới xung quanh Đài Loan kể từ cuộc bầu cử, có thể là do các cuộc diễn tập kéo dài nhiều tháng của họ đã đạt được mục đích dự định, là làm suy yếu sự ủng hộ của người dân dành cho DPP.

Trên hết, phản ứng của Tập là nổi bật nhất. Hai ngày sau chiến thắng của Lại, tạp chí tin tức và cơ quan lý luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Cầu Thị (Qiushi), đã đăng bài phát biểu của Tập gửi đến giới tinh hoa của đảng xoay quanh vấn đề Đài Loan. Trong đó, Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phát triển và củng cố các lực lượng yêu nước, thống nhất ở Đài Loan,” ám chỉ các đảng phái, chính trị gia, và các thành phần dân chúng phản đối DPP. Ông cũng ủng hộ Mặt trận Thống nhất – cơ quan của ĐCSTQ chuyên trách các hoạt động chiến tranh chính trị và thông tin sai lệch ở tầm quốc tế – trong việc tích cực chống lại “các hành động ly khai nhằm giành độc lập cho Đài Loan.” Trong quan điểm của Bắc Kinh, chủ nghĩa ly khai là bất cứ hành động nào của Đài Loan nhằm duy trì quan hệ quốc tế và né tránh các chiến thuật cưỡng bức của Bắc Kinh – nó không nhất thiết phải là một tuyên bố độc lập chính thức, vốn là điều mà Lại đã nhiều lần bác bỏ.

Bản thân những nhận xét của Tập chẳng có gì mới mẻ. Điều quan trọng là bài phát biểu của ông không phải để đáp lại cuộc bầu cử Đài Loan, mà đã xuất hiện từ 18 tháng trước – chính xác hơn là một tuần trước khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là Nancy Pelosi tới Đài Loan để gặp Thái Anh Văn, chuyến đi đã châm ngòi cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm kích động lo ngại về xâm lược và hạ thấp tính chính danh của DPP.

Nói cách khác, đây không phải là những suy nghĩ của Tập sau bầu cử Đài Loan. Đó là mệnh lệnh trước bầu cử của ông, dành cho các chiến binh mạng và “bộ binh tuyên truyền” của ĐCSTQ. Dù Bắc Kinh đã không thể đảm bảo sự thất bại hoàn toàn của DPP, nhưng việc công bố bài phát biểu của Tập vào thời điểm chiến lược này dường như nhằm mục đích xác thực cách tiếp cận của ông – một phương pháp kết hợp giữa thông tin sai lệch, cưỡng bức kinh tế, và đe dọa tập trận quân sự – nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự thống nhất Trung Quốc. Việc giải mật bài phát biểu cũng nhấn mạnh ý định của Tập về việc duy trì những gì ông xem là một chiến lược chiến tranh chính trị sẽ dẫn đến chiến thắng, với mục tiêu làm suy yếu hơn nữa sự ủng hộ của người dân đối với DPP và củng cố sự đoàn kết của phe đối lập.

Nhưng các diễn biến tiếp theo sẽ thế nào?

Đầu tiên, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc nhằm đe dọa người dân Đài Loan có thể sẽ sớm được nối lại, với việc Bắc Kinh tăng cường tuần tra ngoài khơi quần đảo Kim Môn của Đài Loan. Về mặt chính trị, Bắc Kinh cũng có thể nhanh chóng hành động ở hậu trường để khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà lập pháp chống DPP, nhẹ nhàng yêu cầu họ ủng hộ các sáng kiến chung nhằm làm suy yếu chương trình nghị sự của Lại. Trước kỳ bầu cử địa phương vào năm 2026, Trung Quốc cũng có thể tiếp tục cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cho các ứng viên phe đối lập để quảng bá về một quan hệ xuyên eo biển chặt chẽ hơn, như những gì các công tố viên Đài Loan nhận thấy Bắc Kinh đã làm trước cuộc bầu cử tổng thống. Các hành động can thiệp này gần như chắc chắn sẽ xảy ra cùng lúc với những nỗ lực bí mật của Trung Quốc nhằm xác định, trau dồi, và cuối cùng ủng hộ một ứng viên có khả năng thách thức Lại vào năm 2028. Đây sẽ là một nhiệm vụ nặng nề dựa trên việc thúc đẩy sự thống nhất giữa KMT và TPP thông qua các cuộc đàm phán và chính trị hậu trường.

Song song với đó, Bắc Kinh có thể đưa ra một số ưu đãi, bao gồm cả tiếp cận thị trường, cho các doanh nghiệp Đài Loan ủng hộ quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc – với hy vọng thu hút cộng đồng doanh nghiệp bỏ rơi DPP. Trung Quốc cũng có thể đưa ra các ưu đãi kinh tế và cơ hội đầu tư mang lại lợi ích cho các khu vực hoặc ngành công nghiệp mà KMT và TPP có truyền thống đại diện, từ đó khuyến khích các nhóm này tiếp tục ủng hộ những chính sách phù hợp với lợi ích lâu dài của Bắc Kinh. Các biện pháp có thể bao gồm việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu các nông sản đến từ các vùng nông thôn vốn là thành trì của KMT trong lịch sử, cũng như đầu tư sản xuất mới vào các khu công nghiệp do đảng này kiểm soát.

Ngoài chính trị và kinh tế, Bắc Kinh sẽ sử dụng quyền kiểm soát đáng kể của mình đối với mạng xã hội để quảng bá các câu chuyện nêu bật lợi ích của quan hệ xuyên eo biển chặt chẽ hơn, nhưng tất nhiên là phải theo điều kiện của Tập Cận Bình. Trung Quốc cũng có thể tìm cách tái khởi động các hoạt động trao đổi dân gian đang bị trì trệ, nhằm tăng cường quan hệ giữa các khu vực và các nhóm được cho là đang lo lắng về chương trình nghị sự của DPP, từ đó đặt nền móng mở rộng cơ sở ủng hộ phe đối lập trong các chu kỳ bầu cử trong tương lai. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm giảm bớt vị thế quốc tế của Đài Loan, thể hiện qua việc họ thuyết phục Nauru ở Thái Bình Dương chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh chỉ hai ngày sau chiến thắng bầu cử của Lại. Mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh có thể là Tuvalu, khiến Đài Loan chỉ còn được 10 nước công nhận ngoại giao trên toàn thế giới.

Tóm lại, kết quả bầu cử ở Đài Loan không đánh dấu buổi bình minh của một triều đại DPP, cũng không báo hiệu hồi kết cho tham vọng thống nhất của Trung Quốc bằng bất cứ biện pháp cần thiết nào. Nhưng vị thế suy giảm của DPP cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng cường cuộc chiến chính trị mà họ đang tiến hành và giành chiến thắng, thay vì phát động một cuộc chiến vũ trang mà họ có thể thua. Và viễn cảnh đó có lẽ chẳng mang lại sự an ủi nào cho Đài Loan, nơi chiến trường đã chuyển dịch từ tên lửa sang các vấn đề chính trị, và nơi khả năng chống lại phá hoại chính trị vẫn là biện pháp phòng thủ tối thượng.

Craig Singleton là nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ và từng làm việc trong ngành ngoại giao Mỹ.